Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm cho ngành dừa nhằm nâng cao chất lượng để xuất khẩu là mục tiêu mà nhiều địa phương đang hướng tới.
Tiền Giang làm dừa hữu cơ
Tiền Giang có khoảng 20.500 ha dừa, tập trung tại các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh, với sản lượng khoảng 234.000 tấn quả/ năm. Là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, ngành dừa cho sản phẩm phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Chế biến dừa tươi xuất khẩu tại Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN
Chợ Gạo là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển các vùng chuyên canh dừa, tạo giá trị nông sản hàng hóa cao, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo nông thôn.
Toàn huyện Chợ Gạo có gần 7.700 ha dừa, tăng hơn 890 ha so với năm trước. Trong số đó, diện tích dừa đang cho trái trên 6.500 ha. Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng vùng chuyên canh dừa tại địa phương, đã đạt kết quả tốt.
Với việc khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh đã giúp tăng năng suất dừa tại địa phương từ 22 tấn/ha/năm trước đây lên 24 tấn/ha/năm thời điểm hiện tại. Huyện có 10 ha dừa sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Đảng bộ huyện Chợ Gạo đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 01/12/2021, về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh dừa đến năm 2025 và các năm tới theo quy mô tập trung, hình thành vùng chuyên canh; chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nâng cao chuỗi giá trị để ngành dừa phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, ông Cao Tấn Hưởng, trọng tâm là chuyển đổi tư duy và tập quán canh tác truyền thống sang trồng dừa hữu cơ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ.
Chợ Gạo đã thành lập Ban Quản lý Đề án phát triển cây dừa đến năm 2025; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Quy hoạch vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức sản xuất gắn liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị… tiến tới xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu hàng hóa cho trái dừa hữu cơ Chợ Gạo… Đồng thời, huyện phối hợp cùng Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm THABICO hướng dẫn nông dân quy trình trồng và chứng nhận dừa hữu cơ tại 3 xã trọng điểm: Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh trên diện tích 300 ha.
Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm THABICO Tiền Giang còn đầu tư nhà máy chế biến trái cây và các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.
Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo phối hợp cùng các địa phương mỗi năm tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho nông dân vùng chuyên canh về các nội dung như: lợi ích, yêu cầu và quy trình trồng dừa hữu cơ; hướng dẫn bà con phải sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục được phép, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các chất bị cấm và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch...
Bình Ninh có tổng diện tích dừa trên 850 ha, là một trong những xã trọng điểm về chuyên canh dừa tại huyện Chợ Gạo. Thích hợp với thổ nhưỡng, dễ trồng, chăm sóc, chi phí thấp là những ưu điểm của cây dừa trên vùng đất Bình Ninh. Chưa kể đến thuận lợi lớn là trên địa bàn xã có doanh nghiệp chuyên chế biến dừa xuất khẩu (THABICO) và mạng lưới 16 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm từ trái dừa góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Để phát huy tiềm năng kinh tế lớn này, xã quy hoạch vùng trồng, đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh cho nông dân, định hướng sản xuất theo quy trình GAP hoặc hữu cơ gắn kết THABICO thu mua, chế biến, tiêu thụ.
Bình Ninh phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích dừa lên trên 900 ha, trong đó có khoảng 500 ha dừa hữu cơ.
Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, ông Nguyễn Tấn Tài đánh giá, việc chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ là một bước đi mới trong tiến trình phát huy vai trò cách mạng công nghiệp 4.0 trên lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Từ đây, mở ra hướng phát triển bền vững, giúp nông dân vùng chuyên canh nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường xuất khẩu
Vừa qua, dừa tươi Tiền Giang còn được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Lô hàng đầu tiên xuất khẩu chiều ngày 24/10/2024, do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Công ty cổ phần FADOiexport với 3 container, với gần 70 tấn dừa tươi, bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Ông Phạm Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần FADO iExport (FADO), đơn vị liên kết với Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tổ chức xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, cho biết: Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đến nay Việt Nam đã có 15 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; trong đó có mặt hàng dừa tươi mới được Trung Quốc chấp thuận cho nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đối tác Trung Quốc, Công ty cổ phần FADO iExport (FADO) phối hợp cùng Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) xuất khẩu dừa tươi. Mặt khác, doanh nghiệp còn liên kết Công ty cổ phần Proship xây dựng giải pháp vận chuyển dừa tươi bằng container lạnh tự hành thế hệ mới, ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong suốt hành trình, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Quả dừa được bảo quản lạnh ổn định 2-3 độ C, độ ẩm 30%, thông gió: 25CBM/H trong suốt quá trình vận chuyển. Giải pháp này đảm bảo chất lượng trái dừa tươi khi sang đến Trung Quốc không bị suy giảm, giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.
