Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 11:25

Tại sao HTX nông nghiệp chưa hấp dẫn nông dân?

Những năm qua, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX), đã có sự phát triển. Nổi bật là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể, HTX vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Hiện nay, nông dân đang lúng túng trước 3 câu hỏi: Tôi vào HTX, tôi có được tiêu thụ nông sản giá cao hơn không và có bán được hết không? Trong quan hệ lợi ích của tôi với các bên tham gia HTX có minh bạch không? Vào HTX, tôi có nhàn hơn không hay cường độ lao động vẫn như ngày xưa? Chính vì 3 yếu tố này mà nông dân còn e dè khi tham gia HTX.

Bài 1 - Tiêu chí cốt lõi: Hài hòa lợi ích

HTX, mà chủ yếu là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng tham gia vào các chuỗi liên kết, là đầu mối thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo thêm nhiều việc làm, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên và nông dân.

Để thu hút nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất của HTX, cần hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trên 3,8 triệu nông dân tham gia HTX

Kinh tế hợp tác được hiểu là hội của những người kết nhóm lại với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được họ cùng nhau làm chủ và quản lý một cách dân chủ. Mục tiêu chính của HTX là bằng các hoạt động kinh doanh của mình bảo đảm sự sinh tồn của các thành viên và của cộng đồng những người yếu thế.

Bản chất của hợp tác kiểu mới là những người sản xuất phải trực tiếp liên kết với nhau trong một tổ chức của nông dân chứ không phải đầu tư nhiều tiền vào để chia lợi nhuận.

HTX thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất thu hoạch nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ở Việt Nam, kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Loại hình này đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế bền vững; qua đó, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân, nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với HTX kiểu mới. 

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, hiện nay, trong hơn 31.000 HTX, có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên HTX có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Hệ thống liên minh hợp tác xã ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò kết nối, hướng dẫn, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX và các thành viên, làm cầu nối để đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và HTX.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính, đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

Nhiều lợi ích, nhưng khó giữ chân thành viên

Trên thực tế, nhiều nông dân khởi nghiệp hoặc tham gia HTX đã trở thành triệu phú, tỷ phú hoặc đơn giản là thoát được nghèo. Như HTX nông nghiệp Đạ M’ri (Lâm Đồng), hiện có 123 thành viên, nhờ đầu tư sản xuất trên quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu mà năm 2023, mỗi thành viên HTX có nguồn thu ít nhất là 1,1 tỷ đồng từ sản xuất sầu riêng theo hướng hàng hóa.

HTX nông nghiệp Rạch Lọp (xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) được thành lập tháng 12/2016, vốn điều lệ 01 tỷ đồng; ngành nghề kinh doanh chủ yếu là liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, các dịch vụ thủy lợi nội đồng, khai thác - quản lý chợ, dịch vụ đời sống, vệ sinh môi trường, xây dựng dân dụng, xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ liên quan khác. 

Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX cho biết: Tiên quyết đến sự thành công của HTX chính là xây dựng được nội lực của Hội đồng quản trị và tính đồng thuận của thành viên HTX. Để tạo uy tín và niềm tin với thành viên cũng như nông dân ngoài HTX, phải lấy lợi ích thành viên làm mục tiêu hoạt động, lấy lợi ích tập thể đặt trên lợi ích cá nhân và các thành viên phải xem nông nghiệp là nghề.

Không chỉ xây dựng mô hình ngay trong thành viên, HTX nông nghiệp Rạch Lọp còn liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn xã đầu tư sản xuất thường xuyên trên diện tích hơn 200ha. Đến nay, HTX đã xây dựng được thương hiệu gạo Rạch Lọp - Tiểu Cần (đạt OCOP 3 sao); đã có kế hoạch xây dựng thêm 02 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và nâng sản phẩm lên chuẩn 4 sao.

Từ những đóng góp của các HTX như HTX Đạ M’ri, HTX nông nghiệp Rạch Lọp, có thể khẳng định kinh tế tập thể, HTX đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, kinh tế tập thể, HTX đang đóng góp tích cực vào phát triển ngành nông nghiệp. Minh chứng rõ nhất là chất lượng, số lượng nông sản hàng hóa của Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của nhiều thị trường quốc tế. Thông qua HTX, doanh nghiệp cũng có những cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Nhiều HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chất lượng, với những nông sản có thương hiệu trên thị trường.

