Tại Hội nghị COP 26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều cam kết thể hiện mong muốn chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ của quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Kế hoạch này nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, phát triển thị trường tín chỉ carbon hiện khá phù hợp, giúp nước ta tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới, đồng thời giúp người dân có thêm nguồn thu từ hoạt động này.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã cam kết, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Bài 1: Thị trường tín chỉ carbon, xu thế của thời đại
Bài 2: Điều kiện để bán tín chỉ carbon
Ngăn chặn mất rừng
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc (kiểm kê, rà soát đến hết năm 2023). Theo công bố này, đến hết năm 2023, diện tích rừng tăng thêm hơn 70.000ha, trong đó tăng chủ yếu rừng trồng, còn rừng tự nhiên lại giảm (gần 5.000ha). Qua đây để thấy tình trạng suy giảm diện tích rừng đang ở mức đáng báo động.
Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và là một trong những yếu tố căn bản hủy hoại rừng. Tỉ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Nguyên nhân là do chuyển rừng tự nhiên sang sản xuất nông nghiệp và đất khác; chuyển diện tích rừng tự nhiên nghèo sang rừng nguyên liệu, cao su và điều; mất rừng do phá rừng, cháy rừng, ảnh hưởng của khai thác dẫn đến suy thoái rừng tự nhiên; thiếu kinh phí bảo vệ rừng; quản lý kém hiệu quả của các công ty lâm nghiệp, quản lý yếu kém của địa phương...
Nguồn thu tín chỉ carbon đến từ rừng của Việt Nam là rất lớn.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các cơ quan, ban ngành là giữ cho được diện tích rừng, sau đó mới nghĩ đến việc phát triển và nhân rộng.
Đồng thời, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng rừng; nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên môn…
Đề cập đến vấn đề này, Phó Thủ tướng (hiện là Trưởng ban Kinh tế trung ương) Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT phải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các quy định, phát huy hệ sinh thái rừng, trên cơ sở nếu cần thì phải lấy thêm ý kiến từ các địa phương.
Bộ cần làm tốt công tác tham mưu về quản lý Nhà nước về rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; làm đầu mối tiếp nhận các nhu cầu đầu tư về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nếu kịp thì làm trong giai đoạn 2024-2025, nếu không kịp chuyển sang nhiệm kỳ sau thực hiện.
Đối với các địa phương có rừng, ông Trần Lưu Quang lưu ý việc quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ cốt lõi của các địa phương, không nên ỷ lại, trông chờ vào các bộ, ngành Trung ương.
Các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là khi diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phấn đấu giảm số vụ vi phạm và thiệt hại về rừng hàng năm; không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm.
Lựa chọn cây giống phù hợp
Theo các chuyên gia, trồng rừng là một trong những giải pháp hiệu quả, nhằm cân bằng phát thải CO2, phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Đầu tư vào trồng rừng là hướng đi đúng đắn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng.
Vì vậy, phải rà soát cụ thể hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc tổ thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo chủ quản lý.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên cơ sở áp dụng phương pháp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), lượng carbon được hấp thụ bởi rừng nghèo khoảng 30 - 140 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 175 - 320 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 480 - 1.000 tấn/ha. Ngoài ra, rừng nguyên sinh có khả năng lưu giữ carbon nhiều hơn khoảng 60% so với rừng trồng. Để thu hẹp khoảng cách này, những nhà khoa học khuyến cáo người dân tăng cường trồng rừng gỗ lớn.
Cây trà hoa vàng được nhiều hộ dân huyện Ba Chẽ trồng dưới tán rừng, nhằm phát triển kinh tế. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Theo đó, các giống cây được chọn yêu cầu phải có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mô, hom.
Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đánh giá, khâu chọn lựa giống cho rừng trồng hết sức quan trọng, bởi nhiều nghiên cứu của Viện đã chỉ ra thực tế - năng suất rừng trồng đang có sự suy thoái. Viện Khoa học Lâm nghiệp đã tập hợp các giống cây rừng năng suất vào tài liệu dạng sổ tay để phổ biến cho người dân ở từng địa phương. Trong tài liệu này, các giống cây trồng được chú thích rõ: thích hợp trồng ở vùng nào, năng suất bao nhiêu, thích ứng khí hậu ra sao để người trồng rừng có chọn lựa phù hợp.
