Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 7 năm 2024 | 10:33

Các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng.

Để nhà khoa học và doanh nghiệp đồng hành ngay từ giai đoạn đầu

Tại Diễn đàn Kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân vừa diễn ra, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đặt vấn đề: Thời gian gần đây, chúng ta có nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật có nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp. Để thúc đẩy nghiên cứu gắn với thực tiễn sản xuất, huy động thêm nguồn lực, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có những động thái thế nào?

Trả lời câu hỏi, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong 20 năm qua, Viện đã phát triển, chuyển giao nhiều giống cây trồng. Trong đó có 106 giống được gắn với các chương trình kinh tế xã hội của Nhà nước. Các giống mới góp phần đẩy nhanh chất lượng, năng suất sản phẩm. Đơn cử như giống lúa, trước năm 2000, đều có nguồn gốc từ IRRI.

Song sau đó, phần lớn giống lúa Việt Nam đều được nội địa hóa, năng suất bình quân 10 tấn/ha. Năng suất, chất lượng cải thiện nên giá lúa xuất khẩu tăng từ khoảng 300 USD lên hơn 600 USD/tấn. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết ông và đơn vị suy nghĩ, hành động nhiều để thúc đẩy hơn quá trình kết nối thị trường, chuyển giao cho nông dân.

Trước kia, công việc này phụ thuộc các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội. Gần đây, Viện trực tiếp liên kết với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký với Viện.

Viện cũng có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu. 10 giống là được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu.

Chia sẻ nội dung này, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) phân tích: doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ, bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường, do đó họ hiểu hơn hết thị trường cần cái gì. Doanh nghiệp vừa hiểu thị trường cần gì trước mắt cũng như dự báo được sẽ cần gì trong thời gian tới. Ví dụ như giống ngô: ngô có màu đã có rồi, tiến tới sẽ là ngô có mùi, có nhiều hàm lượng aconxin… Nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là cần một cơ chế nào đó, đó là dự đoán dự báo xu thế về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng để từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học.

"Công ty của tôi đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng, cho phép vận chuyển an toàn; hay là nghiên cứu giống dưa chuột trong nước mà không cần phải nhập giống từ Hà Lan, chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước. Hợp tác trước mắt là chuyển giao, còn hợp tác lâu dài, đấy là đặt hàng”, bà Liên khẳng định.

KHCN hiện giống như một lĩnh vực khởi nghiệp trong tất cả các ngành nghề

Ông Lê Hữu Tình

Theo ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc: KHCN hiện giống như một lĩnh vực khởi nghiệp trong tất cả các ngành nghề. Việc ứng dụng KHCN trong nuôi trồng thủy sản càng có ý nghĩa quan trọng.

Công ty Đắc Lộc được Bộ giao cho đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu nuôi con tôm hùm - sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đưa được nó lên bờ để nuôi thành công đó là nhờ KHCN.

Đó là những lý do khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indo có điều kiện nuôi trồng thủy sản tốt hơn Việt Nam, thế nhưng những quốc gia này lại đang phát triển kém hơn so với Việt Nam.

Hiến kế cho ngành nuôi trồng thủy sản, trước hết đó là quy hoạch thích ứng với những vật nuôi bản địa; phát triển nuôi biển ở những tỉnh có biển; giữ gìn, bảo tồn đàn cá bố mẹ thuần chủng, được tiêm vacxin…

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty San Hà “San Hà muốn đặt hàng nhà khoa học, song chưa biết rõ Viện nào, khoa học gia nào. Quả thực chúng tôi không có thời gian rỗi để dứt khỏi lượng công việc khổng lồ hằng ngày. Do đó, doanh nghiệp San Hà vô cùng mong muốn nhà khoa học bớt chút thời gian tới giúp đỡ”.

Doanh nghiệp này chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến các loại. San Hà được người tiêu dùng biết đến với nhãn hiệu quen thuộc “Ngọc Hà”.

“Thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà thực sự mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước”, đại diện Công ty San Hà nói. "Mua sản phẩm nước ngoài thì phụ thuộc vào nhà phân phối, đây là điều bất cập".

Bà Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, với trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam hiện nay, chỉ cần có con giống, quy trình, thì nhà nông hoàn toàn đủ khả năng sản xuất với các tiêu chuẩn cao. Theo lãnh đạo Công ty San Hà, doanh nghiệp thực sự mong muốn các nhà khoa học, các viện nghiên cứu chú trọng hơn về truyền thông, để lan tỏa thông tin tới doanh nghiệp và người dân.

