Mỗi năm nước ta sản xuất hơn 40 triệu tấn thóc, hàng triệu tấn trái cây, rau, củ, quả các loại. Là nước xuất khẩu nông sản trong TOP 15 thế giới nhưng hiện nay, cơ giới hóa mới chỉ tập trung ở một số khâu, trên một số cây trồng chủ lực.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, hiệu quả cao, giảm sức lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, và có trách nhiệm, phải đẩy nhanh cơ giới hóa. Đây là không gian cho cho ngành cơ khí nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Kết quả bước đầu
Những năm qua, ngành cơ khí nông nghiệp ở nước ta có bước phát triển nhanh, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp có mức tăng cao, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2021 so với năm 2016, số lượng máy kéo tăng 45,5%; máy gặt đập liên hợp tăng 77,1%; máy sấy nông sản tăng 25,8%; máy, thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,1 lần...
Công suất các loại máy kéo làm động lực cho máy nông nghiệp có xu hướng chuyển dịch từ máy có công suất nhỏ (dưới 15 mã lực) sang sử dụng máy có công suất cỡ trung (18-35 mã lực) và cỡ lớn (trên 35 mã lực). Mức độ cơ giới hóa bình quân cả nước một số khâu trong sản xuất nông nghiệp có mức độ cao, như: làm đất trồng cây hàng năm đạt 93%; chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, cà phê, mía đạt trên 75%; thu hoạch cây hàng năm đạt trên 50%; vận chuyển gần 100%. Ở ĐBSCL, cơ giới hóa 100% bằng các phương tiện ghe, thuyền, rơ mooc, ô tô, xe nông dụng.
Dựa trên nền tảng công nghiệp cơ khí, các máy móc ra đời giúp con người thực hiện các công việc như làm đất, gieo hạt, bón phân, phun thuốc trừ sâu, theo dõi sức khỏe cây trồng, thu hoạch… Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp giúp giải phóng sức lao động con người, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả lâu dài về kinh tế.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng cao, trong đó, một số khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao như: Làm đất đạt gần 99%, tưới tiêu nước chủ động gần 100%, khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đạt 95%, khâu thu hoạch lúa 93%, khâu vận chuyển đạt 91%... Thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí về sử dụng giống, tiết kiệm công cấy từ 2 - 2,2 triệu đồng/ha, giảm một đến hai lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất 5 - 15%, tăng hiệu quả kinh tế 2,77 - 8,31 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, ở Đồng Tháp, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%; gieo sạ, cấy là 88,87%; bơm tưới chủ động đạt 100% và toàn bộ diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy. Ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có bước phát triển mạnh, nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được đưa vào sản xuất, tỷ lệ cơ giới sản xuất tăng nhanh, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, trong giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Với sản xuất lúa giai đoạn 2008 - 2021, cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 75 lên 97%; khâu gieo sạ, cấy tăng từ 5 lên 65%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55 lên 80%; khâu thu hoạch từ 15 lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%.
Hiệu quả từ mạ khay, cấy máy
Xã Long Xuyên (Bình Giang - Hải Dương) là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng mạ khay cấy máy với diện tích lúa lên tới 80%. Ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên, cho biết, mô hình cấy bằng máy đã tháo gỡ khó khăn về lao động cho nhiều địa phương. Nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao thu nhập.
Mô hình mạ khay, cấy máy tại Hải dương mang lại hiệu quả cao.
Gia đình ông Đinh Văn Tuấn ở thôn Đông Nghĩa là một trong những hộ tiên phong trong việc áp dụng cấy máy ở xã An Lâm (Nam Sách - Hải Dương). Cùng với việc chủ động gieo, cấy hơn 5 mẫu (2,7 mẫu Bắc Bộ = 1ha) ruộng của gia đình, ông Tuấn còn phục vụ bà con trong xã. Những hộ đã quen và thấy được hiệu quả của cấy máy đều duy trì và không muốn quay lại phương thức cũ.
Ông Tuấn tâm sự, quá trình sản xuất tôi nhận thấy, cấy máy mang lại nhiều lợi ích như: Giảm chi phí, giảm công lao động, thời vụ gieo cấy và năng suất lúa bảo đảm. Công cấy tay rất cao, 350.000 - 450.000 đồng/người/ngày, trong khi cấy máy bằng mạ khay, cả gieo mạ và cấy chỉ mất khoảng 300.000 đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Hiện nay, hầu hết các khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đều có máy móc hỗ trợ nên khi có thêm máy cấy sẽ giúp cho gia đình cấy với diện tích lớn không mất quá nhiều công lao động. Đặc biệt, lúa cấy bằng máy thường cứng cây, khả năng chống đổ tốt, thực tế qua bão số 3, lúa cấy máy hầu như không bị đổ, trong khi nhiều diện tích lúa gieo thẳng bị đổ nặng.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Hải Dương, việc ứng dụng cấy máy, mạ khay trong sản xuất lúa đã đưa năng suất lao động tăng 16 lần so với canh tác truyền thống, giảm 30% lượng hạt giống, năng suất lúa cao hơn 2,4 - 6,9%, hiệu quả kinh tế cao hơn 20-27%. Các mô hình này cho thu lãi 13,8 - 30,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với gieo cấy thủ công 2,8 - 8,3 triệu đồng/ha. Đây cũng là giải pháp tốt nhất để sản xuất vùng lúa hàng hóa tập trung, hạn chế nông dân bỏ ruộng.
