Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 10:11

Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

Nhìn ra thế giới

Đầu tư sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, BHNN - công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường - chính là công cụ chia sẻ rủi ro hữu ích đối với người sản xuất nông nghiệp.

Việc cung cấp hỗ trợ cho BHNN là khác nhau ở các nước phát triển. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, vấn đề BHNN còn khá mới mẻ. Do đó, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng trong việc thiết lập một chương trình BHNN quốc gia. Việc phát triển BHNN đòi hỏi các quỹ công để trợ cấp phí bảo hiểm, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng pháp lý và thể chế cho một hệ thống BHNN hoạt động.

Tại Trung Quốc, từ năm 2007 đến nay, nước này đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân, coi BHNN là một phần của chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn 16 tỉnh để cung cấp bảo hiểm cho cây trồng; lợn nái và bò sữa được bảo hiểm trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2010, tổng trợ cấp tối đa khoảng 55% cho lâm nghiệp, 80% cho lợn nái sinh sản, 60- 65% bảo hiểm cho hầu hết các sản phẩm cây trồng và vật nuôi. Trong một số trường hợp, chi phí cho giám định bảo hiểm thiệt hại vật nuôi có thể do chính quyền cấp tỉnh chi trả. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ tài chính cho việc thiết lập mới các công ty BHNN cấp tỉnh và các sản phẩm BHNN được miễn thuế.

Tại Mỹ, có tới 85% nông dân mua BHNN. Chính phủ hỗ trợ cho BHNN bằng nhiều cách như: Cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm cho cây trồng một tỷ lệ phí từ 48-67%, tỷ lệ bảo hiểm vật nuôi khoảng 13%; Cung cấp miễn phí hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản cho toàn bộ diện tích cây trồng. Mức bồi thường của hợp đồng cơ bản này là phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước năm bị tổn thất và tỷ lệ bồi thường bằng 60% giá trị thị trường dự tính.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2022 đến nay, cả nước có hơn 16.000 hộ nông dân tham gia BHNN. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho nông dân mua bảo hiểm cho 2 loại sản phẩm “bảo hiểm cây lúa”, “bảo hiểm vật nuôi” chỉ là 0,19 tỷ đồng. Sản phẩm bảo hiểm thủy sản (cụ thể là tôm) chưa được triển khai. Thực tế, chỉ có vài tỉnh có nông dân mua BHNN, đó là Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang, Bình Định.

Theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN gồm 5 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê), 3 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn), 3 loại thủy sản (tôm thẻ, tôm sú, cá tra) trên một số địa bàn (trồng trọt tại 7 tỉnh; chăn nuôi tại 11 tỉnh; thủy sản tại 5 tỉnh).

Chỉ trong trường hợp xảy ra 19 loại thiên tai, dịch bệnh (12 bệnh với thực vật, 4 loại bệnh xảy ra với động vật) nông dân mới được bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, nông dân có thể mua thêm mức trách nhiệm cao, với mức phí có trợ cấp 38% từ Chính phủ. Tổng cộng (cả phần bảo hiểm miễn phí lẫn phần trợ cấp mua bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao hơn) mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Chính phủ cho cây trồng trên toàn liên bang lên tới 67%. Ngoài khoản này, Chính phủ Mỹ còn hỗ trợ chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm tham gia vào chương trình BHNN liên bang - tương đương 22% tổng phí bảo hiểm; chính phủ nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và chương trình tái bảo hiểm này tiêu tốn khoản ngân sách tương đương khoảng 14% tổng phí bảo hiểm.

Nhật Bản là nước duy nhất thành công trong việc phát triển chương trình BHNN rộng khắp trên quy mô toàn quốc, với số lượng nông dân tham gia bảo hiểm lớn nhất thế giới. Đó là nhờ mô hình tổ chức và hỗ trợ tài chính mạnh từ chính phủ: Hỗ trợ phí bảo hiểm tăng dần từ 15% trong những năm 1980 lên 50% những năm gần đây. Hỗ trợ chi phí quản lý gấp 3,75 lần tổng phí bảo hiểm thu được. 

