Với chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, những năm qua số lượng HTX nói chung, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 nói riêng ở Bắc Giang không chỉ phát triển mạnh về số lượng mà còn mang lại hiệu quả cao kinh tế, xã hội.
Truy xuất đến tận người sản xuất
Tiền thân là Câu lạc bộ VAC (vườn - ao - chuồng), với mục đích học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cây ăn quả, chăn nuôi; giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế hộ và trang trại, hợp tác tiêu thụ sản phẩm, giờ đây HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (HTX Hồng Xuân - huyện Lục Ngạn) đã trở thành HTX nông nghiệp dẫn đầu trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Giang.
Giờ đây, nhiều HTX Nông nghiệp đưa vào nhật ký điện tử sử dụng, thuận lợi cho việc du khách truy xuất nguồn gốc.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân cho biết, khi được sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể tập huấn cho HTX về công nghệ 4.0, chúng tôi đã áp dụng vào trong sản xuất và sơ chế, chế biến sản phẩm. Bước đầu đã phát triển tốt, các mặt hàng cung cấp ra thị trường đều có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, áp dụng công nghệ 4.0, khách hàng có thể truy xuất đến tận người sản xuất. Khi họ Check sản phẩm mình mua sẽ biết sản phẩm đó sản xuất ở vườn nào, hộ thành viên nào, theo quy trình chăm sóc nào. Đến nay, rất được khách hàng hưởng ứng, các thành viên tích cực theo dõi và sản xuất theo.
Trước kia, nhật ký chăm sóc ghi vào sổ bằng tay, khi áp dụng công nghệ 4.0, HTX đã đưa vào nhật ký điện tử. Khi áp dụng, bà con chăm sóc sẽ đưa toàn bộ dữ liệu ngày hôm đó vào nhật ký. Ví dụ: cắt cây, tỉa cành, làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật, hình ảnh đó sẽ đưa vào hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc, khi khách hàng Check sẽ ra từng sản phẩm, tưới có hình ảnh tưới, bón phân, hoặc thu hoạch đều có hình ảnh.
Cùng với đó, HTX đầu tư hệ thống máy sấy, kho lạnh (trị giá 1.5 tỷ đồng, nếu cả kho xưởng lên tới hơn 2 tỷ đồng) để cho sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường. Năm 2023-2024, HTX mua sắm máy móc cuối năm 2024, sẽ cho ra sản phẩm theo công nghệ mới. Ví dụ, áp dụng công nghệ sấy điện lạnh, vừa sấy điện, vừa sấy lạnh, kết hợp với bao bì, mẫu mã đẹp, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin trên sản phẩm.
Khi đưa công nghệ vào sẽ cho ra sản phẩm tốt cho sức khỏe, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm; cuối cùng cho ra sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn, chất lượng hơn. Chúng tôi kỳ vọng, ngoài sản phẩm tươi xuất ra thị trường được khách hàng chấp nhận, đánh giá tốt, sản phẩm qua sơ chế chế biến đưa ra thị trường sắp tới sẽ hoạt động tốt hơn, ông Dũng cho biết.
Tăng 25% giá trị từ ứng dụng 4.0
HTX Dịch vụ tổng hợp và Sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng áp dụng công nghệ 4.0 vào sớm đã mang lại hiệu quả.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, HTX Dịch vụ tổng hợp và Sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (HTX Nông nghiệp Lúa Vàng), thôn Đông, xã Cảnh Thụy, Yên Dũng, thành lập năm 2019, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn và chăn nuôi trâu bò. Thấy được vai trò của ứng dụng công nghệ 4.0, HTX đã ứng dụng rất sớm, kết quả cho hiệu quả tích cực. Hiện, HTX có 2 trang trại nuôi trâu bò ở Nghệ An và Bắc Giang, mỗi trại 500 con. Hàng năm cung cấp ra thị trường từ 5.000 - 6.000 con, thông qua chế biến và bán nguyên con.
HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, bao gồm hệ thống thông gió tự động, hệ thống chiếu sáng và quản lý chất thải hiệu quả. Chuồng trại được thiết kế phù hợp đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho từng loại. Không dừng lại ở đó, HTX đã triển khai hệ thống cung cấp nước sạch tự động và sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn chất lượng cao. Việc này không chỉ giúp gia súc phát triển tốt mà còn giảm thiểu rủi ro bệnh tật do nguồn nước và thức ăn không đảm bảo.
Từ chính sách của tỉnh nhiều HTX nông nghiệp được hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ cho việc sơ chế, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, HTX đã áp dụng các công nghệ giám sát tự động như: cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và camera giám sát 24/7, để theo dõi tình trạng sức khỏe và điều kiện sống của gia súc. Hệ thống này giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. HTX đã sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu chăn nuôi để ghi nhận và phân tích các thông tin về tăng trưởng, sức khỏe, tiêu thụ thức ăn của gia súc. Phần mềm này giúp quản lý hiệu quả và đưa ra các quyết định chính xác dựa trên dữ liệu thực tế.
Ông Nguyễn Trung Điện, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lúa Vàng cho biết, các hệ thống phần mềm HTX áp dụng từ khá lâu, như hệ thống kế quản lý toán bắt đầu từ năm 2012-2013, hệ thống giám sát an ninh, hệ thống cảm biến nhiệt độ, các thiết bị hệ thống điều kiển tự động hóa trong trang trại, điều kiển tự động hóa về nước… từ năm 2015-2016.
