Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 9 năm 2024 | 20:19

Vượt thách thức, quả dừa sẵn sàng gia nhập ngành xuất khẩu tỷ USD

Để đón cơ hội các doanh nghiệp hiện nay cũng đã chuẩn bị lượng dừa tươi cho xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến sâu từ dừa cũng mang lại giá trị lớn.

Chế biến nước dừa đóng hộp. (Ảnh: Xuân Anh)

Dừa gia nhập nhóm ngành tỷ USD

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường, đồng ý nhập khẩu chính ngạch trái dừa Việt Nam sẽ đem đến nhiều cơ hội cho trái dừa Việt Nam và dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa như bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… của nước ta đạt hơn 900 triệu USD (đứng thứ 4 thế giới). Như vậy, nếu không có gì thay đổi, dừa sẽ gia nhập mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Thực tế, trước những cơ hội mới, chỉ riêng tỉnh Bến Tre - “thủ phủ dừa” Việt Nam, cũng đã đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở khi tỉnh này hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.

Ông Tuấn cho biết thêm, mục tiêu của “thủ phủ dừa" trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000 ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.

“Tỉnh chủ trương phát triển thêm 1.500 ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000 ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm”, ông Tuấn nói.

Là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước, Bến Tre hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, để đón cơ hội các doanh nghiệp hiện nay cũng đã chuẩn bị lượng dừa tươi cho xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra các sản phẩm chế biến sâu từ dừa cũng mang lại giá trị lớn.

Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với tổng diện tích trồng gần 175.000 ha (xếp thứ 5 thế giới). Dừa cũng là loại cây mang lại thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân Việt Nam.

Theo số liệu từ Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa. Trong đó có khoảng 90 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu.

Vẫn còn những thách thức

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam đề nghị, để ngành phát triển bền vững, sớm đạt mục tiêu đề ra là xuất khẩu tỷ USD, cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu một cách đồng bộ, đạt chuẩn organic, chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu các thị trường đề ra.

Nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Đồng ý kiến, ông Trần Anh Tuấn nhận định, thời gian tới, toàn ngành cần nâng cao tiêu chuẩn để xuất khẩu tốt hơn, chủ động về nguồn gốc xuất xứ. Bởi hiện nay, diện tích dừa organic còn khá ít chỉ tập trung vào một số địa phương thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bình Định…, nhưng chủ yếu còn nhỏ lẻ chỉ vài chục đến tối đa 100 cây/hộ. Việc cần làm là tuyên truyền, tập huấn thêm cho bà con cùng nhau nâng cao tiêu chuẩn cho dừa xuất khẩu.

“Lấy Thái Lan so sánh, cái khó nhất của doanh nghiệp dừa hiện nay là so với nhiều nước cùng xuất khẩu mặt hàng này thì mình vẫn bị thua sút về cách định vị thương hiệu, mã quy hoạch vùng trồng, vùng nguyên liệu chưa bài bản. Tư duy người dân còn theo tính thời vụ, không mang tính lâu dài kéo theo doanh nghiệp gặp khó”, ông Tấn cho hay.

Dù cánh cửa cơ hội đã mở từ nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, nhưng thực tế các thị trường này ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ, bao bì, mẫu mã cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành dừa.

Nhận định về khó khăn của ngành dừa, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) cho biết, hiện nay chất lượng, mẫu mã dừa của Việt Nam chưa được đồng bộ về kích cỡ, độ ngọt, màu sắc…, khiến giá cả, giá trị không cao. Đây là nhược điểm của trái dừa trong cạnh tranh cả nội địa lẫn xuất khẩu.

“Do đó, các địa phương mạnh về dừa xiêm, dừa công nghiệp cần quy hoạch vùng trồng để có số lượng, chất lượng đồng bộ đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi hiện nay người dùng trong nước lẫn xuất khẩu bên cạnh chất lượng hữu cơ thì còn quan trọng vẻ bên ngoài. Thêm các vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác…”, ông Đức chia sẻ.

Ngoài ra, trước những biến động của tình hình toàn cầu, ông Đức cho biết doanh nghiệp ngành dừa còn gặp vướng nhiều ở tài chính đầu tư, chi phí lãi vay từ đó tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Còn theo ông Tấn, một khó khăn kìm hãm sự tăng trưởng về giá trị của ngành dừa Việt Nam là giá trị chế biến sâu chưa cao.

“So về trình độ bảo quản thô, chất lượng dừa tươi, Việt Nam có thể sánh ngang các nước khác và đáp ứng hầu hết yêu cầu của các thị trường khó tính. Tuy nhiên, về chế biến sâu, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp đầu ngành làm được điều đó”, ông Tấn nêu.

Chủ động hướng dẫn và sẵn sàng để xuất khẩu những lô dừa đầu tiên

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, khi Nghị định thư được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thì chúng tôi đã sẵn sàng cho công tác chuẩn bị trước đó. Nghĩa là ngay khi chúng tôi đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật để thống nhất với GACC thì cũng đã chủ động hướng dẫn tập huấn cho các địa phương để địa phương sẵn sàng. Và sau khi nghị định thư được ký kết, chúng ta tiếp tục xử lý thêm một số công việc theo đúng yêu cầu trong nghị định thư.

Thứ nhất, lập tức kiểm tra đánh giá, lên danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đến nay, Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn; có 207 mã số vùng trồng và 55 cơ sở đóng gói.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói để phục vụ cho việc tổng kiểm tra của các cán bộ kiểm dịch thực vật của GACC. Đây là bước tiếp theo trong quy định ở nghị định thư là trước khi xuất khẩu các lô hàng đều phải thực hiện kiểm tra các mã số và cơ sở đóng gói. Sau khi họ kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả, lập tức các mã số đó sẽ được đăng tải trên trang web của GACC và lúc đó có thể bắt đầu xuất khẩu các lô trái dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc.

Tôi hy vọng với sự hướng dẫn của cụ thể, bài bản của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cho các địa phương cũng như với sự chuẩn bị của các địa phương, chúng ta sẽ đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của nghị định thư và sẽ sớm có những lô hàng đầu tiên là quả dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sản phẩm dừa tươi phải đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), điều đáng chú ý là để đi vào thị trường Trung Quốc, sản phẩm dừa tươi của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật rất nghiêm ngặt.

Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc dự báo tăng trưởng mạnh.

Trong đó, cần đáp ứng đủ 9 điều: Dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn nhỏ hơn hoặc bằng 5cm và dừa không có vỏ). Dừa phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất.

Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT; được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ NN&PTNT phê duyệt. Bộ NN&PTNT sẽ gửi cho GACC danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website. Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm…

Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%. Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây./.

 

Thanh Tâm (t/h theo baodautu.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Sơn La cấp mới 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

    Sơn La cấp mới 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

    Trong 9 tháng năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La đã cấp mới 10 mã số vùng trồng, nâng tổng số mã đang duy trì của toàn tỉnh lên 216 mã. Cùng với đó, Sở đã đã cấp 8 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

  • Biến cỏ dại thành đặc sản

    Biến cỏ dại thành đặc sản

    Tại một số vùng đất lúa hay đất nuôi tôm sản xuất không hiệu quả ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng bồn bồn, mang lại thu nhập ổn định.

  • Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh Phú Thọ: Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp

    Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh Phú Thọ: Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp

    Là Hội đặc thù được tỉnh hỗ trợ thông qua giao chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm, Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn (SVC&LV) tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, sâu sát hội viên và Hội cơ sở, từ đó có sự chỉ đạo cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn, giúp các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành công việc được giao, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá và môi trường sinh thái.

Top