Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024 | 13:17

Tại sao HTX nông nghiệp chưa hấp dẫn nông dân? (Bài 2): Những mô hình tiêu biểu cần nhân rộng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho hay, nông dân Việt Nam cần cù, sáng tạo song chưa có nhiều tinh thần hợp tác, liên kết.

Hợp tác xã (HTX) là một vòng tròn các mối quan hệ, vòng tròn càng lớn, HTX càng trở nên vững mạnh, điều này đòi hỏi các lãnh đạo cần truyền bá tư tưởng hơn việc chỉ chú trọng vào kỹ thuật và cần nhân rộng, lan tỏa các mô hình HTX hiệu quả.

>> Bài 1: Tại sao HTX nông nghiệp chưa hấp dẫn nông dân?

Không ít HTX đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Đây được coi là những “con sếu đầu đàn” để kéo mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX ở Việt Nam phát triển và trở thành những mô hình vươn tầm thế giới trong tương lai.

Tham gia tìm hiểu các mô hình nông nghiệp tiêu biểu tại TP. HCM  là dịp để HTX Nông sản sạch TP.HCM kết nối, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn tới tay khách hàng.

Đưa “của nhà trồng” tới tay khách hàng

Mô hình liên kết đặc biệt này chuyên bắt tay với các HTX nông nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại TP.HCM để đưa nông sản đến trực tiếp bàn ăn người dân thành phố.

Đó là mô hình do HTX Nông sản sạch TP.HCM xây dựng. HTX chuyên phân phối sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, sản phẩm OCOP của các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM.

Cửa hàng của HTX Nông sản sạch TP.HCM nằm tại huyện Hóc Môn, bày trí và hoạt động tương tự một cửa hàng nông sản, thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Cửa hàng quy tụ hàng loạt nông sản của các HTX, thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng tại TP.HCM. Chanh hữu cơ của HTX Nông nghiệp Trường Thịnh Phát (huyện Củ Chi) có đặc điểm trái to, chất lượng và đồng đều.

Dưa lưới, dưa hấu công nghệ cao của Công ty Sinh hóa Nông nghiệp VNAS (huyện Hóc Môn) luôn mọng nước, chất lượng. Đây là một trong những đơn vị ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo gần như 90% vào hoạt động trồng. Các loại nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi của các cơ sở trồng và sản xuất ở Củ Chi cũng có mặt tại cửa hàng

Một loạt sản phẩm OCOP của TP.HCM như mật ong Xuân Nguyên, mật dừa nước Vietnipa, rau má Quảng Thanh… cũng được phân phối tại điểm bán của HTX Nông sản sạch TP.HCM.

Bà Phạm Thị Minh Dung, Giám đốc HTX Nông sản sạch TP.HCM cho biết, HTX là kênh bán hàng hiệu quả trong việc hỗ trợ HTX, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm ra thị trường. Hầu hết các HTX đều tập trung và ưu tiên cho sản xuất. Việc đưa sản phẩm ra thị trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về nhân lực và kinh nghiệm. Vì vậy, chúng tôi như một kênh kết nối và phân phối, các HTX có thể xem là địa chỉ uy tín và tin cậy để gửi gắm sản phẩm. Việc tiêu thụ hiện nay là khá tốt.

Theo bà Dung, một điểm đặc biệt của HTX Nông sản sạch TP.HCM là ngoài bán tại cửa hàng thì các hội chợ, triển lãm là kênh tiêu thụ quan trọng hiện nay. HTX được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình trong và ngoài TP.HCM, đây là cơ hội để giới thiệu nông sản, đặc sản của nông dân thành phố.

Chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là định hướng chiến lược trong phát triển nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế tập thể tại TP.HCM. Mục tiêu lớn nhất của chuỗi liên kết chính là tạo năng lực cạnh tranh, đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của hộ nông dân và HTX. Không chỉ liên kết giữa nông dân với HTX, giữa các HTX cùng lĩnh vực mà TP.HCM còn chú trọng mô hình liên kết giữa HTX sản xuất và HTX tiêu thụ.

