Với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành tình cảm và sự quan tâm rất lớn, ký nhiều quyết sách quan trọng, đóng góp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khảo sát thực tế mô hình thâm canh sản xuất chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Cốc Phát và tham gia hái chè cùng bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường, Lai Châu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cuộc đời mình để tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành tình cảm và sự quan tâm rất lớn, ký nhiều quyết sách quan trọng, đóng góp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Thành kính bày tỏ tiếc thương vô hạn đồng chí Tổng Bí thư cũng như mong muốn thể hiện tình cảm trước những di sản đồng chí Tổng Bí thư để lại cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân nông thôn".
Tọa đàm "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân nông thôn".
"Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, nông dân là chủ thể, nông thôn phải là nơi đáng sống"
Trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, dù công tác ở vị trí nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đó có thể là những quyết sách quan trọng về lĩnh vực tam nông góp phần xây dựng đất nước hay đơn giản là những cử chỉ ân cần, thái độ hòa đồng, tình cảm dung dị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân… Tất cả đã tạo nên dấu ấn đặc biệt to lớn, có thể gọi là di sản của đồng chí Tổng Bí thư với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội (2006 - 2011), đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Có thể nói đây là đường lối tạo nên bước đột phá để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực tam nông, trong đó dấu ấn nổi bật nhất chính là công cuộc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo trên cương vị Tổng Bí thư, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng được quan tâm, đẩy mạnh. Rất nhiều chủ trương, chính sách trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực tam nông được ban hành.
Điển hình là 3 Nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Cả 3 Nghị quyết này liên tiếp ra đời trong thời gian ngắn và đều do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Mỗi Nghị quyết đều nổi lên hai khía cạnh cốt lõi, thứ nhất là tư duy mới, thứ hai là các giải pháp mới.
Đặc biệt với Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục hướng đổi mới tư duy gắn nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành một tổng thể quan hệ mật thiết, đóng vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hình thành cơ sở chính trị, xã hội, kinh tế đáng tin cậy để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh, phát huy giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế… Đây là tư duy, nhìn nhận hiện đại và hợp lý về vai trò tổng hợp của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Lần đầu tiên Đảng ta xác định "nông nghiệp là lợi thế quốc gia" với giải pháp thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế quốc gia.
Định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, sinh thái, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ,... là mục tiêu toàn diện.
Cùng với đó là tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, tạo đột phá quan trọng cả về thể chế lẫn tổ chức sản xuất.
Với nông thôn, Nghị quyết số 19 - NQ/TW nêu rõ quan điểm nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà nông dân huyện Giồng Trôm, Bến Tre gặp phải khi ruộng lúa chết khô do xâm nhập mặn tháng 3/2016. (Ảnh: Đồng Khởi).
Nhiệm vụ phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa công nghiệp và nông nghiệp trong bối cảnh đất nước chúng ta đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, kịp thời xác lập tư duy chỉ đạo và hành động của các ngành, các cấp để đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ phát triển phù hợp.
Có thể nói tư duy mới, giải pháp mới trong đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 20 thể hiện lòng yêu mến người nông dân, sự tin tưởng ở nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của Bộ Chính trị và tập thể lãnh đạo Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là nơi ý Đảng - lòng Dân gặp nhau và phối hợp để tư duy tinh thần nhân lên thành sức mạnh vật chất.
Những nghị quyết nâng cao vai trò của nông nghiệp
Phát biểu tại buổi Tọa đàm "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân nông thôn", TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đánh giá, Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2008 và 3 Nghị quyết 18, 19, 20 ban hành năm 2022 của Trung ương đã tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình trồng rau màu trên cát của tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: PC)
Ở đó, Nghị quyết 26 đặt ra những vấn đề căn bản về việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn.
Nghị quyết 18 mở ra những không gian sản xuất mới rộng hơn, thoải mái hơn, nhất là việc tích tụ đất đai, góp phần ổn định xã hội. Đây là điều rất quan trọng khi mà nhu cầu dồn điền đổi thửa, canh tác cánh đồng mẫu lớn ngày càng trở nên cấp bách.
Nghị quyết 19 xác định lại vai trò chủ thể của người nông dân. Ở đó, người nông dân trực tiếp sản xuất, giám sát, thụ hưởng. Đặc biệt, Nghị quyết 19 đã nhấn mạnh nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Theo ông Sơn, trước đây, nông nghiệp đã được xác định là nền tảng của kinh tế đất nước. Nhưng với quan điểm của Nghị quyết 19, nông nghiệp đã trở thành động lực, giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Nghị quyết 20 đã định hình rõ kinh tế tập thể. Đó là một phương thức hợp tác mang tính cộng đồng, đồng thời bổ sung thêm cho nền kinh tế thị trường, nhất là khi số lượng HTX, tổ hợp tác đang ngày một tăng lên.
“Dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Chắc chắn, người dân sẽ luôn ghi nhớ công lao này”, ông Sơn chia sẻ.
