Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 7 năm 2024 | 15:13

Tạo điều kiện để làng nghề Thủ đô phát triển bền vững

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.

Vì thế, thành phố Hà Nội luôn quan tâm để làng nghề phát triển bền vững, nhất là khi Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Làng nghề Thủ đô - nơi lưu giữ giá trị văn hoá

Hiếm có một quốc gia nào mà thủ đô lại có nhiều làng nghề truyền thống như Hà Nội của chúng ta, hầu hết các làng nghề đều đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến ngày hôm nay các làng nghề vẫn còn tồn tại và đem lại nguồn thu nhập rất cao cho bà con nông dân, theo thống kê doanh thu của các làng nghề này đạt trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy cuộc sống của bà con nông dân ở những làng nghề này không ngừng được nâng lên, bộ mặt của nông thôn đã có sự thay đổi một cách rõ rệt.

Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…

Dệt lụa tại làng Vạn Phúc, Hà Đông

Mỗi làng nghề đều có những sản phẩm mang giá trị văn hoá và đặc trưng riêng, chính điều này đã tạo ra sự khác biệt của mỗi làng nghề mà chỉ nhắc đến sản phẩm là mọi người biết ngay địa danh đó, làng nghề đó. Hầu hết nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm của các làng nghề này đều được lấy từ chăn nuôi, trồng trọt, từ chính mảnh đất nơi người nông dân đã sinh ra và lớn lên, hay là những nguyên liệu rất gần gũi thân quen với cuộc sống hàng ngày của bà con nông dân.

Có thể lấy một vài ví dụ để thấy nguồn nguyên liệu để các làng nghề sản xuất ra những sản phẩm, mà cha ông chúng ta đã tìm tòi hàng trăm năm qua, để cho ra đời những sản phẩm truyền thống tồn tại đến ngay nay và không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại.

Làng lụa Vạn Phúc Hà Đông nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm, sản phẩm này hôm nay đã vượt qua khỏi “luỹ tre làng” có mặt ở các thị trường may mặc trên khắp thế giới. Lụa Vạn Phúc được người nông dân ở đây chế biến từ việc nuôi những con tằm, để rồi những con tằm nhả kén, tạo ra những sợi tơ mỏng manh, mềm mại nhưng lại có giá trị rất cao, khi những tấm lụa được dệt dưới những đôi bàn tay khéo léo của những người nông dân, chân lấm tay bùn, tạo ra những sản phẩm làm đẹp cho đời.

Làng hương Quảng Phú Cầu được xem là biểu tượng văn hóa và nghệ thuật độc đáo của vùng đất Hà Nội. Với tuổi đời hơn 100 năm, làng nghề truyền thống Hà Nội này vẫn giữ được trọn vẹn nét đẹp cổ kính của quê Bắc Bộ. Nơi đây là địa điểm sản xuất và cung cấp tăm hương phục vụ nhu cầu tâm linh.chủ yếu cho các tỉnh khu vực phía Bắc.

Làng hương Quảng Phú Cầu

Với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân miền Bắc, hương tăm là một sản phẩm không thể thiếu trong hoạt động tâm linh của người Việt. Nén hương toả một thơm ngào ngạt, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về, làn khói trầm hương toả ra một mùi thơm ngào ngạt trên ban thờ của Tổ tiên, như gắn kết thế giới thực tại với thế giới tâm linh. Chính vì thế, hương trầm không thể thiếu được ở trong mỗi gia đình của người Việt, nhất là đối với những người dân Thủ đô.

Làng nghề truyền thống của Thủ đô là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Nhận thức giá trị sâu sắc của nguồn tài nguyên quý giá này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong lễ khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Nhiều ý kiến từ làng nghề cần được tháo gỡ

Ngay sau khi Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội nhất trí thông qua và bắt đầu có hiệu lực đầu năm 2025. Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của các làng nghề truyền thống, làng có nghề truyền thống trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố. 

Hàng năm doanh thu từ các làng nghề lên đến 24.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị này, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ tại các làng nghề được đưa ra, với những bất cập và khó khăn cho sự phát triển của các làng nghề hiện nay.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đức Anh Đồng Quang Chính nêu những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong giao thương… HTX đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) mong muốn, Thành phố tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề.

Bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho hay, Công ty chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ.

Công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất… Do đó, kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế…

Giám đốc Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ, một trong những khó khăn hiện nay là thiếu quy hoạch nông nghiệp và làng nghề. Điều này khiến các DN dè dặt đầu tư.

“Được biết, TP đang quy hoạch nông nghiệp và làng nghề tích hợp vào quy hoạch chung của Thủ đô, DN mong muốn được biết nội dung, lộ trình đang thực hiện đề án hiện nay để các DN có kế hoạch phát triển….”, ông Tĩnh bày tỏ.

Vấn đề phát triển khoa học công nghệ cũng được các DN, HTX quan tâm. Giám đốc Công ty TNHH may Phú Thành Phát (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Thành bày tỏ, DN mong muốn được hỗ trợ đưa máy móc khoa học kĩ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất của người lao động, giảm thời gian và chi phí sản xuất. “Đối với vấn đề này, TP đang có chính sách ra sao?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Tạo điều kiện để làng nghề Thủ đô phát triển bền vững

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Công tác bảo tồn, phát triển làng nghề luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hội nghị đối thoại vừa được thành phố tổ chức

Nhằm phát triển làng nghề, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt là tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.

Liên quan đến Đề án tổng thể phát triển làng nghề TP Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Đề án nhằm phát triển kinh tế đa giá trị trong đó thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hóa nông nghiệp, nông thôn; tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nhằm bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề...

Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải quyết bài toán liên kết vùng nguyên liệu còn đang khó khăn của Hà Nội, nhằm tiến tới kết nối vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung ổn định để làng nghề phát triển bền vững. Hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển du lịch.

“Trên cơ sở Luật thủ đô được ban hành là cơ hội tốt để Sở NN&PTNT tham mưu TP các chính sách đủ mạnh nhằm từng bước giải quyết tháo gỡ, khó khăn, điểm nghẽn để làng nghề từng bước trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế…”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở ngành tiếp thu kiến nghị của các DN, HTX, chủ thể sản xuất kinh doanh; căn cứ các định hướng phát triển Thủ đô trong đó có bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội, triển khai ngay những nội dung thuộc thẩm quyền và tham mưu UBND TP đối với những nội dung còn vướng mắc; tham mưu UBND TP đề xuất Trung ương đối những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Bên cạnh đó, các sở ngành của TP cần tiếp tục duy trì và xây dựng hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến để tương tác, thu thập thông tin khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội; kịp thời đánh giá và có giải pháp xử lý kịp thời.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Triển vọng từ những cây trồng mới trên vùng cao Sơn Tây

    Triển vọng từ những cây trồng mới trên vùng cao Sơn Tây

    Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, thời gian qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) không ngừng đẩy mạnh việc tìm kiếm, liên kết, phát triển các loại cây trồng mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây dứa MD2, cây sầu riêng được kỳ vọng sẽ là “cây thoát nghèo” mới của bà con nơi đây.

  • Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

    Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

    Hiện nay, nuôi vịt cổ xanh, trồng ớt Sweet Palermo, nuôi dúi… là những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La.

  • Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

    Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

    Việc xây dựng các vùng sản xuất VietGAP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Top