Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 10 năm 2024 | 11:24

Hướng đi hiệu quả từ trồng cây dược liệu ở Hòa Bình

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng cây dược liệu là hướng đi hiệu quả của nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình.

"Điểm sáng” về phát triển cây dược liệu

Xã Yên Trị (Yên Thủy) là một trong những "điểm sáng” về phát triển cây dược liệu. Đồng chí Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bài toán đầu tiên được đặt ra với cấp ủy, chính quyền xã là làm sao nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ trương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các khu vườn tạp sang trồng cây dược liệu xuất phát từ đó. 

Nông dân Yên Thủy trồng và chăm sóc cây cà gai leo.

Để đem lại hiệu quả cao nhất, địa phương chủ động chọn các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu quý bản địa và tuyên truyền người dân đưa vào trồng thay thế. Đồng thời, xã đề xuất với huyện đồng hành, phối hợp với các trung tâm dược liệu, các công ty dược để xây dựng mô hình liên kết sản xuất. Không như cây trồng mùa vụ, đặc thù của cây dược liệu chủ yếu là dài ngày, trồng một lần thu nhiều năm, công chăm sóc ít mà giá trị kinh tế mang lại cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa. Từ hướng đi đúng, đời sống của nhiều hộ dân Yên Trị ngày càng khấm khá. Diện tích trồng dược liệu tại xã được mở rộng khoảng 35ha, thu hút 45 hộ tại HTX Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ cùng tham gia.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Yên Thuỷ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã quy hoạch vùng trồng dược liệu gồm 3 xã: Yên Trị, Đa Phúc, Lạc Lương, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã chủ động chọn các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương: Cây sạ đen, cà gai leo, sả…ngoài ra còn phát triển một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như cây sâm, cây dược liệu quý bản địa, để trồng đã mang lại giá trị kinh tế cao trên diện tích canh tá, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Hiện, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện là 188 ha, gồm: Cà gai leo, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh… được hộ gia đình liên kết với HTX nông nghiệp để sản xuất tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vùng quy hoạch trồng dược liệu là Yên Trị, Đa phúc, Lạc Lương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 cơ sở sơ chế và chế biện dược liệu của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu chuyên sơ chế, chế biến dược liệu Cà gai leo; HTX nông nghiệp Yên Trị  chuyên sơ chế và chế biến các dược liệu tổng hợp ( sả, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh); 01 cơ sở sơ chế, chế biến cá thể gia đình ông Bùi Văn Chung xã Đa Phúc về sản phẩm Trà túi lọc cà gai leo.

Nhìn chung, việc phát triển cây dược liệu góp phần đáng kể trong chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tạo việc làm thường xuyên, kinh tế bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thu nhập bình quân cây dược liệu cao hơn so với cây trồng khác, ước đạt 180-300 triệu đồng/ha/ năm….là những giá trị mà việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện mang lại. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra sản phẩm còn thiếu ổn định, thiếu các Doanh nghiệp có tiềm lực liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu bền vững trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng trong sản xuất, chế biến, nhất là công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ. Các HTX ít được tiếp cận  đối với cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản dược liệu.

Theo đánh giá tiềm năng, tới năm 2030 huyện sẽ phát triển khoảng 43 ha cây dược liệu trên địa bàn, để đáp ứng nhu cầu trên cần có giải pháp nhằm phối hợp lồng ghép nguồn vốn các chương trình Dự án, các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương định hướng, chính sách của nhà nước đối với ngành dược liệu. Nâng cao nhận thức của Nhân dân trong vùng quy hoạch về hiệu quả của sản xuất dược liệu, khai thác dược liệu lâu năm, không phát triển sản xuất tự phát. Chủ động tìm kiếm đối tác đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm trong ngành dược liệu hoặc dược phẩm bằng các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hình thức hợp tác này có thể cung cấp không chỉ nguồn tài chính mà còn được cung cấp các kiến thức quản lý và mạng lưới kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Huy động nguồn đóng góp từ các thành viên HTX hoặc liên kết với các cá nhân, tổ chức khác trong cộng đồng địa phương để chia sẻ tài chính và nguồn lực: các đơn vị, tổ chức cá nhân cung cấp cây giống, cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp giảm bớt gánh nặng tài chính đối với một cá nhân hoặc đơn vị sản xuất.

Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho các chương trình, dự án như: Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030; các nguồn vốn hợp pháp khác; Đề án “Mô hình phát triển các sản phẩm OCOP dược liệu gắn với vùng nguyên liệu địa phương tại xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình” giai đoạn 2024-2030; Dự án Sản xuất dược liệu Cà gia leo theo chuỗi liên kết” tại Đa Phúc và Bảo Hiệu năm 2024 và 2025.

