Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), đồng thời đưa HTXNN trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn, Hà Nam tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXNN trên địa bàn.
Các giải pháp đồng bộ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đột phá về thể chế
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW. Bên cạnh đó, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực Kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, ngày 20/6/2023, Luật Hợp tác xã 2023 đã được Quốc hội thông qua (thay thế Luật HTX 2012) và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022; Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 về phát triển HTXNN trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thành viên HTX rau an toàn Liên Hiệp (Kim Bảng) chăm sóc ruộng rau bắp cải.
Ngay sau khi Nghị Quyết 20-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 15/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch phát triển HTXNN trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam với mục tiêu và nội dung cụ thể: Phấn đấu có ít nhất 80% số HTXNN hoạt động hiệu quả (đạt loại khá trở lên), mỗi năm thành lập thêm từ 8-10 HTXNN, có 15-20 HTX có sản phẩm OCOP; mỗi huyện, thành phố, thị xã xây dựng ít nhất 1 mô hình HTXNN điển hình liên kết theo chuỗi giá trị; có 40% - 50% số HTX NN tham gia liên kết và 15% - 20% số HTXNN ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và 100% cán bộ chủ chốt, cán bộ HTXNN được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.
Đồng thời, củng cố phát triển các loại hình kinh tế tập thể, đa dạng về hình thức sở hữu và tổ chức sản xuất, kinh doanh, trọng tâm là HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.
Hiện nay, HTXNN cơ bản đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Nhiều HTXNN đã chú trọng đến các hoạt động sản xuất theo thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư mở rộng sang các ngành nghề dịch vụ thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp... Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Hà Nam.
Thành quả bước đầu
Đến hết ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có tổng số 260 HTXNN (110 HTX thành lập mới, 150 HTX chuyển đổi) và được phân loại HTX NN theo lĩnh vực hoạt động, cụ thể: 67 HTX trồng trọt, 21 HTX chăn nuôi, 20 HTX thủy sản, 152 HTXNN tổng hợp với tổng doanh thu của các HTX NN đạt 182.227 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 67,71 triệu đồng/HTX; kết quả đánh giá xếp loại hoạt động HTX NN, cụ thể: 36% số HTX NN loại tốt; 44% số HTX NN loại khá.
Mô hình trồng nho VietGAP của HTX công nghệ cao Đồng Du (huyện Bình Lục).
Số HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên là 38 HTX (10 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất); sản phẩm liên kết sản xuất, tiêu thụ chủ yếu là lúa, gạo, rau sạch, nho, ngô, bí các loại; thủy sản, sản phẩm chế biến từ sữa, gia cầm… và có 17 HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tiêu biểu như: HTX công nghệ cao Thanh Hà chuyên sản xuất rau mầm tại xã Đồng Du với diện 19,5ha; HTXCNC xã Đồng Du (huyện Bình Lục) chuyên sản xuất nho các loại, thanh long, bưởi với tổng diện tích 5ha theo quy trình VietGAP; HTXNN La Sơn (xã La Sơn, huyện Bình Lục) sản xuất lúa hữu cơ với diện tích10 ha (sản xuất lúa ST25).
Ngoài ra, đối với một số cây hàng hóa (ngô nếp, ngô ngọt, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ), nhiều HTXNN thường xuyên duy trì với diện tích ổn định, các HTX nông nghiệp (Lê Hồ, Đồng Hóa, Hoàng Tây, Văn Xá, Nhật Tân, Tượng Lĩnh - huyện Kim Bảng) ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty trong và ngoài tỉnh (Công ty Hagimex - Kim Bảng, Công ty TNHH Thanh Nhàn - Hải Dương; Công ty TNHH Hội Vũ - Đồng Văn; Công ty TNHH Hậu Hà - Hưng Yên; Công ty TNHH Minh Dương - Nam Định và các tư thương) với sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của HTX được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để phát triển ổn định và bền vững; tham gia đóng góp quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa bàn cơ sở, góp phần thực hiện trực tiếp tiêu chí về thủy lợi và phòng chống thiên tai; tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn...
Tuy nhiên, bên cạnh việc đổi mới mô hình phát triển HTX theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, hiện nay, hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều nông dân chưa đủ lòng tin để tham gia tích cực vào phát triển kinh tế HTX; phần lớn HTX thiếu vốn, tư liệu sản xuất (đất đai) không thể mở thêm hoạt động dịch vụ và mở rộng quy mô sản xuất; hầu hết các HTX đang duy trì hoạt động ổn định các dịch vụ phục vụ hỗ trợ hộ thành viên sản xuất, việc tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn hạn chế. Đồng thời, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa hình thành các khu công nghiệp phát triển kinh tế - xã hội làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các HTX,...
Nâng cao hiệu quả hoạt động HTX
Để nâng cao hiệu quả hoạt động HTXNN, theo ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam), thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một góc khu nuôi thủy sản của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng (huyện Kim Bảng).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX như: Luật HTX năm 2023, các văn bản hướng dẫn thi hành, chính sách khuyến khích phát triển HTX nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội;
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể và ủng hộ nhiệt tình của doanh nghiệp và Nhân dân trong đổi mới, phát triển, nâng cao hoạt động của HTXNN trong giai đoạn mới;
Sản phẩm OCOP của HTX Hoàng Trà (TP. Phủ Lý).
Thường xuyên đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý điều hành cho cán bộ HTXNN; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTXNN;
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTXNN tham gia tích cực các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn;
Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXNN như: tổ chức lại hoạt động HTX, hướng dẫn các HTXNN xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả…
Khuyến khích HTX đẩy mạnh ứng dụng KHCN, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý, quản trị HTX, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Tăng cường hỗ trợ HTXNN trong xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, trên các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, chuỗi của hàng thực phẩm sạch…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.