Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Thắp sáng niềm tin
Những bản làng yên bình vùng cao Bắc Hà giờ đây đang lan toả câu chuyện về niềm hy vọng và sự tái sinh của những con người từng lầm lỡ. Với nhiều người, đó không chỉ là khoản vay mà là chiếc cầu nối giúp họ quay trở lại cuộc sống bình dị, tự do và đầy trách nhiệm.
Sau hơn 8 năm thi hành án, năm 2023, ông Vàng Văn Phìn (xã Na Hối) trở về với gia đình trong cảm giác cô độc và mặc cảm. Khi ấy, ông không biết chữ, cũng không có công việc ổn định để nuôi sống gia đình. Chính lúc khó khăn ấy, khoản vay 100 triệu đồng từ NHCSXH Bắc Hà đã mở ra một chương mới trong cuộc đời ông. Với số tiền này, hai vợ chồng ông quyết định mua 2 con trâu nái. Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, sau 1 năm, đàn trâu của gia đình ông có thêm 2 con nghé. Lần đầu tiên bán nghé thu được lợi nhuận, ông cảm thấy như được tiếp thêm niềm tin. Bán cả trâu và nghé có lãi, ông mạnh dạn mua 2 con trâu đực để vỗ béo, và thu được lợi nhuận đáng kể chỉ sau một tháng. “Mỗi lần nhìn thấy những con nghé khỏe mạnh ra đời, tôi như được trao cơ hội để bắt đầu lại từ đầu”, ông Phìn chia sẻ.
Ông Vàng Văn Phìn, xã Na Hối đang chăm sóc trâu mua từ nguồn vốn của NHCSXH.
Ở xã Thải Giàng Phố, câu chuyện của ông Sùng A Dìn cũng đầy ắp niềm tin. Sau khi mãn hạn tù, gia đình ông Dìn đủ điều kiện được vay 200 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư làm chuồng trại nuôi bò. Ban đầu, ông mua 3 con bò mẹ, chưa đầy một năm, cả ba con bò đều sinh bê. “Cảm giác cầm 40 triệu đồng từ bán bê như cầm được hy vọng trong tay,” ông Dìn nói, mắt ánh lên niềm vui. Số vốn ấy giúp ông nuôi thêm gà, ngan và trồng sa nhân - loại cây có giá trị kinh tế cao. “Mỗi đồng thu nhập không chỉ là tiền, mà là minh chứng cho quyết tâm sống tốt, làm việc có ích cho gia đình và làng xóm”, ông tâm sự.
Những mảnh đời như ông Phìn, ông Dìn không đơn độc trên hành trình hòa nhập cộng đồng. Ông Giàng Seo Quang, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Thải Giàng Phố, người theo sát từng hộ vay vốn, chia sẻ, việc hỗ trợ vốn cho các đối tượng từng đi cải tạo là công việc nhạy cảm, đòi hỏi nhiều nỗ lực thẩm định và giám sát. Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với công an xã để rà soát từng hoàn cảnh, đảm bảo vốn vay đến đúng người và được sử dụng hợp lý.
Ông Quang cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên và nhắc nhở các hộ vay vốn, giúp họ không chỉ biết sử dụng vốn hiệu quả mà còn từng bước tái hòa nhập xã hội. Nhìn thấy họ cải thiện cuộc sống, bản thân tôi cũng thấy thêm niềm tin vào ý nghĩa của công việc mình làm”. Chính sách tín dụng không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà còn là “liều thuốc tinh thần”, giúp họ tìm lại chính mình. Ở mỗi đồng vốn còn có cả sự quan tâm, thấu hiểu của cộng đồng và khát vọng đổi đời của những con người từng một lần vấp ngã.
Hộ gia đình ông Sùng A Dìn, xã Thải Giàng Phố vay vốn để đầu tư nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế.
Mở đường đến tương lai
Ông Giang Phi Tiến, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Hà, không giấu được niềm xúc động khi kể về hành trình đưa vốn chính sách đến với những cuộc đời từng lầm lỡ. Với Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH đã phối hợp cùng công an và chính quyền địa phương tiến hành rà soát chặt chẽ, tạo điều kiện cho những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn. Kết quả là 15 hộ trên địa bàn được phê duyệt vay, với tổng số tiền lên đến 1,33 tỷ đồng. Khoản vay này không chỉ là tiền, mà còn là chiếc cầu nối giúp họ bước qua rào cản của quá khứ, tìm lại hy vọng và định hình lại cuộc đời.
NHCSXH Bắc Hà đồng hành cùng địa phương trong công tác giảm nghèo và thực hiện các chương trình MTQG.
Ông Tiến nhấn mạnh: “Chính sách này mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ giúp họ tái hòa nhập mà còn mở ra con đường đầy hy vọng, để họ làm lại cuộc đời. Các hộ vay đều tuân thủ tốt các quy định, trả nợ và lãi đúng hạn, thể hiện ý thức trách nhiệm và quyết tâm vươn lên. Với chính sách này, những người đã hoàn thành án phạt tù có thể vay đến 100 triệu đồng để phát triển sản xuất. Các khoản vay này giúp họ khởi nghiệp nhỏ như chăn nuôi, trồng rừng, hoặc mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.
Những năm qua, NHCSXH huyện Bắc Hà đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến với Nhân dân, đối tượng thụ hưởng, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong 9 tháng của năm 2024, NHCSXH tổ chức 173 phiên giao dịch tại 19 xã, thị trấn đảm bảo an toàn. Sau giao dịch, công tác giao ban nắm bắt hoạt động tín dụng được tổ chức thường xuyên, kịp thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai chính sách tín dụng ưu đãi và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 100%, tỷ lệ thu nợ 99,35%, tỷ lệ thu lãi 99,88%.
Nguồn vốn ủy thác theo Chỉ thị 40-CT/TW cho NHCSXH năm 2024 đối với các mô hình, dự án Phụ nữ, Đoàn thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, cho vay phát triển kinh tế xã hội ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và cho vay phát triển du lịch cộng đồng, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện là 2.250 triệu đồng, số dư đến 30/9/2024 là 9.499 triệu đồng. Tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập nguồn vốn giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện sống, thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.