Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024 | 10:9

Bài học từ hành trình cây vải Lục Ngạn lên ngôi

Là huyện miền núi rộng, chủ yếu là đồi núi, trước đây, người dân ở Lục Ngạn (Bắc Giang), sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, do trình độ sản xuất chưa cao, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cái đói, cái nghèo cứ “đeo bám” nhiều hộ dân nơi đây.

Với mục đích ban đầu chỉ là trồng lưu giữ làm kỷ niệm, thế rồi cây vải thiều “bén duyên” đất Lục Ngạn lúc nào không hay. Từ cây trồng của một gia đình, qua thời gian, với bàn tay chăm sóc của người dân, sự quan tâm, cách làm bài bản, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền đại phương, giờ đây, vải thiều trở thành cây trồng “xóa đói”, cây “làm giàu” của huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.

Theo báo cáo, năm 2018, diện tích trồng vải của nước ta ước đạt 58.000ha, trong đó, Bắc Giang có diện tích 28.300ha, Hải Dương hươn 1.000ha, tiếp theo là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên...

Bài 1: Từ huyện nghèo đến thủ phủ vải thiều

Trước đây, chính những người dân ở Lục Ngạn cũng không thể tin nổi, có một ngày huyện mình lại trở thành thủ phủ trồng vải thiều của cả nước. Quả vải trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại hàng nghìn tỷ đồng, giúp hàng vạn hộ dân có cuộc sống khá - giàu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thủ phủ vải thiều

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, tổng kết đầy đủ tính khoa học và thực tiễn của việc thực hiện trồng cây ăn quả trong thời kỳ 1960 - 1982, cây vải thiều đã khẳng định được vai trò trong nền kinh tế của Lục Ngạn. Nhận thấy cây vải thiều có khả năng sinh trưởng, phát triển và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện xuống cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích. Theo đó, phong trào trồng vải thiều từ các xã vùng thấp “leo dần” lên các xã vùng cao.

Vải thiều đã giúp hàng chục nghìn hộ dân có thu nhập ổn định, trở thành “cây làm giàu” của nhiều nhà vườn.

Giai đoạn 1982 - 1998, được coi là thời kỳ chuyển dịch một cách toàn diện và sâu sắc cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Lục Ngạn theo hướng tăng theo cấp “số nhân” diện tích cây vải thiều, giảm dần diện tích cây màu, cây lương thực và cây nông nghiệp ngắn ngày. Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã đi tới một quyết sách có tính quyết định: Phát động phong trào trồng vải thiều sâu rộng trong nhân dân. Quyết tâm chiến lược được đề ra là “di dời kinh đô vải thiều từ Thanh Hà lên Lục Ngạn”.

Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống ngân hàng  đã tạo điều kiện cho nhân dân vay hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư vào cây giống, vật tư, phân bón…, chỉ trong thời gian ngắn, Lục Ngạn đã “biến” hàng chục nghìn hecta đất trống, đồi trọc thành miệt vườn vải thiều xanh non trù phú.

Có lẽ bởi việc hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi như: Điều kiện đất đai, khí hậu mang đặc trưng riêng; cùng với sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các nhà khoa học; cộng với quá trình lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của người dân nên chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn mới thơm ngon nổi tiếng không nơi nào sánh kịp: quả to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon và ngọt lịm.

Anh Ngô Văn Liên (thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải) tâm sự: Những năm 1985 - 1990, gia đình có khoảng 20 cây, lúc này vải trồng để ăn, còn dư thì bán lẻ tại các chợ trên địa bàn. Năm 1990-1992, bắt đầu có người đến thu mua, quả vải bán có giá trị nên người dân bắt đầu mở rộng diện tích. Đến 1993-1994, gia đình trồng khoảng 100 cây; năm 1995 tăng khoảng 500 cây (hiện nay khoảng 700 cây). Năm 2000-2001, vải cho thu hoạch rộ, mỗi cây cho thu hoạch 20-30kg, thu nhập cao hơn sào lúa (1 sào = 360m2).

Theo anh Ngô Văn Hùng (thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải), những năm 1993 - 1995, gia đình tập trung trồng vải, đến nay đạt 2ha. Năm 2012, năm 2014 và năm 2018, cho sản lượng đạt trên 10 tấn. Tùy từng thời điểm mà có giá bán khác nhau nhưng so với những cây trồng trước đây, cây vải cho giá trị kinh tế cao hơn.

