Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024 | 10:42

Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

Hành trình vươn lên

Về xã Việt Tiến những ngày đầu hè tháng Tư, mảnh đất hiền hòa nằm bên bờ sông Chảy phủ một màu xanh mướt của những bãi dâu, tín hiệu phục hồi của một nghề đã từng là thế mạnh phát triển kinh tế nơi đây.

Ông Trần Xuân Thủy (thôn Cóc Khiểng) còn nhớ như in thời “hoàng kim” khi gia đình ông là một trong những hộ nuôi tằm của huyện Bảo Yên. “Gia đình bắt đầu nuôi tằm từ năm 2018 với gần 30kg kén. Vào giống từ tháng 3 đến tháng 6, nghỉ đến tháng 8 lại nuôi đến tháng 11 mỗi năm. Với mỗi lứa tằm gia đình thu được 60-70kg kén, bán được 6 - 7 triệu đồng. Một tháng nuôi 3 lứa, chúng tôi thu về 20 triệu đồng”.

Dòng chảy tín dụng tạo đà cho nghề trồng dâu nuôi tằm phục hồi nhanh chóng.

Từ năm 2018 - 2020, riêng xã Việt Tiến có đến gần 40ha trồng dâu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 78 hộ dân tham gia trồng dâu nuôi tằm. Huyện Bảo Yên còn tạo được vùng trồng dâu lên đến hàng trăm hecta. Khó khăn ập đến khi dịch Covid-19 bùng phát, giá kén đang từ 120.000 đồng giảm xuống chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng mà không có người thu mua. Người dân lỗ nặng, đành phải bỏ dâu trồng lúa khiến diện tích trồng dâu tại xã Việt Tiến còn vẻn vẹn 2,41ha, nghề nuôi tằm chỉ còn sót lại một vài hộ nuôi nhỏ lẻ duy trì với giá bán bấp bênh.

Năm 2022, dòng vốn của NHCSXH huyện Bảo Yên đã khơi thông trăn trở của người dân và chính quyền địa phương, nghề trồng dâu nuôi tằm lại được hồi phục. Gia đình ông Trần Xuân Thủy mạnh dạn vay 140 triệu đồng vốn chính sách để đầu tư trồng dâu nuôi tằm trở lại. Đã có kinh nghiệm chăm sóc nên gia đình ông có nguồn thu ngay từ những vòng nuôi đầu tiên. Cứ 3 vòng một lứa, mỗi lứa bán được 10 triệu đồng, một tháng ông  thu về 30 triệu đồng. Cùng với gia đình ông Thủy còn có 2 hộ khác cũng chủ động vay vốn chính sách để tham gia sản xuất.

Ông Trần Văn Vũ, quyền Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, phấn khởi chia sẻ: “Sau nhiều nỗ lực thúc đẩy kinh tế, chúng tôi nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn phát huy được thế mạnh nên đã dồn lực để tái phát triển. Cuối năm 2022, thực hiện nhiệm vụ tổ chức sản xuất theo chuỗi, chúng tôi đã mời được HTX Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) liên kết sản xuất với bà con. Hơn một năm qua, HTX đã hỗ trợ con giống, thuốc men và bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định 150.000 – 170.000 đồng/kg kén. Từ chỗ chỉ có 6-7 hộ tham gia đến nay đã có 18 hộ triển khai, chưa kể nhiều hộ dân đăng ký trồng dâu để bán lá. Diện tích trồng dâu trên toàn xã cũng nâng lên 10ha. Từ đầu năm đến nay, bà con đã thu hoạch được 2 lứa và bước vào vụ nuôi lứa thứ 3”.

Bảo Yên hiện có 29,4ha dâu đang được người dân chăm sóc, đốn tỉa; lứa 2 đã thu hoạch kén với sản lượng 449,1kg (lũy kế 864,8 kg)/25 vòng/8 hộ/3 xã Kim Sơn, Việt Tiến, Bảo Hà. Trong đó, chủ yếu là kén loại A được 444,9kg, bán giá 160.000 đồng/kg. Giá trị thu từ trồng dâu nuôi tằm lũy kế đạt gần 138 triệu đồng. Bảo Yên cũng phát triển được vườn ươm giống cây dâu F1 GQ2 tại xã Việt Tiến với diện tích gieo ươm 4,5 sào dâu đang phát triển tốt.

Tận tâm phục vụ

Ông Ngô Đức Dũng, Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Yên, cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH Bảo Yên không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, cùng với nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, đáp ứng yêu cầu giảm nghèo và xây dựng NTM”.

Ông Ngô Đức Dũng, Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Yên thị sát vùng trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Tiến.

Năm 2023, Bảo Yên có trên 1.100 hộ thuộc nhóm nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 87,2%. Huyện còn xây dựng và sửa chữa được hơn 1.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, tạo việc làm mới cho hơn 400 lao động. Vốn chính sách cũng hỗ trợ cho hơn 60 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để học tập tại các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Năm 2024, huyện Bảo Yên ủy thác 1 tỷ đồng vào NHCSXH để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trên cơ sở các dự án phát triển nông - lâm nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi của các xã, NHCSXH đã tham mưu cho Ban đại diện phân bổ kế hoạch cho dự án trồng dâu tằm và phát triển đàn gà tại xã Việt Tiến, tạo việc làm cho hơn 10 lao động.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, NHCSXH huyện Bảo Yên đã cho  1.033 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, có 88 hộ nghèo, 91 hộ cận nghèo, 110 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn, 45 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập, sửa chữa, cải tạo và xây mới được 536  công trình nước sạch và VSMT nông thôn. Tạo việc làm mới cho 112 lao động từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, 2 lao động đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản được vay vốn, 354 hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh.

NHCSXH huyện Bảo Yên đã tham mưu cho Ban đại diện phân bổ kế hoạch cho dự án trồng dâu tằm.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND tỉnh Lào Cai về phát triển Du lịch, năm 2024, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã bổ sung 500 triệu đồng để tiếp tục thực hiện Nghị quyết này, NHCSXH Bảo Yên đã phối hợp với Phòng văn hóa huyện và UBND xã Nghĩa Đô triển khai cho vay ngay trong tháng 3, lũy kế đến 31/3/2024 dư nợ từ nguồn vốn này đạt 4.500 triệu đồng, thực hiện tại 2 xã Tân Tiến và Nghĩa Đô.

Đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH Bảo Yên đạt 622.757 triệu đồng, tăng 13.591 triệu đồng so với 31/12/2023. Trong đó, nguồn vốn trung ương là 537.876 triệu đồng, chiếm 86,4%, tăng 10.887 triệu đồng. Nguồn vốn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù lãi suất đạt 70.622 triệu đồng, tăng 1.117 triệu đồng. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương  14.259 triệu đồng, tăng 1.587 triệu đồng.

Tổng doanh số hoạt động tín dụng đạt 97.855 triệu đồng. Trong đó, doanh số cho vay đạt 55.945 triệu đồng/1.033 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 41.910 triệu đồng, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 99%. Tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng là 621.776 triệu đồng/10.388 khách hàng, đạt 99,9% kế hoạch tăng trưởng, tăng 14.035 triệu đồng so với 31/12/2023. Tổng nợ xấu là 554 triệu đồng, chiếm 0,089%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 31 triệu đồng, chiếm 0,005%/tổng dư nợ, giảm 281 triệu đồng so với 2023, nợ khoanh là 523 triệu đồng, chiếm 0,084% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng 17/17 xã đạt loại tốt.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top