Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024 | 8:49

Chế biến sản phẩm từ lúa gạo: Nâng cao giá trị, giảm ô nhiễm môi trường

Phát triển, sản xuất các sản phẩm chế biến từ lúa sẽ giúp nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm từ lúa gạo với giá cao hơn là xu hướng tất yếu của ngành lúa gạo Việt Nam. Không những thế, còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân, giảm ô nhiễm môi trường...

Nhiều giống lúa chất lượng

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa gạo nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành lúa gạo Việt Nam” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm vừa tổ chức, ông Nguyễn Thành Luân, Phó Trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã giới thiệu những giống lúa chất lượng phục vụ cho chế biến các sản phẩm từ lúa gạo tại các tỉnh phía Bắc.

Tọa đàm “Phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa gạo nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành lúa gạo Việt Nam”.

Đó là các giống lúa: Gia Lộc 601,  năng suất 66,6-77,7 tạ/ha (vụ xuân) và 58,7-65,1 tạ/ha (vụ hè thu); Gia Lộc 301, năng suất 65-70 tạ/ha (vụ xuân), 60-65 tạ/ha (vụ mùa); HD12, năng suất 65-75 tạ/ha (vụ xuân); đạt 60-70 tạ/ha (vụ mùa)…

Các giống lúa trên có khả năng chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá, chống đổ...; sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian sinh trưởng 100 - 140 ngày, tùy theo từng giống lúa, mùa vụ. Chất lượng gạo ngon, hạt gạo trong, cơm mềm, thơm, vị đậm..., đặc biệt thích hợp cho chế biến bún, mì và các sản phẩm từ gạo.

Ngoài ra, đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cũng giới thiệu những giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh, chất lượng cao như: BC15-02; BT7KBL-02; HD11; GL97; Gia Lộc 25; HYT116; HYT325…

Theo ông Luân, phát triển giống lúa mới không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chế biến đa dạng từ thị trường.

Ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, cho hay, Hải Dương hiện có gần 110.000ha lúa, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 700.000 tấn. Nhu cầu sử dụng lúa gạo nguyên liệu phục vụ cho chế biến thành bún, bánh, đồ uống, mì sợi… khá lớn vì gạo có giá thành rẻ, chất lượng tốt mà thời gian bảo quản dài hơn các nguyên liệu khác.

Tham quan mô hình đánh bóng hạt gạo tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Hải Dương hiện có 3.108 cơ sở xay xát gạo, 2.101 cơ sở làm bún, bánh; các cơ sở chế biến tạo ra các sản phẩm xay xát gạo trắng, gạo lứt, bún, bánh đa, bánh cuốn… Các cơ sở xay xát, chế biến đang làm gia công cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, chế biến cho các cơ sở bánh kẹo, sản xuất rượu.

Để thương hiệu gạo Hải Dương ngày càng khẳng định vai trò và vị thế, ông Thụy cho rằng, tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống xay xát lúa gạo. Chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất nhỏ  chuyển đổi sang ngành nghề khác, tạo điều kiện tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô tập trung. Song song đó là cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn, truy xuất được nguồn gốc…, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững. Hải Dương phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình Nguyễn Văn Đình, chế biến lúa gạo xuất khẩu của tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn. Thái Bình có diện tích lúa lớn, năng suất lúa cao nhưng cơ sở chế biến lúa gạo còn manh mún, chưa có nhà máy lớn; việc chế biến chủ yếu là sản xuất bún, bánh, nấu rượu, làm bánh đa.

Nâng tầm giá trị lúa gạo 

Để khai thác tối đa tiềm năng của hạt gạo cũng như giảm rủi ro khi xuất khẩu gặp khó, việc tìm giải pháp và đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ gạo là hướng đi quan trọng, nhằm nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam.

TS. Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đưa ra 5 chiến lược và 7 giải pháp để nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo lâu dài.

Theo đó, 5 chiến lược gồm: Ổn định được quỹ đất sản xuất lúa và sản xuất theo hướng chất lượng cao đi đôi với việc tăng cường các chuỗi; Đầu tư năng lực sản xuất lúa giống, dự trữ và xay xát chế biến (đa dạng sản phẩm…) để các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa trong kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trong khâu tiêu thụ (rượu, bánh bún, làm đẹp từ cám gạo…); Tổ chức lại sản xuất và hệ thống kênh phân phối theo hướng phát triển thị trường nội địa và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, xác định thị trường xuất khẩu trọng điểm có giá trị cao; Tăng cường các hoạt động phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam (CDDL, OCOP, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng); Phát triển bền vững, thân thiện môi trường, gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, trải nghiệm. Để đảm bảo ngành lúa gạo không chỉ tăng trưởng mà còn đóng góp tích cực vào bảo vệ hệ sinh thái.

Mô hình giống lúa HD12 có khả năng kháng cao với bệnh đạo ôn, chống đổ.

Bảy giải pháp được khuyến nghị: Đầu tư mạng lưới sản xuất giống lúa; Tăng cường năng lực dự trữ, chế biến cho doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo; Phân loại chuỗi giá trị gạo để xây dựng bảo hộ nhãn hiệu; Ứng dụng công nghệ cơ giới hóa sản xuất lúa; Tăng cường bảo quản và chế biến sau thu hoạch lúa gạo; Tổ chức sản xuất theo chuỗi; Phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường gắn với du lịch.

Phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa gạo không chỉ nâng cao giá trị sản xuất mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo nói riêng, cây lương thực nói chung, hướng đến chế biến sâu cho các sản phẩm lúa gạo, phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân và giảm ô nhiễm môi trường.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Top