Tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2021 – 2025, định hướng giai đoạn 2026 – 2030 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, Đồng Tháp là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua gần 10 năm triển khai, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đạt, vượt 15/18 chỉ tiêu
Ngày 9/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, việc triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, với 07/18 chỉ tiêu vượt, 08/18 chỉ tiêu đạt tiến độ và 03/18 chỉ tiêu chưa đạt (Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản; xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao).
Các chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai và đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nông nghiệp. Nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã được triển khai thực hiện, góp phần làm giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm; thông tin thị trường thường xuyên được phổ biến qua nhiều hình thức giúp người nông dân tại các HTX, THT, hội quán, doanh nghiệp… chủ động trong kế hoạch sản xuất, liên kết và kinh doanh.
Hàng trăm sản phẩm OCOP Đồng Tháp có nguyên liệu từ nông sản địa phương.
Nhiều đề án, chương trình lồng ghép thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sự tác động lớn đến sự thành công trong việc tăng trưởng nông nghiệp và chuyển biến kinh tế nông nghiệp, nhất là các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Đồng Tháp hiện có 333 doanh nghiệp chế biến nông sản; trong đó, có 49 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến giai đoạn 2021 – 2024, ước đạt 4.931,15 triệu USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 12,74%; nếu không tính hàng tạm nhập tái xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.784,01 triệu USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,71%.
Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, ước đến cuối năm 2024 đạt 97% (vượt so với chỉ tiêu 80% của Đề án); số hóa dữ liệu quản lý, tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, lâm nghiệp, nông thôn mới, OCOP, truy xuất nguồn gốc… đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.
Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và sen, là 5 ngành hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp chọn tái cơ cấu. Trong đó, ngành hàng Lúa gạo có giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tính đến 26/7/2024, diện tích được chứng nhận VietGAP là 4.256 ha; chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 6.938 ha; đã cấp 646 vùng trồng (diện tích 112.336 ha); diện tích sản xuất lúa theo định hướng hữu cơ đạt 599 ha.
Ngành hàng Xoài có giá trị sản xuất cả năm 2024 ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2020, chiếm 4,62 % tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến 6 tháng đầu năm 2024, diện tích trồng xoài đạt 14.754 ha (đạt 98,4% so với kế hoạch năm 2024, và đạt 88,8% so với kế hoạch đến năm 2025). Diện tích xoài đạt chứng nhận an toàn, tiêu chuẩn VietGAP đạt 42,3 ha (bằng 7% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2023 và đến năm 2025). Diện tích sản xuất chuyển đổi hữu cơ, chứng nhận hữu cơ đạt 280 ha (vượt 400% so với chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2023 và vượt 87% so với kế hoạch đến năm 2025).
Giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng năm 2024 ước đạt trên 6.276 tỷ đồng (đạt 89,6% so với chỉ tiêu ≥ 7.000 tỷ đồng), tăng 34,78% so với năm 2020. Diện tích trồng hoa kiểng toàn Tỉnh đến năm 2024, ước đạt 4.529 ha, (đạt 129,4% so với chỉ tiêu ≥ 3.500 ha). Xây dựng các mô hình sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến gắn liên kết tiêu thụ đến năm 2024, ước đạt 05 mô hình (đạt 125% so với chỉ tiêu 4 mô hình).
Giá trị sản xuất ngành hàng cá tra năm 2024 ước đạt 8.802 tỷ chiếm 17,36% giá trị toàn ngành, tăng 18,62% so với năm 2020. Diện tích nuôi đến năm 2024, ước đạt 2.630 ha (vượt 7,3% so với chỉ tiêu là 2.450 ha); sản lượng ước đạt 540.000 tấn (đạt 97,3% so với chỉ tiêu là 555.000 tấn). Cơ sở được cấp mã số nhận diện ao nuôi, đạt 378 cơ sở/1.630 ha (đạt 99,2% so với chỉ tiêu 100%). Diện tích nuôi thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP, đạt 242,4 ha/38 cơ sở (đạt 14,87% còn tháp so với chỉ tiêu 50%).
Ngành hàng Sen có giá trị sản xuất ước đến cuối năm 2024 đạt 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020. Đầu tư phát triển vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị kết hợp du lịch trãi nghiệm, đến tháng 6/2024 đạt 948 ha (đạt 67,7% so với chỉ tiêu 1.400 ha). Xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100 ha chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm đến năm 2024, đạt 70 ha (đạt 70% so với chỉ tiêu 100 ha). Phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP đến năm 2023, đạt 56 sản phẩm (đạt 93,3% so với chỉ tiêu 60 sản phẩm).
