Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn chính sách đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phát huy hiệu quả vốn vay
Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang, kiên cố, bà Trình Thị Tâm (khu 3, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba) phấn khởi cho biết: Đây chính là “quả ngọt” có được nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách trợ lực. Trước đây, gia đình rất khó khăn, chồng đau ốm, bệnh tật, con không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Thiếu đất sản xuất, bản thân hay đau yếu, tất cả chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào nguồn thu nhập bấp bênh từ sản xuất nông nghiệp. Thấy hoàn cảnh khó khăn, UBND xã Thanh Hà và Chi hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện để gia đình bà được tiếp cận 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện.
Từ nguồn vốn vay, bà đã sửa sang chuồng trại, mua lợn và bò. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đồng thời được cán bộ xã thường xuyên bám sát trao đổi, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đàn lợn, bò nhà bà Tâm sinh trưởng, phát triển khá tốt. Sau hơn 2 năm vay vốn, gia đình bà đã trả được nợ, thoát nghèo, xây được nhà ở, kinh tế gia đình dần khởi sắc.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Phùng Văn Đàn đầu tư chăn nuôi bò mang lại hiệu quả, trả được nợ và thoát nghèo năm 2023.
Hay như gia đình anh Phùng Văn Đàn (khu Bương, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn) thành công với mô hình nuôi bò và làm nông nghiệp. Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo. Năm 2019, được xã tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện, gia đình anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Thanh Ba để mua 4 con bò và đầu tư phát triển nông nghiệp. Được UBND xã thường xuyên phân công cán bộ đến trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đến nay, gia đình có đàn bò 12 con; cuộc sống dần ổn định, thu nhập ngày càng tăng, đã trả hết nợ và thoát nghèo năm 2023.
Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Ba Tăng Tiến Sỹ cho biết: Trên địa bàn huyện, các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, “trợ lực” cho hàng trăm hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp ổn định nơi ở cho rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 14,67%, cận nghèo 7,51%, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 16,75%. Xóa hàng trăm nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Để giải ngân kịp thời và quản lý tốt nguồn vốn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ tăng cường chỉ đạo NHCSXH các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại các địa phương tiếp tục củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi để người dân đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn; ưu tiên cho các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Tạo nguồn lực hỗ trợ người nghèo
Những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tự vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch xã.
Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó, phổ biến nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tại các huyện, thành, thị, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích. Đa phần người dân có ý thức làm ăn, trả nợ, lãi đúng hạn. Với hộ dân nghèo, khó khăn và các đối tượng chính sách, vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành “chìa khóa” để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP; đặc biệt là 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, với sự vào cuộc của cấp ủy các cấp và cả hệ thống chính trị, Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh và bền vững, năm 2023 còn 4,44%, giảm 0,75% so với năm 2022.
Hiện, Chi nhánh đang ủy thác thông qua tổ chức chính trị - xã hội các cấp với 3.695 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến ngày 24/3, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 6.106,5 tỷ đồng, tăng trưởng 1,45% so với năm 2023, với 113.707 hộ còn dư nợ. Các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp tục có vốn sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho các hộ này thoát nghèo bền vững.
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của đất nước và của tỉnh. Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách sẽ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025… xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.