“Chúng ta cần đoàn kết lại để làm tốt những điều như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn”
TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản - người cùng thời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thế hệ nguyên Bộ trưởng và Tổng Bí thư gắn bó nhiều với nông nghiệp chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức và nhân cách. Trong giờ phút chia tay lịch sử này, ông Tạ Quang Ngọc cảm thấy rất bồi hồi và xúc động.
Suốt trong mấy ngày vừa rồi, toàn dân hướng về Hà Nội, ở đâu cũng hướng về Hà Nội. Rất nhiều người dân với những bộ quần áo sẫm màu đứng trước nhà tang lễ, điều này cho thấy sự bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức và nhân cách.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho hay, "dù không được gặp Tổng Bí thư nhiều, nhưng mỗi lần gặp, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư đều rất ôn tồn và đều nhắn nhủ chúng tôi là những người cùng tuổi, cùng phấn đấu và cùng nỗ lực".
Ông Ngọc cho biết, ông vào Đảng muộn, mới nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cách đây mấy ngày. Trong suốt 40 năm qua, mỗi năm, mỗi ngày, ông đều cố gắng tâm niệm rằng phải trau dồi ý tưởng, trau dồi đạo đức của một người đảng viên, trên cơ sở đạo đức của một con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất để nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản học tập và noi theo. Vì thế, ông luôn phấn đấu để trở thành một người đảng viên tốt nhất.
Trong giờ phút này “chúng ta cần đoàn kết lại, suy nghĩ lại để làm tốt những điều như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn”, ông Ngọc nói thêm.
“Tổng Bí thư đến với nông dân với tất cả sự chân thành”
Tiếp tục buổi tọa đàm, nhà báo Trịnh Bá Ninh trò chuyện cùng chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. "Là một người gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông có thể chia sẻ về tình cảm của người dân, cụ thể là một vùng đất, miền quê nào đó mà ông đã từng đến, và tình cảm với người lãnh đạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cả bước đường đi mà người nông dân mong muốn hướng tới?", nhà báo Trịnh Bá Ninh đặt vấn đề.
Đến thăm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (ngày 22/4/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn bà con phát huy kết quả đạt được, tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy trả lời, "Tôi nghĩ nông dân Việt Nam khi nghĩ về Tổng Bí thư, có thể gói gọn trong 9 chữ: Ngưỡng mộ, kính yêu và vô cùng thương tiếc".
Có lẽ với người dân Việt Nam nói chung, sự ngưỡng mộ Tổng Bí thư chiếm nhiều hơn. Trong lúc lâm bệnh nặng, ông vẫn làm việc đến phút cuối cùng. Điều này truyền cảm hứng cho nông dân để vươn lên, vượt qua khó khăn.
Tổng Bí thư là Tổng Tư lệnh của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Trước ông, nhiều người đã làm nhưng chưa có hiệu quả và dấu ấn sâu nặng như thế.
Trong 3 khóa làm Tổng Bí thư, ông đã dẫn dắt, chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, mọi thăng trầm. Về kính yêu, người nông dân nhìn vào lối sống thanh cao, giản dị, chân thành của Tổng Bí thư. Ông đến với nông dân với tất cả sự chân thành.
Người Hà Nội nói: “Ông mang trong mình khí tiết sĩ phu Bắc Hà. Đó còn là phẩm hạnh, tri thức, mà lâu lắm chúng ta chưa được thấy”.
Trong Tổng Bí thư, có 3 trụ cột hợp thành một sĩ phu Bắc Hà: Học vấn, nhân cách, khí tiết.
Tôi nhớ tháng 6/2016, ở Giồng Trôm, Bến Tre bị hạn mặn lịch sử hàng trăm năm. Ông đã đến từng nơi, từng cây lúa, từng ngôi nhà. Sự chia sẻ đó làm người dân tin hơn, yêu hơn, có động lực vượt qua đại khô hạn. Mặc dù ĐBSCL khi đó mất đi 38% sản lượng, nhưng chúng ta vẫn xuất khẩu hàng triệu tấn gạo.
Đầu tư nguồn nhân lực và thúc đẩy các phong trào đổi mới sáng tạo
Tiếp nối câu chuyện về sự nghiệp công tác cán bộ, xây dựng lớp trẻ, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên định nhất với định hướng xây dựng đất nước.
Phong cách xây dựng lớp trẻ dân chủ, công bằng, tài năng, đạo đức của Tổng Bí thư luôn mạnh mẽ, kể từ khi ông còn là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
“Tổng Bí thư là người nhìn thấy tiềm lực con người của Việt Nam, và gắn kết người trẻ với tiềm lực khoa học - công nghệ. Gần đây, nhiều công trình và dự án tại Việt Nam, bao gồm cả các công trình kiến trúc và nhà ở, được hoàn thành mà không cần sự can thiệp từ người nước ngoài”, TS. Nghĩa khẳng định.
