Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024 | 13:10

Bán tín chỉ carbon, không chỉ có rừng (Bài 2): Điều kiện để bán tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon đang là mặt hàng “hot” trên hành trình “xanh hóa” nền kinh tế toàn cầu, nhưng muốn bán được tín chỉ carbon, rừng phải được công nhận không bị suy thoái, quản lý bền vững tài nguyên, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon.

Đối với tín chỉ carbon từ nông nghiệp, phải tuân thủ theo quy trình canh tác bền vững để thu về được sản phẩm giảm phát thải theo tiêu chuẩn của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Bài 1: Thị trường tín chỉ carbon, xu thế của thời đại

Nâng cao chất lượng rừng

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu hecta, trong đó có 416 triệu hecta rừng trồng, đạt tỉ lệ che phủ trên 42%. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao.

Nhưng để bán được tín chỉ carbon thì rừng phải có trữ lượng carbon cao, rừng được trồng, phát triển theo hướng bền vững. Hay nói cụ thể, muốn bán được tín chỉ carbon từ rừng thì rừng phải có chất lượng cao, rừng không bị mất do bị khai thác tràn lan, bị đốt cháy để làm nương rẫy,... Rừng trồng cây gỗ nhỏ chỉ 3-5 năm lại khai thác thì khó mà có được tín chỉ carbon.

Không phải cứ có rừng là có tín chỉ carbon, ví dụ, nếu 1 cây keo khai thác ở năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 thì khó có được chứng nhận tín chỉ carbon, nhưng để đến năm thứ 10 mới khai thác thì cây keo mang lại 3 giá trị: giá trị kinh tế khi lượng gỗ lớn hơn, giá trị về bảo vệ môi trường và giá trị từ thu được tín chỉ carbon.

Phát triển trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC đã thay đổi tập quán “bán keo non” của người sản xuất. Ảnh: TN.

Muốn rừng trồng đạt chất lượng cao, người trồng rừng và  doanh nghiệp trồng rừng phải thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, theo tiêu chuẩn này sẽ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng.

Những khu rừng được cấp chứng chỉ FSC phải đủ diện tích rừng, mật độ cây rừng tự nhiên, rừng phải được quản lý, bảo vệ tốt, phát triển, khai thác rừng bền vững. Phải ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp để không phát thải khí nhà kính. Có như vậy mới có đủ đều kiện tham gia vào thị trường carbon và bán được tín chỉ carbon này.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, chia sẻ, nếu so sánh diện tích rừng hiện có với lãnh thổ thì rừng Việt Nam cao hơn khoảng 12% so với thế giới. Tuy nhiên, diện tích lớn không đồng nghĩa với chất lượng rừng cao. Ví dụ trong 1ha rừng có bao nhiêu khối gỗ, vì lượng gỗ càng nhiều thì CO2 được hấp thụ càng lớn và ngược lại.

Để phát triển thị trường carbon nói chung, carbon rừng nói riêng thì từ chủ rừng đến người dân được giao quản lý rừng cần phải nâng cao trách nhiệm phát triển rừng. Giảm phát thải khí nhà kính không chỉ việc của những doanh nghiệp sản xuất xanh mà còn cần phải bảo vệ rừng.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, diện tích rừng trên thế giới đang suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng đạt thấp. Đây chính là tiềm năng rất to lớn để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Canh tác lúa bền vững

Việt Nam có nền nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, lương thực được sử dụng hàng ngày là lúa nhưng trồng lúa là một trong những nguyên nhân gia tăng phát thải khí nhà kính. Do đó, canh tác hữu cơ đang là hướng đi mới trong nông nghiệp, vừa giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cũng là điều kiện để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Canh tác lúa mà lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ làm tăng khí nhà kính.

Nông dân ĐBSCL có thể kiếm thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon.

Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, quy trình canh tác phải đảm bảo các tiêu chí “1 phải, 5 giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch. Nông dân và doanh nghiệp phải giảm giống và vật tư nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh và hữu cơ. Bắt buộc tưới ngập khô xen kẽ và thu rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, vì đây là 2 giai đoạn góp phần giảm lượng phát thải lớn nhất và có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon nhất.

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, tỉnh có 52.000ha đủ điều kiện đăng ký sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon, dự kiến đến năm 2025 đạt ít nhất 50.000ha; số hợp tác xã tham gia tăng từ 64 lên 162 hợp tác xã.

Đề án giúp nông dân giảm 20% chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học... Theo kế hoạch, đến năm 2030, sẽ hình thành vùng chuyên canh của dự án là 160.000ha, nông dân sẽ tăng thu lợi nhuận từ hiệu quả giảm chi phí sản xuất và bán tín chỉ cacbon.

Còn nhiều rào cản

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc kinh doanh tín chỉ carbon hiện vẫn còn nhiều khó khăn và rào cản, bởi Quảng Nam là địa phương thí điểm đầu tiên (trên thị trường tự nguyện) nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon từ REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng). Trong khi đó, quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.

Mặc dù các đối tác tiềm năng cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng dự án đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ carbon với giá cao nhất, trường hợp không phát hành và bán được tín chỉ thì các đối tác cam kết không phải hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu và xem đó như một rủi ro trong kinh doanh.

Nhưng để có cơ sở hoàn trả vốn đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã có đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện Hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD+ tỉnh Quảng Nam (tại Tờ trình số 6986/TTr-UBND ngày 25/10/2022).

Tuy nhiên, ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp tại Công văn số 686/TCLN-KHTC ngày 04/5/2023 cho rằng: “Việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu hay nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD+ của tỉnh Quảng Nam thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Việc xem xét, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam”. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo Luật Đấu thầu là rất khó.