Bà Dung cho biết, hướng đi của HTX là kết nối các HTX nông nghiệp và các hộ sản xuất, đơn vị sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM, đưa đến tay người tiêu dùng. Các nhà cung cấp của cửa hàng hiện đều là những HTX uy tín, nổi tiếng tại TP.HCM. Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm “của nhà trồng” để phục vụ người dân thành phố, chi phí vận chuyển không cao nên nên giá bán rất hợp lý.

Mô hình hợp tác xã kiểu mới là cầu nối giữa hộ gia đình và doanh nghiệp. Ảnh ITN

Kỳ vọng từ những HTX nông nghiệp sinh thái

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp, bao gồm homestay, farmstay và các trang trại cung cấp dịch vụ trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, phong trào xây dựng HTX nông nghiệp du lịch sinh thái đã lan tỏa ở nhiều địa phương, kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho khu vực kinh tế tập thể, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Xã miền núi Ban Công (Bá Thước) được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, Đảng ủy xã Ban Công đã ban hành Nghị quyết về việc phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xã tăng cường triển khai các dự án đầu tư phát triển cho loại hình du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá đề án phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch đến với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành; quảng bá sản phẩm nông nghiệp du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch. Cùng với những mô hình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch của các doanh nghiệp, HTX du lịch nông nghiệp Ban Công còn tận dụng lợi thế sẵn có, xây dựng các loại hình dịch vụ du lịch nông nghiệp, sinh thái, để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Chị Bùi Thị Tâm, thành viên ban quản trị HTX, cho biết: Là địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, song được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho khí hậu mát mẻ, địa hình đồi núi thấp với những địa danh, như: hang Phà Máy, hang Nước, hang Bụt. Cùng với đó, cảnh đẹp của ruộng bậc thang, hệ thống xe hàn (cọn nước) được bà con trong thôn dựng lên để tưới lúa... đã tạo nên sức hút đối với khách du lịch trong, ngoài nước. Tận dụng lợi thế đó, HTX đã vận động các hộ thành viên tích cực tham gia phát triển du lịch sinh thái, trong đó trọng tâm là phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng cộng đồng và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Nhờ đó, từ việc phát triển các điểm, mô hình nhỏ lẻ, chưa tận dụng hết tiềm năng, đến nay các hộ thành viên HTX tham gia phát triển du lịch đã tạo ra sự liên kết, góp phần cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trải nghiệm.

Để hình thành được hệ sinh thái bền vững cho du lịch nông nghiệp trải nghiệm, HTX du lịch nông nghiệp Ban Công đã xây dựng một số tour du lịch trải nghiệm, như: chèo bè tre trên suối Chàm, chụp hình sống ảo cùng guồng nước... Ngoài ra, các thành viên HTX còn xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các khu ruộng bậc thang. Trong đó, có 20ha sản xuất lúa nếp bản địa để cung ứng cho dịch vụ du lịch địa phương. Đặc biệt, năm 2023, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm gạo nếp Cú Mắc Cải từ lúa nếp bản địa trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Đây không chỉ là bước đệm để phát triển nền nông nghiệp mà còn là động lực để đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với quảng bá nông sản đặc sản địa phương.

Thanh Hóa hiện có 824 HTX nông nghiệp, song chỉ có không quá 10 HTX tham gia phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái. Hầu hết mô hình mới được các HTX manh nha thực hiện, chưa có sự đầu tư bài bản, quy mô song vẫn truyền bá được nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của từng địa phương với người dân và du khách. Từ đó, các sản phẩm nông nghiệp và giá trị văn hóa của các vùng quê được lan tỏa rộng rãi.

HTX cây ăn quả “hái ra tiền”

Sau chưa đầy 5 năm thành lập, nhờ không ngừng thay đổi cách nghĩ, cách làm, HTX cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng, xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên đang liên tục gặt hái thành công, trở thành điểm tựa nâng cao thu nhập cho thành viên.