“Nghệ thuật dùng người” trong phong cách lãnh đạo của Tổng Bí thư là điều hiếm có trên thế giới, nhờ niềm tin tưởng tuyệt đối vào người nông dân bình dân của ông và trách nhiệm của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo, các thế hệ trẻ sẽ là động lực chính cho tương lai. Tuy nhiên, theo TS. Nghĩa, để đáp ứng với các xu hướng mới về trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, Việt Nam cần phải nâng cao nỗ lực để thu hút và nuôi dưỡng các nhân tài trẻ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế.
Sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Việt Nam chưa bao giờ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như hiện nay. Đầu tư vào con người là điều cần thiết để đáp ứng với sự phát triển toàn cầu. Là một chuyên gia kinh tế, TS. Nghĩa chia sẻ, việc phát huy phong cách lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cực kỳ cần thiết, bao gồm việc đầu tư vào con người và thúc đẩy các phong trào đổi mới sáng tạo phù hợp với tiềm lực quốc gia.
“Người nông dân Việt Nam là nông dân đặc biệt”
Trao đổi với TS. Đặng Kim Sơn, nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu vấn đề: Thưa ông, Nghị quyết của Đảng luôn lấy nông dân làm chủ thế. Ông đã từng đi nhiều quốc gia, có những nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân, ông có thể tham chiếu, so sánh giữa nông dân Việt Nam và nông dân các nước?
Theo TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, việc so sánh con người với con người rất khó. Nhiều bạn bè quốc tế luôn hỏi tại sao nông nghiệp Việt Nam lại có bước phát triển mạnh mẽ như thế. Từ một nước đói ăn, thiếu thốn công nghệ, cơ sở hạ tầng lạc hậu… lại trở thành một nước vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê không thua kém bất cứ quốc gia nào.
"Theo tôi, có nhiều yếu tố để mang đến sự chuyển mình đó, nhưng yếu tố quyết định là con người", TS. Đặng Kim Sơn nêu ý kiến. "Người nông dân Việt Nam ngoài mang trong mình phẩm chất cần cù, chịu thương, chịu khó còn có khả năng đặc biệt là sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ. Những kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến (như '3 giảm, 3 tăng' hay '1 phải, 5 giảm'…), những loại máy móc cơ giới hóa mới đều được nông dân Việt Nam tiếp cận nhanh chóng, vận dụng thuần thục".
"Một điểm đặc biệt nữa của nông dân Việt Nam là khả năng nhạy bén với thị trường. Họ lấy sự cần cù, sáng tạo của mình gắn với những tiến bộ kỹ thuật, thị trường, nên đi tới đâu cũng đều tạo được dấu ấn", TS. Đặng Kim Sơn ấn tượng.
Xuất khẩu nông nghiệp sẽ có bước đột phá trong tương lai
Chia sẻ về mối quan hệ giữa nông nghiệp với các ngành kinh tế, kể cả trong nước và quốc tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế bày tỏ sự bất ngờ khi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khẳng định nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế qua Nghị quyết gần đây. Điều này cho thấy Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã nhìn nhận về sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp, trong đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, và có giá trị gia tăng lớn nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác thăm mô hình trồng cam huyện Cao Phong, Hoà Bình (14/5/2017). Ảnh: hoabinh.gov.vn
Nhìn từ khía cạnh thương mại, TS. Nghĩa cho biết vị thế nông nghiệp vô cùng lớn và vị thế mạnh mẽ đó có bắt nguồn từ đổi mới về công nghệ, trung chuyển hàng hóa khi xuất khẩu hoa quả, nông sản quý hiếm của vùng nhiệt đới.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu nông nghiệp không chỉ dừng ở tốc độ hiện tại mà sẽ còn có bước đột phá trong tương lai, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… và bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn duy trì giá trị lớn.
Thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, muôn vàn khó khăn của biến đổi khí hậu, biến động thị trường thế giới, đại dịch Covid-19 càng đã làm nổi bật lên tinh thần kiên cường, với vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, khi kinh tế thế giới bắt đầu chuyển biến khởi sắc thì chúng ta tiếp tục tiến ra thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu, tỏa sáng sức mạnh bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là nơi ý Đảng - lòng Dân gặp nhau và phối hợp để tư duy tinh thần nhân lên thành sức mạnh vật chất. Nông dân, doanh nhân, cán bộ chủ động ngành nông nghiệp chủ động phát huy nội lực, sáng tạo đổi mới, đổi mới cơ chế để mở đường đi lên.
Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội nhìn thấy sức mạnh của Việt Nam và tin cậy ở nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, để từ niềm tin đó đưa ra các chủ trương chính sách đúng đắn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Sự cộng hưởng, thể hiện sự đúng đắn chủ trương đường lối của Đảng và sức mạnh Nhân dân như đã từng thể hiện ở “Khoán 10”, “Chỉ thị 100” được tiếp tục trong tương lai sẽ ghi sâu trong lòng dân niềm tin ở Đảng và các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trong đó có hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.