Chính sách của nhiều quốc gia đã sử dụng bảo hiểm như một công cụ để điều phối nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ thảm họa sang quản trị rủi ro. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất hàng hóa và người nghèo, mà còn giúp nâng cao chất lượng nông sản và tạo ra một hệ thống an sinh xã hội bền vững hơn.
Nhiều diện tích trồng chuối ở xã Phú Phương (huyện Ba Vì) bị đổ do mưa bão.
Bảo hiểm nông nghiệp chưa tạo được độ “phủ”
Theo thống kê của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh phải đến 90% nông dân, HTX hiện nay chưa tiếp cận được với bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Còn theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay vẫn tập trung phần lớn vào các loại hình bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe (gần 35%), bảo hiểm xe cơ giới (gần 23%), bảo hiểm cháy nổ (15%), bảo hiểm tài sản (khoảng 11%)… nhưng với bảo hiểm nông nghiệp thì chỉ chiếm 0,09%.
Trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, 60% dân số đang sinh sống ở các vùng nông thôn và phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đang là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước. Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 53 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đã thu về 56,74 tỷ USD.
Còn theo các nhà chuyên môn, các nước phát triển nông nghiệp trên thế giới phát triển rất tốt hệ thống bảo hiểm nông nghiệp, người dân nước họ cũng tiếp cận rất tốt chính sách, dịch vụ này.
Tại Hà Lan, 100% trang trại chăn nuôi của người dân, HTX đều có bảo hiểm nông nghiệp. Hay ở Mỹ, khoảng 86% nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp; tại Nhật Bản, bảo hiểm nông nghiệp đã bao phủ trên toàn quốc…
Còn tại Việt Nam, rõ ràng đang có sự chênh lệch không nhỏ về quy mô, vai trò của ngành nông nghiệp với việc người dân, HTX tham gia và được hưởng thụ những chính sách từ bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với các HTX, việc được tham gia, hỗ trợ tham gia các chính sách, trong đó có chính sách bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp họ có nguồn tài chính để bù đắp vào những rủi ro. Đây cũng là niềm vui, sự khích lệ to lớn đối với người làm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh), cho biết cơn bão số 3 vừa qua khiến mỗi thành viên thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng nhưng một số chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp và ngay việc các cửa hàng bán vật tư phục vụ nuôi thủy sản tại Quảng Ninh chủ động giảm giá đã khiến các thành viên HTX rất cảm kích. Nếu tiếp cận được với bảo hiểm nông nghiệp, thành viên HTX sẽ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sản xuất mà không quá lo ngại về các rủi ro thiên tai.
Có thể thấy, bảo hiểm nông nghiệp giúp tạo tâm lý an tâm cho người nông dân, thành viên HTX từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất. Những rủi ro từ dịch bệnh thiên tai gây thua lỗ sản xuất có thể sẽ khiến các HTX không dám mạo hiểm đầu tư vào những mô hình công nghệ sản xuất hiện đại cho hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn.
Đâu là những rào cản?
BHNN đã được triển khai thí điểm trong giai đoạn từ năm 2011-2013 theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ và sau đó được gia hạn đến tháng 6-2014. Bảo Việt và Bảo Minh là hai doanh nghiệp tiên phong tham gia vào đợt thí điểm này. Tuy nhiên, kết quả thí điểm không đạt được kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân, mà quan trọng nhất là do không có sự tương thích giữa cung và cầu. Đến năm 2018, Chính phủ tái khởi động lại việc thúc đẩy BHNN thông qua việc ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP và sau đó là Quyết định 22/2019/QĐ-TTg, Quyết định 03/2021/QĐ-TTg, Quyết định 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.
Qua đó cho thấy, Chính phủ vẫn luôn theo đuổi chính sách phổ cập rộng rãi sản phẩm bảo hiểm này đến với nông dân nhưng kết quả thu được thật đáng trăn trở. BHNN vẫn là một khái niệm xa lạ với phần đông nông dân Việt Nam. Số liệu thị trường bảo hiểm Việt Nam cho thấy BHNN đang có quy mô cực kỳ khiêm tốn qua nhiều năm dù có sự trợ cấp tài chính từ Nhà nước. Từ năm 2019 đến nay, tỷ trọng phí bảo hiểm gốc theo nghiệp vụ của BHNN trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở mức rất thấp, từ 0,06-0,1%. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc năm 2022, 2023 đều dừng ở mức 3 tỉ đồng, số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại lần lượt là 26 tỉ đồng và 12 tỉ đồng.
