Nhằm đưa ra giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả, chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.
Ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.
Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 tỷ USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận, đào…
Hiện, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, ớt tươi, thạch đen, khoai lang, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi và chanh.
Toàn cảnh diễn đàn.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV), thông tin, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quy định chung về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu gồm: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; Không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; Đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu; Đóng gói, dán nhãn đáp ứng yêu cầu của các thị trường; Kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cảng đến.
Nói thêm về thị trường xuất khẩu trọng điểm Trung Quốc, ông Chiến thông tin, chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu được chỉ định. Cùng với đó, bao bì đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Mỗi hộp đóng gói và phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh theo quy định.
Tin vui cho những người sản xuất, dự kiến trong năm 2025, Việt Nam có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục BVTV gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để xuất sang Hàn Quốc.
Rau quả vẫn tiêu thụ dạng tươi
Với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả.
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, đến hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 16.000ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cam, bưởi, chanh… (trên 10.000ha); 1.200ha nhãn, 1.500ha chuối; ngoài ra xoài, thanh long...
Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, EU…
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng chưa rõ nét, chủ yếu tiêu thụ tươi do khâu bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế…, nên giá trị sản xuất chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Hòa Bình, chia sẻ, những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.
“Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng”, ông Yến nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Hồng Yến cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cây có múi suy thoái ở địa phương, đó là: Phát triển không nằm trong quy hoạch; Nhiễm dịch hại nguy hiểm (vàng lá thối rễ, greening, tuyến trùng, rệp sáp...); Canh tác sử dụng thuốc, phân bón hóa học khiến đất chai cứng; Thiếu kiến thức canh tác bền vững; Quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ.
Để phát triển bền vững cây ăn quả tại tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền rà soát, thống kê, đánh giá cây có múi toàn quốc làm cơ sở chỉ đạo, điều hành; Ban hành quy trình đặc thù cho từng giống; Hỗ trợ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tái canh 13,04ha (33 vườn); phân tích mẫu đất, test bệnh hại; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ tái canh...
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Hiện nay, những thách thức đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam gồm: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn còn yếu…
Các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP…
Tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thông tin: Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ. Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, tới trên 20%.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho hay, trong việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế bảo quản, chế biến rau quả cần lưu ý: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu. Lựa chọn nhà tư vấn công nghệ, thiết bị, thiết kế xây dựng nhà xưởng đáp ứng yêu cầu thị trường; đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị; sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị; đăng ký chất lượng và thương mại hóa sản phẩm.
Về vấn đề bán hàng, nhiều chuyên gia cũng nhận định, cần đẩy mạnh thương mại điện tử. Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, cho rằng, một trong những vấn đề cần cải thiện hiện nay là thương mại điện tử. “Nhiều khi lấy hàng hóa từ nước ngoài về còn nhanh hơn đặt trong nội địa. Điều này chứng tỏ các nước gần chúng ta đang phát triển rất mạnh về logistics”, ông Dự dẫn chứng.
Đưa ví dụ cụ thể về cam Cao Phong ở Hà Nội, ông Dự cho rằng, cần tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, giúp người dùng phân biệt cam thật, giả.
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, nhiều lần đi Hà Nội, ông phát hiện có những nơi đề biển “cam Cao Phong”, nhưng giá chỉ 30.000-40.000 đ/kg. Ông Dự nói, “đây có khả năng là hàng giả”, bởi giá cam Cao Phong ngay tại vườn đã ít nhất 50.000 đ/kg.
Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng với thị trường trong nước cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả.
Nâng cao chất lượng sản phẩm để đi đường dài
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đánh giá, Trung Quốc đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam. Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.
Bên cạnh Trung Quốc, ông Hòa khuyến nghị các đơn vị nên khai thác những thị trường mà Việt Nam đã ký FTA, như EU. Cùng với đó, người sản xuất nên chú ý đến mức dư lượng BVTV, vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Đưa ra giải pháp tổng thể cho cây ăn quả, PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị, các địa phương rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp ngành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả.
PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam.
Ngoài vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam khuyến nghị về lựa chọn giống cây ăn quả. “Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm”, ông nhấn mạnh.
Với riêng tỉnh Hòa Bình, ông Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt sớm có hướng dẫn, có thể tạm thời để địa phương sớm tái canh cây có múi. Dựa trên kinh nghiệm đã có của Hòa Bình, cộng thêm các đề tài của khối viện nghiên cứu, các đơn vị của Bộ NN-PTNT sớm ban hành gói kỹ thuật cho từng đối tượng cây ăn quả trên từng vùng.
Song song với đó, công tác phục hồi với những vườn chưa đến mức tái canh, cũng cần được quan tâm. Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, có thể gắn vấn đề này với các đề án vừa ban hành của Bộ NN-PTNT, như nâng cao sức khỏe đất.
“Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu”, ông Doanh nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.