Thúc đẩy mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất

Khoa học và công nghệ được xác định là động lực quan trọng nhất để phát triểm lực lượng sản xuất hiện đại (Ảnh minh họa).

Trong rất nhiều chính sách chiến lược, khoa học và công nghệ được xác định là động lực quan trọng nhất để phát triểm lực lượng sản xuất hiện đại. Điều phối tọa đàm, TS. Trần Công Thắng đặt câu hỏi, làm thế nào để phát huy tính "mới" của đề tài nghiên cứu, dựa trên những nhu cầu mới về tiêu dùng xanh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng.

TS. Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu gắn kết với thực tế sản xuất là một yếu tố then chốt để Học viện Nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy mối liên kết với doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu. “Sự bền vững của hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu là điều quyết định chất lượng của thị trường”, TS Tiệp khẳng định.

Tiếp lời lãnh đạo Học viện, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển toàn diện chuỗi giá trị, từ giống, sản xuất, chăm sóc, chế biến đến bảo quản phục vụ xuất khẩu. Theo ông Hưng, các ý tưởng để nâng cấp từng khâu này cần có cơ sở từ thực tiễn, thông qua các bước chuyển đổi để nâng cao giá trị sản phẩm.

TS Hưng nói: “Quá trình chuyển đổi này sẽ nâng cao chất lượng toàn bộ chuỗi giá trị, từ đó tạo ra giá trị vùng và những sản phẩm đặc trưng, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa khoa học và sản xuất”.

Để đạt được sản phẩm đồng bộ, các quy trình kỹ thuật, chính sách phát triển cụ thể và kênh đầu ra được quy hoạch kỹ lưỡng. Sự tham gia chủ động của người dân và sự hợp tác với các nhà khoa học là điều cần thiết để tận dụng tri thức từ nông dân và doanh nghiệp.

Viện, trường mong muốn kết nối để chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN

GS.TS Trần Ngọc Hải, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, trường đã có nhiều chủ trương quan trọng, cùng triển khai hoạt động phát triển bền vững nông nghiệp của vùng ĐBSCL, với các từ khóa như nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao, thuận thiên, thân thiện môi trường, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm…

GS.TS Trần Ngọc Hải.

Theo GS. TS Trần Ngọc Hải, với gần 60 năm hình thành và phát triển, Đại học Cần Thơ với sứ mệnh nghiên cứu của mình luôn mong muốn có thể trở thành đơn vị kết nối các cơ quan, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị đối tác tại khu vực ĐBSCL.

Thứ hai, với dự án về tăng cường cơ sở vật chất tại Đại học Cần Thơ do Nhà nước và quốc tế triển khai, đặc biệt là các khu vực phòng thí nghiệm, trang trại… trường mong muốn có thể phối hợp với doanh nghiệp, các viện, trường khác khai thác tối đa hiệu quả của cơ sở vật chất này nhằm phát triển KHCN ứng dụng thực tế.

Thứ ba, với nguồn nhân lực của trường gồm 1.800 cán bộ, trong đó có 1.200 giảng viên, nhà khoa học được đào tạo trong nước và quốc tế, có thể trở thành nguồn tư vấn đáng tin cậy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN.

Bên cạnh đó, trường có 45.000 sinh viên đại học, cao học, tiến sĩ… là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Ông Hải mong muốn có thể tiếp tục kết nối để cùng chung tay với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân lực mới cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của ngành trong bối cảnh mới.

Theo đại diện Trường Đại học Cần Thơ, đơn vị cũng mong muốn thúc đẩy chuyển giao các kết quả nghiên cứu của trường tới doanh nghiệp để ứng dụng KHCN trong nông nghiệp được triển khai hiệu quả và đa dạng hơn.

GS.TS. Võ Đại Hải, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam cũng nêu 5 vấn đề để thúc đẩy kết nối, chuyển giao kết quả sản phẩm KHCN: Thứ nhất, GS. TS Võ Đại Hải cho rằng muốn kết nối sản phẩm KHCN tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ NN-PTNT đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ KHCN, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.