Một hộ gia đình vay vốn ngân hàng bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Ảnh: Agribank.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy việc triển khai BHNN trên phạm vi toàn quốc vẫn là một thách thức rất lớn mặc dù đã trải qua hơn một thập niên kể từ khi Chính phủ bắt đầu thí điểm và trợ cấp tài chính. Để tháo gỡ những khó khăn này, cần có một chiến lược tổng thể, bao gồm các chính sách hỗ trợ cụ thể và các biện pháp thực hiện đồng bộ.
Đầu tiên, BHNN được nhìn nhận như một công cụ quản lý rủi ro tài chính và cần thiết nhưng không thể hoạt động và phát triển độc lập. BHNN cần được đặt trong một chiến lược tổng thể về quản lý rủi ro nông nghiệp toàn diện, bao gồm giảm thiểu rủi ro vật lý và thiết lập được các dịch vụ nông nghiệp cơ bản. BHNN có thể đóng góp vào quá trình hiện đại hóa doanh nghiệp nhưng chỉ có thể triển khai thành công khi có được các điều kiện nền tảng và đó chính là sự hiện diện của các dịch vụ nông nghiệp cơ bản từ khuyến nông, cung cấp kịp thời đầu vào (giống cây trồng, con giống, phân bón...) và thiết lập được kênh tiếp thị hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai, BHNN đối mặt với nhiều thách thức do vận hành phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao để quản lý và phát triển. Chi phí cung cấp và duy trì bảo hiểm ở các vùng nông thôn, đặc biệt là đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ cũng là một rào cản lớn. Chi phí vận hành cao trong việc tiếp cận và phục vụ đối tượng này ảnh hưởng lớn đến mức phí bảo hiểm. Ngược lại, mức phí bảo hiểm cao lại là rào cản để nhóm đối tượng này tiếp cận BHNN. Do đó, thực tiễn quốc tế tốt đều cho thấy vai trò của Chính phủ là quan trọng và mang tính thiết yếu trong việc thúc đẩy và duy trì tính bền vững của BHNN.
Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách trợ cấp tài chính cho nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo và cận nghèo. Chính sách trợ cấp tài chính thúc đẩy BHNN cần được lồng ghép vào chính sách về hỗ trợ tín dụng và khuyến khích thực hành nông nghiệp tốt. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ sở khuyến khích các tổ chức trung gian như ngân hàng về nông nghiệp, ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã và các tổ chức tài chính vi mô trong việc triển khai sản phẩm đến nông dân để giảm chi phí. Các tổ chức này có thể giúp tập hợp khách hàng đồng thời cung cấp sản phẩm bảo hiểm với chi phí thấp hơn. Những mô hình này đã được áp dụng thành công ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, và Philippines, nơi các tổ chức tài chính vi mô và hợp tác xã cung cấp cả bảo hiểm vi mô và tín dụng vi mô cho cộng đồng nông thôn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu tập trung về thống kê nông nghiệp và thời tiết, giúp cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và giúp các doanh nghiệp có nguồn dữ liệu đầu vào chất lượng, chi phí thấp.
Ngoài ra, cần có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng nhóm nông dân, khu vực, cây trồng, vật nuôi... Các chương trình bảo hiểm hiện nay thường dựa quá nhiều vào bảo hiểm bồi thường tiêu chuẩn, trong khi cần khuyến khích bảo hiểm theo rủi ro cụ thể hoặc bảo hiểm chỉ số, phù hợp hơn với các điều kiện địa phương và dễ quản lý hơn.
Cuối cùng, rào cản rất lớn của BHNN tại Việt Nam nằm ở nhận thức của nông dân về vai trò và lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Phần lớn nông dân vẫn coi bảo hiểm là một chi phí không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập thấp và các ưu tiên chi tiêu khác cao hơn. Chính vì vậy, công tác truyền thông và đào tạo để nông dân hiểu rõ hơn về cách BHNN có thể giúp họ giảm thiểu rủi ro, duy trì sản xuất và khôi phục sản xuất sau thiên tai phải được chú trọng. Các chương trình đào tạo nên được tổ chức tại cấp địa phương với sự tham gia của các cơ quan quản lý, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức xã hội... Đồng thời, sử dụng các kênh thông tin gần gũi với nông dân sẽ giúp nâng cao hiệu quả truyền thông, như các buổi họp mặt cộng đồng, đài phát thanh địa phương hoặc mạng xã hội.