Qua 3 năm triển khai, tỉnh Hải Dương đã xây dựng 3 mô hình tổ chức dịch vụ ứng dụng mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa trên địa bàn hai huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện và thành phố Chí Linh. Tại mỗi mô hình, các hộ tham gia tổ chức dịch vụ đã góp vốn đối ứng mua sắm máy, thiết bị thực hiện sản xuất được trên 176.000 khay mạ, đảm nhiệm dịch vụ cấy cho trên 700ha sản xuất lúa. Trong đó, có 385ha trong mô hình và 320ha ngoài mô hình. Không chỉ góp phần gia tăng thu nhập, mô hình đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa, tạo ra các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Nhiều điểm nghẽn
Tuy ngành cơ khí, cơ giới hóa nông nghiệp đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Chế tạo máy móc, thiết bị trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy. Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn hạn chế, chậm chuyển giao vào sản xuất. Năng lực nghiên cứu ứng dụng các máy phục vụ sản xuất nông nghiệp còn chưa cao. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh để tạo ra các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp chuyên sâu như một số nước đang thực hiện. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp chưa hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí…
PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh, cho biết, cả nước có khoảng 7.800 doanh nghiệp cơ khí và trên 270 tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia vào quá trình sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí do trong nước sản xuất mới đáp ứng khoảng 33% nhu cầu thị trường. Không những vậy, hiện nay, ngành cơ khí nông nghiệp đang “khát” nguồn nhân lực nhưng tỷ lệ bổ sung rất thấp.
Sự tham gia của khu vực tư nhân vào công nghiệp, cơ khí phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư của kinh tế tư nhân vào lĩnh vực này dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Có thể nêu mấy điểm nghẽn: chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ, thủ tục hành chính...
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp là cần phải cơ giới hóa đồng bộ. Hiện tại, thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Các nhà sản xuất trong nước chiếm thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường. Thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, mặc dù cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, song với lĩnh vực lâm nghiệp, việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Có tới 70% khối lượng công việc vẫn phải thực hiện thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới được thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng như trồng, chăm sóc, chữa cháy, vận xuất và bốc xếp thì tỷ lệ chỉ đạt khoảng 2 - 5%”, ông Thịnh nói.
Theo lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, ngành cơ khí nông nghiệp đang gặp những khó khăn, thách thức như: Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp; chưa tạo ra tác động tích cực do thiếu chế tài bắt buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai… Và một điều cần nhắc tới là, việc sản xuất nông nghiệp nước ta ở quy mô hộ (sản xuất nhỏ) còn chiếm tỷ lệ cao. Đây cũng là một rào cản đối với sự phát triển của công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Hiện, máy gặt đập liên hợp được sử dụng nhiều ở các vùng sản xuất lúa với diện tích lớn.
Hướng đến nông nghiệp chính xác
Nhằm thúc đẩy cơ khí hóa, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm là tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ do trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, nên xem xét điều chỉnh mức vay tối đa 100% giá trị máy móc, thiết bị công nghệ. Cùng với đó, sửa đổi bổ sung chính sách tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay nhằm khuyến khích nông dân đầu tư mới máy móc thiết bị tiên tiến và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất máy móc thiết bị phục vụ.
Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đưa ra một số giải pháp như: Tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ do trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các nhà nghiên cứu, các kỹ sư cơ điện để tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Sử dụng công nghệ 4.0 điều khiển các máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp.
Về giải pháp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, Bộ đã đề xuất giải pháp trọng tâm là hình thành các trung tâm cơ giới hóa cấp vùng. Đây là trung tâm tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX có năng lực về cơ giới hóa, công nghệ mới, công nghệ thông minh để hợp tác, liên kết và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa và công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp; là nơi đặt hàng cho công tác nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu; cũng là nơi hỗ trợ cơ giới hóa các vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn.
Trung tâm hoạt động dưới hình thức tự tổ chức liên kết để nghiên cứu, chuyển giao cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực. Nhà nước giữ vai trò định hướng, khuyến khích phát triển trung tâm cơ giới hóa vùng, nhằm đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển cơ giới hóa đồng bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, với chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp như: chính sách tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với việc nhập khẩu máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp…
Cùng với đó là các hoạt động về huấn luyện, đào tạo lao động sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo hạ tầng đồng ruộng, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, cũng được chú trọng.
“Cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay với yêu cầu cao hơn, không chỉ là giải pháp riêng lẻ, mà cần được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất để phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất và sản lượng, mà hướng dần đến nông nghiệp chính xác, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi 60%; sản xuất thủy sản 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp 50% và diêm nghiệp 90%. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 thế giới”. |
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với cách làm chủ động, sáng tạo, giúp thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê, nâng cao mọi mặt đời sống người dân.