Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024 | 14:16

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn.

Sáng nay (31/10), nêu ý kiến thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải đủ về tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

tong bi thu to lam khong tinh gon bo may thi khong phat trien duoc hinh anh 1

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ý kiến tại họp tổ sáng 31/10

“Lên thành phố, đầu tiên phát triển như thế nào?”

Thành phố trực thuộc Trung ương phải là cực tăng trưởng của khu vực. Cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tới đây có thêm thành phố Huế thì sẽ lên 6 thành phố.

“Thành phố trực thuộc Trung ương phải có triển vọng phát triển, phải có nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt vì thành phố là cực tăng trưởng nên phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế xã hội”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đặt vấn đề: “Nếu lên thành phố, đầu tiên phát triển như thế nào?”.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thành phố phải bền vững, hài hòa. Nếu thành phố cứ phát triển vùn vụt còn nông thôn càng khó khăn thì không được. Người dân cứ ùn ùn đổ về thành phố trong khi nông thôn mới lại bị bần cùng hóa.

Tổng Bí thư cũng cho biết Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập thành phố Huế thuộc trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí. Còn những điểm hạn chế, Quốc hội đưa ra cùng thảo luận, tháo gỡ.

“Huế rất xứng đáng nhưng cũng phải chia sẻ những khó khăn của Huế nếu lên thành phố sẽ phải đối mặt... Tất cả những khó khăn đó phải vượt qua”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... đều có quy định.

“Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên lên thành phố thì cần một giai đoạn, bước quá độ... Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài”, Tổng Bí thư nêu ý kiến.

Tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bộ máy

Về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết nhiều đại biểu băn khoăn liên quan cơ chế chính quyền đô thị thế nào? Cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước làm sao cho hiệu lực, hiệu quả.

tong bi thu to lam khong tinh gon bo may thi khong phat trien duoc hinh anh 2

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đất nước muốn phát triển, phải tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Đồng thời không hình thức mà phải đúng thực chất như đại biểu nêu HĐND phải có người tài, không kiêm nhiệm.

“Từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng, hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay.

“Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào? Đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn”, Tổng Bí thư nêu rõ.

“Đây là nghị quyết của Trung ương nói mấy nhiệm kỳ rồi và đã đánh giá như thế thì phải xem xét. Tất cả mọi người đều phải làm, có trách nhiệm trong việc này và mình làm không đạt được yêu cầu đó phải xấu hổ...”, Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ việc ở đâu cũng phải làm và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu.

Đồng thời, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn, nhìn nhận vào các chỉ số này và nếu không làm sẽ không phát triển được.

“Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”, Tổng Bí thư lưu ý.

tong bi thu to lam khong tinh gon bo may thi khong phat trien duoc hinh anh 3

Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng và Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sáng 31/10

Tổng Bí thư dẫn chứng hiện nay, ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. “Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì còn đâu mà tiền phát triển nữa. Chỉ còn 30% ngân sách thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chi có hơn 40%, dù bộ máy của họ rất khổng lồ. Ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... thì mới được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nguyên nhân không thể tăng lương cũng do bộ máy khổng lồ, vì tăng lương thì sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách. Không còn tiền ngân sách để làm các hoạt động khác. “Cứ hứa hẹn năm 2025 - 2026 nhưng áp lực khó khăn lắm, cần nhìn rất thực chất. Nếu như vậy có an tâm, yên lành không. Thành ra tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để giành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Theo Tổng Bí thư, nhiều bộ ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải làm cho xin – cho. Đáng lẽ địa phương làm nhưng mình không có người thì giữ lấy, hỏi mãi không trả lời, mất thời gian. “Cơ chế hiện nay là vậy. Một ý khác thôi là không thể vượt qua được, hết tháng này đến tháng kia bàn những chuyện đó nhưng chưa giải quyết được vì bộ này chưa có ý kiến. Bộ này hỏi ai thì một chuyên viên ở một vụ có gì đó khác nhau. Như vậy là làm không hết trách nhiệm”.

Hay một vấn đề nhưng không biết ai chủ trì. Tổng Bí thư dẫn chứng vấn đề cát, đá, sỏi khi liên quan đến 5-6 bộ nhưng khi hỏi đến lại không biết ai chủ trì. Bộ GTVT nói lấy cát, sỏi ở sông đó là khơi thông luồng lạch. Doanh nghiệp nào làm khai thác lòng sông, chúng tôi trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch. Bộ Tài nguyên - Môi trường nói không được vì đó là kho tài nguyên, ai muốn khai thác phải trả tiền. Bộ Xây dựng nói là vật liệu xây dựng.

“Một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì chả biết ai. Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được, làm sao phát triển được. Địa phương cũng như thế, rất khó khăn, lại Sở GTVT, TNMT... Một vấn đề đơn giản tại sao lại cồng kềnh, chồng chéo, khó khăn đến thế, mất bao nhiêu thời gian vào những chuyện này.

Cồng kềnh, chồng chéo thế nhưng vẫn có tiêu cực. Quản lý như vậy có phải hay đâu? Thậm chí một số khâu từ vận chuyển, khai thác, đến đổ vào các khu công nghiệp, công trình có bóng dáng tội phạm lợi dụng cơ chế. Đây là vấn đề cần xem xét”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Vân Anh/VOV.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top