Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong Nhân dân tăng mạnh, thị trường hàng hóa cũng sôi động hơn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán. Các địa phương đang tất bật, hối hả trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Nghề trồng hoa, cây cảnh những năm gần đây đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).
Ninh Bình: Hối hả chăm sóc hoa, cây cảnh chuẩn bị "tung" hàng Tết
Thời điểm này, bà con nông dân tại các vùng trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đang tất bật, hối hả trong việc chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch đào, mai phục vụ thị trường Tết.
Để phục vụ nhu cầu, thị hiếu chơi Tết, ngoài cây trồng chủ đạo là đào, những năm gần đây, xã Xuân Chính (huyện Kim Sơn) đã định hướng cho người dân mở rộng thêm các loại cây trồng như: mai, hồng, mẫu đơn…
Hiện toàn xã có trên 200 hộ trồng hoa, cây cảnh chuyên canh với diện tích khoảng 50 ha. Thời điểm này, bà con đang tập trung chăm sóc, tạo dáng, cắt lá, tỉa cành… để chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ 2025.
Năm nay, xã dự kiến tổ chức hội chợ hoa để tạo điều kiện cho các nhà vườn, người dân, du khách thập phương tham quan, lựa chọn, mua bán. Đồng thời từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu nghề trồng hoa, cây cảnh của địa phương. Năm 2024, thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh của xã ước đạt gần 13 tỷ đồng.
Xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) hiện có 197 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích trên 10 ha chủ yếu là 3 loại đào: đào phai 5 cánh, đào phai 5 cánh kép và bích đào.
Theo ông Phạm Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã trồng đào Hồi Ninh, năm nay giá đào cao hơn so với năm ngoái từ 20-40%, lượng khách mua cũng tăng do một số địa phương có diện tích trồng đào bị thiệt hại sau bão số 3 dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt. Thời điểm này, hầu hết các vườn đào đã có từ 80-90% số lượng cây được khách hàng đặt trước. Với giá trị kinh tế cao, cây đào không chỉ trở thành cây làm giàu cho nhiều gia đình mà còn tạo thương hiệu cho địa phương.
Nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Kim Sơn ngày càng phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Trung bình mỗi sào hoa cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thời tiết từ nay đến cuối năm còn nhiều diễn biến bất thường, do đó, các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh cần chủ động chăm sóc cây phù hợp với điều kiện thời tiết; thường xuyên kiểm tra vườn hoa, cây cảnh để phòng, trừ sâu, bệnh hại cây kịp thời...
Thanh Hóa: "Thủ phủ" đào, quất cảnh hứa hẹn mang nhiều"siêu phẩm" đón Tết
Những ngày cuối tháng 12/2024, trên các cánh đồng trồng đào và quất cảnh của các huyện Triệu Sơn, Như Thanh, Quảng Xương, người dân đang tích cực chăm sóc, chuẩn bị từng công đoạn nhằm tạo ra những cây có dáng thế đẹp là những "siêu phẩm" độc đáo, phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Người dân xã Hợp Lý chăm sóc quất cảnh.
Được mệnh danh là “thủ phủ” đào phai, người dân xã Xuân Du (Như Thanh) đang tất bật tuốt lá và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cây đào ra hoa đẹp đúng dịp tết. Anh Trịnh Văn Hiệu- nông dân nơi đây cho biết: “Những năm gần đây, người trồng đào Xuân Du liên tiếp được mùa và cho lợi nhuận kinh tế cao nên bà con rất phấn khởi. Năm nay, cùng với trồng vườn đào phai truyền thống, gia đình tôi đầu tư hơn 300 gốc đào thế nhập phôi từ tỉnh Sơn La về lai ghép với giống đào phai 5 cánh của địa phương để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện chúng tôi đang tích cực chăm sóc, xuống lá, nuôi mắt nụ, giúp cây đào ra nụ, nở hoa đúng dịp tết”.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm trồng đào, ông Quách Văn Chiêu, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề trồng đào cảnh xã Xuân Du chia sẻ: “Thường thì việc tuốt lá sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 âm lịch, trước tết khoảng 60 ngày. Năm nay, thời tiết chưa có rét đậm, ấm nóng, nên tuốt lá tầm này là hợp lý. Ngoài ra, công việc chăm sóc, tạo dáng, tỉa cành, làm thế cho cây để đạt được hình dáng đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu của người mua cũng rất quan trọng”.
