Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024 | 10:37

Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng: Cơ hội và thách thức của nông sản Việt

Để bảo vệ sản xuất trong nước, xu hướng bảo hộ thương mại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, tác động tiêu cực đến tự do hóa thương mại toàn cầu và đe dọa đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Đe dọa thu nhập của nước nghèo

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới tại Brazil mới đây (Thủ tướng Phạm Minh Chính là khách mời của Hội nghị) diễn ra trong bối cảnh có nhiều căng thẳng địa chính trị, sự chia rẽ giữa các nước phương Tây và các quốc gia khác, sự phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ đã cản trở sự phát triển kinh tế toàn cầu nói riêng.

Thêm nữa, ông Donald Trump, người sẽ vào Nhà Trắng làm Tổng thống Mỹ lần thứ 2 vào tháng 1/2025 đã đề xuất áp thuế 25% với hàng hóa nhập từ Canada và Mexico, đồng thời áp thêm 10% thuế vào hàng hóa từ Trung Quốc (trước đó, khi vận động tranh cử, đề xuất áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc bán vào Mỹ).

Thanh long Bình Thuận được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Ảnh: Việt Quốc

Trong báo cáo hồi tháng 9/2024, WTO nêu bật đóng góp quan trọng của thương mại tự do đối với thành tựu giảm nghèo và bất bình đẳng thu nhập giữa nước giàu và nước nghèo. Theo báo cáo, trong giai đoạn 1995-2022, tỷ trọng đóng góp của các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình trong thương mại toàn cầu tăng từ 21% lên 38%.

Trong giai đoạn đó, thu nhập bình quân đầu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp ba lần. Kể từ năm 1995, thương mại toàn cầu mở rộng nhanh chóng, giúp 1,5 tỉ người trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực (thu nhập dưới 2,15 USD/ngày).

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, những con số đó phản bác quan niệm phổ biến hiện nay rằng, thương mại tự do và các tổ chức như WTO không giúp ích cho người nghèo hoặc các nước nghèo.

Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO cảnh báo, xu hướng bảo hộ trỗi dậy ở các nước giàu đang đặt ra thách thức lớn cho thương mại tự do.

Các nước giàu theo đuổi chính sách tăng thuế nhập khẩu, bắt nguồn từ “cú sốc Trung Quốc” vào đầu thập niên 2000. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO (năm 2001), các nước giàu chứng kiến cơn bùng nổ nhập khẩu hàng hóa giá rẻ do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sản xuất. Hàng giá rẻ giúp nước giàu giữ lạm phát ở mức thấp nhưng gây tổn thất cho công việc sản xuất ở Mỹ và một số nước khác.

Do vậy, mức thuế nhập khẩu cao hơn đang được nước giàu sử dụng như là cách để bảo vệ những công việc sản xuất còn lại. Gần đây, các rào cản thương mại được xem là giải pháp để đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế, đặc biệt là sau tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.

WTO cho rằng, sự gia tăng các rào cản thương mại sẽ gây tổn hại nhiều nhất đối với các nước nghèo vì họ dựa vào đầu tư nước ngoài và thương mại để tiếp cận công nghệ tốt hơn. Xu hướng tiếp tục phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu dưới áp lực địa chính trị sẽ tác động lớn đến các nền kinh tế có thu nhập thấp, trình độ công nghệ kém và dựa vào khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài để bắt kịp tốc độ tăng trưởng bền vững.

Tổng Giám đốc WTO nhận xét, hạn chế thương mại thường là cách tốn kém để bảo vệ việc làm cho các nhóm cụ thể trong xã hội và có thể làm tăng chi phí sản xuất. Chính sách tăng thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự trả đũa tốn kém từ các đối tác thương mại bất mãn.

WTO cho rằng, thay vì dựng lên các rào cản thương mại, các chính phủ nên giúp người lao động trang bị kỹ năng mới, đáp ứng  nhu cầu ngày càng cao của thị trường...

Nông sản xuất khẩu gặp khó

Từ năm 2008 đến nay, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, năm 2004, Mỹ chính thức áp thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm, cá tra Việt  bị áp thuế khá vô lý ở thị trường này.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, xuất khẩu hồ tiêu, gia vị  sang một số thị trường có thời điểm bị chững lại vì cạnh tranh và chính sách bảo hộ.

Từ tháng 12/2024, các mặt hàng nông sản khi xuất  vào thị trường châu Âu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống phá rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu (EC).

Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo hộ chưa được chú trọng nên sức cạnh tranh kém, giá thành không cao.

Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn theo Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu.

Quy định này được EC ban hành vào giữa năm 2023 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gây mất rừng và suy thoái rừng trên lãnh thổ châu Âu. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, châu Âu đang dần khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp.

Vài năm qua, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của chúng ta bị trả về vì một số hàng rào kỹ thuật mới được dựng lên liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như chứa nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng…

Tháng 10 vừa qua, thị trường EU tiếp tục cảnh báo về việc Công ty CP Lương thực Bình Minh xuất khẩu sản phẩm cà tím, nước mắm tỏi ớt chứa thành phần cá cơm vào khối này. Phía EU cho biết, sản phẩm không được kiểm tra và cấp chứng thư an toàn thực phẩm bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam (trường hợp này là Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường - NAFIQPM) trước khi xuất khẩu.

Theo Thương vụ tại Bỉ và EU, thỉnh thoảng trên các báo đài phương Tây vẫn có những thông tin “chê” sản phẩm nông sản Việt. Tuy vậy, thực chất nông sản Việt được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất hiện nay.