Cùng với đó, áp dụng cơ giới hóa vào trồng, sản xuất thức ăn. Ví dụ, trong sản xuất cỏ dùng máy cắt, băm luôn, chỉ cần 1 người có thể nuôi hàng nghìn con bò. Trước đây giá thành khoảng 700 đồng/kg, áp dụng cơ giới hóa còn 200 đồng, được lợi 500 đồng/kg, tiêu thụ 3.000 tấn cỏ/năm, như vậy mỗi năm giảm được 1,5 tỷ đồng. Khi sử dụng công nghệ vào khâu chế biến thức ăn đã tăng năng suất từ 20-25%, giá trị kinh tế cũng tăng thêm 25%. Trâu, bò bán theo kilôgam, mình nuôi đạt tiêu chuẩn thì bán ở đâu cũng được. Thường người ta mua rồi lại muốn mua lại, ông Điện cho hay.
Hỗ trợ kịp thời
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh Bắc Giang cho biết, hết tháng 6, tỉnh có 1.152 HTX, trong đó có 763 HTX nông, lâm, nghiệp, gần 60 HTX có ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất. Liên Minh HTX tỉnh đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình Hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” (Đề án 4.0).
Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang đạt OCOP 5 sao.
Đến nay, Liên Minh HTX tỉnh đã hỗ trợ cho các HTX đến năm thứ 4. Trong đó, có 5 mô hình HTX thực hiện đề án ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất. Qua thời gian ứng dụng, nhìn chung các HTX đã thụ hưởng những nội dung hỗ trợ của đề án và phát huy tốt hiệu quả. Thứ nhất, hỗ trợ phần mềm vào quản lý, phần mềm này cũng đang được các HTX ngoài đề án mong muốn triển khai. Thời gian vừa qua, một số HTX đã được liên minh phối hợp với các huyện lựa chọn triển khai.
Thứ 2 các HTX đang được hỗ trợ máy móc thiết bị cũng như hạ tầng để ứng dụng công nghệ 4.0, các công nghệ cao vào sản xuất cho hiệu quả rất tốt, giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm. Nhìn chung mục tiêu và nội dung của đề án đến nay đã phát huy tốt.
Các HTX nói chung, thời gian vừa qua tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, ứng dụng công nghệ do các ngành, trong đó có liên minh hỗ trợ, đến nay đang phát huy rất tốt, gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Ví dụ, sản phẩm OCOP, hỗ trợ cho các HTX xây dựng và được công nhận các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Ứng dụng 4.0 vào quản lý và sản xuất đây là xu thế tất yếu, nhiều HTX hiện nay hoạt động thực chất, đang được hỗ trợ, bản thân họ cũng tự đầu tư để ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, sản xuất, bà Dung cho biết.
Nhiều bài học quý
Trao đổi về cách làm, bà Dung cho biết, thứ nhất phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của tỉnh, trong đó ban hành nhiều chính sách từ Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND quyết định các chủ trương về hỗ trợ cho các HTX. Nhìn chung chủ trương về phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển. Tỉnh thực sự quan tâm, dành những nguồn lực để hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phát triển.
Hai là số lượng HTX của Bắc Giang những năm gần đây có thể nói trong top đầu cả nước và hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của người dân, họ muốn thành lập mô hình để phát triển kinh tế, đồng thời phát triển mục tiêu về mặt xã hội hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế, cũng như các mục tiêu khác theo tiêu chí của các HTX.
Thứ 3, tỉnh Bắc Giang quan tâm hỗ trợ cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm chủ lực phát triển. Tỉnh, thành phố, các huyện, xã quan tâm để các mô hình, trong đó HTX xây dựng các sản phẩm bằng nhiều cách như: bằng chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP. Trong đó, các HTX phát huy rất tốt, 85 % chủ thể OCOP là các HTX, THT. Qua đó, có thể khẳng định vai trò của HTX rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội các địa phương nói chung và trong xây dựng và phát huy các sản phẩm OCOP nói riêng.
Bà Dung phấn khởi cho biết, kết quả đáng mừng là mới đây, HTX Hồng Xuân có sản phẩm đạt OCOP 5 sao, là sản phẩm thuộc bộ sản phẩm tươi sống đầu tiên của cả nước. Quá trình HTX hoạt động cũng như xây dựng sản phẩm được sự hỗ trợ rất là kịp thời và quan tâm của tỉnh, huyện, các sở, ngành và Liên Minh HTX tỉnh. Họ hoạt động thực chất, các thành viên phát huy tốt vai trò xây dựng HTX, cũng như sản phẩm của HTX mình. Đây không chỉ là sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của huyện Lục Ngạn mà của cả tỉnh Bắc Giang.
Tôi cho rằng, quyết định lớn nhất là sự quan tâm của các cấp, các ngành, không chỉ của HTX mà chung cho kinh tế tập thể của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời. Qua đó, các chủ thể, HTX họ rất phấn khởi, bản thân họ thấy được trách nhiệm và nhu cầu của mình nên rất nỗ lực tham gia, phát huy tốt nguồn hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động đúng theo Luật HTX. Nếu chỉ núp bóng hoặc trông chờ, ỷ nại không có nội lực đối ứng thì thực hiện rất khó, bà Dung cho biết thêm.
Nội dung thực hiện của Đề án 4.0, gồm: Hỗ trợ xây dựng phần mềm (app) phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Hỗ trợ, phát triển 5 mô hình HTX ứng dụng công nghệ CN 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ, phát triển 5 mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng CNC; Hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho HTX. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.