Tuy nhiên, đó là những HTX có quy mô lớn cả về thành viên và năng lực sản xuất. Đến nay, vẫn còn nhiều HTX có quy mô nhỏ cả về thành viên, dịch vụ, diện tích sản xuất nên gặp những khó khăn nhất định trong việc nâng cao hiệu quả và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa.

Sau 17 năm hoạt động và chuyển đổi, số lượng thành viên của HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (Đắk Lắk) không những không tăng mà giảm dần từ 30 đến nay còn 8 thành viên. Chính vì vậy, nhiều kế hoạch sản xuất, nâng diện tích, mở rộng dịch vụ, đầu tư máy móc của HTX “giậm chân tại chỗ”.

Điều này cho thấy, vẫn có những HTX không chỉ khó khăn trong thu hút thành viên mới mà còn khó “giữ chân” thành viên cũ. Nguyên nhân có thể do HTX bị tác động từ thị trường (dịch bệnh, suy thoái kinh tế...), có thể do HTX chưa minh bạch trong quá trình hoạt động, nhưng cũng có thể do người dân...

Tuy nhiên, nếu người dân chỉ liên kết với HTX thì hình thức hợp tác này được đánh giá là chưa thực sự ổn định và bền vững. Thành viên liên kết không được thụ hưởng quyền lợi như thành viên chính thức.

Trong sản xuất, không phải HTX nào có quy mô thành viên nhỏ cũng hoạt động không hiệu quả. Nhưng xét về bản chất HTX và giá trị kinh tế, khi HTX đứng ra làm các dịch vụ hỗ trợ thành viên, nếu HTX có hàng trăm thành viên thì chắc chắn giá các loại dịch vụ sẽ mềm hơn, thành viên sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Chẳng hạn như HTX chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp để cung cấp cám thức ăn chăn nuôi cho thành viên. Nếu HTX có số lượng thành viên lớn, có nhu cầu nguồn cám nhiều, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có chính sách hỗ trợ, đưa ra mức giá hợp lý hơn so với những HTX có số lượng thành viên nhỏ với nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi ít.

Trong mối liên kết với HTX, các doanh nghiệp phân phối, chế biến cũng luôn mong muốn có nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, quy mô lớn và phát triển ổn định. Chính vì vậy, những HTX có số lượng thành viên lớn luôn là lợi thế trong liên kết với doanh nghiệp.

Công bằng và minh bạch, cơ sở để nâng tầm HTX

Thực tế phát triển chuỗi liên kết thời gian qua cho thấy, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, góp phần tiêu thụ nông sản cho người nông dân, từng bước quảng bá, kết nối các mặt hàng nông sản trong và ngoài nước, giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa nông dân và doanh nghiệp.

HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên - Quảng Nam) liên kết với người nông dân để sản xuất nguyên liệu sạch. Ảnh: Q.Việt

Với điều kiện thực tế hiện nay, mô hình HTX trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bởi có hợp tác liên kết mới tập trung đất đai để tạo ra vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu. Tạo được điều kiện cần thiết để áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.

Ông Phạm Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang (xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), chia sẻ, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đảm bảo kinh tế cho vùng biên giới, hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững. HTX đã quy hoạch vùng trồng tập trung các loại cây có giá trị kinh tế để đảm bảo sản lượng đăng ký tham gia OCOP, chế biến chuyên sâu, tăng thời gian bảo quản. Đóng gói sản phẩm với bao bì, mẫu mã hấp dẫn mang đi quảng bá, bán hàng tại các Hội chợ triển lãm, bỏ hàng tại siêu thị và đại lý.

“Trước đây, khi người dân bán hàng hay bị thương lái ép giá, cân không đúng, vì vậy, HTX nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch ra đời với mục đích tạo việc làm tại chỗ, cam kết thu mua các loại nông sản từ người dân đúng rọng lượng, theo giá thị trường để tạo niềm tin và niềm hăng say trong lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Hoàng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam Đoàn Ngọc Trung cho rằng, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

“Nhiều HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác giữa HTX với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác để tổ chức sản xuất theo những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Trung chia sẻ.

Bạc Liêu có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Điển hình là HTX Nuôi nghêu Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), tạo việc làm ổn định cho hơn 500 xã viên. Nhiều hộ xã viên vươn lên khá, giàu từ bãi nghêu khi tham gia HTX. 

