Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 9 năm 2024 | 20:30

Giảm phát thải trong nông nghiệp, hướng tới chăn nuôi bền vững

Nông nghiệp là ngành phát sinh khí nhà kính lớn thứ hai sau năng lượng, đặc biệt là chăn nuôi và trồng lúa. Để giảm thiểu tác động này, ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy và chuyển hướng sang các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thanh Hoá: trại nuôi lợn gây ô nhiễm cả một dòng sông

Trang trại lợn gần 1.000 con của hộ ông Ngô Văn Lãm ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa xả thải làm sông Mậu Khê đoạn qua địa bàn có màu đen, bốc mùi thối..

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, nước sông Mậu Khê (đoạn chảy từ xã Thiệu Thành đến xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chuyển sang màu đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc, nghi do trang trại lợn nằm ở đầu nguồn tại xã Thiệu Thành xả thải.

Sự việc ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình sinh sống gần khu vực sông Mậu Khê đoạn qua 2 xã trên.

Sau khi kiểm tra thực tế, ngày 10/9, UBND xã Thiệu Thành đã lập đoàn kiểm tra, xác minh cụ thể việc xử lý chất thải trong chăn nuôi tại trang trại lợn của ông Ngô Văn Lãm (xã Thiệu Thành, Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Ngày 18/9, nước sông Mậu Khê tiếp tục có màu đen và bốc mùi hôi thối.

Thời điểm kiểm tra, trại nuôi lợn của ông Lãm đang nuôi nhốt 700 con lợn thịt và 170 con lợn nái cùng lợn con theo mẹ. Như vậy, trang trại lợn của ông Ngô Văn Lãm là trang trại quy mô lớn.

Bên cạnh đó, hộ đã có công trình xử lý chất thải, nước thải (có 2 bể biogas, mỗi bể 100 m3; 4 bể lắng; bể lọc) trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tại bể lắng thứ 4 trước khi xả thải ra sông Mậu Khê có màu đen, bốc mùi hôi thối; nước ra sông Mậu Khê cũng có màu đen, bốc mùi thối.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận sự việc, đồng thời yêu cầu hộ ông Lãm khắc phục ngay tình trạng xả nước thải có màu đen, bốc mùi hôi thối ra sông; thực hiện các biện pháp khắc phục như xây thêm hố lắng, bể biogas tương xứng với quy mô chăn nuôi trong thời gian 7 ngày kể từ khi lập biên bản.

Tuy nhiên, ngày 18/9, người dân phát hiện nước sông Mậu Khê tiếp tục có mùi hôi thối. Tại hiện trường, dòng nước có màu đen kịt, tạo váng nổi trên mặt sông, kéo dài hàng km, rộng hàng chục mét, phủ kín cả dòng sông.

Sau khi nắm bắt thông tin, UBND huyện Thiệu Hóa phối hợp với UBND xã Thiệu Thành xuống trực tiếp trang trại để kiểm tra. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện trang trại đang xả thải ra sông bằng đường ống (nước thải có màu đen, bốc mùi hôi thối) và lập biên bản sự việc về hành vi trang trại xả thải chăn nuôi có dấu hiệu chưa đảm bảo quy chuẩn ra sông Mậu Khê. 

Trước sự việc trên, một lần nữa cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ gia đình này khẩn trương khắc phục vấn đề môi trường, đảm bảo an toàn trong quá trình chăn nuôi.

Trao đổi với phóng viên về việc chỉ đạo khắc phục tồn tại môi trường trong chăn nuôi tại trang trại lợn, ông Thân Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành cho biết: sau khi phát hiện và lập biên bản sự việc, chính quyền địa phương đã yêu cầu ông Lãm chấp hành các quy định về môi trường trong quá trình chăn nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình khắc phục thì gặp bão số 3, nên trước mắt chủ trang trại tập trung vào việc gia cố chuồng trại để tránh thiệt hại. Hiện gia đình đã thuê máy móc về để đào hố, xử lý chất thải, tập trung khắc phục hậu quả.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là một hệ thống sản xuất khép kín, trong đó mọi thứ phát sinh từ quá trình sản xuất đều được tận dụng để phục vụ các mục tiêu khác. Thay vì để phế phẩm nông nghiệp bị lãng phí, mô hình này biến chúng thành đầu vào cho các hoạt động sản xuất khác.

Thực tế đã chứng minh rằng, khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, phát thải khí nhà kính gần như không còn. Điển hình như trang trại của bà Phạm Thị Hảo ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên diện tích 4 mẫu đất, bà Hảo đã triển khai mô hình nông nghiệp khép kín kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt và nuôi cá.