Nhận diện khó khăn

Theo thống kê, hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và BHNN chính là niềm hy vọng mạnh mẽ nhất.

BHNN ở nước ta được triển khai từ năm 1982, tuy nhiên, bởi nhiều lý do, hoạt động bảo hiểm gặp phải không ít khó khăn. Năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm BHNN giai đoạn 2011 - 2013.  Theo đó, phí bảo hiểm được trợ cấp bởi Chính phủ là 100% cho hộ nghèo, 80% cho  hộ cận nghèo; 60% cho các hộ khác và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. BHNN đã được thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố với 135.916 hộ dân tham gia, trong đó 85% là số hộ nghèo; tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản đạt trên 2005 tỷ đồng; phí bảo hiểm gần 127 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường trên 35 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn thí điểm có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2014, việc triển khai BHNN  không khả quan; hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn được hưởng chính sách nên không tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, các rủi ro trong nông nghiệp tiếp tục gia tăng, số người nông dân bị thiệt hại nhiều hơn và mức độ thiệt hại lớn hơn do phát triển quy mô sản xuất.

Xác định được vai trò quan trọng của BHNN, ngày 18/4/2018, Chính phủ  ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ BHNN và ngay đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ  đã yêu cầu sửa quy định về BHNN.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ có ở 4 tỉnh. Tại Nghệ An, triển khai bảo hiểm cây lúa tại 102 xã; với 7.292 hộ nông dân/tổ chức tham gia. Ở Thái Bình triển khai bảo hiểm cây lúa với 5.609 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia. Hà Giang triển khai bảo hiểm trâu, bò tại 57 xã, thị trấn với 3.481 hộ tham gia. Trong khi đó, Bình Định bảo hiểm cho trâu, bò với 339 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện BHNN còn gặp một số khó khăn như phục vụ đối tượng khách hàng là người nông dân, chiếm 70% dân số Việt Nam, nhận thức của bà con về quản lý rủi ro và về bảo hiểm còn rất hạn chế, chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của bảo hiểm mang lại.

Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân; đặc thù của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mang tính thời vụ. Đặc biệt, do thu nhập không ổn định nên người nông dân khó đáp ứng về tài chính cho nhu cầu bảo hiểm.

Ngoài ra, quy trình giải quyết bảo hiểm còn nhiều phức tạp. Khi rủi ro xảy ra, nông dân phải trải qua quá nhiều khâu, phải được nhiều tổ chức phê duyệt (có giấy xác nhận quy trình chăn nuôi, xác nhận thiên tai xảy ra hoặc dịch bệnh bùng phát, các công bố năng suất v.v...). Thực tế này khiến nông dân lo ngại, không muốn tiếp cận sản phẩm bảo hiểm. 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện mới có hai doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng Công ty  cổ phần Bảo Minh triển khai BHNN cho nông dân. Đây là nghịch lý xét từ quy mô của ngành Nông nghiệp, bởi chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 10 tháng năm 2024, ngành này đã thu về hơn 51,7 tỷ USD.

Cơn bão Yagi gậy thiệt hại nặng nề cho ngành Nông nghiệp nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

BHNN nhìn từ cơn bão Yagi

Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại của ngành Nông nghiệp do ảnh hưởng bão Yagi (bão số 3) rất lớn.

Theo thống kê, có 200.721ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 50.642 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại ước 30.800 tỷ đồng. Thiệt hại là vậy, song tỷ lệ tham gia bảo hiểm đối với lĩnh vực này lại rất ít.

Theo ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, hiện có 27 triệu hội viên hội nông dân làm nông nghiệp. Là lực lượng lớn tạo nên bệ đỡ nền kinh tế nhưng nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong thiên tai. Bão số 3 khiến nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao vừa được người dân đầu tư đã phải gánh chịu ảnh hưởng, tổn thất rất lớn khi bị cơn bão quét qua, tàn phá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, số hộ nông dân có tham gia BHNN là rất ít (trên 3 triệu người) nên số thiệt hại được bảo hiểm sẽ không nhiều.