Hay HTX Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm tôm, lúa đầu ra cho thành viên và nông dân các xã lân cận với diện tích gần 600ha. Ngoài ra, HTX còn thực hiện các dịch vụ phi nông nghiệp như vận tải hàng hóa, thu hoạch thuê, cung ứng các nhu yếu phẩm giá rẻ cho thành viên sử dụng... HTX đang tham gia xây dựng sản phẩm để đạt chứng nhận OCOP cho gạo và tôm.

Có thể nói, mô hình HTX đã phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, HTX còn tập trung triển khai hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; liên kết với các công ty sản xuất theo chuỗi, phát triển theo quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản. Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, làm cầu nối liên kết, hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân.

Vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các thành viên với nhau là vô cùng quan trọng. Nhiều HTX đã thực hiện bao tiêu sản phẩm và cam kết về lợi nhuận khi thành viên tham gia HTX.

TS. Ninh Đức Hùng, chuyên gia phát triển HTX cho rằng, muốn thu hút và “giữ chân” các thành viên, HTX cần kết hợp giữa các yếu tố kinh doanh và xã hội. HTX phải biết chia sẻ giữa các lợi ích của thành viên với lợi nhuận của HTX.

Muốn vậy, HTX phải tạo ra được một môi trường làm việc tích cực, được tôn trọng, được cống hiến, ghi nhận. Điều này có thể thông qua việc HTX tổ chức các sự kiện, các buổi đào tạo phát triển năng lực, từ đó thế mạnh của mỗi thành viên được bộc lộ, tạo cho họ cơ hội để đóng góp, tham gia vào công việc tập thể của HTX.

Bên cạnh đó, HTX cần chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Để làm được điều này, lãnh đạo HTX phải đảm bảo các thành viên được công bằng từ việc phân công công việc, chia sẻ lợi ích, lợi tức kinh doanh của HTX. Vấn đề này có thể đảm bảo được thông qua việc thiết lập cơ chế phân chia lợi nhuận và đưa ra các quyết định một cách công bằng, minh bạch. Nội dung này cũng được thể hiện trong điều lệ HTX.

Đặc biệt, vào HTX là để nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống nên HTX cần đảm bảo công bằng và minh bạch, công khai. Ở đây, lãnh đạo HTX cần bảo đảm mọi hoạt động của HTX được tiến hành một các minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết về quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận cũng như tạo ra cơ hội cho thành viên đưa ra ý kiến của mình trong các cuộc họp, đại hội thành viên của HTX.

“Vào HTX, thành viên được tham gia các lớp đào tạo, phát triển kỹ năng, các buổi dã ngoại, tham quan..., từ đó tạo cơ hội cho phát triển sự nghiệp và nâng cao năng lực cá nhân. Đó cũng là điều thúc đẩy người dân tham gia và gắn bó với HTX lâu dài”, TS. Ninh Đức Hùng cho biết.

Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Cao Thăng Bình cho rằng, vai trò của HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, HTX là đơn vị tổ chức sản xuất, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, công nghệ mới cũng đều lựa chọn thông qua HTX chứ không thể làm đối với từng hộ cá thể.

Đáng chú ý, những điểm mới trong Luật HTX 2023 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các HTX trong việc thu hút thành viên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất.

PGS.TS. Chu Tiến Quang, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn và quản lý đào tạo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho biết, điểm mới của Luật HTX 2023 là hình thành quỹ và tài sản không chia, tạo thuận lợi cho HTX trong thế chấp ngân hàng để vay vốn. Đây là khó khăn trong thời gian dài mà các HTX đang gặp phải.

Đi liền với đó, HTX cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động giao dịch nội bộ. Từ đây, hoạt động cung ứng sản phẩm cho thành viên HTX sẽ phát triển, tạo niềm tin cho thành viên và người dân.

Bài 2. Những mô hình tiêu biểu cần nhân rộng

 

Xuân Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Triển vọng từ những cây trồng mới trên vùng cao Sơn Tây

    Triển vọng từ những cây trồng mới trên vùng cao Sơn Tây

    Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, thời gian qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) không ngừng đẩy mạnh việc tìm kiếm, liên kết, phát triển các loại cây trồng mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây dứa MD2, cây sầu riêng được kỳ vọng sẽ là “cây thoát nghèo” mới của bà con nơi đây.

  • Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

    Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

    Hiện nay, nuôi vịt cổ xanh, trồng ớt Sweet Palermo, nuôi dúi… là những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La.

  • Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

    Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

    Việc xây dựng các vùng sản xuất VietGAP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Top