Còn nhiều tiềm năng

Cùng với xã Yên Trị, trồng và phát triển cây dược liệu đã được nhiều địa phương triển khai. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.350 ha dược liệu, trong đó có 197,6 ha trồng xen trên đất rừng, còn lại được trồng trên đất cây hàng năm, cây lâu năm... Một số loại dược liệu chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.600 ha cho thu hoạch trên 11 nghìn tấn/năm; cà gai leo 167 ha, thu hoạch trên 1,2 nghìn tấn/năm; xạ đen 218 ha, thu hoạch 1,62 nghìn tấn/năm... Cùng với đó là các dược liệu khai thác tự nhiên với đa dạng về loài, giống như: chè dây, lạc tiên, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến...

Xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc phát triển cây dược liệu trên đất đồi.

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Các dự án, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã giúp đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào canh tác, sơ chế, chế biến cây dược liệu. 

Để đẩy mạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án với mục tiêu phát triển cây dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý.

Mục tiêu cụ thể của dự án là đến năm 2025 quy hoạch các vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị để phát triển bền vững trong tự nhiên, lựa chọn và khai thác hợp lý 10 loại dược liệu chính đạt 8.000-9.000 ha/năm. Đến năm 2030, quy hoạch và mở rộng diện tích vùng trồng cây dược liệu hàng hóa đạt 15.000 ha, sản lượng đạt khoảng 80-120 nghị tấn/năm. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bản tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã xác định, dược liệu thuộc nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được ưu tiên thúc đẩy phát triển. Theo kế hoạch, đến năm 2025 phát triển khoảng 8.500 ha cây dược liệu bằng việc tận dụng tốt quỹ đất vườn, gò đồi, bưa bãi. Trong đó, phát triển khoảng 1.800 ha trồng cây dược liệu trên đất rừng với các loài cây như: Cà gai leo, Sachi, Sa nhân, Hà thủ ô, Đương quy, Giảo cổ lam, Xạ đen, Ba kích, Huyết đẳng, Linh chi, Khôi nhung, Gừng, Nghệ,…   

Hiện tại, theo số liệu thống kê đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 2.145 ha cây dược liệu, hương liệu được trồng và khai thác. Trong đó, các loại cây trồng chính có diện tích và sản lượng lớn như: Sả 1.576 ha cho thu hoạch trên 10.790 tấn, Cà gai leo 294 ha thu hoạch 2.210 tấn, Xạ đen 218 ha thu hoạch 1.620 tấn; ngoài ra, còn các loại cây khác như: Nghệ (đỏ, vàng), Ngải cứu, Giảo cổ lam, Đẳng sâm, Hương nhu, Đinh lăng, Cát sâm, Thìa canh... có diện tích trồng dưới 50 ha. Ngoài diện tích trồng tập trung trên đất bằng, đất bưa bãi... diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng hiện mới chỉ có khoảng 64,5 ha,... Như vậy, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên đất lâm nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, còn thiếu tính bền vững; thiếu các chuỗi giá trị từ gây trồng, canh tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa phát huy hết tiềm năng đất đai, lao động của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế dược liệu; 10 cơ sở chế biến dược liệu với quy mô doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, bước đầu tạo đầu ra ổn định cho cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số HTX sản xuất được sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 - 4 sao như: cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị (Yên Thủy); cao xạ đen và cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi (Lương Sơn); an phế Triệu Gia của HTX thuốc nam gia truyền Triệu Gia (Kim Bôi); an phục khớp của HTX H20 Việt Nam (TP. Hòa Bình)... Trong đó, các sản phẩm cà gai leo Yên Thủy và xạ đen Hòa Bình được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Tuy nhiên, theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, hiện nay, tổng sản lượng dược liệu của tỉnh đưa vào chế biến mới chiếm khoảng 30%. Một phần còn lại (khoảng 10%) được sử dụng trong các bài thuốc đông y gia truyền; còn phần lớn (khoảng 60%) vẫn tiêu thụ ngoài tỉnh dưới dạng sản phẩm thô. Thực tế đó đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ để phát triển vùng trồng cây dược liệu tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trở thành sinh kế để thoát nghèo bền vững, tiến tới nâng cao thu nhập, tạo ra các sản phẩm dược liệu đặc trưng trên địa bàn. 

Cũng theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, dựa trên điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường, giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu, tỉnh sẽ xây dựng danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, phương án hỗ trợ nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho thuê môi trường để phát triển cây dược liệu, đảm bảo phù hợp với quy chế quản lý rừng và quy định của Luật Đất đai năm 2024. 

Ngoài việc tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; hỗ trợ chế biến sâu, tạo ra những thương hiệu dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới... ngành nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các diện tích trồng cây dược liệu tập trung; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư... từ đó phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Theo hoabinh.gov.vn, baohoabinh.com.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Top