Ra đời và phát triển tại một trong những địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” trồng cây ăn quả của tỉnh Hưng Yên, ngay từ khi thành lập, HTX Tân Hưng đã xác định mục tiêu thúc đẩy liên kết để đưa nông sản thế mạnh vươn xa tại thị trường trong nước và quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu, các thành viên HTX tập trung nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, đồng thời đầu tư mạnh tay cho công nghệ chế biến. Hiện, 100% sản phẩm của HTX được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau trước khi tiêu thụ.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hoàng Văn Mười cho biết, sản phẩm chủ lực của HTX có thể kể đến long nhãn, hạt sen, bột sắn… Mỗi sản phẩm dù nhỏ đều có tem mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời góp phần nâng cao thương hiệu.

Sự đầu tư mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu và công nghệ chế biến đã và đang giúp HTX Tân Hưng hái “quả ngọt”. Đến nay, HTX có 108 thành viên, là một trong những HTX có số lượng thành viên đông nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Mỗi năm, HTX chế biến được trên dưới 500 tấn long nhãn, 150 tấn hạt sen, cùng hơn 30 tấn mật ong, trên 10 tấn bột sắn…

Hiện, HTX duy trì trồng hơn 21,5ha nhãn, gần 10ha chuối, 100% sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Thu nhập của các thành viên trong HTX liên tục tăng lên, bình quân đạt 100 - 200 triệu đồng/năm, không ít thành viên có thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm. Một số thành viên tiêu biểu có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Để thực hiện mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, năm 2021, HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương - Thái Bình) được thành lập. Từ diện tích 180ha vụ mùa năm 2021, nay tăng lên 200ha với trên 1.000 thành viên tham gia sản xuất lúa giống TBR225 và DS1 thương phẩm. Vào vụ mùa các năm, HTX không chỉ sấy cho người dân và các đối tác hàng trăm tấn thóc, liên kết bao tiêu sản phẩm 300-400 tấn thóc mà còn xây dựng thành công thương hiệu gạo chợ Gốc, đưa ra thị trường trên 40 tấn gạo đặc trưng của quê hương, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Toàn tỉnh Thái Bình đến nay có 461 HTX, 1 liên hiệp HTX với hơn 465.000 thành viên. Ảnh: ITN

Tại xã Bình Định (Kiến Xương), mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống cũng được hình thành, cùng với đó là HTX Thương mại dịch vụ và tiêu thụ nông sản xã Bình Định ra đời. Đây là HTX kiểu mới với 24 thành viên, trong đó các thành viên hầu hết là những người tích tụ ruộng với diện tích lớn ở Bình Định. Ngay từ khi thành lập, HTX đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quản lý sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao cho thành viên. Qua vụ mùa các năm, giá trị sản phẩm của mô hình so với thị trường tăng thêm 444.000 đồng/sào.

Đặc biệt, các mô hình Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình được thành lập với 4 HTX thành viên gắn kết từ khâu trồng dược liệu, sơ chế, chiết xuất, chế biến, đóng gói hình thành nên chuỗi các sản phẩm được đăng ký nhãn mác, ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Tại các xã nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã vận động một số tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất lớn để thành lập HTX nhằm liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Những đóng góp của các HTX này nói riêng và các HTX trong toàn tỉnh nói chung đã được Liên minh HTX tỉnh Thái Bình ghi nhận, tôn vinh trong phong trào phát triển kinh tế tập thể và nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả tại địa phương. Qua đó, kịp thời động viên, khen thưởng những cách làm hay, những mô hình sáng tạo và hiệu quả. Hiện, có 112 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 3 sao, 4 sao, trong đó có đóng góp của 29 HTX nông nghiệp với 33 sản phẩm OCOP.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết, để kinh tế tập thể, HTX của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới, liên minh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; đẩy mạnh công tác tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX; khuyến khích, hỗ trợ HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Vận động kết nạp thành viên; xây dựng mô hình HTX kiểu mới, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...