Trong khi đó, dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ do Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện theo Chương trình FCPF REDD+ là trên thị trường bắt buộc, còn Quảng Nam đang thí điểm trên thị trường tự nguyện.

Hiện, Việt Nam chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.

Mặc dù tiến trình phê duyệt, phát hành và kinh doanh tín chỉ carbon rừng còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vẫn khẳng định đang sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến lĩnh vực này.

Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp

Theo tính toán, ngành Nông nghiệp Việt Nam có thể tạo ra 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Vì thế,  nước ta cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

Trao đổi về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong chuỗi giá trị lúa gạo, TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, cho biết : “Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL không chỉ gắn liền với tăng trưởng xanh mà còn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo”.

Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Tháng 7/2024, Cục đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án.

Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Hải nhấn mạnh, việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực là rất cần thiết.

“Nếu không thu được tín chỉ giảm phát thải thì chúng ta ‘lỗ’ chứ không ‘lời’. Cần nhân lực để họ có thể thực hiện và quản lý các quy trình sản xuất mới, hiểu rõ và ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon trong nông nghiệp”, TS. Trần Minh Hải khẳng định.

“Đối với lĩnh vực lúa gạo, nhân lực cần có kỹ năng lập hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất, theo dõi dấu chân carbon. Bên cạnh đó, họ cần biết cách thu gom rác thải thuốc BVTV, đo mực nước, giám sát nhà kho chứa và lò sấy lúa…”.

Theo GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ.

Trên cơ sở đó, đào tạo nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân.

Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.

Xây dựng khung pháp lý cho thị trường mua bán tín chỉ carbon

Chuyển đổi sang sản xuất xanh là xu thế nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Hay nói cách khác, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong các hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Nói như vậy để thấy rằng, muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu, trước mắt là thị trường EU, Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp, cần phải thay đổi và thích ứng, trước hết là tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, nếu như không muốn bị tụt hậu và bị mất vị thế tại thị trường tiềm năng này. 

Trong khi đó, thị trường tín chỉ carbon được dự báo trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi không chỉ dư địa lớn từ rừng mà còn ở các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông lâm nghiệp...

Được biết, Tuyên Quang là một trong 3 địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, tới 65%, mỗi năm trồng mới 11.000ha rừng. Theo tính toán, với 67.000ha rừng trồng kéo dài chu kỳ lên 10 năm, Tuyên Quang có thể có 9 triệu tín chỉ carbon. Nhưng do hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên việc bán được tín chỉ carbon cũng không đơn giản.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu). Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện Đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Gấp rút hoàn thiện cơ chế chính sách

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nội địa mà chủ yếu trao đổi trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế. Đến nay, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. Đây là vấn đề mới và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai theo lộ trình từng bước.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Thủ tướng hiện đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành sớm nhất Đề án phát triển thị trường carbon. Đề án này quy định đầy đủ tất cả các vấn đề cần thiết để có thể triển khai sớm nhất, dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức. Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc quản lý, nhu cầu trao đổi tín chỉ carbon quốc tế và trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự kiến, sẽ đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi những nội dung mới về quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon.

Để xác định hạn ngạch mà doanh nghiệp được phân bổ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục cập nhật vừa được ban hành tháng 8/2024 và Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên kết quả kiểm kê cấp cơ sở, cấp lĩnh vực, trước mắt là cho giai đoạn thí điểm từ năm sau.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon tuân thủ, trong giai đoạn đầu chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn. Do vậy, dự kiến 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ trước tiên. Theo đó, các cơ sở trong danh mục kiểm kê thuộc 3 lĩnh vực này sẽ tiên phong tham gia thị trường carbon của Việt Nam.

Theo ông Taisei Matsuki, chuyên gia biến đổi khí hậu (Ngân hàng Thế giới - WB), mức độ hấp dẫn của tín chỉ carbon “made in Việt Nam” sẽ càng cao khi Việt Nam có đầy đủ căn cứ chứng minh kết quả giảm phát thải, tính minh bạch và lợi ích đi kèm đối với xã hội. Khi thị trường trong nước vận hành cũng đồng nghĩa với carbon ở Việt Nam xác định được giá trị và có thể bù trừ cho nghĩa vụ tuân thủ quy định giảm phát thải, thuế carbon cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với rừng có chu kỳ kinh doanh 7 năm, nếu kéo dài lên 10 năm thì 1ha rừng có khoảng 15 tín chỉ carbon, tín chỉ carbon chỉ được tính từ năm thứ 8. Đối với rừng trồng mới, bắt buộc 10 năm mới được khai thác.

Theo tài liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nước ta chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thoả thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện. 

Đối với thị trường tín chỉ carbon rừng, hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai 2 thoả thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải: Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung Bộ (ERPA Bắc Trung Bộ). 

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Bài 3: Để đạt mục tiêu cam kết

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sơn La cấp mới 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

    Sơn La cấp mới 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

    Trong 9 tháng năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La đã cấp mới 10 mã số vùng trồng, nâng tổng số mã đang duy trì của toàn tỉnh lên 216 mã. Cùng với đó, Sở đã đã cấp 8 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

  • Biến cỏ dại thành đặc sản

    Biến cỏ dại thành đặc sản

    Tại một số vùng đất lúa hay đất nuôi tôm sản xuất không hiệu quả ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng bồn bồn, mang lại thu nhập ổn định.

  • Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh Phú Thọ: Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp

    Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh Phú Thọ: Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp

    Là Hội đặc thù được tỉnh hỗ trợ thông qua giao chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm, Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn (SVC&LV) tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, sâu sát hội viên và Hội cơ sở, từ đó có sự chỉ đạo cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn, giúp các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành công việc được giao, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá và môi trường sinh thái.

Top