Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 9 năm 2021 | 3:57

Cải tạo vườn tạp gắn với XDNTM, Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống

Các địa phương, đoàn thể ở Hà Giang đang cụ thể hóa Nghị quyết số số 05-NQ/TU, ngày 1/12/2020 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang đã tập trung vận động, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên, nông dân.

 
111.jpg
Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy (người đầu tiên bên trái) và lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiểm tra mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Linh Hồ (Vị Xuyên).
 

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang Hoàng Hải Lý cho biết: Kinh tế vườn hộ những năm qua ở Hà Giang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Người dân vẫn để vườn tạp nhiều, thậm chí bỏ hoang. Một số địa phương như: TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê có diện tích vườn hộ lớn, bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi, song vườn chưa được quy hoạch, cơ cấu cây trồng nhiều loại, chưa hợp lý, tập quán canh tác theo truyền thống, năng suất thấp, sản phẩm chủ yếu chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị đơn vị canh tác và thu nhập để giảm nghèo cho người dân.

Do đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” là một trong trong ba khâu đột phá: Ngay sau đại Hội, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05 ngày 01/12/2020 về cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất trên chính mảnh vườn của mình; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó tăng dinh dưỡng, tăng giá trị, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn cho trên 6.500 hộ, tương ứng với hơn 6.500 vườn.

b.jpg
Mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình chị Nông Thị Xiêm (thôn Xuân Trường, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang), cho thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thanh Thảo

Nhiều mô hình hiệu quả

Gia đình anh Hoàng Văn Cao, thôn Nậm Đăm, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) là hộ cận nghèo được cấp ủy chính quyền địa phương và Hội Làm vườn tỉnh lựa chọn hỗ trợ cải tạo vườn tạp.

Anh Cao chia sẻ: “Nhà tôi có 2.000m2 vườn, 2 ao cá và khu chăn nuôi lợn, gà, vịt… nhưng chưa cho hiệu quả kinh tế cao. Được sự vận động của các cấp, ngành, gia đình mạnh dạn đăng ký cải tạo vườn tạp và được giúp đỡ về vẽ sơ đồ quy hoạch lại vườn, ao, chuồng; hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm ở các nơi khác và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để có thêm kiến thức tăng gia sản xuất”.

Đến nay, Vị Xuyên có gần 300 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, hàng trăm hộ đăng ký thực hiện trong thời gian tới. Các loại cây trồng được lựa chọn cải tạo vườn tạp gồm: thanh long ruột đỏ, hồng giòn, na, mít, ổi, trám lai, nhãn, rau đậu các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện. Suy nghĩ của người dân đã có nhiều thay đổi, từ chỗ đất bỏ hoang, trồng cây không hiệu quả, nay bà con biết quý trọng “tấc đất, tấc vàng”. Qua đó tăng hệ số sử dụng đất, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.

240950109_225776202850513_7256932666141375292_n.jpgNgười dân tập trung cải tạo lại diện tích vườn tạp nâng cao thu nhập, góp phần về đích nông thôn mới.

 

Gia đình ông Vàng Mí Hờ, thôn Há Súng, xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn) có mảnh vườn 1.200m2. Trước đây, cũng giống như các hộ khác trong thôn, gia đình ông chỉ biết trồng rau, màu, giá trị kinh tế thấp.

Ông Hờ cho biết, bà con trong thôn từ xưa đến nay chỉ biết trồng củ cải hoặc ngô. Ngô còn giúp tăng gia sản xuất, nhưng củ cải có khi vào đúng vụ, ăn không hết, lại bỏ cả vườn nhưng không ai muốn thay đổi để trồng cây khác. 

“Vừa qua, cán bộ xã, huyện đến vận động và giúp đỡ, tôi cải tạo lại vườn, kè đá, san mặt bằng, trồng cây ăn quả. Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp làm thủ tục vay vốn. Đến nay, nhiều hộ trong thôn dần thay đổi lối canh tác cũ, đăng ký cải tạo vườn. Ai nấy đều kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi này”, ông Hờ nói.

Cũng giống với gia đình ông Vàng Mí Hờ, gia đình ông Vàng Dũng Cấu có 1.200m² vườn. Trước đó, gia đình ông cũng chỉ trồng một số loại cây như: Củ cải, đậu răng ngựa, cải dầu… giá trị kinh tế thấp, lại không hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cho năng suất thấp. Được cấp ủy, chính quyền vận động, gia đình lựa chọn trồng mận Tam hoa, hiện cây sinh trưởng tốt.

images1439407_anh___lanh_dao_hoi_lam_vuon_tinh_trao_doi_voi_hoi_vien__le_hai_.jpg
Lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang trao đổi với hội viên tại vườn cây ăn quả ở xã Trung Thành (Vị Xuyên).
 

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang, phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn có giá trị kinh tế là chủ trương lớn, trong đó nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế vườn là nội dung cốt lõi của phong trào “Thi đua làm vườn giỏi” hàng năm do Hội phát động.

Đây cũng là tiêu chí quan trọng mang tính bền vững để nâng cao thu nhập trong XDNTM được cán bộ, hội viên hưởng ứng. Cụ thể hóa Nghị quyết số 05 bằng các kế hoạch, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, Hội đã phối hợp với khuyến nông, các đoàn thể hỗ trợ hội viên cải tạo, chuyển đổi vườn hộ, vườn tạp theo mô hình VAC.

Năm nay, Hội Làm vườn các huyện, thành phố mỗi đơn vị đã vận động được từ 20 hộ hội viên trở lên cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn. Trong đó có 10 hộ ở 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn đã cải tạo vườn bằng xếp đá đổ đất trồng cây.

a3-hội-làm-vườn-tỉnh-hướng-dẫn-hộ-anh-hoàng-văn.jpgHội Làm vườn tỉnh Hà Giang hướng dẫn hộ anh Hoàng Văn Cao, thôn Nậm Đăm, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) cải tạo vườn tạp. Ảnh: Lê Hải

 

Thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền hội viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Hội Làm vườn Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho hội viên, tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận vốn vay đầu tư cải tạo vườn theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Chia sẻ về cách triển khai Nghị quyết 05 của Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Để làm tốt điều này, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. không phô trương, hình thức để bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sâu sát việc triển khai tại cơ sở với phương châm đến từng nhà, vào từng vườn để cùng làm với nhân dân.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top