Nhiều diện tích xoài được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu
Đáng chú ý, trong số 5 ngành hàng chủ lực, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các lễ hội gắn với 4 ngành hàng, đó là: xoài, sen, cá tra, hoa kiểng. Qua tổ chức chức các lễ hội, bên cạnh thu nhận những kết quả về doanh thu du lịch, quảng bá sản phẩm, hình ảnh quê hương Đồng Tháp v.v. còn ghi nhận nhiều ý kiến, giải pháp từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân liên quan đến sự phát triển các ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tích hợp Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chú trọng phát triển ngành hàng chủ lực
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án, phát triển nông nghiệp một cách bền vững, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2021 – 2025, định hướng giai đoạn 2026 – 2030 với mong muốn được lắng nghe những ý kiến tâm huyết của quý đại biểu, những cách tiếp cận mới về mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phương thức triển khai thực hiện.
Tại Hội thảo, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nhiều định hướng chiến lược Tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp rất đúng cần tiếp tục thực hiện, đã khẳng định được các nguyên tắc về phát triển dựa trên lợi thế; liên kết, hợp tác, thị trường; hiệu quả, đa dạng và hướng tới bền vững.
Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh khi chuyển đổi sang “nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông dân văn minh” sẽ có những điểm mới mang tính bền vững, đa giá trị, phát huy khoa học công nghệ kết hợp với kiến thức bản địa. Cùng với đó, xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm không chỉ là chuỗi giá trị mà gắn với phát triển ngành; phát triển công nghệ số, kinh tế số không chỉ là theo truyền thống mà còn dùng số hóa gắn kết thị trường...
Góp ý cho tỉnh Đồng Tháp, theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, tỉnh cần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho cây ăn trái, củng cố vùng nguyên liệu thương mại để phát triển bền vững; việc đặt nặng xây dựng thương hiệu lúa gạo Đồng Tháp trong giai đoạn này là chưa cần thiết mà phải hướng tới thương hiệu quốc gia.
Qua đánh giá thực trạng vai trò trung tâm của Hợp tác xã trong xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản, Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, khuyến nghị tỉnh Đồng Tháp xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, gắn Hợp tác xã với vùng nguyên liệu lớn để xây dựng các chuỗi ngành hàng; xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2025 – 2030; tăng số lượng thành viên Hợp tác xã là yêu cầu cấp bách; hỗ trợ Hợp tác xã thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn, du lịch học đường/du lịch nông nghiệp v.v..
Theo dõi, chỉ đạo Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp từ những năm đầu tiên, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao kết quả tỉnh Đồng Tháp đạt được trong 10 năm qua.
Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ tại hội thảo
Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh và đề nghị tỉnh Đồng Tháp không chỉ dừng lại tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà cần phát triển nền nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường; không chỉ phát huy lợi thế tự nhiên mà cần phát huy lợi thế về con người, về văn hóa, biến văn hóa thành giá trị. Đây là những bước tiến tiếp theo cao hơn cho phát triển nông nghiệp, thực hiện đồng bộ chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 13 về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ông Cao Đức Phát cũng đề nghị tỉnh cần tăng cường tính hấp dẫn của nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ dựa trên nền tảng nông nghiệp vững mạnh.
Từ điểm cầu trực tuyến, các chuyên gia cũng khuyến nghị tỉnh về tiêu chuẩn xuất khẩu đối với ngành hàng trái cây. Doanh nghiệp lĩnh vực chế biến cá tra kiến nghị tỉnh cần quy hoạch lại vùng nuôi cá tra thương phẩm, vùng nuôi cá giống và phát triển cơ khí nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến cá tra v.v.. đồng thời, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2024 và kế hoạch năm 2025.
Ghi nhận các ý kiến góp ý, đánh giá của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, Đồng Tháp đã xác định hướng đi đúng, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kết quả đạt được; nghiên cứu tích hợp nhiệm vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chú trọng tiếp tục phát triển ngành hàng chủ lực vào Đề án “Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Theo dongthap.gov.vn
Sáng 30/10 tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 đến nay và chủ trương xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Nhằm tạo ra diễn đàn để các doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững nhằm thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng hiện đại, ngày 30/10, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên.