Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 10:24

HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Phát triển đa dạng

Các HTXNN ở Quảng Ngãi đang phát triển theo hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân, kinh doanh đa ngành nghề.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 244 HTX hoạt động trong lĩnh vực NN, chiếm 80,5% số HTX. Chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, làm muối, một số đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Trong đó, có 5 HTX trồng trọt, 2 HTX chăn nuôi, 2 lâm nghiệp, 2 HTX diêm nghiệp, 9 HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản (3 nuôi trồng, 6 khai thác thuỷ sản) và 224 HTX tổng hợp, trong đó có 16 HTX ngừng hoạt động.

Được hỗ trợ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp gia nhiệt bổ sung và náo đảo tự động trong chế biến nước mắm, Cơ sở nước mắm Mười Quý (huyện Bình Sơn) mở rộng quy mô SX, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thông qua các hoạt động dịch vụ, nhiều HTXNN đã tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế hộ thành viên, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển; vai trò của HTXNN đối với kinh tế hộ càng rõ hơn khi SX gặp khó khăn, như: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh... HTXNN là đầu mối quan trọng trong việc tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, thực hiện chuyển đổi mùa vụ, cây trồng theo định hướng cơ cấu lại ngành NN và xây dựng nông thôn mới.

Một số HTX đã áp dụng SX theo quy trình VietGAP, NN hữu cơ, NN sạch, mở rộng nhà xưởng, cơ sở chế biến; thay đổi tư duy từ SX NN sang tư duy kinh tế NN. Nhờ đó, đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tạo sự liên kết trong SX và tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận cho HTX và người dân.

Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Mộ Đức, ở thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức). Tuy mới thành lập tháng 6/2023, nhưng HTX đã hoạt động hiệu quả và thu hút được 41 thành viên tham gia. Ngay khi đi vào hoạt động, HTX đã nhanh chóng liên kết với nông dân và các HTXNN trên địa bàn huyện sản xuất lúa giống và lúa gạo thương phẩm, rau, dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX đã ứng dụng nhiều CNC (công nghệ tưới nhỏ giọt, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái) vào trong SX giúp nông dân tiết kiệm nhân công, chi phí trong SX NN.

HTX SX&KD nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) đã chế biến các sản phẩm từ nấm thành nhiều sản phẩm, như: Nấm khô sợi ăn liền, trà thảo dược nấm Linh Chi, rượu nấm Linh Chi, bột nêm nấm; nấm Linh Chi...

HTX Sản xuất nông - lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây), đầu tư dây chuyền SX các sản phẩm từ chuối như giấm chuối, mật chuối, rượu chuối, chuối sấy dẻo…

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Ngô Văn Hưng cho biết, những năm qua,  Quảng Ngãi đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới, hoạt động có hiệu quả, có liên kết SX và là mô hình khởi nghiệp của thanh niên ở nông thôn.

Điển hình là HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi (TP. Quảng Ngãi). Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi Phạm Hùng Cường cho biết, khi gia nhập HTX, các thành viên được cung ứng giống thỏ bách thảo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi thỏ. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Từ 20 con thỏ giống ban đầu, đến nay, HTX có 21 trại thỏ, với hơn 700 con thỏ nái. Với giá bán  70.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi thành viên HTX có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. HTX hiện hoạt động ổn định, vì đảm bảo được đầu ra cho thỏ thương phẩm cũng như măng tây, bởi sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng. HTX  thường xuyên hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho xã viên có nhu cầu mở rộng sản xuất.

Nhiều HTX có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, sản phẩm của HTX vào các siêu thị lớn, được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Một số HTX đã thực hiện việc kết nối sản phẩm với siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi nhà hàng, khách sạn và  thông qua các kênh Facebook, Zalo, các trang điện tử bán hàng, như: HTX Ớt xiêm Sơn Hà, HTX NN hữu cơ Sơn Hà, HTX Rau truyền thống An Mô, HTX NN và Dịch vụ Sơn Liên, HTX SX&KD nấm Đức Nhuận, HTX DVNN Tịnh Thọ, HTX nông - lâm nghiệp Đoàn Kết, HTX NNDV Sơn Tây, HTX Rau sạch Mầm Việt, HTX CNC Vạn Tường, HTX DV SX và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả an toàn Đức Thắng,...

Giải quyết các vấn đề liên quan để HTX hoạt động hiệu quả                                      

Thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP; trong số hơn 190 sản phẩm OCOP hiện có thì có đến 48 sản phẩm của 33 chủ thể là HTX. Các địa phương có nhiều HTX với sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như Mộ Đức, Bình Sơn, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng HTX nhiều nhưng số HTX hoạt động hiệu quả chưa cao; đa số cán bộ quản lý, điều hành HTX lớn tuổi, thiếu tính nhạy bén, ít năng động, khó khăn trong tiếp cận khoa học, tiến bộ kỹ thuật, hạn chế trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất, cạnh tranh trên thị trường. Thiếu nguồn nhân lực trẻ, có trình độ năng lực và đam mê gắn bó phục vụ HTX. Môi trường làm việc HTX khó thu hút cán bộ trẻ, có trình độ cao về công tác.

Để HTX hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, tại cuộc họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX của Quảng Ngãi trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết: Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã khẳng định được vai trò và đóng góp quan trọng  trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn. Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên.

Trên cơ sở quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh Quảng Ngãi, ông Hiền  yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn lại Ban Chỉ đạo của địa phương; rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của HTX, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; tiếp tục đa dạng hóa về loại hình dịch vụ, hình thức hợp tác, mô hình liên kết trong các ngành nghề, lĩnh vực mới; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX ở địa phương; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến đất đai, giới thiệu quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; giải thể, sáp nhập các HTX hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top