Ngoài 2 loài phổ biến là keo và bạch đàn, ông Đồng lưu ý, người dân có thể trồng thêm các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng như sâm Lai Châu, tam thất hoang, khôi tía, sa nhân, ba kích, thảo quả và nhiều loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, bách bộ, kim tuyến… Một số loài vừa cho gỗ vừa cho hạt có giá trị cao, gồm: dẻ Trùng Khánh, mắc ca, sơn tra (táo mèo), trám đen, trám trắng, dổi ăn hạt, cây óc chó...
Để việc trồng rừng gỗ lớn bền vững, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khuyến cáo doanh nghiệp, người dân quan tâm hơn nữa tới hạ tầng lâm nghiệp. Một số khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng chưa phát triển vì khai thác gỗ từ núi cao thì chi phí vận chuyển tăng.
Quản lý rừng gắn với phát triển kinh tế
Thực tế chỉ ra rằng, giữ rừng hay hủy hoại rừng đều do con người, vì vậy, muốn phát triển rừng bền vững phải tạo sinh kế cho dân. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, cho lực lượng giữ rừng, kiểm lâm tại đây.
Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, dưới tán rừng có những tiềm năng, lợi thế đã và đang được các chủ rừng, người dân đánh thức để tạo nguồn thu nhập thông qua việc khai thác lâm sản ngoài gỗ, tín chỉ carbon, du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, ong mật…
Những năm qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã mạnh dạn xác định phát triển kinh tế đồi rừng, đây là giải pháp giảm nghèo, hướng tới làm giàu bền vững cho người dân và góp phần bảo vệ rừng.
Đơn cử như Quảng Bình, toàn tỉnh có hơn 591.000ha rừng (trong đó diện tích có rừng gần 550.000ha, diện tích rừng trồng chưa thành rừng trên 41.700ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,7%. Diện tích rừng rộng lớn kèm theo hệ động vật, thực vật rất đa dạng, phong phú về giống loài, rừng đã mang lại cho người dân nhiều lợi ích thiết thực như cải thiện môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, ngăn ngừa sạt lở đất, tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập...
Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu-khe Nước Trong - Bạch Thanh Hải chia sẻ: KDTTN hiện quản lý hơn 22.210ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt hơn 98%. Để phát huy tiềm năng, lợi thế dưới tán rừng, thời gian qua, Ban đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, như: Helvetas, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam… triển khai thí điểm trồng 1ha cây dược liệu trà hoa vàng, 500m2 nấm linh chi đỏ, 5ha nghệ đỏ, 10ha dong trắng, hơn 6.000 cây phân tán (gồm: Lim, dổi, huỷnh, xoan đào, lát hoa).
Mô hình trồng thử nghiệm linh chi dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc – Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp triển khai nuôi thí điểm 50 đàn ong ruồi để xây dựng sản phẩm OCOP; quảng bá, khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái “Khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn”.
Bình Định là một trong những tỉnh có nghề trồng rừng phát triển mạnh trong khu vực miền Trung. Hiện, trên địa bàn tỉnh này có 124.871ha rừng trồng, 73.284 ha rừng quy hoạch chức năng sản xuất; trong đó, rừng trồng keo chiếm trên 80%. Diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất không ngừng tăng trong thời gian qua, mỗi năm khai thác, trồng lại khoảng 8.000ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện hộ nghèo, đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc khu vực II và khu vực III theo quy định của Chính phủ, có nhu cầu hỗ trợ để trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng đã được quy hoạch phát triển rừng sản xuất, định mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha.
Đây là cách để Bình Định nâng cao diện tích rừng trồng trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện nghèo sống cạnh rừng ở những xã thuộc khu vực II, khu vực III có thêm thu nhập từ rừng, cải thiện cuộc sống.
Thời gian tới, Bình Định quyết tâm phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế hiện đại, có sức cạnh tranh cao, hình thành mối liên kết theo chuỗi từ phát triển, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Ngọc Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), cho rằng, ngoài những chính sách liên quan tới việc hỗ trợ người dân trong quản lý, bảo vệ rừng thì cũng cần tạo được sinh kế cho bà con dưới tán rừng. Ví dụ như phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hay trồng các loại cây dược liệu, rau và vật nuôi đặc sản. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để người dân yên tâm giữ rừng và sống được từ những cánh rừng.