Theo thống kê, năm 2000, Lục Ngạn có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có 19.000ha vải thiều. Cùng với tăng diện tích, giá trị từ cây vải mang lại cũng ngày càng lớn, như: năm 2014, sản lượng vải thiều đạt 130.000 tấn, giá trị 1.625 tỷ đồng. Mười năm sau, năm 2024, sản lượng đạt 52.992 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 3.412 tỷ đồng, đó là chưa tính đến nguồn thu từ các dịch vụ phụ trợ.

Chuyện kể từ cây vải “kỷ niệm”

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, chia sẻ: Lục Ngạn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, có diện tích rộng, chủ yếu là đồi, núi. Trước đây, Lục Ngạn nghèo, lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông, lâm nghiệp, như: cấy lúa, trồng khoai, sắn, đỗ tương,..., trồng rừng. Cuộc sống của bà con tần tảo, vất vả hàng ngày bên nương sắn, ruộng ngô nhưng do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng suất lao động thấp nên cái đói, cái nghèo cứ bủa vây gia đình họ. Với bản chất cần cù, hăng say lao động sáng tạo, người dân nơi đây đã năng động tìm tòi, thay đổi giống, cơ cấu cây trồng cho hiệu quả hơn.

Năm 1953, gia đình ông Nguyễn Đức Trụ (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương), quê gốc ở tỉnh Hải Dương đã mang theo hạt vải thiều về quê mới trồng với mục đích chính là lưu giữ kỷ niệm. Đây được coi là một trong những hộ dân đầu tiên di thực cây vải thiều về Lục Ngạn. Khi mới trồng, gia đình ông Trụ cũng không nghĩ rằng cây vải lại có thể phát triển xanh tốt và cho chất lượng quả thơm ngon trên vùng đất cằn khô sỏi đá này. Trải qua quá trình chăm sóc gần chục năm, đất cũng chẳng phụ công người, cây vải thiều đã vươn lên sống mạnh mẽ, trổ lộc, sinh cành và đơm hoa kết trái. Khi những cây vải đầu tiên bói quả, ăn thử, mọi người đều thấy thích loại quả thơm, ngọt này.

Từ đây, một giống cây ăn quả mới đã được ghi danh trên mảnh đất Lục Ngạn - cây vải thiều. Những năm đầu tiên, cây vải được nhân giống và mở rộng diện tích trồng tại một số xã vùng thấp trong huyện như: Trù Hựu, Nghĩa Hồ (cũ), Quý Sơn, Nam Dương và thị trấn Chũ. Tuy nhiên, thời kỳ này, cây vải chưa được người dân quan tâm chăm sóc (cây để phát triển tự do nên quả nhỏ và thường năm được mùa, năm mất) nên giá trị kinh tế chưa cao.

Theo số liệu thống kê, đến năm 1986, huyện Lục Ngạn mới có 92ha cây ăn quả các loại, trong đó có 42ha vải thiều, sản lượng vải thiều ước đạt 100 tấn. Đến những năm 1990-1991, khi giá trị của quả vải đạt hiệu quả cao và huyện có những chính sách đặc biệt trong phát triển thì phong trào trồng vải thiều mới được người dân ở các xã, thị trấn đầu tư mạnh mẽ, xây dựng thành cây ăn quả chủ lực.

Mỗi khi vào vụ thu hoạch vải, một lượng lớn lao động thời vụ của địa phương và các vùng khác có việc làm, có thu nhập từ các dịch vụ phụ trợ kèm theo.

Giàu lên từ vải

Từ vùng đất nghèo xưa kia, nhờ phát triển cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều mà bộ mặt nông thôn Lục Ngạn ngày càng khởi sắc. Sự phát triển nhanh chóng của vùng cây ăn quả đã làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp và các thành phần kinh tế nông thôn; mô hình kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ. Năm 2014, toàn huyện có 4.486 hộ dân có thu nhập từ 100 đến trên 500 triệu đồng/năm từ vải thiều, trong đó 83 hộ có mức thu từ 300 - 500 triệu đồng.

Vụ thu hoạch vải năm 2019, trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Tiến (thôn Muối, xã Giáp Sơn) cho biết, với gần 1ha vải, sản lượng đạt khoảng 7 tấn, giá bán trung bình 45.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 300 triệu. Từ trồng vải, năm 2018, gia đình đã làm được căn nhà trị giá hơn 700 triệu đồng. Kinh tế ổn định, gia đình tham gia đầy đủ các khoản đóng góp của xã trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trực tiếp hiến khoảng 60m2 đất để làm đường nông thôn.