Thứ hai, Bộ NN-PTNT đã có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện. Sau khi xác nhận sự phối hợp của doanh nghiệp, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai trong dự án khuyến nông là một chuỗi quan trọng để chuyển giao kết quả. “Ví dụ như giống keo tai tượng nhập Australia được các chuyên gia quốc tế đánh gia cao, giống của Việt Nam đã đạt năng suất và chất lượng vượt trội. Khi thông tin được công bố, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng đưa tin, từ đó giúp kết nối doanh nghiệp đến mô hình mới”, ông Hải chia sẻ.

Thứ ba, ông Hải cho rằng muốn kết nối, chuyển giao KHCN, công tác tuyền thông cần thực hiện tốt. Ông cũng đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ để số hóa các sản phẩm KHCN để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Thứ tư, cần thay đổi cách tiếp cận, doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở nhiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy KHCN.

Cuối cùng là trong hợp tác, liên kết chuyển giao KHCN cần đặt chữ Tín lên hàng đầu.

GS. TS Võ Đại Hải kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị hiện đại để các tổ chức KHCN tiếp tục chủ động trong nghiên cứu công nghệ cao, và cho ra đời những sản phẩm tốt.

Phải “Đánh trống, khua chiêng” lên

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với doanh nghiệp, nhà khoa học về thị trường nông sản và con đường phát triển: “Sản phẩm của chúng ta hôm nay, thì ngày mai có người làm tốt hơn thì sao? Nãy giờ tôi lướt web hàng loạt viện, không thấy viện nào đưa lên các sản phẩm. Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được”.

Con người hằng ngày bị chi phối bởi bao thông tin, tại sao chúng ta không làm truyền thông mạnh lên. “Tôi nhớ hồi nhỏ đi chợ ở miền Tây, cứ nghe loa đài, chiêng loảng xoảng, là biết người Hoa người ta đi chợ bán thuốc. Tâm lý con người mà, sẽ bị thu hút bởi các tiếng động, các âm thanh, hình ảnh”.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp lưu ý các nhà khoa học về việc: “Mình nghĩ mình đam mê, mọi người cũng đam mê. Không phải vậy. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, con người ngày nay bị chi phối bởi vô số thông tin, nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, đến diễn đàn không phải phát biểu, mà là kết nối. Biết đâu mai kia các doanh nghiệp, các viện, các nhà khoa học lại cần đến nhau để hợp tác phát triển. “Thế giới này bao la lắm, trong phòng họp hôm nay, nhiều người có lẽ mới lần đầu gặp nhau. Không cần sở hữu trí tuệ, nguồn lực Nhà nước, hãy 'đánh trống, khua chiêng' lên, tự người ta sẽ đến, sẽ biết. Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác. Đừng chờ đợi, đừng bị động”.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nguyên tắc là Diễn đàn không có chỉ đạo, Hội nghị mới có chỉ đạo. “Nhà nước không có quyền năng tuyệt đối trong cơ chế thị trường. Chúng ta đang nhầm lẫn rất lớn”.

Dẫn chứng điều này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tới toàn bộ Diễn đàn bức ảnh do đích thân ông chụp một câu châm ngôn tại một viện nghiên cứu ở Bỉ: “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”.

Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng dẫn chứng slogan của GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: “Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho nông dân tới đó”.

Điều quan trong không phải nghĩ những điều mình đang làm là tốt nhất mà phải luôn đặt câu hỏi: Có cách nào khác làm tốt hơn không? Nếu chúng ta nghĩ việc đó không khó thì có thể làm được. Nhưng nếu nghĩ nó khó thì vĩnh viễn không bao giờ làm được.

Về tâm thư của 1 doanh nghiệp nói về chuyện khoai tây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Tôi mà là phóng viên, tôi sẽ giật tít luôn. Nhà khoa học chúng ta nhiều mà không làm được cái dao gọt khoai tây”. Bộ trưởng lưu ý thêm về phân khúc thị trường: Người ta sản xuất cả triệu con dao, chúng ta làm vài ngàn con, thì có cạnh tranh nổi không? Mấy trăm năm người ta nghiên cứu, ví dụ như dao cạo râu Gillette, sao không có hãng khác vượt được.

