Với tiềm năng sẵn có, lợi thế dồi dào, đặc biệt là đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nên nông nghiệp xanh đang là hướng đi của nhiều địa phương ở Lai Châu trong tương lai.
No ấm từ xanh đồng, sạch đất
Xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) đang có chuyển đổi đột phá về cơ cấu cây trồng. Tất cả đều từ đổi mới tư duy, sáng tạo lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch - bền vững.
Tại Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết về phát triển sản xuất một số sản phẩm chủ lực theo hướng tập trung hàng hóa giai đoạn 2020 - 2025. Đảm bảo nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả, ngay từ năm đầu thực hiện, Đảng ủy giao UBND xã xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát thực tế. Đồng thời, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bản. Tạo điều kiện tối ưu thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với bà con.
Theo giới thiệu của ông Lường Văn Tem - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, chúng tôi đến thăm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa (trụ sở tại thị trấn Tân Uyên) tại bản Tân Bắc. Từ khi có sự “hiện diện” của đơn vị trên vùng đất này, những khu vực trồng lúa năng suất thấp đổi màu sau mỗi mùa vụ. Hiện nay, 12ha chuối tiêu Nam Mỹ đã cho quả với năng suất rất cao. Riêng khu nhà màng với tổng diện tích gần 2.700m2 đang vào thu hoạch lứa dưa leo baby. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên khoảng 2ha, tập trung vào dưa leo baby, cà chua bi, dưa Hàn Quốc. Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Thành công từ mô hình và dự tính lâu dài của công ty cho thấy Pắc Ta đã và đang là “miền đất hứa” để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Pắc Ta thăm vườn dưa leo baby trong nhà màng của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa.
Theo ông Lê Việt Vương - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, diện tích đất nông nghiệp của địa phương chiếm tới trên 59% tổng diện tích đất tự nhiên với trên 5.733ha. Vậy nên, ngành Nông nghiệp là chủ đạo. Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động trên 52% dân số, có tư duy nhạy bén và luôn tìm tòi cái mới để quyết tâm thực hiện. Điều đó là cơ sở để cấp ủy, chính quyền xã định hướng, quy hoạch, hình thành vùng trồng rau - củ - quả thực phẩm tập trung với tổng diện tích 80ha gồm các cây trồng: bí xanh, bí đỏ, ớt, cà chua, dưa leo, cải bắp, cải thảo, khoai tây, cà rốt… Diện tích, năng suất tăng theo mùa vụ; thị trường tiêu thụ tương đối ổn định; lợi nhuận gấp 3 - 4 lần trồng lúa, nhân dân trong xã thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng với quyết tâm: xanh đồng, sạch đất. Ngoài cây màu, mô hình trồng cây ăn quả tập trung có nhiều hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng. Riêng 30ha chuối được đánh giá phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, đang có nguồn thu ổn định sau thời gian dài khó đầu ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Pắc Ta đã thực hiện đạt 23/40 chỉ tiêu thành phần, trong đó 9 chỉ tiêu vượt. Đặc biệt, thực hiện phát triển sản xuất một số sản phẩm chủ lực theo hướng tập trung hàng hóa giai đoạn 2020 - 2025 có nhiều thành tựu nổi bật. Có thể kể đến thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng (đạt 93,75% kế hoạch); hộ nghèo giảm còn 0,6% (vượt kế hoạch); diện tích cây ăn quả (bưởi, xoài, chanh leo) đạt 171,3% kế hoạch... Trên địa bàn có 3 dự án đã và đang triển khai gồm 2 trang trại lợn, 1 công trình thủy điện; 3 đơn vị liên kết sản xuất nông nghiệp (chuối, rau, củ, quả) và thành lập mới 4 tổ hợp tác sản xuất chè, lúa đặc sản…
Được biết, từ nay đến năm 2025, mục tiêu Đảng bộ xã đề ra là hình thành vùng sản xuất rau - củ - quả thực phẩm, trong đó khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa là trung tâm, liên kết sản xuất với các hộ dân. Hình thành các mô hình ruộng bậc thang, nhà vườn, hồ sen cảnh quan, farm nông nghiệp trải nghiệm nhằm gắn nông nghiệp với phát triển du lịch. Xây dựng các điểm thu mua và giao thương sản phẩm nông sản, văn hoá truyền thống tại chợ Pắc Ta.
