Hôm nay (26/7), tỉnh Lào Cai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua, việc triển khai, quán triệt và cụ thể hóa Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư được cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức trên địa bàn tỉnh Lào Cai thực hiện khá nghiêm túc, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.
Nguồn tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Lào Cai đã trở thành một kênh rất quan trọng, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thêm nguồn lực tài chính để sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đến hết tháng 6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 4.667 tỷ đồng, tăng 2.819 tỷ đồng (tăng 152,6%) so với năm 2014. Trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.281 tỷ đồng, chiếm 92%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 386 tỷ đồng, chiếm 8%/tổng nguồn vốn, tăng 370 tỷ đồng so với năm 2014; hiện tổng dư nợ đạt 4.654 tỷ đồng, với trên 72.000 khách hàng còn dư nợ; chất lượng tín dụng được nâng cao, đến 30/6/2024, tỷ lệ nợ khoanh còn 0,17% (giảm hơn 4 lần), tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,07% (giảm hơn 2 lần) so với năm 2014.
Sau 10 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 239.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; giúp 123.000 hộ thoát nghèo; hơn 22.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; tạo việc làm cho trên 63.000 lao động; trên 119.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; xây dựng 8.331 nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 17,61% năm 2014 (theo chuẩn nghèo cũ) giảm còn 14,94% năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 được nhận bằng khen
Trong giai đoạn tới, Lào Cai tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng CSXH; từng bước mở rộng đối tượng CSXH được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí kịp thời nguồn tài chính tín dụng CSXH theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng CSXH trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh. Tập trung các nguồn vốn tín dụng CSXH từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng CSXH.
Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH...
Ngân hàng CSXH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động vốn; quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH; thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo, mở tài khoản các quỹ vì người nghèo tại Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng CSXH.