“Vườn quốc gia Xuân Sơn có một xã nằm trong vùng lõi, vì thế, chúng tôi rất mong bà con tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng và kinh doanh dưới tán rừng. Cùng với đó, chúng tôi cũng luôn ủng hộ người dân trong việc đi tuần tra rừng cũng như chi trả tiền khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nguồn lực hiện còn hạn chế. Hy vọng tới đây sẽ có những chính sách mới đối với vườn quốc gia và bà con sẽ có thêm một số khoản thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình, cũng như giúp cho sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo tồn hệ động thực vật của Vườn quốc gia Xuân Sơn”, ông Cường chia sẻ.
Gỡ rào cản về cơ chế, chính sách
Mặc dù nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã chứng minh hiệu quả nhưng đến nay, vẫn khó nhân rộng do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có rào cản không nhỏ về mặt chính sách.
Đơn cử, Dự án “Vườn cây thuốc quốc gia Nam Bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai” qua nhiều năm thực hiện vẫn nằm trên giấy. Khu bảo tồn vẫn tiếp tục có nhiều đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành hỗ trợ, đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách, cơ chế để đề án được triển khai.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai - Lê Văn Gọi cho biết, Đồng Nai đóng cửa rừng từ lâu. Tuy nhiên, quan điểm phát triển rừng của tỉnh là bảo vệ rừng gắn với tăng khai thác kinh tế rừng, tạo đa giá trị cho rừng và không làm tổn hại rừng. Ở đây, cần tạo sinh kế cho rừng để đến một ngày rừng tự nuôi rừng chứ không phải tốn kinh phí Nhà nước để duy trì, bảo vệ rừng như thời gian qua.
Theo ông Gọi, hiện nay, có nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã được triển khai thí điểm hoặc ứng dụng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển rừng theo hướng đa giá trị như: Nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn; trồng dược liệu dưới tán rừng, kinh doanh du lịch rừng… Đồng Nai không thiếu mô hình kinh tế rừng hay, hiệu quả nhưng vẫn khó triển khai hoặc nhân rộng do rào cản về pháp lý.
Tiêu biểu, nhiều dự án du lịch rừng vẫn chưa có sự đồng bộ về mặt pháp lý khiến việc triển khai vào thực tế còn nhiều rào cản. Ông Gọi cho biết thêm: “Những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý, Chính phủ đã thấy và đang tháo gỡ. Đồng Nai cũng rất quan tâm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, người trồng rừng, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế rừng trong thời gian tới”.
Ngoài ra là khó khăn về vốn và tín dụng. Trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, trong khi thủ tục vay vốn từ ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, thời gian cho vay ngắn. Do đó, doanh nghiệp và hộ gia đình khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chi phí cho bộ phận giữ rừng còn khá eo hẹp. Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, trên địa bàn hiện có gần 18.000 ha rừng tự nhiên đã được giao khoán, trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đang giao khoán khoảng 8.000 ha. Riêng Vườn quốc gia Xuân Sơn được giao khoán khoảng 11.000 ha.
Đối với diện tích giao khoán cho các gia đình, cá nhân và cộng đồng tại các xã vùng 2, vùng 3, sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/ha; vùng 1 được hỗ trợ 200.000 đồng/ha. Còn đối với Vườn quốc gia Xuân Sơn, do là đơn vị sự nghiệp, phải quản lý nhiều diện tích rừng tự nhiên, theo quy định thì chỉ được hỗ trợ 100.000 đồng/ha. Đó cũng là khó khăn cho đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, các cơ quan, ban ngành cần xây dựng và thực hiện chính sách quản lý hệ sinh thái rừng, trong đó người dân được phối hợp quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững theo quy định của pháp luật. Cụ thể, xây dựng cơ chế rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nhận rừng để họ yên tâm đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên đang giao cho các chủ dự án thuê rừng quản lý bảo vệ rừng nghèo kiệt.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc hiện nay cho các đơn vị, doanh nghiệp. Như vậy, mới giữ được rừng và thúc đẩy phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đang hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp, mang lại kết quả bước đầu. Từ đó, tạo ra hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.