Hơn thế, ưu điểm của phương thức vận chuyển đường sắt có thủ tục thông quan xuất nhập khẩu nhanh chóng, không bị ùn ứ tại cửa khẩu, chi phí vận chuyển có lợi thế cạnh tranh hơn đường bộ.
Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đây là sự kiện quan trọng đối với địa phương trong nỗ lực xúc tiến thương mại, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực chính ngạch ra thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Để đảm bảo chất lượng và uy tín nông sản xuất khẩu chính ngạch của tỉnh Tiền Giang cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu bền vững, ông Phạm Văn Trọng yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra sản phẩm cho vùng chuyên canh dừa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp xanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và môi trường…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Phạm Văn Trọng, đánh giá, từ trồng dừa hữu cơ đến xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội mới cho ngành dừa địa phương phát triển bền vững, tiếp tục có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang; đặc biệt là những địa bàn khó khăn chỉ thích hợp chuyên canh dừa như: các cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền, các huyện và thành phố vùng duyên hải phía Đông tỉnh...
Trong những năm qua, Tiền Giang đã có nhiều cơ chế ưu đãi, cách làm mới giúp thúc đẩy hoạt động trồng và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh; cụ thể là khuyến khích nông dân trồng dừa theo hướng GAP, trồng dừa hướng hữu cơ, trồng dừa trong các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ về chính sách, nhân rộng các mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế lớn thúc đẩy ngành công nghiệp dừa tại địa phương phát triển mạnh mẽ, giúp nông dân tăng thu nhập và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu đưa cây dừa Việt Nam thành cây xuất khẩu tỷ đô trong tương lai.
Bến Tre xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ xuất khẩu
Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian tới, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, địa phương và người dân trên địa bàn tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 3003/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 01/6/2021 về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Vùng sản xuất dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Tỉnh Bến Tre đã xác định quy mô và lộ trình cụ thể thực hiện xây dựng vùng sản xuất dừa đến năm 2025 đạt 20.000 ha dừa hữu cơ và phân kỳ cụ thể cho từng năm để triển khai. Đến nay, diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 20.781,6 ha, đạt 103,9% so với kế hoạch.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương thường xuyên cập nhật các thông tin, quy định về xuất nhập khẩu dừa từ các quốc gia khác nhau để kịp thời cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa thông qua website và fanpage sở, nhóm Zalo hỗ trợ doanh nghiệp... Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho ngành dừa và chế biến dừa của tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, toàn tỉnh đã xây dựng 133 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với quy mô 8.373,61 ha, 12.892 hộ tham gia và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu thị trường Trung Quốc, phân bố tại các huyện Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre.
Tại Bến Tre, việc xây dựng và quản lý vùng trồng, vùng sản xuất dừa được các ngành, các cấp quan tâm tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đối với những khu vực trồng dừa theo các tiêu chuẩn hữu cơ, các chi phí chứng nhận, quản lý vùng nguyên liệu đã được doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng sản xuất đầu tư và thực hiện khá tốt.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, do công ty đã xuất khẩu dừa tươi sang những quốc gia khó tính, nhất là thị trường châu Âu nên cách đây từ 5 đến 7 năm, công ty đã kiểm soát rất chặt chẽ đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tất cả các khâu trong nhà máy để sản xuất hàng xuất khẩu đã áp dụng theo đúng các tiêu chuẩn mà thị trường châu Âu, Mỹ đề xuất. Hiện mã vùng trồng của Công ty TNHH trái cây Mekong đang xây dựng với diện tích hơn 40 ha trên tổng số gần 200 ha vùng trồng để phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Đến nay, công ty đã xuất khẩu sang 10 quốc gia trên thế giới, với công suất khoảng 30-40 container dừa tươi mỗi tháng.
UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã nhất là sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, để mở rộng diện tích các vườn dừa hữu cơ tập trung, xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi, đồng thời vận động doanh nghiệp trên địa bàn tham gia liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã.
Qua đó, số lượng hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị dừa ngày càng tăng. Từ năm 2021 đến nay, tăng 16 tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị dừa. Đến nay, tỉnh có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với tổng diện tích đạt 10.094,55 ha với 7.048 thành viên.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho nông dân trồng dừa, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ; tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng vùng sản xuất. Tỉnh xây dựng mô hình điểm về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị; xây dựng và mở rộng vùng trồng dừa tươi xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu... Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng của cây dừa Bến Tre, cũng như kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Năm 2024, ngành chức năng tỉnh thực hiện 100 cuộc tư vấn kỹ thuật, 190 cuộc tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ, 105 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác dừa tươi xuất khẩu, ủ phân hữu cơ, xử lý sâu đầu đen hại dừa, kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ trên địa bàn các huyện. Đồng thời, xây dựng thí điểm 1 mô hình “Hội nông dân xã, chi hội trưởng nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa hữu cơ, quản lý vùng sản xuất dừa hữu cơ" tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…