Những năm qua, Lai Châu đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Với sự nỗ lực, các địa phương trong tỉnh cũng đã được nhiều kết quả tích cực.
Đổi thay ở xã Pa Khoá
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ) tích cực triển khai các chương trình, mô hình cụ thể, sát với thực tiễn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Từ đó, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Pa Khoá là xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ với 5 bản, 405 hộ, nơi sinh sống của dân tộc: Thái, Mông, Dao. Trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính. Để thay đổi tư duy sản xuất của bà con, cấp uỷ, chính quyền xã cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của dân để xem xét, đánh giá, đưa ra những biện pháp cụ thể. Vận động nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự giác trong lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, phối hợp với các phòng ban của huyện mở các lớp đào tạo nghề tại bản, đưa các giống ngô, lúa chất lượng như: tân ưu 98, nếp n98, hương thơm số 1, cp511, mx6... vào trồng tập trung. Đặc biệt, để tăng hiệu quả trên diện tích đất canh tác, xã triển khai mô hình trồng khoai tây với diện tích gần 5ha, đến nay đã thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ gần 9 tấn/ha.
Ngoài ra, xã còn triển khai trồng 12ha chuối, rau màu các loại với diện tích 22,6ha. Bên cạnh đó, xã còn vận động dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, kinh doanh thương mại, dịch vụ theo hướng khoa học, hiện đại để mang lại thu nhập cao. Tính đến thời điểm này, diện tích gieo trồng của toàn xã đạt 300ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 900 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 448,8kg. Chăn nuôi tăng số lượng với gần 8.000 con gia súc, gia cầm, 15ha thuỷ sản, sản lượng đánh bắt gần 21 tấn/năm.
Nhận thấy việc nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đồng thời cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi cá lồng để cá phát triển tốt, lại không gây ô nhiễm môi trường nước. Đến nay, đã có 10 hộ tham gia với tổng số gần 30 lồng cá, mỗi năm sản lượng nuôi và đánh bắt trên 18 tấn.
Nhờ đầu tư nuôi cá lồng, cuộc sống của gia đình anh Thần Quang Kim (người đội mũ) ở bản Hồng Quảng 1 (xã Pa Khoá) đã có nhiều đổi thay.
Anh Thần Quang Kim, một hộ nuôi cá lồng ở bản Hồng Quảng 1 chia sẻ: Lúc đầu, hướng giảm nghèo của tôi chỉ là làm ruộng, ngô và trồng rau xanh các loại trên diện tích 2ha đất của gia đình. Nhưng khi được xã tuyên truyền về nuôi cá lồng và thấy nhiều hộ xây dựng mô hình mang lại hiệu quả, tôi đã làm theo. Để có kiến thức tôi đăng tham gia các lớp dạy nghề về nuôi cá lồng, vay vốn đầu tư mua giống, thuyền, lưới, làm nhà nổi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ đi trước để biết các kỹ thuật đầu tư thuận lợi. Từ 2 lồng thời điểm mới nuôi, sau gần 2 năm đã nâng lên 9 lồng, đàn cá sinh trưởng tốt, hơn 3 tháng tôi xuất 1 lứa với gần 3 tạ cá, thu lãi 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi hơn 100 con gia cầm, cải tạo lại 2ha đất, trồng các giống ngô, lúa chất lượng. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập 180 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các mô hình nuôi dúi, nhím, trâu, bò, kinh doanh thương mại, dịch vụ cũng đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, nhiều lao động địa phương đã mạnh dạn tìm các con đường làm kinh tế mới như: đi xuất khẩu lao động, làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp, nông trường cao su để năng cao thu nhập cho gia đình.
Không chỉ thay đổi trong làm kinh tế mà người dân còn thay đổi cách sống, nếp sinh hoạt. Bản sắc văn hoá được gìn giữ, hủ tục được xoá bỏ, đời sống tinh thần ngày càng nâng cao. Ở các bản luôn duy trì đội văn nghệ, việc tập luyện thể dục thể thao diễn ra hằng ngày. Hiện xã có 4/5 bản, 330/405 hộ đạt danh hiệu văn hoá.