Tạo ra mục tiêu để phấn đấu cho nền “nông nghiệp xanh” ở Pắc Ta đã minh chứng rất rõ: những gì xuất phát từ nguyện vọng, từ ý dân cũng sẽ đem đến sự ấm no.
Tân Uyên phát triển nông nghiệp xanh
Tân Uyên với tiềm năng sẵn có, lợi thế dồi dào, đặc biệt là đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nên nông nghiệp xanh đang là hướng đi đặt nhiều kỳ vọng của huyện trong tương lai. Đây cũng là định hướng đúng đắn giúp huyện thực hiện chỉ tiêu trồng cây ăn quả và phát triển nhà màng, nhà lưới để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Có rất nhiều “điểm cộng” tạo cú huých cho phát triển nông nghiệp Tân Uyên, đặc biệt là nông nghiệp xanh. Đó là điều kiện tự nhiên với diện tích tự nhiên lớn, đất nông nghiệp rộng, có các cánh đồng lớn tập trung ở các xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên. Nơi đây còn có tuyến quốc lộ 32 chạy dọc các xã, sắp tới đây, tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, giao thông trở thành điểm mạnh nhất trong phát triển kinh tế, giao thương của huyện. Các yếu tố đất đai, nước, khí hậu là tiềm năng lớn để phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, nhà màng, nhà lưới, cây lâm nghiệp và chăn nuôi, cũng là điều kiện thuận lợi mà Tân Uyên đang sở hữu. Ngoài ra, huyện còn có nguồn lao động dồi dào, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; giao thông thủy lợi được đầu tư đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho cây trồng. Những lợi thế đó là những trợ lực hấp dẫn cho Tân Uyên phát triển nông nghiệp xanh.
Nhiều chính sách được cấp ủy, chính quyền huyện linh hoạt triển khai thực hiện và cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm, cây trồng có giá trị kinh tế cao thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được huyện áp dụng triệt để. Các xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi một phần diện tích ruộng một vụ, đất bãi, đất đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế cao.
Chúng tôi vừa có cuộc khảo sát về tình hình thực hiện trồng cây ăn quả tại một vài đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện và thấy nhiều tín hiệu đáng mừng trong phát triển cây ăn quả, nhà màng, nhà lưới. Công ty TNHH MTV Hưng Phát (thị trấn Tân Uyên) vừa đón một vụ dưa vàng thành công như nhiều mùa vàng khác. Đây là loại cây ăn quả chất lượng cao được công ty trồng trong nhà màng sau nhiều lần thử sức với các loại rau màu. Ban đầu chỉ với 1.000m2 nhà màng, sau khi thử nghiệm thành công với giống dưa vàng, nguồn tiêu thụ ổn định, chất lượng, hiệu quả, đến nay, công ty đang hoàn thiện hệ thống nước, dây treo quả để trồng thêm 2.000m2 dưa theo như cam kết với huyện, nâng tổng diện tích nhà màng lên 3.000m2. Công ty trồng nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc ngoại nhập và phù hợp với điều kiện thời tiết Tân Uyên.
Vườn măng tây của Công ty TNHH Trọng Nghĩa.
