Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 11 năm 2024 | 11:43

Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng ở Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng với hơn 33.000 ha. Sản lượng đạt hơn 300.000 tấn/năm.

 Việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc những năm gần đây đã mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành hàng. Riêng năm 2023, sầu riêng xuất khẩu của Đắk Lắk đạt 160 triệu USD, góp phần vào phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích sầu riêng phát triển ổn định khoảng 40.000 ha, sản lượng đạt 790.000 tấn/năm. Địa phương đã có sự chuẩn bị như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra. Phóng viên VOV thường trú tại Tây Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk về nội dung này.

giai phap phat trien ben vung nganh hang sau rieng o Dak lak hinh anh 1

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin về kế hoạch phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh.

PV: Thưa ông, mới đây sầu riêng của huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Krông Năng". Đây là địa phương thứ 3 của tỉnh được cấp chứng nhận bảo hộ tập thể đối với quả sầu riêng, điều này có ý nghĩa gì đối với ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk?

Ông Nguyễn Văn Hà: Tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Để phát triển ngành hàng này thì việc xây dựng nhãn hiệu sầu riêng cho các địa phương ở vùng trọng điểm là hết sức quan trọng. Hiện nay, Đắk Lắk xác định 7 vùng trọng điểm trồng sầu riêng. Đối với huyện Krông Năng là đơn vị thứ 3 xây dựng nhãn hiệu sầu riêng.

Đó cũng là tiền đề cho định hướng trong tương lai Đắk Lắk sẽ xây dựng thương hiệu sầu riêng của Đắk Lắk trên thị trường. Việc xây dựng nhãn hiệu cũng như thương hiệu sẽ góp phần cho việc nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, từ đó nâng cao được giá trị tiêu thụ đối với thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu.

PV: Vậy tỉnh Đắk Lắk đã có những kế hoạch và chiến lược như thế nào đối với cây sầu riêng trong thời gian tới thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hà: Chúng tôi tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất là khâu sản xuất, xác định được vùng trồng, vùng trồng có chọn lọc và vùng không được phép trồng. Hai là về mặt sản xuất, thì xây dựng mã số vùng trồng và liên kết sản xuất để đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc, đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như quản lý các yếu tố đầu vào, thì việc liên kết sản xuất hình thành các tổ hợp tác, các hợp tác xã rất quan trọng.

Chúng tôi đang tập trung vào việc những vùng này, tất cả các nông dân phải tham gia vào các tổ chức của nông dân đó là tổ hợp tác và hợp tác xã. Vấn đề thu mua bảo quản và chế biến; đặc biệt là đối với sầu riêng hiện nay, một tin rất là vui ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trái tươi, chúng ta còn được xuất khẩu sầu riêng cấp đông.

Do đó, để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phải hình thành nên các khu vực đã được quy hoạch để đưa các dịch vụ này vào, như dịch vụ logictic để doanh nghiệp có các điều kiện xây dựng các hệ thống kho bãi cấp đông, đảm bảo các tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu đối với sầu việc cấp đông. Một vấn đề nữa, về công tác xuất khẩu, chúng tôi cũng tổ chức các hội nghị để xúc tiến đầu tư, kết nối những nhà nhập khẩu với các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn.

Ngoài xuất khẩu trái tươi và cấp đông, địa phương đang khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu đối với các sản phẩm sầu riêng thành các sản phẩm khác cung cấp cho thị trường.

giai phap phat trien ben vung nganh hang sau rieng o Dak lak hinh anh 2

Tỉnh Đắk Lắk hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng với hơn 33.000 ha. Sản lượng đạt hơn 300.000 tấn/năm.

PV: Để phát triển bền vững cả một ngành hàng, xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia cho sản phẩm sầu riêng, theo ông cần có sự quan tâm thế nào từ Chính phủ và các bộ, ngành?

Ông Nguyễn Văn Hà: Để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, tỉnh cũng đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng, để từ khâu tổ chức sản xuất đến bảo quản, chế biến phải đạt theo một bộ tiêu chuẩn chung. Hiện nay, vấn đề này cũng đã được đề cập nhưng chưa toàn diện, chưa đảm bảo thông suốt từ khâu sản xuất cho đến bảo quản, chế biến và đến khâu xuất khẩu. Chúng tôi đang rất cần một bộ quy chuẩn như thế.

Vấn đề thứ hai, về cơ chế chính sách, tôi cho rằng, các vùng trọng điểm cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam có sản lượng lớn hướng đến thị trường xuất khẩu cũng rất mong được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương đầu tư hỗ trợ về hạ tầng như: hạ tầng giao thông, hạ tầng thuỷ lợi và các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đầu tư lên vùng Tây Nguyên để khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của các cây trồng mũi nhọn của địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hương Lý/VOV
Ý kiến bạn đọc
  • Để sản phẩm nông nghiệp “biết nói”

    Để sản phẩm nông nghiệp “biết nói”

    Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.

  • Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng: Cơ hội và thách thức của nông sản Việt

    Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng: Cơ hội và thách thức của nông sản Việt

    Để bảo vệ sản xuất trong nước, xu hướng bảo hộ thương mại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, tác động tiêu cực đến tự do hóa thương mại toàn cầu và đe dọa đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản Việt Nam.

  • Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

    Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

    Nhằm đưa ra giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả, chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Top