Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 2021 | 16:3

Nông dân sáng tạo “thương hiệu cá nhân” tiêu thụ nông sản qua sàn trực tuyến

Những người nông dân chỉ quen với việc nhà nông đã mở bán hàng qua livestream và tự xây dựng “thương hiệu cá nhân” trên sàn thương mại điện tử, tạo kênh bán hàng rất hiệu quả. Đó là những cách làm sáng tạo tiêu thụ nông sản trong dịch COVID-19.

antd-vn-nong-san-2122.jpg
Thêm nhiều loại nông sản được bán tại sàn TMĐT.

 

Nông dân livestream bán hàng

Chị Đỗ Thị Vân và em Hà Quang Thành, nông dân trồng vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đã có lần đầu được trải nghiệm công nghệ livestream bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo vào ngày 6/6 vừa qua.

Trong buổi livestream, hai “nông dân trẻ” đã dẫn dắt hàng chục ngàn người xem đi tham quan vườn trồng vải thiều Lục Ngạn của gia đình. Buổi livestream 40 phút đưa người xem tham quan vườn trồng vải của gia đình chị Đỗ Thị Vân, thu hút khoảng 20.000 người xem và đã tiêu thụ 8 tấn vải thiều.

Từ ngày 21, nông dân Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La cũng vừa đồng loạt đưa nông sản đặc sản địa phương lên bán trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là lần tiên phong nông dân tập xây dựng "Thương hiệu cá nhân" để bán hàng nông sản trên chợ mạng.

Trong chương trình, bà con nông dân các hợp tác xã sẽ được Sendo kết nối để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không cần thông qua thương lái hoặc siêu thị phân phối.

Điểm mới này tạo ra cơ hội mới để bà con nông dân tự xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từ đó chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến.

Cụ thể hơn, dưới sự hướng dẫn của các nhân viên sàn TMĐT, tất cả sản phẩm trong chương trình sẽ được mang thương hiệu riêng của bà con và được chính bà con đứng ra giới thiệu đến khách hàng.

Từ ngày 21 đến 26/6, lần lượt nông dân các tỉnh sẽ xuất hiện trên ứng dụng di động và trang Facebook của Sendo để livestream trực tuyến chốt đơn nông sản do tự tay mình trồng được.

Chưa hết, từng bao bì sản phẩm khi đến tay người mua hàng tại các tỉnh thành sẽ được đóng dấu thương hiệu và hình ảnh của chính người nông dân. Đây là cách làm thương hiệu đa kênh độc đáo được áp dụng vào nông nghiệp số.

 

photo-1-16242475566371708738648.jpg

Anh Trần Văn Tiến, xã Tân Thành, tỉnh Vĩnh Long - một trong những nông dân tham gia chương trình.

 

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch sàn TMĐT Sendo giải thích thêm: "Thương hiệu cá nhân gần đây đã trở thành một kênh bán hàng trực tuyến có hiệu quả cao. Vì vậy, việc tạo điều kiện để bà con nông dân đứng ra làm đại diện cho chính sản phẩm mình trồng được sẽ vừa giúp bà con bán được nhiều hàng hơn, vừa tạo cơ hội để bà con kết nối với người mua, từ đó kinh doanh lâu dài trên Sendo".

Đây là sự nối tiếp từ thành công của chương trình Chung tay hỗ trợ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang diễn ra trên Sendo hồi đầu tháng 6. Trong chương trình đó, Sendo đã giúp nông dân Bắc Giang tiêu thụ hơn 130 tấn vải thiều bằng cách vận dụng hiệu quả công nghệ livestream trực tuyến.

Đối với chương trình lần này, bên cạnh vải thiều Lục Ngạn, Sendo sẽ giới thiệu 4 sản phẩm đặc sản nữa bao gồm vải Hải Dương, bơ Đắk Lắk, mận hậu Sơn La và khoai tím Vĩnh Long đến với người tiêu dùng các tỉnh thành.

Đúng với tính chất "từ vườn đến bàn ăn" của chương trình, nông sản sau khi được khách mua chốt đơn trên sàn, sẽ được bà con nông dân thu hoạch từ vùng trồng, đóng gói theo đúng quy cách và được Tổng Công Ty Bưu Điện Việt Nam VNPost vận chuyển thẳng đến tay người mua. Nhờ không phải qua các khâu trung gian nên sản phẩm vừa có giá hấp dẫn vừa đạt độ tươi ngon cao.

Lần đầu tiên những trái vải, mận, xoài... được đưa lên sàn thương mại điện tử và tiêu thụ với số lượng lớn trong thời gian ngắn, không có tình trạng được mùa, mất giá hay giải cứu do dịch COVID-19.

Kênh bán hàng hiệu quả

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả. Hình thức này cũng là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống,  từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh thành, tận dụng lợi thế của công nghệ, kết hợp phát triển thị trường thương mại điện tử.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Việc đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, thương mại điện tử đang tiếp tục chứng minh là hướng đi đúng đắn cho các địa phương và các doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

 

1306nongsan.JPG
Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử (ảnh chụp màn hình).

 

Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, nông sản Việt cũng đang từng bước chinh phục thị trường thế giới. Ngay trong những ngày đầu tháng 6, những lô vải thiều đầu tiên đã đến tay người tiêu dùng tại Nhật Bản, Australia, Pháp…

Ngày 26/5, khoảng 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về thực phẩm và phòng dịch COVID-19.

Tiếp đến, ngày 7/6, Công ty Cổ phần Pacific Foods xuất lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Mới đây, ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp hàng hóa của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Nhân rộng cách làm mới

Với tem truy xuất nguồn gốc  itrace247, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian. Đây là cách làm mới cần được phát triển trong thời gian tới .

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động xúc tiến thương mại cũng như xuất khẩu sang các nước cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ số.

Đây là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hạn chế di chuyển, đồng thời là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

“Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài, bao gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, cùng các thị trường tiềm năng ở châu Phi, Australia... Nhờ đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam như nông sản dệt may, da giày... vẫn duy trì hoạt động thương mại và xuất sang các nước”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Thống kê của Vietnam Post và Viettel Post cho thấy, tính từ ngày 20-5 đến 21-6, hai đơn vị đã hỗ trợ 1.097 hộ nông dân Bắc Giang lên các sàn TMĐT Vỏ Sò, Postmart.

Số lượng hộ nông dân được Vietnam Post và Viettel Post hỗ trợ tiếp cận với công nghệ số, đưa sản phẩm lên bán trên các sàn này kể từ đầu năm nay đến ngày 21-6 lên tới 6.870 hộ, tăng 179% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, trong hơn 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Post và Viettel Post đã đưa tổng số 13.621 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart, tăng 259% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nông sản giao dịch trên 2 sàn này đã đạt 861 tỷ đồng, tăng 282% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối mới trên các nền tảng số, chương trình còn hướng tới mục tiêu xa hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn và hỗ trợ nông dân tham gia giao dịch TMĐT trên môi trường số.

 

Ba tháng tới đây, ở các tỉnh miền Bắc sẽ có 3 loại cây ăn quả chủ lực thu hoạch rộ là 340.000 tấn vải, 300.000 tấn nhãn, trên 100.000 tấn xoài. Ngoài ra, còn nhiều loại quả khác cũng cần tiêu thụ như bưởi, cam, dứa và đặc biệt là chuối trên một triệu tấn.

Còn ở miền Nam, còn có thêm chục loại cây ăn quả chủ lực khác cũng đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch là: thanh long, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, na, mít, bơ, chanh leo...

Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần được tìm đầu ra.

 

 (Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top