Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2017 | 10:0

Sự kiện 24/7: Nhiều cán bộ cấp tỉnh bị kiểm điểm, bắt giữ

Tuần qua, bên cạnh sự sôi nổi của hoạt động chất vấn tại Quốc hội, cấp Trung ương ghi nhận sự điều hành rất cụ thể của Thủ tướng khi chỉ đạo khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT; hay động thái thoái vốn nhà nước ở Vinaconex… Còn ở cấp tỉnh, nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt bị kiểm điểm và bắt giữ vì những sai phạm trong quản lý, điều hành.

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.

Thông báo nêu rõ, trong giai đoạn qua, Chính phủ đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa vào phát triển hạ tầng giao thông, đô thị qua các hình thức đầu tư BOT, BT, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết.

Hàng loạt các dự án BOT, BT sẽ được khắc phục bất cập.

Hệ thống hạ tầng giao thông và đô thị đã có nhiều thay đổi tích cực, chất lượng công trình ngày càng được nâng cao, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức đầu tư BOT và BT đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nghị định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; nghị định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quyết định số 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định bán cổ phần theo lô.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Sau Vinamilk, Nhà nước sẽ thoái 96 triệu cổ phần tại Vinaconex

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vinaconex.

Nằm trong số những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực xây dựng, Vinaconex là cái tên không xa lạ với thị trường bất động sản. Những khu đô thị Vinaconex đã đầu tư như Khu đô thị mới Trung Hoà- Nhân Chính; bất động sản đô thị chung cư 93 Láng Hạ, 97 - 99 Láng Hạ, Khu đô thị mới Bắc An Khánh….

Sau Vinamilk, Vinaconex sẽ là đơn vị tiếp theo thực hiện thoái vốn Nhà nước.

Tại bản cáo bạch, Vinaconex (mã CK: VCG) cho biết nếu so sánh tương quan với các doanh nghiệp xây lắp lớn ở Việt Nam thì doanh thu của  VCG đạt hơn 9.000 tỷ đồng; lợi nhuận xếp thứ 2. Với các NH. VCG luôn có uy tín và nếu có nhu cầu vay vốn sẽ được vay lãi suất tốt.  “Dự kiến nếu phát hành trái phiếu huy động vốn chúng có thể huy động được 3000 tỷ”, lãnh đạo Vinaconex cho hay

Theo kế hoạch về lộ trình bán cổ phần, ngày 8-12 tới, SCIC sẽ bán 21,79% (tương đương hơn 96 triệu cổ phần) trong số 57,79% vốn điều lệ nắm giữ tại Vinaconex. Ngày công bố thông tin quy chế, bản công bố thông tin, giá khởi điểm đặt cọc sẽ diễn ra trong khoảng 28/11 đến 7/12. Nhà đầu tư tham gia phải mua tối thiểu 5.000 cổ phần, bước khối lượng 10 cổ phần và bước giá 100 đồng. Hiện giá cổ phiếu của Vinaconex (mã VCG) được giao dịch ở mức giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu. VCG cũng được xem là cổ phiếu luôn có tính thanh khoản tốt trên thị trường.

Nhận xét về cơ hội bán vốn Nhà nước tại VCG, đại diện lãnh đạo SCIC cũng cho biết tình hình khá thuận lợi và dường như nhiều nhà đầu tư, tổ chức quan tâm.

Bí thư, Chủ tịch Vĩnh Phúc bị yêu cầu kiểm điểm

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo nội dung kỳ họp thứ 19. Theo đó, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cơ quan kiểm tra đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020.

Bà Lan và ông Trì bị kiểm điểm vì những thiếu sót trong công tác quản lý.

Hai lãnh đạo đương nhiệm là bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, có các vi phạm, khuyết điểm liên quan nhưng chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020, bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Nguyễn Văn Trì kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ theo thẩm quyền.

Sạt lở núi kinh hoàng ở Quảng Nam

Theo lãnh đạo xã Trà Vân (huyện Nam Trà My – Quảng Nam), hiện nay trên địa bàn xã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, vụ sạt lở ở nóc Ông Tuần là nổi ám ảnh kinh hoàng chưa từng có từ trước đến nay. Từ ngày vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra, hơn 120 hộ dân ở một số nóc như Ông Dương, Ông Bình… (thuộc thôn 2) và 23 hộ ở thôn 3, đã quá hoảng sợ nên dắt nhau bỏ đi ngay trong đêm tìm chỗ ở mới khiến ngôi làng không còn một bóng người. Tổng cộng ở nóc Ông Tuần, thôn 2 xã Trà Vân có 4 nhà bị núi vùi lấp hoàn toàn làm 4 người tử vong, 9 người bị thương.

Ông Nguyễn Văn Điền, Chủ tịch Hội từ thiện huyện Nam Trà My - cho biết, từ khi xảy ra sạt lở ở thôn 2 xã Trà Vân và các nơi khác, huyện đã tập trung lo mai táng cho người tử vong, chăm sóc người bị thương. Huyện cũng đang tiếp tục điều tra những vùng có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến chỗ ở mới.

Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện có hàng trăm nhà bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao ở các xã, huyện cũng đã huy động lực lượng vũ trang đến khắc phục. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, các tuyến đường giao thông về xã mới khắc phục xong.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ngay sau vụ sạt lở núi gây tang thương đối với 4 hộ dân tại khu vực thôn 2, xã Trà Vân, chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc, tạm ứng tiền mua bạt che lều tạm và di dời những hộ khu vực sạt lở đến nơi an toàn hơn. Ngoài ra, huyện đã cử đoàn công tác hơn 30 người đến khu vực sạt lở hỗ trợ tìm kiếm, cứu trợ đồng bào, vận động 117 hộ còn lại di dời khẩn cấp khỏi khu vực sạt lở.

Sơn La thông tin vụ bắt 2 phó giám đốc sở

Chiều 19/11, cơ quan chức năng tỉnh Sơn La họp báo thông tin về việc khởi tố, bắt giữ nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó giám đốc sở, do có sai phạm trong đền bù tái định cư dự án thủy điện Sơn La.

Tại buổi họp báo, đại diện Công an tỉnh Sơn La cho biết, trong quá trình thực hiện công tác đền bù, tái định cư dự án thủy điện Sơn La (từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015), một số cán bộ đã làm trái công vụ. Các sai phạm này thể hiện qua việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường không đúng quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 17 đối tượng (có 15 đảng viên) về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong các ngày 16, 17 và 18/11, Cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 14 bị can. Trong số này có ông Trương Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Tài chính; ông Phan Tiến Diện, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường; ông Phan Đức Chính, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mường La về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong số 4 bị can bị khởi tố tội thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có ông Triệu Ngọc Hoan, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Sơn La.

Theo Công an tỉnh Sơn La, để phục vụ xây dựng dự án thủy điện Sơn La, tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phải di chuyển tổng cộng 20.340 hộ với hơn 92.000 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập (trong đó tỉnh Sơn La chiếm hơn 61% số hộ) đến tái định cư tại 70 khu với 276 điểm tái định cư trong tỉnh.

Nguyễn Tố (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top