Hệ thống của bà Hảo bao gồm một trại nuôi lợn, ao cá và vườn cây ăn quả. Điều đặc biệt ở đây là bà tận dụng toàn bộ chất thải từ trại lợn để làm phân bón cho cây bưởi, biến nó thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên giúp cải thiện chất lượng đất và cây trồng. Kết quả, không chỉ giảm thiểu phát thải và ô nhiễm môi trường, mà sản phẩm thu hoạch cũng đạt chất lượng cao hơn.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Bà Hảo chia sẻ: “Những lúc cao điểm, tôi nuôi 200 đến 250 con lợn, với số lượng ấy, chúng thải ra ao của khoảng 5 - 7 tạ phân. Nhờ việc sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng, lượng chất thải đã được xử lý ngay tại chỗ, không còn phải xả xuống ao nữa. Phân sau đó được chuyển sang bón cho cây bưởi, giúp đất trở nên tơi xốp hơn, quả cũng đẹp hơn."

Dù vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hiện nay vẫn còn ở mức sơ khai và chủ yếu tự phát ở các hộ nông dân nhỏ lẻ. Các trang trại lớn vẫn chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm. Hàng trăm triệu tấn phế phẩm nông nghiệp hàng năm vẫn chưa được tận dụng hiệu quả, tiếp tục gây ra những hệ lụy về môi trường. Đây là một thách thức lớn mà ngành nông nghiệp cần phải đối mặt để có thể thực hiện cam kết giảm phát thải.

Theo đó, việc triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên diện rộng vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Một trong những rào cản lớn nhất là tư duy sản xuất truyền thống của người nông dân. Họ đã quen với các phương thức canh tác đơn giản, chưa có sự đầu tư vào công nghệ hay kỹ thuật mới. Trong khi đó, để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi không chỉ kiến thức, mà còn là khả năng quản lý và tích hợp các quy trình sản xuất khác nhau.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc thay đổi tư duy là yếu tố tiên quyết để nông nghiệp tuần hoàn có thể phát triển. Ông nhận định: "Khi nhìn vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần phải tập trung vào việc tạo ra động lực kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp. Họ cần phải thấy được lợi ích trực tiếp từ mô hình này để có động lực tham gia."

Thêm vào đó, một vấn đề quan trọng khác là thiếu hụt cơ sở dữ liệu và thông tin thực tiễn để xây dựng các chính sách hỗ trợ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có đủ thông tin chi tiết về mức độ phát thải từ các ngành khác nhau trong nông nghiệp, cũng như về hiệu quả của các mô hình tuần hoàn đã được triển khai. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn: thiếu chính sách hỗ trợ dẫn đến sự tham gia còn hạn chế, mà khi chưa có nhiều người tham gia, lại thiếu cơ sở để xây dựng chính sách.

Trong khi đó, các chuyên gia môi trường nhận định rằng tác động từ biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, và sự suy thoái của môi trường tự nhiên đang đẩy Việt Nam vào tình thế buộc phải thay đổi. Việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là một giải pháp tức thời mà còn là một yêu cầu lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Giải pháp giảm phát thải ngành chăn nuôi

Để mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thực sự phát triển, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan, từ các cấp quản lý, doanh nghiệp đến người nông dân. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm khuyến khích việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất tuần hoàn. Các chính sách này cần được xây dựng một cách linh hoạt, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, vừa đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Một trong những biện pháp cần thiết là hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo cho người nông dân, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các công nghệ mới, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu phát thải. Điều này đặc biệt quan trọng trong ngành chăn nuôi, nơi lượng phát thải khí metan từ chất thải động vật và quá trình lên men trong dạ dày gia súc đóng góp một phần lớn vào lượng khí nhà kính toàn cầu.

Theo đó, sự hỗ trợ có thể đến từ việc tài trợ các dự án ứng dụng công nghệ sinh học, chẳng hạn như hệ thống xử lý chất thải bằng vi sinh vật hoặc xây dựng các cơ sở sản xuất phân bón từ chất thải chăn nuôi.

Song song đó, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn là yếu tố không thể thiếu. Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò trung gian, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và hạn chế lượng khí thải gây hại.

Ví dụ, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nguồn nguyên liệu tái chế hoặc thành lập hệ thống thu gom và xử lý chất thải sinh học tại các trang trại lớn. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí cho nông dân mà còn tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

 Nếu được triển khai đồng bộ, nông nghiệp tuần hoàn có thể mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, mô hình này giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp, qua đó góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thứ hai, giúp tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí và tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất. Cuối cùng, kinh tế tuần hoàn tạo ra sự phát triển bền vững, giúp nông dân ổn định thu nhập và cải thiện chất lượng sản phẩm.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Baodautu, kinhtedothi...)
Ý kiến bạn đọc
Top