Anh Lò Văn Đương – Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự kiến hết năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 20%, thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng. Những năm tới, xã tiếp tục triển khai các biện pháp, xây dựng thêm mô hình tiêu biểu, tuyên dương các hộ làm kinh tế giỏi, từng bước đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Giảm nghèo hiệu quả ở Nậm Nhùn
Huyện Nậm Nhùn có 11 xã, thị trấn, 69 bản và 11 dân tộc cùng sinh sống với dân số khoảng 30 nghìn người. Trên địa bàn huyện có đường biên giới dài 24,671km, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt, thời điểm thành lập huyện (năm 2012), tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 60%. Bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp, sát thực tiễn, huyện Nậm Nhùn đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Nậm Nhùn tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án liên quan. Giai đoạn 2021-2024, huyện Nậm Nhùn được phân bổ nguồn vốn 221,416 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, huyện thực hiện hoàn thành 25 công trình (giao thông, điện nông thôn, nhà văn hóa, giáo dục) chuyển tiếp; trong đó UBND huyện phân bổ vốn cho Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư 16 công trình và xã làm chủ đầu tư 9 công trình. Hỗ trợ 13 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ 211 hộ nghèo, cận nghèo làm nhà mới, trong đó xây mới 128 nhà, sửa chữa 83 nhà; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Ông Hà Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện triển khai đồng bộ các bước, trình tự, thủ tục thiết lập dự án. Khi thiết lập dự án có sự tham gia ý kiến, đồng thuận của người dân. Quá trình thực hiện, các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương hỗ trợ, giám sát, giúp đỡ người dân nắm vững kiến thức, tay nghề, triển khai đúng tiến độ, yêu cầu dự án đề ra. Các địa phương triển khai lồng ghép nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, huyện đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giúp nhiều hộ dân ở bản Pá Bon (xã Nậm Pì) phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập cao.
2 xã: Nậm Pì, Nậm Hàng và thị trấn Nậm Nhùn hiện đang là 3 địa phương được huyện đánh giá tiêu biểu trong triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, huyện đã phê duyệt và triển khai thực hiện 3 dự án chăn nuôi gia súc trên địa bàn 3 xã, thị trấn. Tại xã Nậm Pì được phê duyệt thực hiện dự án nuôi dê sinh sản với 2 nhóm hộ với 13 hộ tham gia; 5 nhóm cộng đồng với 36 hộ thực hiện dự án nuôi bò sinh sản. Thị trấn Nậm Nhùn có 1 nhóm hộ với 21 hộ tham gia thực hiện dự án nuôi bò sinh sản. Xã Nậm Hàng có mô hình nuôi dê tại bản Huổi Pết với hơn 30 hộ tham gia. Các dự án được triển khai đều đảm bảo quy hoạch phát triển, sản xuất tại địa phương; giúp các hộ dân thêm điểm tựa phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh và bền vững.
Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các mô hình kinh tế tại xã Nậm Pì đang phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa. Việc chăn nuôi, trồng trọt được nhân dân thực hiện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa lợi thế đất đai của địa phương. Những mô hình kinh tế tổng hợp đạt thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình, trọng tâm vẫn là phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.
Ông Pàn Văn Chơn ở bản Pá Bon (xã Nậm Pì) tâm sự: Hoàn cảnh gia đình từng rất khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất. Được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, gia đình tôi mạnh dạn phát triển mô hình nuôi trâu kết hợp trồng cây ăn quả. Đến nay, đàn gia súc có 20 con; xoài, dứa và các loại cây ăn quả khác phát triển tốt, hằng năm đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 100 triệu đồng (trừ chi phí).
