Nhờ chú trọng từ khâu trồng, chăm sóc, hỗ trợ nhà vườn áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mẫu mã, bao bì,... đến quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cây vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thực sự lên ngôi. Qua đây, thấy được nhiều cách làm sáng tạo, kinh nghiệm quý mà nhiều địa phương có thể học hỏi.
Bài 1: Từ huyện nghèo đến thủ phủ vải thiều
Bài 2: Chuyển từ sản lượng sang chất lượng
Nhiều cách làm sáng tạo
Những năm gần đây, từ việc sản xuất đến xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ vải thiều, Lục Ngạn đã có nhiều cách làm sáng tạo. Điển hình như vụ thu hoạch năm 2021, với sản lượng vải lớn, lại chín đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Lường trước khó khăn, huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung đã chủ động các biện pháp linh hoạt, sáng tạo bảo vệ vùng vải thiều an toàn không Covid-19; kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ.
Chính quyền địa phương chủ động xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải, trong đó tình huống dịch ảnh hưởng toàn diện, hoạt động nhỏ giọt, sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước 90%, xuất khẩu 10%. Bắc Giang đã chủ động kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có giấy xác nhận an toàn do Chủ tịch UBND tỉnh cấp.
Thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã triển khai nhiều giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đa dạng hóa các kênh thông tin trên các mạng xã hội.
Đáng quan tâm, Bắc Giang chủ động gửi thông điệp tới các cơ quan báo chí truyền thông, người tiêu dùng “nói không với giải cứu vải thiều” mà cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải thiều. Bởi vì chất lượng nông sản này đã được khẳng định vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe vào nhiều thị trường khó tính và tỉnh có sự chủ động trong các phương án tiêu thụ.
Thay vì chỉ tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều truyền thống, Lục Ngạn có nhiều cách để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thông qua nhiều kênh, nhất là qua các phương tiện truyền thông. Trao đổi với phóng viên khi kết thúc vụ vải năm 2023, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang), cho biết, kết quả nổi bật nhất là công tác truyền thông, chưa bao giờ truyền thông làm tốt như năm nay. Truyền thông qua báo chí, qua mạng xã hội, qua người nổi tiếng, trên các nền tảng mạng xã hội được triển khai rất hiệu quả, tạo sự lan tỏa. Nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đột phá mang lại hiệu quả cao, góp phần tiêu thụ vải thiều với sản lượng khá lớn.
Ông Thi cho biết, tiêu thụ qua môi trường mạng, bán hàng online phát triển rất nhanh, mạnh, chỉ trong 5 giờ đồng hồ bán vải thu được hơn 1 tỷ đồng; cước phí vận chuyển qua các dịch vụ trực tuyến cũng không cao.
Ngoài ra, Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” thu hút 450.000 lượt khách, mang lại giá trị rất lớn không chỉ góp phần tiêu thụ vải thiều mà còn mang lại các giá trị khác kèm theo như: ăn uống, ngủ, nghỉ, các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp khác. Mang lại giá trị về quảng bá, giới thiệu danh lam, thắng cảnh, du lịch tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc của huyện. Thông qua khách du lịch, 15% sản lượng vải thiều đã được tiêu thụ.
Công tác thông tin tuyên truyền về vải thiều Lục Ngạn, du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” trên các kênh truyền thông đại chúng được đẩy mạnh, thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế đến Lục Ngạn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng Đoàn công tác thăm vườn vải thiều của hộ ông Trần Văn Hành (thôn Chão, xã Giáp Sơn).
Tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất vải thiều kết hợp du lịch ở HTX sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn (xã Giáp Sơn). Tại đây, Bộ trưởng đánh giá cao tiềm năng cũng như ý tưởng, cách làm du lịch của HTX và các hộ dân. Đồng thời, đề nghị địa phương, doanh nghiệp lữ hành và người dân quan tâm hơn nữa đến các quy trình sản xuất vải thiều đạt chất lượng cao; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch. Cùng với đó, tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, hàng hóa phù hợp, nhỏ gọn, dễ vận chuyển để cung cấp cho du khách.
Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ vải thiều, ngoài việc vận chuyển qua đường bộ, năm 2023, tại Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép, huyện Lạng Giang, diễn ra lễ công bố thành lập Đội nghiệp vụ Hải quan ga Kép thuộc chi Cục Hải quan quản lý các KCN Bắc Giang và xuất hành vận chuyển 56 tấn vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt.