Cần nhiều giải pháp quyết liệt
Bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số những sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới, được thiết kế nhằm hỗ trợ cho người nông dân chủ động khắc phục thiệt hại do hậu quả của thiên tai gây ra.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần thí điểm với nhiều sản phẩm cũng như quy mô khác nhau và đã chính thức được áp dụng ở phạm vi quốc gia theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp từ 2019 tới nay, song bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát huy được tính ưu việt do đó cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay có 19/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra), tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nhờ có bảo hiểm nông nghiệp mà một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, Hải Phòng tan hoang sau bão Yagi.
Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nông nghiệp lại quá thấp. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Minh cho biết, Bảo Minh đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, thủy sản và bảo hiểm cây lúa do thiên tai. Thế nhưng tỷ lệ đóng góp của mảng này chỉ chiếm khoảng 1%.
Do vậy, Bảo Minh hợp tác cùng nhiều đối tác, cải tiến công nghệ để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2025, mảng bảo hiểm nông nghiệp sẽ đóng góp 5% doanh thu công ty.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm gốc của nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp là 42,6 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Đại diện Công ty CP Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho rằng người dân chưa có các khoản tài chính dành cho chi phí dự phòng và quản lý rủi ro, sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào mảng này. Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và thỏa thuận, đàm phán với nhà tái bảo hiểm quốc tế. Để đảm bảo khả năng tài chính, bồi thường cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm khi rủi ro xảy ra (đặc biệt trong trường hợp có rủi ro thảm họa), doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải tính toán mức giữ lại và thu xếp tái bảo hiểm cho các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (bao gồm điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm...) phụ thuộc nhiều vào việc đàm phán với nhà tái bảo hiểm quốc tế.
Cùng với đó, bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao xuất phát từ thực tế biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh; việc triển khai đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải có năng lực tài chính lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới phân phối sản phẩm đủ rộng đảm bảo khả năng tiếp cận đến cơ sở (cấp thôn, xóm, hợp tác xã), có sự tham gia của nhà tái bảo hiểm quốc tế và với sự hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền tại cơ sở.
Trên thực tế hiện nay, không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; các doanh nghiệp bảo hiểm này cũng triển khai một cách thận trọng, đảm bảo khả năng tài chính, khả năng thanh toán vì các rủi ro trong nông nghiệp, đặc biệt rủi ro thiên tai lớn, nếu không có sự chấp thuận chi trả của nhà tái bảo hiểm quốc tế thì các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước không đủ khả năng tài chính để chi trả.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, bảo hiểm nông nghiệp về cơ bản vẫn là sản phẩm phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở; việc tổ chức thực hiện tại một số địa phương, cơ sở vẫn còn lúng túng. Nhận thức của một số bộ phận người nông dân đối với bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn hạn chế; điều kiện thời tiết các địa bàn nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ khá ổn định đã hạn chế nhu cầu tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản.
Trao đổi thông tin xung quanh vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi, bộ cũng thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp.
"Chưa bao giờ chúng tôi thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau bão Yagi. Sau cơn bão, chúng tôi phải cấu trúc toàn bộ hệ thống liên quan hạ tầng nông nghiệp để thích ứng bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ những trăn trở về cấu trúc là làm sao để những chiếc lồng bè ở Quảng Ninh chắc chắn hơn, hay những bến cảng làm sao chống chịu được những hình thái, cấp độ dông bão cao hơn...
Hay cả những vấn đề về nuôi trồng thủy sản, kể cả trồng trọt, chăn nuôi..., tất cả mọi điều đó đều phải ban hành một tiêu chuẩn, quy chuẩn mới nhằm thích ứng tốt nhất với thiên tai, cú sốc thảm họa.
"Trong đó vấn đề là chúng ta phải làm sao phản ứng năng động, nhanh nhạy hơn, một hệ thống phản ứng từ trung ương cho đến địa phương", ông Hoan nói.
