Năm 2024 đang khép lại. Trong bức tranh sáng màu của nền kinh tế 11 tháng qua, cả ba chân kiềng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) đều có sự tăng trưởng đáng khích lệ với tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.
Trong bức tranh kinh tế sáng màu, xuất – nhập khẩu là mảng sáng nhất, trong 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 369,93 tỷ USD, tăng 14,4%; có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cùng với máy vi tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, tôm, hạt tiêu, cá tra cũng tăng trưởng hai con số. Xuất siêu 24,31 tỷ USD.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 370 tỷ USD, nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 56,74 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 53,1 tỷ USD của cả năm 2023, vượt chỉ tiêu 54 - 55 tỷ USD Thủ tướng giao. Xuất siêu gần 16,5 tỷ USD (nhóm lâm sản ước thặng dư 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5% và nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần), tăng 52,8% so với năm 2023, bằng gần 68% thặng dư của cả nền kinh tế.
Nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 56,74 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 53,1 tỷ USD của cả năm 2023.
Xét theo mặt hàng, chúng ta có 7 mặt hàng nông - lâm - thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (2,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước); rau quả (4,56 tỷ USD, tăng 33,9%); cà phê (4,53 tỷ USD, tăng 30,5%); gạo (4,07 tỷ USD, tăng 14,6%); tôm (3,19 tỷ USD, tăng 20,5%); cá tra (1,72 tỷ USD, tăng 10,1%); và hạt tiêu (1,07 tỷ USD, tăng 43,5%).
Theo nhận định của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 của ngành nông nghiệp có thể đạt 60 – 62 tỷ USD, thiết lập một kỷ lục mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau – hoa – quả đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, tăng ở 14/15 thị trường xuất khẩu chính, dẫn đầu về kim ngạch trong nhóm nông sản xuất khẩu tỷ USD, xuất siêu 4,56 tỷ USD sau 11 tháng. Trong các loại rau - hoa - quả xuất khẩu, sầu riêng chiếm tới 50% kim ngạch cả ngành hàng (gần 3,4 tỷ USD). Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả của Việt Nam khi chiếm 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo nhận định của các chuyên gia, với những lợi thế riêng có (diện tích lãnh thổ trải dài trên 15 vĩ độ, có khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh ở miền Bắc, đất đai màu mỡ, người dân cần cù, sáng tạo, có nhiều loại cây ăn trái mang đặc trưng vùng miền, nhiều loại cho trái quanh năm…) về sản xuất rau quả, sự nỗ lực nâng cao chất lượng của người sản xuất, sự vào cuộc mạnh mẽ trong mở cửa thị trường của các cơ quan chức năng, cùng sự đón nhận của thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7,2 - 7,5 tỷ USD trong năm 2024 này, vượt xa chỉ tiêu 6 - 6,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra.
Mới đây (ngày 18/10 vừa qua), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Đề án Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đặt ra tầm nhìn chiến lược rõ ràng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỷ USD, với sự công nhận thương hiệu của các ngành hàng chủ lực tại các thị trường trọng điểm toàn cầu. Trong đó, ngành rau quả hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2030.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7,2 - 7,5 tỷ USD trong năm 2024.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà vườn - Hệ thống ngân hàng. Ngoài việc đảm bảo mọi khâu trong chuỗi sản xuất đều minh bạch, có trách nhiệm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất về an toàn vệ sinh để nông sản Việt nói chung, rau quả Việt nói riêng có “visa” của mọi thị trường. Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đẩy mạnh hỗ trợ để nhà vườn, doanh nghiệp tăng cường liên kết, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện số hóa, xanh hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển gắn với xây dựng thương hiệu theo sự độc đáo của trái cây Việt. Cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện sản xuất theo quy hoạch và đẩy mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu (hiện kim ngạch xuất khẩu từ rau quả chế biến mới đạt 1,1 tỷ USD/61 tỷ USD, con số khiêm tốn) kết hợp tiếp tục mở rộng thị trường, trên cơ sở khai thác hiệu quả các hiệp định FTA với các đối tác, đặc biệt là thị trường Halal và đàm phán tăng thêm chủng loại trái cây Việt được phép đi đường chính ngạch vào Trung Quốc – thị trường hiện chiếm 65% rau quả xuất khẩu của chúng ta.
Hy vọng, sự vào cuộc theo quan điểm ‘‘chỉ bàn làm, không bàn lùi’’, ‘‘hành động quyết liệt với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung’’ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn lưu ý, nhắc nhở và trên tinh thần liên tục làm mới cùng với khắt khe với chính mình, ngành nông nghiệp nói chung, sản xuất – xuất khẩu rau quả nói riêng tiếp tục rộn ràng đón nhận tin vui.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.