Đội Nghiệp vụ Hải quan ga Kép hoạt động mở ra kênh vận tải mới, hướng đi mới thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân và người sản xuất vải thiều Lục Ngạn trong hoạt động vận chuyển tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều ở cả trong và ngoài nước; là bước chuyển quan trọng về phát triển logistic của tỉnh Bắc Giang gắn với cải cách hành chính, các dịch vụ công về thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu được thực hiện ngay tại địa bàn tỉnh.
Những bài học kinh nghiệm
Từ hành trình sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị quả vải, Lục Ngạn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm 2024, quả vải thiều Lục Ngạn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao, đây là bước ngoặt, cũng như tạo hướng đi mới cho cây vải. Huyện đã chú trọng thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa quy trình sản xuất an toàn vào sản xuất đại trà; mặt khác, xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã với thị hiếu nước nhập khẩu.
Tăng cường công tác quản lý từ khâu sản xuất, vấn đề tem, nhãn, quy cách đóng gói đến cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc; chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) triển khai các công việc để đáp ứng mọi yêu cầu của phía Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu khó tính.
Ông Mạnh cho biết thêm, qua phát triển vải thiều, một số bài học kinh nghiệm được cấp ủy, chính quyền và người dân Lục Ngạn rút ra là, cần đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất; chính quyền thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với người trồng vải; làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa trái vải đến với các thị trường trong nước và quốc tế.
Để thuận lợi cho việc vận chuyển, xuất khẩu, Bắc Giang đã thành lập Đội nghiệp vụ Hải quan ga Kép. Trong ảnh, các đại biểu cắt băng xuất hành 56 tấn vải thiều Lục Ngạn qua ga Kép sang Trung Quốc bằng đường sắt.
Qua hành trình “lên ngôi” của cây vải thiều ở Lục Ngạn, thấy cấp ủy, chính quyền huyện năng động, sáng tạo trong việc đổi mới phương thức, hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đa dạng hóa các kênh thông tin trên các mạng xã hội, chủ động làm việc với các tập đoàn, siêu thị lớn, có cam kết trong việc thu mua, tiêu thụ. Sâu sát, quyết liệt, theo bám các sở, ban, ngành của tỉnh, các bộ để có sự hỗ trợ và đồng hành của sở, ngành trong tỉnh và bộ ngành Trung ương.
Xác định Mỹ, Australia, EU là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn nhưng đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu nghiêm ngặt trong kiểm dịch, an toàn thực phẩm, điều này đặt ra thách thức mới trong sản xuất, sơ chế cũng như chế biến đối với quả vải trước khi xuất khẩu.
Anh Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hải (xã Thanh Hải) tâm sự, sản xuất tập trung quy mô lớn, chăm sóc đúng quy trình, đáp ứng nhu cầu của nước nhập khẩu là điều rất quan trọng. Nhiều đơn vị đặt vấn đề, có chứng nhận GlobalGAP, số lượng nhiều mới đáp ứng được nhu cầu của bên nhập khẩu, có như vậy mới nâng cao được giá trị. Để làm được việc này, Nhà nước cần quan tâm quy hoạch vùng sản xuất tập trung lớn mới, hỗ trợ vốn, công nghệ chế biến và đẩy mạnh việc hình thành hợp tác xã.
Ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết, sản xuất nông nghiệp nói chung, cây vải nói riêng phải hướng đến thị trường có nhu cầu, người tiêu dùng có yêu cầu. Từ đó, cần diện tích ổn định, chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao về an toàn thực phẩm mà thị trường tiêu thụ yêu cầu. Tập trung tuyên truyền để người dân đa dạng các giống vải, kéo dài thời gian thu hoạch, tránh áp lực tiêu thụ cùng một thời điểm.
“Sản xuất áp dụng đúng quy trình gắn với quảng bá, xây dựng chỉ dẫn địa lý. Khâu sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại phải đồng hành với nhau. Ngoài nâng cao chất lượng, người dân cần nhận thức các quy định về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn mác, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường (sản xuất thông thái) gắn với giá trị của tem nhãn, bao bì mẫu mã. Đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ số, nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm. Giờ đây, mặc dù giảm diện tích nhưng giá trị lại tăng lên. Giảm diện tích người dân lại đa dạng các loại cây ăn trái khác mang lại giá trị kinh tế cao”, ông Đức cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao công tác sản xuất và tiêu thụ, trong đó quan điểm chỉ đạo kiên quyết và xuyên suốt là lấy chất lượng vượt trội và đặc trưng riêng có của Bắc Giang làm mục tiêu sản xuất và tiêu thụ. Lấy thị trường làm điều kiện quyết định để chỉ đạo sản xuất; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người trồng vải, trong đó người trồng vải phát huy tính sáng tạo, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật cho ra quả vải tốt nhất. Xây dựng thị trường, trong đó, quan tâm tới thị trường lớn truyền thống và tiềm năng như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Thị trường là yếu tố quyết định đến đầu ra của sản phẩm. Thời gian vừa qua, Bắc Giang đã làm tốt việc này.