Để bảo hiểm nông nghiệp phát triển bền vững
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lê Đức Thịnh, để bảo hiểm nông nghiệp phát triển bền vững, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu. Chính sách cần phải thay đổi, trong đó vai trò dẫn dắt của Nhà nước là tiên quyết.
“Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc "lấy số đông bù số ít". Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các đối tượng, đặc biệt là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chứ không chỉ giới hạn ở hộ nghèo. Vì vậy, trước mắt cần sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP với các quy định đi kèm theo hướng thực hiện nghiêm chính sách tài khóa trong hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm cả ở cấp trung ương và địa phương. Đồng thời, chính sách cần thay đổi cách tiếp cận, mở rộng đối tượng hỗ trợ sang các vùng miền có nguy cơ cao về thiên tai, dịch bệnh, và các hộ sản xuất quy mô lớn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho hay.
Đặc biệt, cả ngân sách trung ương, địa phương và người sản xuất đều cần chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ phí bảo hiểm. Thời gian qua, chúng ta đã thử nghiệm một số chính sách tương tự, nhưng cần đưa bảo hiểm nông nghiệp vào chính sách tài khóa của các tỉnh để triển khai rộng rãi thay vì chỉ dừng lại ở các thí điểm.
Chúng ta có thể tham khảo bài học về phát triển thị trường bảo hiểm của Trung Quốc. Từ năm 2022, họ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp với tỷ lệ 40% từ ngân sách trung ương, 30% từ ngân sách địa phương và 30% từ người sản xuất. Riêng đối với người nghèo, họ chỉ phải đóng 10%, thậm chí không cần đóng phí. Ngân sách được chi trả trực tiếp cho công ty bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch và khả thi. Ngoài việc hỗ trợ phí bảo hiểm, Nhà nước đứng sau hỗ trợ cả về tái bảo hiểm.
Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta đều hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh, họ sẽ e ngại nếu không có sự hỗ trợ từ tái bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đầy rủi ro. Do đó, tái bảo hiểm phải có Nhà nước đứng sau, để các doanh nghiệp yên tâm triển khai. Nếu không có sự bảo đảm này, doanh nghiệp sẽ không dám cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp do rủi ro quá lớn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó duy trì và phát triển thị trường này.
Thời tiết đang ngày càng cực đoan và khó lường trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cũng như một số các loại hình bảo hiểm khác, nguyên tắc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp là tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. Vì vậy, để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cần có sự tham gia, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do thu nhập của nhiều hộ nông dân rất thấp nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.
Để thu hút người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhiều hơn, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị là một trong số các yếu tố chủ quan mang tính quyết định; trong đó, các cấp chính quyền địa phương (đặc biệt là cấp cơ sở) đóng vai trò then chốt; các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò quan trọng về hỗ trợ, tuyên truyền, động viên thực hiện trong tổ chức thực hiện, đảm bảo chính sách ổn định lâu dài, không bị ngắt quãng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân (chủ thể chính và trọng tâm của chính sách) và đảm bảo cho các cấp chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi tổ chức thực hiện.
Đồng thời, người tham gia bảo hiểm (nông dân), doanh nghiệp bảo hiểm, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, nhà nước, nhà tái bảo hiểm... cần có sự phối hợp chặt chẽ do đối tượng của bảo hiểm nông nghiệp đa dạng, phức tạp, giá trị nhỏ, phân bố trên địa bàn rộng; nuôi trồng, canh tác theo các chuẩn mực quốc tế còn hạn chế, khó khăn, dẫn đến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong bảo hiểm, xác định giá trị, xác định thiệt hại và khó đàm phán với các nhà tái bảo hiểm quốc tế
Bên cạnh đó, người nông dân cần áp dụng, tuân thủ các kỹ thuật canh tác, nuôi trồng theo chuẩn mực trong nước, quốc tế mới thuyết phục được các nhà tái bảo hiểm quốc tế tham gia cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Ngô Việt Trung nhấn mạnh, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách do bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm mới, phức tạp được triển khai tại khu vực nông thôn, cho các người nông dân (khu vực và đối tượng yếu thế, hạn chế về tiếp cận thông tin)./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.