Theo thống kê của UBND xã Xuân Du, đến tháng 12/2024 trên địa bàn xã có khoảng 280ha đào cảnh với hơn 1.000 hộ dân tham gia trồng. Để nâng cao hiệu quả nghề trồng đào, tháng 10/2024, UBND xã đã thành lập Nghiệp đoàn trồng đào Xuân Du gồm 108 hộ thành viên nhằm từng bước nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho thương hiệu đào Xuân Du trên thị trường.
Những ngày cuối tháng 12 dương lịch, trên các cánh đồng trồng quất cảnh của các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Triệu Thành, Vân Sơn, Thọ Tân (Triệu Sơn) những luống quất thẳng hàng, quả căng mọng bắt đầu ngả chín. Thời điểm này, người trồng quất đang theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp chăm sóc phù hợp cho cây phát triển tốt, quả chín đúng dịp Tết Nguyên đán. Trên những thửa ruộng người dân đang tất bật chăm sóc cho cây quất cảnh. Trước đây, người dân các xã trồng quất và cây cảnh các loại của huyện Triệu Sơn chủ yếu trong khuôn viên vườn nhà. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhiều hộ dân đã đầu tư chuyển đổi, cải tạo những diện tích trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng quất và cây cảnh các loại.
Bà Đặng Thị Sinh ở thôn 3, xã Hợp Tiến, cho biết: “Hiện gia đình tôi đầu tư cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 1 sào với 200 cây quất thế. Để cây quất có lá xanh, chồi non, hoa, quả to đều, vàng khi xuất bán, hàng ngày các thành viên trong gia đình luôn tay chăm sóc, cắt bỏ những quả xấu, tưới nước bảo đảm độ ẩm cho cây. Hiện đã có thương lái đến tìm hiểu mua, một số luống quất được đặt cọc tiền và chờ cận tết mới chuyển đi”.
Năm 2024, huyện Triệu Sơn trồng hơn 300ha đào, quất cảnh tại các xã Hợp Lý, Vân Sơn, Thọ Tân, Hợp Tiến... dự kiến doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn Nguyễn Lê Khương, đơn vị thường xuyên phối hợp với các xã trồng đào, quất cảnh theo dõi diễn biến của thời tiết, để kịp thời khuyến cáo đến các chủ hộ làm vườn thực hiện các biện pháp chăm sóc phù hợp với diễn biến của thời tiết.
Đối với cây đào cảnh người dân tập trung chăm sóc, áp dụng những kinh nghiệm thực tế cùng với khoa học - kỹ thuật, xử lý cho cây ra hoa đúng vào dịp tết, khắc phục bệnh sùi mủ trên thân cây. Đối với cây quất cảnh, các chủ hộ tiến hành chăm sóc, bón thêm các loại phân có nhiều chất dinh dưỡng để cây quất quả to, chín mọng, lá xanh, trên cây có nhiều thế hệ quả, hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025".
Hà Nội: Thực hiện bình ổn thị trường đáp ứng nhu cầu mua sắm sôi động dịp Tết
Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân tăng mạnh, thị trường hàng hóa cũng sôi động hơn để chuẩn bị phục vụ Nhân dân trong dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2025, Sở Công Thương thành phố Hà Nội thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết, trên toàn TP Hà Nội hiện đã có hơn 10.600 điểm bán cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường.
Thông tin về công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời điểm này, hoạt động phân phối hàng hóa được tổ chức đồng bộ với nhiều hình thức.
Theo bà Oanh, hiện đã có 22 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện dự trữ và cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 10.600 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội. Từ tháng 10, Sở đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó, đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân 3 tháng trước, trong và sau Tết.
Cụ thể, mặt hàng và lượng hàng hóa các đơn vị cần chuẩn bị phục vụ gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo.
Sở đã hướng dẫn, đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch trữ hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn trong dịp Tết, hoạt động phân phối hàng hóa được tổ chức đồng bộ với nhiều hình thức.
Hệ thống siêu thị Winmart+ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết từ sớm và cam kết thực hiện bình ổn giá trong suốt “mùa” mua sắm cuối năm cũng như Tết Nguyên đán 2025.
Cụ thể, qua các kênh bán hàng truyền thống (hệ thống 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn); đồng thời, tổ chức trên các kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Cùng với đó, để ngăn chặn hiện tượng thiếu hàng “sốt” trong dịp Tết, Sở Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết xây dựng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tiếp tục giới thiệu nguồn cung hàng hóa của các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, qua đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đồng thời, hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng…
Đặc biệt, trong dịp trước, trong và sau Tết, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết của nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết, thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn đều tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm./.'