Chiều 4/11, giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề nông nghiệp, nông thôn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới BHNN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi, bộ cũng thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi. Sau cơn bão, chúng tôi phải cấu trúc toàn bộ hệ thống liên quan hạ tầng nông nghiệp để thích ứng bền vững.

Ông Hoan chia sẻ, những trăn trở về cấu trúc là làm sao để những chiếc lồng bè ở Quảng Ninh chắc chắn hơn, hay những bến cảng làm sao chống chịu được những hình thái, cấp độ dông bão cao hơn... Hay cả những vấn đề về nuôi trồng thủy sản, kể cả trồng trọt, chăn nuôi..., tất cả mọi điều đó đều phải ban hành một tiêu chuẩn, quy chuẩn mới nhằm thích ứng tốt nhất với thiên tai, cú sốc thảm họa. Trong đó vấn đề là chúng ta phải làm sao phản ứng năng động, nhanh nhạy hơn, một hệ thống phản ứng từ trung ương cho đến địa phương.

Triển khai nhiều giải pháp

Bàn về giải pháp phát triển BHNN, ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam (Igloo là công ty công nghệ bảo hiểm toàn diện có trụ sở chính tại Singapore) cho rằng, cần có sự chung tay của các bên liên quan, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân để đầu tư cho những sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số. Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ  doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình BHNN. Ngày 09/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, trong đó cho phép dùng ngân sách hỗ trợ cho bà con nông dân đến 20% phí bảo hiểm, song Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể về quy tắc, quy trình bảo hiểm để triển khai.

Việc hỗ trợ phí BHNN cần phải có thời hạn cụ thể và giảm dần mức hỗ trợ theo thời gian chứ không nên hỗ trợ trong một thời gian quá dài. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy mô, mức độ tổn thất do thiên tai, dịch bệnh xảy ra làm cơ sở thống nhất cho việc xác định tổn thất và thiệt hại để bồi thường nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quá trình xác định thiệt hại; cần quy định cơ quan có trách nhiệm giám sát việc thanh toán, chi trả bồi thường đối với người nông dân bị tổn thất, để việc nhận tiền được đúng hạn, kịp thời tái đầu tư, sản xuất.

Để khuyến khích nông dân tham gia BHNN, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng, cần có sự tham gia, đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Người nông dân thường có thu nhập thấp nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình BHNN của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có cơ chế đặc thù để phát triển BHNN tại khu vực nông thôn, nơi mà sự phân tán trong sản xuất là rất lớn. Chúng tôi cũng mong muốn có sự phối hợp tốt hơn giữa các bên liên quan, từ Nhà nước, ngân hàng đến các doanh nghiệp bảo hiểm và người sản xuất. Đối với Agribank, cần cho phép thực hiện bán gói sản phẩm tín dụng kết hợp bảo hiểm để bảo vệ tối đa nguồn vốn tín dụng và giúp nông dân có khả năng thanh toán khoản vay khi gặp rủi ro.

Một chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, Nhà nước nên có quy định bắt buộc phải mua BHNN khi người nông dân vay vốn ngân hàng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm (nông dân), doanh nghiệp bảo hiểm, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, Nhà nước, nhà tái bảo hiểm... cần có sự phối hợp chặt chẽ do đối tượng của BHNN đa dạng, phức tạp, giá trị nhỏ, phân bố trên địa bàn rộng; nuôi trồng, canh tác theo các chuẩn mực quốc tế còn hạn chế, dẫn đến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong bảo hiểm, xác định giá trị, xác định thiệt hại và khó đàm phán với các nhà tái bảo hiểm quốc tế

Bên cạnh đó, nông dân cần áp dụng, tuân thủ các kỹ thuật canh tác, nuôi trồng theo chuẩn mực trong nước, quốc tế mới thuyết phục được các nhà tái bảo hiểm quốc tế tham gia cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Đặc biệt, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách do BHNN là sản phẩm mới, phức tạp được triển khai tại khu vực nông thôn cho bà con nông dân.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top