Phát huy sức mạnh nội lực của HTX

Bác Hồ đã nói: “HTX nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích nước lại lợi dân”. Chính vì thế, phát triển kinh tế hợp tác, HTX là yếu tố cốt lõi để phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân.

Sức mạnh nội lực đã giúp cho nông dân xã vùng sâu Cư Kty thuộc huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) thoát nghèo bền vững, vươn lên có cuộc sống khấm khá. Trong đó phải kể đến mô hình trồng nấm dưới tán rừng của HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin.

Mô hình trồng nấm Linh Chi dưới tán rừng keo tràm của HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang cho thấy nhiều triển vọng để nhân rộng trong thời gian tới, nhằm giúp người dân địa phương tạo thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tập trung nâng chất HTX thông qua giữ bản chất của mô hình kinh tế tập thể sẽ giúp Việt Nam có những HTX lớn mạnh, vươn tầm thế giới.

Mô hình được HTX triển khai tại thôn 7, xã Cư Kty, trên diện tích gần 1ha (hiện trồng khoảng 50.000 phôi giống, mật độ 35 - 40 phôi/m2), chia ra nhiều giai đoạn trồng.

Nhờ thuận lợi về đất đai, khí hậu ở địa phương, với mỗi đợt chăm sóc là 3 tháng, HTX thu được 1,5 tấn nấm tươi. Với giá bán 700.000 - 800.000 đồng/kg tươi và 1,7 - 2 triệu đồng/kg nấm khô, mô hình mang lại nguồn thu lớn cho HTX. Sau khi thu hoạch, những phôi nấm sẽ tiếp tục phát triển và có thể cho thu hoạch thêm các đợt tiếp theo.

Với quy trình chăm sóc hoàn toàn tự nhiên  nên HTX Chư Yang Sin đã tạo nên sản phẩm nấm Linh Chi có chất lượng tốt. HTX đang liên kết cung cấp phôi và sản phẩm nấm cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (Gia Lai). Đồng thời, mô hình của HTX đang được tiến hành đánh giá hiệu quả, chất lượng sản phẩm để mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hướng đến hình thành sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk.

Bà Lê Thị Ái Phượng, Giám đốc HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho biết, so với trồng nấm Linh Chi đỏ trong nhà theo cách truyền thống thì trồng dưới tán rừng nhẹ nhàng hơn bởi tận dụng được tiểu khí hậu do tán rừng tạo dựng nên ít tốn công chăm sóc và chi phí khác; dược tính của nấm mang tính tự nhiên cao hơn. Theo đó, việc trồng nấm dưới tán rừng sẽ gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích, quá trình trồng phải tưới nước 2 lần/ngày, qua đó giảm nguy cơ cháy rừng, tăng thêm cơ hội để phát triển kinh tế rừng.

Theo ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Bông, qua mô hình trồng nấm Linh Chi dưới tán rừng keo tràm ở xã Cư Kty thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất phù hợp cho cây nấm phát triển. Đặc biệt, huyện Krông Bông có diện tích rừng tràm rất lớn, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Ông Trực nhận định, trồng nấm Linh Chi đỏ dưới tán cây keo tràm đã tạo được không gian tự nhiên cho cây nấm phát triển, tận dụng khu vực trồng keo, trồng tràm chưa thu hoạch để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình đang phát triển hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“Chúng tôi kỳ vọng nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện, nhất là những vùng trồng nhiều cây keo tràm và có đông  đồng bào dân tộc thiểu số để tăng thêm thu nhập cho các hộ dân ngoài sản xuất trồng rừng. Thời gian tới, huyện sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, để nông dân tiếp cận kỹ thuật trồng nấm Linh Chi dưới tán rừng. Đồng thời, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mô hình phát triển bền vững”, ông Trực nói.

Bài 3: Cơ chế chính sách, giải pháp để HTX “hút” nông dân

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top