Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024 | 8:55

Quế Phong: Hỗ trợ nông dân phát triển mô hình sinh kế

Vài năm gần đây, song song với tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ Nghị quyết 18/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An để hỗ trợ các ngành nghề nông nghiệp và nông thôn, sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, nhiều nông dân ở huyện miền núi Quế Phong đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo…

Phát huy hiệu quả các tổ hội nghề nghiệp

Gia đình ông Kim Văn Dung ở bản Hữu Văn là điển hình phát triển kinh tế hộ có tiếng ở xã Châu Kim với mô hình vườn, ao, chuồng, rừng… thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng mỗi năm. Ông còn là thành viên của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê tại bản Hữu Văn với quy mô hơn 100 con.

Ông Dung cho hay: Việc tham gia tổ hội nghề nghiệp sẽ giúp các hộ chăn nuôi trong bản cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Xã biên giới Nậm Giải là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác xã; thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm với 17 hộ thành viên, tập trung chăn nuôi gà địa phương.

Mô hình chăn nuôi dê của Tổ hội nông dân nghề nghiệp bản Quạnh, xã Châu Thôn. Ảnh: Báo Nghệ An

Anh Ngân Văn Lâm ở bản Pục, xã Nậm Giải (thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm) cho hay: Trang trại của gia đình tôi nuôi bình quân từ 700-1.000 con gà theo hình thức bán thả đồi, thức ăn chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp (ngô, lúa, sắn…) nên chất lượng đảm bảo. Từ đầu vào đến đầu ra đều có HTX bao tiêu, thị trường chủ yếu là khu vực thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận.

Ngoài mô hình HTX, bà Lữ Kim Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết thêm, hiện trên địa bàn còn có Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn với 16 hội viên, quy mô bình quân 300 con, hộ nuôi nhiều nhất 50 con. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đang xúc tiến thành lập tổ nghề nghiệp chăn nuôi gà đen, dự kiến ban đầu có 10 hộ tham gia với quy mô 1.000 con…

Tại xã biên giới Tri Lễ có 451 ha trồng lúa, mỗi năm hai vụ. Vài năm trở lại đây, lúa gạo đã trở thành hàng hoá đem lại thu nhập khá cho người nông dân, đặc biệt là giống nếp truyền thống khâu cày nọi và gạo Japonica với đặc tính thơm, ngon, dẻo vượt trội.

Theo ông Vi Hời - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ: Để hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP, tháng 6/2024, Hội Nông dân Tri Lễ đã phối hợp với UBND xã Tri Lễ tổ chức ra mắt sản phẩm đặc sản gạo thơm Tri Lễ, có bao bì nhãn mác với những thông tin cần thiết. Theo đó, điểm cung cấp do Hội Nông dân và cán bộ địa chính nông nghiệp xã phụ trách sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân, ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Nhờ vậy, đặc sản gạo thơm Tri Lễ dần được nhiều người biết đến, đặt hàng số lượng lớn và giá trị kinh tế cũng cao hơn so với việc bán lẻ trong dân. Hiện giá gạo Japonica dao động từ 23.000 -25.000 đồng/kg; nếp khau cày nọi khoảng 25.000 đồng/kg. Bên cạnh sản xuất lúa gạo, Hội Nông dân xã Tri Lễ cũng khuyến khích người dân đầu tư phát triển chăn nuôi; thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu, bò. Nhờ vậy, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình vượt khó vươn lên thoát nghèo, điển hình như ông Lỳ Nỏ Pó ở bản Na Niếng với quy mô hơn 80 con trâu, bò.

Ông Lỳ Nỏ Pó ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, một trong những hộ chăn nuôi giỏi trên địa bàn huyện Quế Phong. 

Hiện tại, toàn huyện Quế Phong có 13 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp (chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo; chăn nuôi lợn cỏ địa phương; nuôi dê, phát triển cá loại cá đặc sản địa phương...).

Ông Mạc Văn Tuất, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho hay: Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp với tiêu chí 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất; cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi) được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tạo mối liên kết chặt chẽ, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giữa các hội viên trong cùng chi, tổ hội.

Đây cũng là giải pháp để hình thành các chuỗi sản xuất hàng hoá, giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Phát huy thế mạnh, xây dụng mô hình sinh kế bền vững

Quế Phong là huyện vùng cao biên giới có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pu Hoạt diện tích rộng 84.000 ha, trong đó, 34.000 ha rừng đặc dụng và 50.000 ha rừng phòng hộ. Huyện cũng có những loài cây đặc sản, dược liệu quý, hiếm có giá trị kinh tế cao như lùng, chè hoa vàng, bon bo… Chính vì thế, từ tháng 1/2022, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An, UNDP đã chấp thuận và tài trợ thực hiện dự án nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây chè hoa vàng, cây lùng, cây mét và cây bon bo.