Thực tế cho thấy mỗi thị trường có những quy định nhập khẩu riêng, song có thể ẩn chứa yếu tố cạnh tranh, nhất là các nước có nhiều nông sản muốn bảo hộ nông sản trong nước thì họ có thể đưa ra các chính sách, rào cản kỹ thuật, thông tin bất lợi… để hạn chế xuất - nhập khẩu.

Được bảo hộ, nông sản xuất khẩu sẽ tăng giá

Những năm gần đây, số lượng đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tăng nhanh, trong số này có hàng chục nông sản được bảo hộ thành công ở nước ngoài, góp phần tăng giá trị lên 15-25%.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, với nguyên tắc lãnh thổ của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo vệ tại lãnh thổ quốc gia được đăng ký, vì vậy, nếu các sản phẩm của Việt Nam muốn xuất sang các nước khác, ngoài việc cần phải hiểu rõ các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, còn cần tìm hiểu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước nhập khẩu. Khi các tên địa danh được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và cao hơn là chỉ dẫn địa lý sẽ rất có ý nghĩa, làm gia tăng giá trị đối với sản phẩm đặc thù địa phương.

Hiện nay, nhiều địa phương quan tâm, đầu tư nguồn lực đối với các sản phẩm đặc thù thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý. Hệ thống các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý cũng được bổ sung và hoàn thiện. Đến nay, số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là 137, trong đó của Việt Nam là 124 và nước ngoài là 13.Trong số này chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm khoảng 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%...

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 354,5 tỷ USD. Con số này cho thấy vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn đã được doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài khá phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian. Như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) hay thanh long Bình Thuận, phải mất 3 năm để theo đuổi chứng minh đảm bảo các tiêu chí bảo hộ, hồ sơ đăng ký theo quy định của Nhật  Bản thì mới được cấp văn bằng bảo hộ...

Theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ,  vấn đề bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phải riêng của doanh nghiệp mà còn cả của các địa phương, hiệp hội ngành nghề... Ngoài ra, vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng rất quan trọng, đây là kênh thông tin cần thiết và kịp thời để sớm cảnh báo các rủi ro về thị trường, nhu cầu thực tiễn và các chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước sở tại.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực quy hoạch lại vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về canh tác bền vững. Quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, tiền bạc, và công sức. Tuy nhiên, sự chuẩn bị này là cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm nông sản của Việt Nam không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu mà còn tạo dựng được uy tín và thương hiệu bền vững trên trường quốc tế.

Tại Phú Xuyên (Hà Nội), HTX Kim Thông đang tìm hiểu và gửi mẫu sản phẩm dầu chiết xuất từ hạt Sa chi sang một số nước châu Âu như Séc, Slovakia, Đức... Để có thể tuân thủ quy định EUDR, doanh nghiệp đã chọn trồng nguyên liệu hoàn toàn trên đất nông nghiệp.

Bà Đỗ Thị Kim Thông, Chủ tịch HĐQT HTX Kim Thông, cho biết: “Chúng tôi  lấy nguyên liệu trồng trên đất nông nghiệp. Không quay về đất rừng mà sẽ lấy đất nông nghiệp để trồng demo, trồng liên kết tại các vùng lân cận như Hoà Bình, Lai Châu và Sơn La”.

Có thể thấy, việc tuân thủ quy định EUDR không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu tại châu Âu, mà còn góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu. 

Thực tế cũng cho thấy, mỗi thị trường có những quy định nhập khẩu riêng, song có thể ẩn chứa yếu tố cạnh tranh, nhất là các nước muốn bảo hộ nông sản trong nước thì họ có thể đưa ra các chính sách, rào cản kỹ thuật, thông tin bất lợi… để hạn chế xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, có một cách thức để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể đứng vững trong trường hợp khác biệt về rào cản kỹ thuật. Đó là doanh nghiệp có thể mời những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đó từ nước nhập khẩu đến Việt Nam, giúp doanh nghiệp cải thiện tiêu chuẩn kỹ thuật đạt yêu cầu.

Ngoài việc đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật, các chuyên gia này có ảnh hưởng (sức mạnh vô hình) rất lớn đối với người tiêu dùng ở nước sở tại. Họ sẽ là những “đại sứ” truyền thông hữu hiệu cho doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng.

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng như: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Bà Nguyễn Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho biết, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có thương hiệu mạnh, chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt.

Theo bà Hương, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết, chiến lược, chương trình ở cấp quốc gia và chính sách, chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành. Dù được đề cập nhiều nhưng vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vẫn chung chung, chưa cụ thể phát triển như thế nào. Các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình, chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan.

Đến nay mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ sở hữu. Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

Bà Hương cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc sử dụng và quản lý tên quốc gia (“Việt Nam” hoặc tương đương) để tạo điều kiện đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản quốc gia trong thời gian tới tại cả thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ đối với các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý…

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tập trung, tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ, liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Song song với đó, cần tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng nhằm góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

“Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương tại các thị trường xuất khẩu, cần chú trọng đến việc gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu. Do đó, ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng nông sản chất lượng cao thì cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài…”, ông Phú chia sẻ.

Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có cam kết về công nhận bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó Việt Nam đã tham gia 15 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và ký kết 27 thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ đang còn hiệu lực.  Việc hợp tác giúp tận dụng được các nguồn lực quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài cần được tận dụng và phát huy.

VASEP cho rằng, bên cạnh  tác động tiêu cực, hạn chế tự do thương mại của xu hướng bảo hộ hiện nay thì ở một góc độ khác xu hướng này cũng tạo ra những tiêu chuẩn tốt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật...

Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu. Đối với những thị trường lớn như Mỹ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. Doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.

“Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại”, ông Trung lưu ý.

Xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu nông sản là động lực tăng trưởng chính của GDP nước ta, do đó, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó, kể cả những biến động ở mức cao.

 

 

D.Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

Top