“Đối với thị trường trong nước, tiếp tục xây dựng, củng cố kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại. Thương mại điện tử là xu thế trong giai đoạn hiện nay, tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và tiêu thụ vải thiều trên Internet và nền tảng số. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền. Các huyện trồng vải tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, ông Phương nói.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị quả vải, đặc biệt là công tác xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường là những việc huyện Lục Ngạn xác định thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Lục Ngạn sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vải từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển, bám sát điều kiện thời tiết, khí hậu từng thời kỳ để đưa ra biện pháp kỹ thuật phù hợp, đặc biệt là thời kỳ phân hoá mầm hoa, ra hoa, đậu quả trên cây vải ngay sau vụ vải thu hoạch kết thúc.
Tổ chức các hội nghị, toạ đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm (giữa cán bộ kỹ thuật với nông dân; giữa nông dân với nông dân) trong xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Tăng cường công tác dự báo sâu bệnh hại để chủ động đưa ra khuyến cáo, phòng trừ hiệu quả. Duy trì diện tích vải thiều đang có, tập trung hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất vải theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý tốt và cấp mới mã số vùng trồng gắn với tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu.
Tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, đặc biệt theo hướng HTX, liên kết theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất vải thiều tập trung; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ đảm bảo phát triển vải thiều theo hướng bền vững. Hiệp đồng với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang cung ứng bản tin dự báo thời tiết ngắn hạn, hàng tháng để làm căn cứ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vải thiều đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, để nâng cao giá trị quả vải, huyện tập trung chuyển đổi một phần diện tích vải chính vụ sang vải chín sớm; tập trung hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thu hút, đầu tư bảo quản sau thu hoạch để có thể bán được quanh năm; tập trung phối hợp với các cửa khẩu, đầu mối, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ quả vải.
Duy trì và phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng, thực hiện đổi mới công tác xúc tiến, tiêu thụ theo hướng kết hợp giữa hình thức trực tuyến và truyền thống, phù hợp với điều kiện, bối cảnh từng giai đoạn cụ thể; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, ứng dụng và phát huy có hiệu quả nền tảng xúc tiến thương mại điện tử và các hình thức xúc tiến tiêu thụ trên nền tảng số, hạ tầng internet.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, thời gian tới, các địa phương trồng vải cần cử các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, dự báo thị trường thông qua hệ thống tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt tình hình thị trường, các rào cản kỹ thuật cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu của các thị trường. Đối với thị trường trong nước, thông qua các kênh phân phối, để nắm tình hình, khả năng tiêu thụ, thị hiếu của người tiêu dùng. Người trồng tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tổ chức sản xuất cho ra sản phẩm có chất lượng cao nhất.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, nhận thức và trình độ canh tác của người trồng vải đã được nâng lên, sản xuất sản phẩm vải an toàn theo quy trình tiên tiến; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất và ổn định chất lượng, quả vải có mẫu mã đẹp, bắt mắt... Đây là điều kiện quan trọng để quả vải thiều Lục Ngạn từng bước mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, kinh doanh vải thiều, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, để duy trì “ngôi vương” cho vải thiều Lục Ngạn, còn không ít vấn đề phải giải quyết, như: các hình thức tổ chức sản xuất mới (tổ hợp tác, HTX) cũng như sự liên kết cần được đẩy mạnh. Thứ hai, việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần được quan tâm nhiều hơn, với cơ chế phù hợp hơn. Thứ ba, tỉnh cần thúc đẩy nhanh hơn hành trình chuyển từ “chuỗi sản xuất, cung ứng” sang phát triển “chuỗi giá trị ngành hàng”, chú trọng ứng dụng công nghệ cao.
Qua rà soát, sau bão Yagi (bão số 3) và mưa lũ, vùng vải thiều Lục Ngạn bị thiệt hại khá nặng: hơn 6.200ha cây ăn quả trên địa bàn (trị giá 760 tỷ đồng), trong đó vải hơn 1.400ha, táo 2.000ha, cam và bưởi hơn 2.200ha, cây ăn quả khác trên 550ha bị thiệt hại. Hiện, người dân đang tập trung chăm sóc vải thiều bị thiệt hại theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch. |
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.