Hồi nhỏ tôi đi chợ ở miền Tây, nghe loa đài, chiêng loảng xoảng là biết người Hoa đi bán thuốc. Sao chúng ta không làm truyền thông mạnh lên, có sản phẩm thì DN, viện nghiên cứu hãy 'đánh trống, khua chiêng' lên - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
'Con dao răng cưa để chế biến khoai tây, mà chúng tôi tìm không ra'
Để phát triển giống kháng bệnh đạo ôn với quốc tế có thể tốn đến 3 triệu USD, nhưng Tập đoàn ThaibinhSeed quyết định hợp tác với một viện nghiên cứu trong nước. Đó là Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Kết quả của sự hợp tác này, đó là ThaibinhSeed đã thành công cho ra đời những giống đạt chất lượng và tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể.
Câu chuyện trên được ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaibinhSeed dẫn chứng tại "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân" chiều 10/7, như một sự khẳng định vai trò lớn của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Các doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhưng không biết kết nối với các nhà khoa học như thế nào. Ảnh minh hoạ: NNVN
Theo lãnh đạo DN này, việc hợp tác đa chiều là cần thiết để phát triển bền vững và hiệu quả.
Song, có một thực tế là việc hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn yếu. Băn khoăn của bà Phạm Thị Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Công ty San Hà tại diễn đàn cũng khiến nhiều người chú ý.
"San Hà muốn đặt hàng nhà khoa học, song chưa biết rõ viện nào, khoa học gia nào. Do đó, tôi vô cùng mong muốn nhà khoa học bớt chút thời gian tới giúp đỡ”, bà Phạm Thị Ngọc Hà nói.
Đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp ở Vĩnh Phúc bày tỏ rất quan tâm tới chế biến nông sản, một khâu còn khá yếu ở Việt Nam.
Vị này cho biết, doanh nghiệp đang làm mặt hàng khoai tây. Song, có một thực tế đau lòng là khoai tây Việt Nam càng trồng càng lỗ vì thiếu khâu chế biến.
“Ví như khoai tây cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ… thì 100% nhập khẩu với giá ít nhất 50.000 đồng/kg. Trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg. Nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây, mà chúng tôi tìm không ra suốt mấy tháng nay nên cũng phải nhập về”, vị doanh nghiệp này nói và đặt vấn đề như thế làm sao cạnh tranh được.
Mục tiêu của chúng ta là nông dân phải giàu, không rời bỏ ruộng đồng. Nhưng muốn làm được điều này phải có công nghệ và vốn. Do đó, doanh nghiệp này rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với doanh nghiệp để chung tay đẩy mạnh khâu chế biến.
Phải làm truyền thông mạnh lên
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ ngạc khiên khi "nãy giờ lướt web hàng loạt viện, không thấy viện nào đưa lên các sản phẩm".
Ông nói: “Sản phẩm của chúng ta hôm nay tốt, thì ngày mai có người làm tốt hơn thì sao... Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được. Con người hằng ngày bị chi phối bởi bao thông tin, tại sao chúng ta không làm truyền thông mạnh lên. Tôi nhớ hồi nhỏ đi chợ ở miền Tây, cứ nghe loa đài, chiêng loảng xoảng, là biết người Hoa người ta đi chợ bán thuốc. Tâm lý con người sẽ bị thu hút bởi các tiếng động, các âm thanh, hình ảnh”.
Bộ trưởng lưu ý nếu không truyền thông tốt, thì công chúng không biết tới sản phẩm của mình. Thế nên, đến diễn đàn không phải phát biểu, mà là kết nối. Bởi một ngày nào đó các doanh nghiệp, các viện, các nhà khoa học lại cần đến nhau để hợp tác phát triển.
“Không cần sở hữu trí tuệ, nguồn lực nhà nước, hãy 'đánh trống, khua chiêng' lên, tự người ta sẽ đến, sẽ biết. Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác. Đừng chờ đợi, đừng bị động”, Bộ trưởng gợi ý.
Về tâm thư của 1 doanh nghiệp nói về chuyện khoai tây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói thẳng: “Tôi mà là phóng viên, tôi sẽ giật tít luôn. Nhà khoa học chúng ta nhiều mà không làm được cái dao gọt khoai tây”.
Ông cũng lưu ý thêm về phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp, nhà khoa học cần quan tâm.
Chia sẻ về một cái bao tay để cho phụ nữ cắt ớt mà mình nhận được, Bộ trưởng nói: “Tôi chợt nhớ đến ở quê, mấy chị phụ nữ bấm ớt bằng tay phải có mấy xô nước để cạnh. Khoa học có những thứ cao siêu, nhưng cũng có những điều nho nhỏ lại giúp ích cho hàng triệu phụ nữ. Một sản phẩm thế thôi, giúp cho biết bao người từ Lào Cai đến tận miền Nam”.
Do đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp khuyến khích các viện nghiên cứu về “giải pháp hữu ích”. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.