Ngoài Công ty TNHH MTV Hưng Phát, lâu nay nhiều người biết đến Công ty TNHH Trọng Nghĩa (thị trấn Tân Uyên) là đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch trong nhà màng trên địa bàn huyện. Những sản phẩm: cà chua, dưa baby, cần tây, các loại rau cải sạch là sản phẩm được trồng trong nhà màng của công ty được xuất đi nhiều nơi, về tận các siêu thị ở miền xuôi. Công ty còn sở hữu 15ha chuối tiêu Nam Mỹ đang đến mùa thu hoạch phục vụ tết. Những đơn vị doanh nghiệp trên đang có sự hợp tác với nhau tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm quy mô lớn để đảm bảo đầu vào ổn định cho các siêu thị lớn. Anh Lê Văn Phượng - Giám đốc Công ty thông tin: Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng huyện trong phát triển nông nghiệp xanh bằng việc mở rộng diện tích nhà màng, trồng các loại quả có giá trị kinh tế cao, có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời cùng tham gia giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Như những dòng sông góp nước cho biển lớn, các công ty sản xuất nông nghiệp sạch đã có đóng góp không nhỏ cùng với huyện Tân Uyên hoàn thành trồng mới 80,66ha cây ăn quả từ đầu năm đến nay, nâng tổng diện tích cây ăn quả của huyện lên 936ha, sản lượng đạt 13.000 tấn trong 9 tháng năm 2024. Về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay tổng diện tích nhà màng toàn huyện đã có 3ha và đang tiếp tục được các doanh nghiệp liên kết mở rộng.
Đầu tháng 10 vừa qua, UBND huyện Tân Uyên tổ chức hội nghị nhằm bàn giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cây ăn quả năm 2024 - 2025. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, trồng, chăm sóc cây ăn quả của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Dịp này, các đơn vị cũng đề xuất những giải pháp để có thể tiếp cận các nguồn vốn, chính sách và mong nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ UBND huyện để các công ty, doanh nghiệp phát triển bền vững. Được biết, về phía huyện luôn tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển bằng việc thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp có dự án trên địa bàn; nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính; lồng ghép các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm cũng như cung cấp thông tin, cập nhật điều kiện thuận lợi từng khu vực, địa điểm, khảo sát đưa ra phương án phù hợp để đầu tư…
Vì một Lai Châu xanh
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thời gian qua, thành phố Lai Châu đang tập trung phát triển các mô hình rau sạch hữu cơ hay trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học. Thành phố Lai Châu hiện có tổng diện tích gieo trồng trên 3.400ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp gần 2.800ha. Điều kiện đất sản xuất nông nghiệp canh tác ít so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt đòi hỏi cao hơn 100 triệu đồng/năm, riêng đối với vùng sản xuất chuyên canh tập trung là hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch là một trong những hướng đi mang tính bền vững lâu dài mà thành phố đang hướng tới.
Trong giai đoạn này, thành phố đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, khuyến khích Nhân dân phát triển, mở rộng vùng chuyên canh nông nghiệp; xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Cùng với đó, để thúc đẩy chăn nuôi phát triển với quy mô trang trại, gia trại, thành phố đã triển khai đến các hộ dân một số chính sách hỗ trợ sản xuất, chính sách hỗ trợ vay vốn như Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; các nghị quyết của Thành uỷ tạo điều kiện cho các cá nhân có vốn, có trình độ chuyên môn mạnh dạn đầu tư hình thành trang trại tập trung phát triển sản xuất.
Mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là xây dựng nền nông nghiệp xanh. Do đó, thành phố tập trung chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên cơ sở vùng nguyên liệu đã có tại địa phương. Đặc biệt, khuyến khích người dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo vệ thực vật trên cây trồng đúng chủng loại, liều lượng để góp phần tạo nên nông nghiệp xanh, phủ kín. Ngoài ra, thành phố tập trung chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp, sang cây trồng có giá trị kinh tế cao; nhất là cây trồng thuần nông như cây lúa, cây ngô sang cây công nghiệp dài ngày.
Sản xuất xanh, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm an toàn chính là hướng phát triển bền vững tại thành phố Lai Châu.
Theo baolaichau.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.