Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024 | 14:21

Quảng Trị đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực

Xác định cà phê, hồ tiêu... là những cây trồng thế mạnh trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị đang tập trung hỗ trợ phát triển những cây trồng này để tạo ra những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh trên thị trường.

Hình thành vùng chuyên canh càphê

Năm nay, người dân trồng càphê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, rất phấn khởi, bởi vừa được mùa lại được giá. Giá càphê tươi ở Quảng Trị tăng cao, hiện ở mức từ 15.000-17.000 đồng/kg. Giá càphê tăng cao nhất từ trước đến nay, do đó người trồng loại cây lấy hạt này rất phấn khởi. Người trồng càphê có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ha.

Mới vào đầu vụ thu hoạch càphê, người trồng càphê ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đang rất phấn khởi khi giá hạt càphê tươi đã tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng trong khi càphê lại được mùa do thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt.

Cà phê đang trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Quảng Trị.

Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết, hợp tác xã có 7 thành viên liên kết sản xuất từ 32-35ha càphê sạch tại xã Hướng Phùng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, người dân chăm sóc chu đáo nên càphê cho quả to đẹp, năng suất cao. So với các năm trước, giá càphê đầu vụ năm 2024 này cao nhất từ trước đến nay. Càphê được mùa, được giá, gia đình ông và người trồng càphê ở Hướng Hóa rất vui mừng.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết, năm 2024, diện tích trồng càphê của huyện Hướng Hóa khoảng trên 3.700ha, trong đó có khoảng 3.400ha càphê đang cho thu hoạch, sản lượng ban đầu ước đạt hơn 4.000 tấn càphê nhân, tăng hơn 500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá càphê cao lên, người dân bắt đầu trồng lại cây càphê và chú trọng đến việc chăm sóc, thu hái làm sao cho hạt càphê đạt chất lượng cao nhất. Mỗi năm, trên địa bàn huyện Hướng Hóa trồng mới, tái canh hơn 150ha càphê, tập trung các địa phương trồng cây càphê chủ lực gồm xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh.

Càphê là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị, cùng với cao su và hồ tiêu. Thương hiệu “Càphê Arabica Khe Sanh” vốn đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Không chỉ có giá trị xuất khẩu, cây càphê còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị.

Sản phẩm càphê Hướng Hóa đã trở thành đặc sản của tỉnh và Quảng Trị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn là 1 trong 8 tỉnh để phát triển càphê đặc sản theo Đề án Phát triển càphê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Sản phẩm càphê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” đã tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh trong đó có ngành hàng càphê.

Để thúc đẩy ngành hàng càphê Quảng Trị phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết. Ngành nông nghiệp tỉnh này đã và đang nhân rộng mô hình sản xuất càphê hữu cơ, càphê đặc sản, càphê chất lượng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết để tiêu thụ sản phẩm càphê nhằm duy trì ổn định diện tích 5.000ha.

Đồng thời, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đến năm 2026 có ít nhất 1.000ha càphê được tái canh, trong đó có 50ha càphê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển 60ha càphê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng và đến năm 2030 hoàn thành việc tái canh diện tích càphê già cỗi (cây trồng trước năm 2000) trên địa bàn bằng bộ giống càphê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.

Phát triển cây trồng chủ lực

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Quảng Trị. Người trồng cà phê theo hướng hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả được tỉnh hỗ trợ một lần với mức tối đa 70% chi phí giống cây cà phê, giống cây ăn quả trồng xen và vật tư nông nghiệp thiết yếu để thực hiện tái canh cà phê. Định mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha đối với hỗ trợ trồng tái canh cà phê và 10 triệu đồng/ha đối với việc cải tạo nâng cao hiệu quả vườn cây.

Nhờ có chính sách hỗ trợ, mỗi năm người dân có điều kiện trồng mới, tái canh hơn 150 ha cà phê ở các xã: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh. Thương hiệu “Cà phê Arabica Khe Sanh” là sản phẩm chủ lực của tỉnh, bởi hương vị thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung hỗ trợ phát triển những cây trồng tạo ra những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh trên thị trường.

Đối với cây tiêu, người trồng cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng được hỗ trợ một lần với mức tối đa 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu. Thương hiệu “Tiêu Quảng Trị” là sản phẩm chủ lực của tỉnh đã nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay rất đặc trưng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tỉnh hiện có khoảng 2.500 ha hồ tiêu tập trung ở các huyện: Cam Lộ, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh. Hồ tiêu Quảng Trị đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm hạt tiêu hữu cơ, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hồ Tiêu Cùa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ  cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn/năm, giá bán ra thị trường từ 220.00 - 240.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với hạt tiêu thường.

Ông Trần Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hồ Tiêu Cùa cho biết, với sự hỗ trợ của các đơn vị của tỉnh, thương hiệu “Hạt Tiêu Cùa” đã đạt sản phẩm OCOP đạt 4 sao, đồng thời hỗ trợ xúc tiến và quảng bá sản phẩm. Thời gian tới, đơn vị mong muốn có doanh nghiệp hỗ trợ thu mua ổn định sản phẩm hạt tiêu hữu cơ để sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Còn với cây dược liệu, tỉnh có chính sách hỗ trợ trồng mới để phát triển vùng sản xuất tập trung và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tỉnh hiện có trên 3.500 ha cây dược liệu tập trung phần lớn ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.

Dự kiến đến năm 2025 diện tích cây dược liệu của tỉnh tăng lên 4.500 ha; trong đó trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung 200 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng như nghệ, chè vằng, sả, cà gai leo, an xoa; trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng 800 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng như: giảo cổ lam, sâm cau, khôi tía. Tỉnh đã có nhiều sản phẩm từ cây dược liệu tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước  như: cao an xoa, cao chè vằng, cà gai leo.

Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao, nhất là rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; hỗ trợ phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển cây lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 

T. Thành (T/H)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top