Từ trồng vải, gia đình ông Dương Văn Tiến, ở xã Giáp Sơn,  huyện Lục Ngạn làm được căn nhà khang trang, trị giá hơn 700 triệu đồng.

Cũng trong vụ thu hoạch vải thiều năm 2019, trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (hiện là Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn) cho biết, giá bán vải giữ ổn định ở mức từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm lên tới 70.000 đồng. Sản lượng vải của huyện đạt khoảng 75.000 tấn, giá trị 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm, và hàng trăm tỷ đồng thu từ các dịch vụ phụ trợ. Từ cây vải, người dân nhiều xã làm được nhà dạng biệt thự cao 2-3 tầng, diện tích từ 150 - 300m2/căn. Đồng thời, bà con tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là làm đường giao thông nông thôn. Từ năm 2017 - 2019, Lục Ngạn làm được 1.200km đường, trong đó nhân dân đóng góp tới 60%.

Năm 2023, sản lượng vải đạt 128.120 tấn quả, tổng giá trị sản xuất đạt 3.324 tỷ đồng, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 890 tỷ đồng, xuất khẩu 2.434 tỷ đồng. Giá trị từ thùng xốp, đá cây ước đạt khoảng 66 tỷ đồng.  Năm 2024, tổng diện tích trồng vải toàn huyện là 17.360ha, sản lượng 52.992 tấn (giảm 75.128 tấn so với năm 2023 do mất mùa). Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 13.400ha, chiếm 77,18% tổng diện tích vải thiều của toàn huyện, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 30ha; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 10ha, đã được cấp giấy chứng nhận. Duy trì sản xuất 103 mã số vùng trồng vải, diện tích 12.350ha có 34 cơ sở đóng gói, trong đó 01 cơ sở đóng gói (Công ty CP xuất - nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu) đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản.

Tổng giá trị sản xuất đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, tiêu thụ nội địa 2.366 tỷ đồng, xuất khẩu 1.046 tỷ đồng. Giá trị từ các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 85 tỷ đồng gồm: thùng xốp 53 tỷ đồng, đá cây 20,8 tỷ đồng, thùng nhựa 12 tỷ đồng. Vụ thu hoạch vải 2024, Lục Ngạn đón khoảng 250-260 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm, trong đó có khoảng 245-254 nghìn lượt khách trong nước, khoảng 5-6 nghìn lượt khách nước ngoài, tăng khoảng 10% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, vải là cây mang lại kinh tế rõ rệt. Trước năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 50%, có thời điểm tới 57%, với định hướng phát triển cây ăn quả, trong đó có cây vải thiều, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,53%. Nhờ cây vải mà hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư cứng hóa, giúp cho việc tiêu thụ nông sản, đi lại thuận lợi hơn. Trong 3 năm 2018 - 2020, huyện đã cứng hóa 1.500km đường thôn, liên thôn, đường nội đồng. Từ cây vải có nhiều mô hình tiên tiến trong sản xuất, đem lại giá trị thu nhập cao, có 1.000 hộ thu nhập 500 triệu đồng/năm trở lên.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, Bắc Gang có diện tích vải thiều lớn nhất nước, luôn duy trì trên 28.100ha; sản lượng bình quân trên 170.000 tấn; giá trị sản xuất trung bình trên 5.000 tỷ đồng.

Cao điểm có năm tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt 6.830 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều  5.140 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động phụ trợ 1.690 tỷ đồng, vải thiều của Bắc Giang được xuất sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản lượng xuất khẩu đạt 78.200 tấn, chiếm khoảng 47,5% sản lượng vải thiều, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc và một số nước EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và khu vực Trung Đông...; trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 77.300 tấn, các thị trường còn lại 900 tấn.

Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo vệ độc quyền sở hữu công nghệ đối với nhãn hiệu hàng hoá tập thể “Vải thiều Lục Ngạn”.

Vải thiều Lục Ngạn còn được tôn vinh ở các hội chợ trong nước và được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của cả nước.

Từ năm 2008, vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý; việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được quan tâm: sản phẩm vải thiều đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm ở 8 nước: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Hoa Kỳ).

Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn được công nhận chỉ dẫn địa lý ở Nhật bản.

 

Bài 2: Chuyển từ sản lượng sang chất lượng

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top