Với lợi thế bờ biển dài 125km và diện tích vùng biển khoảng 4.000 km2, tiềm năng phát triển cảng biển, du lịch biển, nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng là vô cùng lớn.
Tiếp tục phát huy những lợi thế đó, trong tương lai, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Trọng điểm kinh tế biển của cả nước vào năm 2025
Hải Phòng là địa phương sở hữu một vùng đất ven biển được “đô thị hóa” từ năm 1888 trên nền của một “Bến nhỏ Ninh Hải” (ngày nay là cảng Hải Phòng) và một vùng biển trải rộng ra đến đảo Bạch Long Vĩ ở trung tâm vịnh Bắc Bộ. Trải qua 136 năm, yếu tố biển luôn in đậm dấu ấn trong chiến lược phát triển kinh tế và đời sống văn hóa - xã hội của người dân nơi đây.
Hải Phòng có 52 bến cảng biển thuộc hệ thống Cảng biển Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong).
Theo Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi số, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Với chiều dài bờ biển hơn 125km, nơi có 6 cửa sông chính đổ ra biển, vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000km2. Nghị quyết 32-NQ/TW, Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW, Trung ương luôn đặt kinh tế biển chính là trụ cột. Chiến lược phát triển kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Ngày 21/10/2021, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND nêu rõ phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2025 đạt 15,1%/năm. Đến năm 2030, thành phố trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn…
Với chủ trương thúc đẩy việc khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển, hiện nay, hệ thống cảng biển của TP. Hải Phòng gồm 5 khu bến chính với 52 cảng biển thuộc danh mục cảng biển Việt Nam (với 98 cầu, dài khoảng 14.178,5m). Nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới trên 200.000 DWT.
Công ty CP Cảng Hải Phòng, Chi nhánh Cảng Tân Vũ đón mã hàng đầu năm 2024 vượt 17,5 triệu tấn.
Ngoài ra các bến số 1 và 2 của cảng Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào hoạt động (từ tháng 5/2018), nâng cao năng lực thông qua hàng hóa của cảng biển Hải Phòng. Các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2019 - 2023, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng trên địa bàn TP. Hải Phòng đạt 761,1 triệu tấn, tăng 85,83% so với giai đoạn 2014 - 2018.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đang tập trung cho việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng.
Để trở thành một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển và cảng biển.
Tăng sản lượng NTTS 3,05% (giai đoạn 2019-2023)
Vùng biển Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển từ nuôi trồng, đánh bắt, khai thác…vùng biển Hải Phòng có 135 loài thực vật nổi, 138 loài rong, 23 loài thực vật ngập mặn, 500 loài động vật đáy vùng triều, 150 loài san hô, 189 loài cá, tôm. Hải Phòng nổi tiếng trong nước với các loài đặc sản biển như: Tôm he biển, mực, tu hài, bào ngư, trai ngọc, rong câu với hàm lượng Agar khá cao (27- 33%).
Hiện nay việc phát triển khai thác thủy sản trên biển, bảo đảm các yêu cầu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động trên biển phải được theo dõi, giám sát 24/7 qua hệ thống giám sát tàu cá. Đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện (đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động) mới được phép xuất bến đi khai thác thủy sản và cập nhật dữ liệu vào phần mềm Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 của Hải Phòng đạt 9.000 ha.
Cơ cấu nghề khai thác theo các họ nghề chính tại vùng ven bờ, vùng lộng: Chụp 3,88%, lưới rê 29,61%, lưới ké 12,99%, câu 14,32%, hậu cần 8,25%, nghề khác 30,95%.
Tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình nghiệp đoàn, tập đoàn, liên tập đoàn, tổ, đội đoàn kết sản xuất và mô hình đồng quản lý đối với vùng ven bờ. Đồng thời hình thành doanh nghiệp đầu tư đội tàu khai thác thủy sản vùng biển xa bờ. Áp dụng phương pháp đánh bắt tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới để khai thác có chọn lọc các đối tượng có giá trị kinh tế, kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 của Hải Phòng đạt 9.000 ha (giảm 3.850 ha so với năm 2019 (12.850 ha) với sản lượng 78,4 nghìn tấn (năm 2019 đạt 68,024 nghìn tấn) tương ứng giai đoạn 2019 - 2023 bình quân giảm 5,99%/năm về diện tích và tăng 3,05%/năm về sản lượng.
Du lịch “khoác áo mới” đón khách
Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hạ tầng du lịch của Hải phòng phát triển với nhiều hạng mục công trình đi vào khai thác phục vụ du khách. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Dự án Khu Du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà được khởi công xây dựng với quy mô hơn 45,7 ha tại huyện Cát Hải.
Tiêu biểu như tại Cát bà (huyện Cát Hải), hiện nay đang triển khai Dự án Khu Du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà, quy mô hơn 45.7 ha, tổng mức đầu tư gần 12,5 nghìn tỷ đồng, do Công ty TNHH xây dựng dân dụng Phú Quốc (thành viên Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Chia sẻ thông tin tại Lễ khởi công Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết: “Hải Phòng định hướng phát triển du lịch Cát Bà theo hướng đảm bảo hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khai thác cảnh quan không gian, mặt nước, đồi núi tự nhiên trên nguyên tắc hạn chế tối đa sự can thiệp vào địa hình tự nhiên, hướng tới mục tiêu xây dựng Cát Bà thành đảo du lịch thông minh, sinh thái.
“Để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch, trọng tâm là các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp, khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Cát Bà được triển khai nhằm thay đổi bộ mặt du lịch của huyện đảo. Dự án được kỳ vọng sẽ đa dạng các sản phẩm du lịch, các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm, hội nghị… nhằm hấp dẫn du khách du lịch đến với quần đảo Cát Bà”, ông Lê Khắc Nam cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch golf đạt tiêu chuẩn, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm đang phát triển mạnh (sân golf Đồ Sơn, sân golf tại khu du lịch Đồi Rồng, sân golf Vũ Yên, sân golf Sông Giá). Các sân golf đang được triển khai đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ trở thành sản phẩm du lịch bền vững của thành phố, góp phần khắc phục tình trạng mùa vụ trong du lịch.
Hải phòng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Sản phẩm, du lịch biển đảo Cát Bà, Đồ Sơn được định hướng là sản phẩm cốt lõi của du lịch TP. Hải Phòng, dẫn dắt các loại hình du lịch khác phát triển như: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch văn hóa tâm linh... Nhất là khi Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2023.
Việc này đã góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch của Hải Phòng, từng bước đưa du lịch của Hải Phòng “khoác áo mới”. Việc này được minh chứng cụ thể qua lượng khách du lịch đến Hải Phòng trong 10 tháng đầu năm 2024, du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ trên 7,8 triệu lượt khách (tăng 14,1% so với cùng kỳ, đạt 86,21% so với kế hoạch năm). Trong đó khách quốc tế là 832.403 lượt, tăng 0.89% so cùng kỳ. Doanh thu ước đạt gần 9.500 tỷ đồng
Sự phát triển mạnh mẽ của TP. Hải Phòng trong những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 45 và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.