Về câu chuyện sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, Tư lệnh ngành nông nghiệp dẫn câu chuyện bản quyền giống ST: “Anh Trần Mạnh Báo nói bỏ hàng chục tỷ mua bản quyền giống ST, chưa chắc đã được nếu nó vi phạm các quy chuẩn quốc tế. Sở hữu trí tuệ giữa hai doanh nghiệp với nhau, tòa án ở Mỹ đâu có mời ông Bộ trưởng NN-PTNT Việt Nam ra hỏi”.

Hướng giải quyết vấn đề, với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”. “Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại. Người không bán được hàng cũng tự đặt dấu hỏi, để phải cải tiến mà làm tốt hơn”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa.

Chúng ta phải nghĩ, phải làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ. Không có khoa học công nghệ là hỏng, là chúng ta tự mắc vào cái bẫy “ tự bằng lòng”. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không. Cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp.

Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”. Chúng ta phải thoát ra cái ý nghĩ “mình làm tốt nhất rồi”. Nghĩ thế là hỏng. Sản phẩm của chúng ta chưa phải là cuối cùng. Thế giới đã nghiên cứu đến chuyển đổi xanh, phát thải xanh,...

Tôi mong diễn đàn là dịp để ngồi với nhau nhìn về tương lai, tạo ra động lực. Chúng ta đã nghe GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nói về nghiên cứu sầu riêng, bơ, thậm chí là bơ phục vụ ăn lẩu bên Trung Quốc - dai và dày hơn bơ thường.

Tôi đọc sách của Trung Quốc, thấy họ hằng tuần ngồi với nhau cùng uống trà, chia sẻ thông tin và hiểu nhau, tránh bức xúc về nhau. Tôi vẫn luôn lắng nghe các bức xúc liên quan đến ngành nông nghiệp, nhưng chúng ta cũng phải tự tìm cách giải thoát cho mình. Có nhà khoa học nói với tôi: “Chúng tôi làm sao biết thị trường như nào. Nhà nước cứ mua hết đi rồi bán chứ”.

Nói vậy là sai, chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Giống như vị mặn, vị ngọt trong nước thì con tôm, con cá cảm nhận được đầu tiên. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Vì sao? Vì thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp.

Hồi xưa khi làm Chủ tịch tỉnh, lúc giá lúa xuống, tôi nói Chánh văn phòng tổ chức một cuộc gặp với các doanh nghiệp. Mọi việc được giải quyết ngay. Một sản phẩm có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, thì sẽ dễ thuyết phục hơn nhiều. Nhiều khi doanh nghiệp kêu hãy giúp, nhưng hỏi giúp gì thì lại không trả lời rõ được. Tôi vẫn mong ký kết phải thực sự, tháng sau chúng ta lại phải ngồi với nhau xem ký kết có hiệu quả không. Phải có hiệu quả, đừng diễn. Gặp nhau để hoàn thiện sản phẩm, chứ không đơn thuần là buôn bán.

Đừng nghĩ chúng ta là nhà khoa học, rồi thì doanh nghiệp này nhỏ, doanh nghiệp kia siêu nhỏ, chúng ta không gặp. Không phải thế, chúng ta ngồi ở đây làm quốc sự, giúp cho nông dân và ngành nông nghiệp đi lên. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì.

Hôm trước, chị Thành Thực gửi cho tôi một cái bao tay, để cho phụ nữ cắt ớt. Tôi chợt nhớ đến ở quê tôi, mấy chị phụ nữ bấm ớt bằng tay phải có mấy xô nước để cạnh. Khoa học có những cái cao siêu, nhưng cũng có những cái nho nhỏ - song giúp ích cho hàng triệu phụ nữ. Một sản phẩm thế thôi, giúp cho biết bao người từ Lào Cai đến tận miền Nam.

Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về “giải pháp hữu ích”. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng.

 

P.V (t/h theo nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
  • Triển vọng từ những cây trồng mới trên vùng cao Sơn Tây

    Triển vọng từ những cây trồng mới trên vùng cao Sơn Tây

    Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, thời gian qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) không ngừng đẩy mạnh việc tìm kiếm, liên kết, phát triển các loại cây trồng mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây dứa MD2, cây sầu riêng được kỳ vọng sẽ là “cây thoát nghèo” mới của bà con nơi đây.

  • Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

    Những mô hình VAC mới hiệu quả ở Sơn La

    Hiện nay, nuôi vịt cổ xanh, trồng ớt Sweet Palermo, nuôi dúi… là những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La.

  • Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

    Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình

    Việc xây dựng các vùng sản xuất VietGAP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Top