Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 10:15

HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tháng 10/2024, HTX của chị Hoàng Thị Gái được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là HTX tiêu biểu toàn quốc.

Tập trung ruộng đất

Cố gắng không ngừng nghỉ, từ đại lý thu mua, xay xát lúa gạo phân phối khắp các miền Nam, Bắc (những năm 1992), đến nay, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Hòa (HTX An Hòa, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) đã tập trung ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, cấy lúa với diện tích lên đến 100ha.

Chị Hoàng Thị Gái tiên phong trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn tại Hải Phòng.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, chị  Gái cho hay: Năm 2017, tôi vận động các hộ dân thành lập HTX An Hòa gồm 9 thành viên, với số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng, do các thành viên trong HTX tự đóng góp. Từ nguồn vốn đó, HTX An Hòa đầu tư mua máy làm đất, máy cấy… để phục vụ sản xuất.

Thời điểm đó, nhiều thửa ruộng màu mỡ phì nhiêu nhưng  bị bỏ hoang do người dân không còn mặn mà với việc canh tác khiến lãng phí đất đai, tài nguyên... Từ suy nghĩ đó, lại sẵn có máy móc, thiết bị cơ giới nên HTX An Hòa mạnh dạn tiên phong tập trung ruộng đất, triển khai xây dựng sản xuất trên cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn.

Quy mô sản xuất nông nghiệp của HTX An Hòa ngày một mở rộng, việc đầu tư các loại máy cơ giới liên hoàn hiện đại liên tục được thay đổi như: máy cày, máy cấy, máy gặt, máy làm đất tự lái, máy bón phân, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch, tiết kiệm được thời gian, nhân công và nhiều chi phí khác.

Đặc biệt, trên những diện tích trồng lúa chân ruộng cao, HTX An Hòa còn áp dụng biện pháp luân canh tăng vụ trồng cây đậu tương, rau màu có liên kết tiêu thụ sản phẩm, xuất sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Ngoài ra, HTX An Hòa còn liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô trên 100ha, sản xuất thành công lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, năng suất 8 tấn/ha, sản lượng 800 tấn/vụ.

Đến nay, HTX An Hòa hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với diện tích 100ha, chủ yếu trồng lúa chất lượng cao, doanh thu đạt 70 triệu đồng/ha/năm (gấp 3-5 lần so với trồng lúa thông thường). Tổng doanh thu của HTX An Hòa đạt 7,6 tỷ/năm, trừ chi phí, lãi trên 700 triệu đồng/năm.

HTX An Hòa sử dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu.

Làm nên sản phẩm OCOP 3 sao

Sản phẩm rượu OCOP 3 sao của HTX An Hòa được làm từ nguyên liệu chính là hạt gạo nếp được trồng trên cánh đồng làng Mân ở thôn Kênh Hữu, xã An Hòa - vùng đất nổi tiếng từ thời xa xưa. Cánh đồng chuyên trồng lúa nếp cái hoa vàng cho hạt gạo mẩy, dẻo, thơm ngon và chất lượng, người dân trong vùng thường gọi đây là nếp Mân.

Gạo nếp Mân được nấu thành cơm đem ủ với men thuốc Bắc (men dùng để ủ gạo đã được đăng kí thương hiệu quy trình sản xuất rượu thủ công). Sau khi được chưng cất 2 lần sẽ đem đi hạ thổ theo phương thức truyền thống, nhiệt độ đảm bảo từ 20-250C. Sau 8 tháng đến 1 năm, rượu được xử lý qua máy khử độc tố và đóng chai thành phẩm.

Quy trình sản xuất rượu nếp Mân Hoàng Quân.

“Các bước trong quy trình nấu rượu không quá khó để thực hiện, nhưng muốn tạo nên được những ly rượu gạo chất lượng, cần dựa vào nhiều yếu tố, từ nguyên liệu đầu vào đến kinh nghiệm của người nấu rượu”, chị Gái cho biết.

Để xây dựng thương hiệu cho gạo nếp Mân, năm 2019 chị Gái đã đưa sản phẩm rượu của đơn vị tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trải qua quy trình kiểm tra và đánh giá nghiêm ngặt, 3 sản phẩm: nếp cái hoa vàng hạ thổ, nếp cái ngâm củ đinh lăng, nếp cái ngâm củ ba kích đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Mỗi năm, cơ sở rượu Hoàng Quân sản xuất 30.000 lít, phân phối tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, TP HCM, trên các hệ thống siêu thị, nhà hàng và các sàn giao dịch như postmart, tiki, lazada…

Sản phẩm rượu nếp Mân Hoàng Quân được đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 206109 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2013.

Được biết, HTX An Hòa là đơn vị nhiều năm liền được được các cấp, ngành trung ương và địa phương tặng Bằng khen vì có thành tích đặc biệt xuất sắc về phát triển HTX và chị Hoàng Thị Gái vinh dự là một trong những Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Có thể thấy việc tập trung ruộng đất để sản xuất lúa đem lại hiệu quả thiết thực, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho cơ giới hóa đồng bộ, tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu lao động ở địa phương. Đồng thời giảm chi phí vật tư nông nghiệp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top