Sau hơn 2 năm triển khai dự án với các bước triển khai tuần từ truyền thông vận động người dân và các địa phương, đoàn thể hỗ trợ, đã có 421/421 hộ tại 8 bản và 2 xã tham gia và đã được nghiệm thu, đạt 100%.

Cụ thể, đã trồng được 19/20 ha mét, đạt 95%; trồng bổ sung, khai thác bền vững 90,8 ha cây bon bo, đạt 97,7%; khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và khai thác bền vững 138,8/134,7 ha chè hoa vàng, đạt 99,3%; khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bền vững 1.487,3 ha rừng lùng, đạt 100%.

Mô hình phát triển cây Lùng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cùng với góp phần giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại 2 xã vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, dự án đã nâng cao kiến thức năng lực phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng thành công 5 mô hình sinh kế tại xã Đồng Văn, Thông Thụ.

Tuy vậy, thông qua đánh giá ý nghĩa, hiệu quả lâu dài của dự án, các chuyên gia lâm nghiệp và địa phương cũng nêu lên một số thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án; đồng thời, kiến nghị Ban điều hành dự án tiếp tục có cơ chế xoay vòng vốn để nhân rộng các mô hình tạo sinh kế bền vững; thành lập các tổ hợp tác, tổ cộng đồng hỗ trợ, liên kết bao tiêu sản phẩm để khi dự án kết thúc các mô hình tạo sinh kế này vẫn tiếp tục được duy trì và nhân rộng.

Trên cơ sở đánh giá cao ý nghĩa của dự án, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ thế mạnh về phát triển các giống cây quý, hiếm, cây dược liệu dưới tán rừng. Huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhưng các nguồn lực và mô hình tạo sinh kế cho người dân sống được từ rừng và nhờ rừng còn hạn chế. Nhờ nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của dự án mà ý thức của người dân về giữ rừng tự nhiên đã được nâng lên. Từ cây bon bo cho đến cây chè hoa vàng đều mang lại giá trị kinh tế cho huyện hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian tới, huyện Quế Phong cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận dụng, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực khác để các mô hình sinh kế bền vững vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được tiếp nối và nhân rộng.

Nhiều hoạt động “bà đỡ”

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Hội nông dân huyện Quế Phong đã triển khai nhiều hoạt động “bà đỡ” nhằm cổ vũ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; giúp nhau thoát nghèo bằng nhiều hình thức như trao đổi cách làm ăn, kinh nghiệm sản xuất, vốn, cung cấp cây, con giống, tạo việc làm tại chỗ...

Năm 2024, các cấp hội đã đăng ký giúp đỡ 14 hộ xóa nghèo. Ví như gia đình anh Lô Thành Luân- bản Khoảnh Đỗ, xã Châu Kim được Hội Nông dân huyện chọn để xây dựng mô hình “Dân vận khéo đồng hành cùng hội viên là đảng viên trong phát triển kinh tế”. Theo đó, anh Luân đã được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua con giống, hướng dẫn KHKT để phát triển chăn nuôi.

Tương tự, tại xã Mường Nọc, 10 hộ gia đình ở bản Ná Công đã được tạo điều kiện vay 300.000.000 đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” đem lại hiệu quả cao.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng dưa Hoàng Kim trong nhà lưới ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: BNA

Hiện, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện có 2,447 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng được 16 mô hình như chăn nuôi gà cỏ, lợn cỏ địa phương, khoai sọ; trồng rau màu; chăn nuôi dúi; nuôi cá lồng; trồng khoai sâm…

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Quế Phong đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện hiệu quả ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, vốn giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác.

6 tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH là 145.346 triệu đồng cho 2.555 hộ nông dân vay với 73 tổ, doanh số cho vay đạt 19.606 triệu đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho hộ đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá ở địa phương.

Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ nông sản; xây dựng, đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cũng được Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn tích cực triển khai. Ví như việc phối hợp với Bưu điện đưa các sản phẩm tiêu biểu của hội viên nông dân lên sàn thương mại điện tử postmart.

Những con gà bản địa thương phẩm có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với ngành văn hoá, du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn, góp phần thúc đẩy, mở hướng phát triển du lịch địa phương.

“Thời gian tới, huyện hội tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế hộ; thành lập các tổ hội nghề nghiệp phù hợp với từng địa bàn. Qua đó, giúp hội viên có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Mạc Văn Tuất- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong nhấn mạnh.

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc
Top