Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024 | 15:26

Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Đáp ứng nhu cầu vay vốn

Hậu Giang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bởi số hộ nghèo DTTS và các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao; hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội... khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng.

Xuất phát điểm rất thấp khi mới thành lập tỉnh (năm 2004), nhưng có lẽ ít người biết tường tận về cái nghĩa, cái tình, sự chăm lo của Đảng bộ tỉnh thời đó dành cho dân nghèo, nhất là về nhà ở, các mô hình sinh kế cụ thể, phù hợp đặc thù địa phương; các hộ nghèo như được chắp cánh thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách và nguồn lực tài chính khác để thoát nghèo bền vững.

Làm giàn để trồng bầu - một mô hình sinh kế được địa phương chuyển giao cho hộ nghèo để sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Qua kết quả rà soát hộ nghèo, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm còn 3,29%. Để đạt kết quả đáng phấn khởi đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tổ chức đối thoại với hộ nghèo, để có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Thông qua vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, các cấp ngành liên quan trong tỉnh đã đồng hành, hướng dẫn, kèm cặp hộ nghèo trong thực hiện các mô hình làm ăn. Song song đó, chú trọng nâng cao dân trí, phát huy tính chủ động và năng lực của “người trong cuộc” để thoát nghèo bền vững...

Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang, cho biết, NHCSXH Trung ương mới giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024 cho NHCSXH tỉnh để thực hiện cho vay 6 chương trình tín dụng, với tổng vốn 149,5 tỷ đồng. Trong đó: phân bổ chương trình cho vay hộ nghèo và cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 65 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 50 tỷ đồng; cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù 4,5 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn NHCSXH huy động là 30 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn phân bổ đang được ngân hàng triển khai cho vay, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân nghèo.

Nhiều mô hình sinh kế được triển khai tại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Gia Uyên.

Đa dạng hóa sinh kế

Trong quý I/2024, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã tập trung giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện các mô hình sinh kế đã được địa phương chuyển giao để sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Điển hình là mô hình nuôi dê của hộ ông Thum Em. Nhìn vào chuồng dê giống vừa được xã bàn giao, không giấu được niềm vui, ông Thum Em tâm sự: “Hai con dê cái đã gần sinh sản, mừng lắm! Mới nhận về nuôi mà sắp có thêm dê con. Gia đình khó khăn, cả nhà chỉ phụ thuộc vào 1 công đất ruộng (1 công = 1000m2), nên ăn còn không đủ lấy đâu có dư mà làm ăn để thoát nghèo. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm và NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, rồi hỗ trợ dê giống để phát triển mô hình chăn nuôi, vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.

Không riêng gì ông Thum Em, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Trường Thắng) là hộ cận nghèo của xã Trường Long A, nhờ sự quan tâm của địa phương, mới đây được hỗ trợ 3 con dê giống và cho vay vốn tín dụng chính sách.

Anh Tùng chia sẻ: “Khi được hỗ trợ dê giống và vay vốn tín dụng chính sách chăn nuôi, vợ chồng tôi mừng lắm. Tôi đã thấy nhiều gia đình nuôi dê sinh sản thành công, cho thu nhập khá, do trước giờ không có vốn nên chưa dám nghĩ đến. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc dê thật tốt và gây dựng thành đàn, tạo nguồn vốn cho gia đình”.

Được biết, cuộc sống gia đình anh Tùng trước giờ chỉ sống bằng nghề thu mua ve chai, thu nhập khá bấp bênh. “Nếu phát triển được mô hình nuôi dê, tin rằng gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Qua tìm hiểu, tôi thấy dê cũng dễ nuôi, lại không kén thức ăn, giá trị kinh tế từ vật nuôi khá ổn định, chỉ cần chịu khó chăm sóc, chắc chắn mô hình sẽ phát triển ổn”, anh Tùng chia sẻ thêm.

Trong quý I/2024, NHCSXH huyện Long Mỹ đã rà soát nhu cầu vốn vay đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, thực hiện đạt 5/7 chỉ tiêu Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện đề ra; tổng nguồn vốn đến ngày 31/3/2024 đạt gần 610 tỷ đồng, tăng trên 14,2 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất hơn 84 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác hơn 43,2 tỷ đồng. Doanh số cho vay quý I/2024 đạt gần 54 tỷ đồng, tăng trên 26,7 tỷ đồng. Cho vay chủ yếu là các đối tượng hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ vay giải quyết việc làm.

Phấn đấu đến cuối tháng 6/2024, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về tín dụng chính sách. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Để thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang tổ chức dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng và trang bị kỹ năng phỏng vấn cho người lao động. Khi đó, người lao động sẽ có những kỹ năng cơ bản, cần thiết tham gia phỏng vấn các đơn hàng cũng như đi làm việc ở nước ngoài. Phối hợp với NHCSXH tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện tốt Nghị quyết số 23 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Vương  chia sẻ, để tiếp tục thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên cập nhật tổng hợp danh sách người lao động có tiềm năng tại cơ sở để giới thiệu về Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Quan tâm, rà soát nhu cầu vay vốn của của người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại nước ngoài. Ngân hàng sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với ngành lao động, cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân nắm bắt về chủ trương hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Quan tâm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các địa phương đã rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động. Tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số.

Với sự vào cuộc tích cực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được kỳ vọng hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 là đưa 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top