Linh hoạt giải pháp triển khai thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương được giao thực hiện các dự án thành phần, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã và đang góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện còn 1.803 hộ nghèo (chiếm 28,2%); 509 hộ cận nghèo (chiếm 7,96%); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt trung bình khoảng 5%/năm.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Nậm Nhùn đã xác định rõ giải pháp trọng tâm. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy tính chủ động, tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, tự lực vươn lên. Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp đối với các dự án, tiểu dự án chưa giải ngân đã xác định được nội dung, định mức chi. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt là công tác giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hiện.
Dồn lực phấn đấu đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025
Thời gian qua, UBND huyện Phong Thổ chủ động bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hằng năm; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó tạo khí thế, động lực để tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và đạt, vượt 11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Hằng năm, UBND huyện chủ động chỉ đạo điều hành, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH theo từng năm, từng quý. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai và tăng cường phát động các phong trào thi đua trong toàn huyện gắn với thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kết hợp với giám sát, xử lý vi phạm trên các lĩnh vực theo đúng quy định các nghị quyết, đề án, kế hoạch và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xác định thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 26/12/2023 về cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước huyện năm 2024 với 31 nhiệm vụ công tác CCHC trên các lĩnh vực theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ, kế hoạch của UBND tỉnh, các kết quả được xác định rõ ràng, cụ thể và rõ trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện kế hoạch. Đến nay, đã hoàn thành 16/31 nhiệm vụ, còn 15 nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện thường xuyên theo Kế hoạch số 325/KH-UBND. Nhờ đó, hiện Phong Thổ đứng thứ 2/8 huyện, thành phố về chỉ số CCHC (PAR INDEX); tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trả trước và đúng hạn hàng năm trên 97%.
Huyện cũng luôn quan tâm, triển khai hiệu quả lĩnh vực văn hóa xã hội gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhất là, trong tháng 2/2024, huyện đã khai trương phố đi bộ, đây là địa phương thứ 2 trên địa bàn tỉnh thành lập được phố đi bộ và tổ chức thường xuyên vào buổi tối thứ 6 hằng tuần với các hoạt động giao thương, văn hóa văn nghệ. Góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của địa phương phát triển.
Công tác giáo dục và đào tạo, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh tiếp tục được chú trọng thực hiện. Các chế độ chính sách được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Xuất khẩu lao động được quan tâm chỉ đạo.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phong Thổ khảo sát thực tế và tham quan mô hình trồng quế trên địa bàn huyện.
Công tác thanh tra, chế độ tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân luôn được thực hiện nghiêm từ huyện đến cơ sở theo đúng quy định. Hoạt động đối ngoại, quan hệ hợp tác hữu nghị với huyện Kim Bình (Vân Nam - Trung Quốc) được duy trì, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Từ những giải pháp, cách làm cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đến nay một số chỉ tiêu kinh tế 9 tháng năm 2024 có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 41,77%; doanh thu du lịch tăng 11,54%; giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng 82,48%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 13,38%. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 90 lao động vượt 40 lao động so với kế hoạch cả năm…
Đặc biệt, từ cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 bằng các đề án, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực, đến nay đã có 9/11 chỉ tiêu đạt, vượt. Tiêu biểu như: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 35.574 tấn (vượt 542,95 tấn); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 72,9 tỷ đồng (vượt 17,9 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,43%/năm (vượt 2,43%); hằng năm giải quyết việc làm cho 1.230 lao động (vượt 230 lao động)…
Phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025, huyện đề ra các giải pháp và dồn lực thực hiện như: Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển du lịch; chủ động phòng chống thiên tai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chú trọng triển khai các chương trình, đề án, dự án nhằm giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành trong đẩy mạnh CCHC, tinh gọn bộ máy, cải tiến quy trình, thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ.
Phát huy lợi thế cửa khẩu, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa địa phương. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại, hợp tác hữu nghị với huyện Kim Bình (Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, giao thương. Qua đó, từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đời sống, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo đà phát triển, xây dựng Phong Thổ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Theo baolaichau.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.