Kết quả sản xuất, tiêu thụ cá tra 2023 có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế về phát triển giống, đặt ra yêu cầu về vùng sản xuất, nuôi cá.
Theo Cục Thủy sản, tính đến ngày 15.9.2024, diện tích cá tra thả nuôi ước đạt 4.241 ha (bằng 98% so với cùng kì năm 2023). Sản lượng cá tra ước đạt 1.241.000 tấn (bằng 103% so với cùng kì năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm đạt 1,5 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Một số quốc gia phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam; biến đổi khí hậu, sự xâm lấn nước biển vào sâu đất liền...
Bên cạnh đó là rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu siết chặt, hạn chế sử dụng kích dục tố HCG trong sản xuất giống cá tra của EU...
Tại Hội nghị "Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế" diễn ra hôm nay (11.10), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết dù đạt được một số thành tích, nhưng ngành hàng cá tra, đặc biệt sản xuất, ương dưỡng cá giống còn những hạn chế cần khắc phục.
"Tỉ lệ sống trung bình rất thấp ở cả hai giai đoạn ương cá hương và cá giống, ngay cả khi đã có được nguồn cung cá bố mẹ tốt, việc sinh sản thuận lợi và có nguồn cá bột ấp nở dồi dào. Nguyên nhân chính có thể là sự suy giảm chất lượng nguồn nước, biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi tiêu cực của các điều kiện sản xuất cơ bản.
Ngoài ra là vấn đề dịch bệnh đối với giai đoạn ương từ cá hương lên cá giống; suy giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển cá giống từ ao ương của trại giống đến ao nuôi của trang trại.
Nguồn lực cho phát triển giống cá tra còn nhiều hạn chế, kể cả về đầu tư hạ tầng hay các chương trình nghiên cứu chọn giống, việc cấp vốn hàng năm để triển khai thường chậm" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị "Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế".
Cũng tại hội nghị, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để phát triển giống cá tra, trước hết cần đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ khâu sản xuất giống.
"Tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ các Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030.
Phối hợp triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Kêu gọi đầu tư, thu hút vốn doanh nghiệp, hình thành những vùng sản xuất giống, vùng nuôi cá tra tập trung hiện đại" - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản.
Đồng thời triển khai thực hiện tốt Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 4.4.2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8.3.2019 về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Đặc biệt, tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng trên địa bàn tỉnh nhằm đánh động vào ý thức của các cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.