Với lợi thế về diện tích rừng lớn, kinh tế lâm nghiệp được Nghệ An xác định là ngành kinh tế quan trọng với định hướng phát triển bền vững.
Giống cây lâm nghiệp còn nhiều hạn chế
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, với 180.717 ha. Kết quả khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tạo giống trên địa bàn tỉnh cho thấy sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đạt một số kết quả nhất định. Từ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất giống cây lâm nghiệp đến người trồng rừng đã nhận thức được việc sử dụng giống tốt, giống có chất lượng để đưa vào sản xuất.
Một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ trong tạo giống, công nghệ tưới hiện đại trong các vườn ươm. Người trồng rừng nâng cao nhận thức về sử dụng những loại giống tốt, năng suất cao, được đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, hỗ trợ các tài liệu về gieo ươm, tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng rừng hiệu quả.
Vườn keo giống bố mẹ tạo thành keo để nhân giống keo lai giâm hom tại Công ty Lâm nghiệp Đô Lương. Ảnh: Văn Trường - Báo Nghệ An
Một số tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng nguồn giống, nắm vững và thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Tuy nhiên, năng suất rừng trồng chưa cao, không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân là công nghệ sản xuất mới chỉ tập trung gieo hạt, giâm hom. Các công nghệ tạo giống hiện đại như công nghệ tế bào, công nghệ di truyền phân tử, công nghệ gen chưa được áp dụng.
Chưa kể một số tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh không có Giấy phép đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất dẫn đến chất lượng cây giống không đảm bảo khiến cho một số tổ chức, cá nhân sử dụng cây giống bị thiệt hại.
Một số nguồn giống chưa phát huy tác dụng, có nguồn giống tốt nhưng không có kế hoạch trồng rừng như mỡ, bồ đề, vạng trứng... nên không tạo ra được thị trường giống ổn định, cung cấp cho nhu cầu sản xuất cây con phục vụ trồng rừng.
Giống cây trồng lâm nghiệp chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào các loài mọc nhanh, gỗ nhỏ, chưa phục vụ cho chiến lược trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Hiện tại, một số vườn ươm đã đầu tư công nghệ nhưng số lượng ít, thiếu các rừng giống, vườn giống có chất lượng để cung cấp nguồn hạt giống cho sản xuất.
Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 20/02/2024 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, Nghệ An sẽ từng bước xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, hệ thống vườn ươm lâm nghiệp nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả trồng rừng. Hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác sản xuất giống.
Lâm trường Đồng Hợp (Quỳ Hợp) là đơn vị duy nhất địa bàn tỉnh ươm keo mô chất lượng cao.
Tập trung hỗ trợ hoàn thiện đưa vào vận hành trung tâm sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao thuộc Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, với các hạng mục đầu tư gồm: Trung tâm Công nghệ cao, Trung tâm Nuôi cấy mô tế bào; Xưởng đóng bầu siêu nhẹ, Khu vườn giống đầu dòng và lưu trữ các nguồn gene; Khu vườn giống lâm đặc sản Bắc Trung Bộ. Xây dựng mới khoảng 10 vườn ươm cố định, phù hợp với quy mô, năng lực và đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, củng cố, cải tạo, nâng cấp khoảng 13 vườn ươm thuộc các đơn vị chủ rừng, Nhà nước hiện đang hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chất lượng cao được chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc, huấn luyện phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, công ty lâm nghiệp, với hình thức hỗ trợ sau đầu tư nhằm tiếp cận nâng cao kỹ năng sản xuất cây giống mầm mô chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn.
Xây dựng tiêu chí lựa chọn hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ngoài quốc doanh, thực hiện một số đề tài nghiên cứu về chọn, tạo khảo nghiệm và phát triển một số loài cây bản địa, cây nhập nội chủ lực làm gỗ lớn. Đến năm 2030, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng; tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt từ 95%, sinh khối rừng trồng tăng trưởng đạt từ 20-25m3/ha/năm.
Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất giống để đáp ứng đủ giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng. Đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu về giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 41.500.000 cây giống các loại/năm (gồm cả cây phân tán) và khoảng 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để kết hợp trồng dưới tán rừng.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ gồm: Xác định danh mục các loài cây ưu tiên tại địa phương như nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế, nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ, nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước.
Xây dựng hệ thống nguồn giống lâm nghiệp khảo sát, bình tuyển, chọn lọc công nhận khoảng 200-300 cây trội đặc hữu của tỉnh (quế Quỳ, lim xanh, samu, pơ mu, thông nhựa...). Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, hệ thống vườn ươm lâm nghiệp nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả trồng rừng; Nghiên cứu khoa học về chọn, tạo khảo nghiệm và phát triển một số loài cây bản địa, cây nhập nội chủ lực làm gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có năng suất, chất lượng lợi thế cạnh tranh cao. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giống, chọn tạo bảo tồn nguồn gene quý hiếm.
Người dân huyện Thanh Chương mua giống keo ở miền Bắc đưa về trồng rừng tiềm ẩn nguy cơ giống kém chất lượng
Nâng cao năng lực quản lý giống cây trồng lâm nghiệp: Rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế thông tin, truyền thông về giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và minh bạch tới mọi tổ chức, cá nhân có quan tâm. Tăng cường thực thi pháp luật về quản lý và kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
Tập trung hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống cây trồng lâm nghiệp.
Đồng thời, cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính như khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hay hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây. Tạo các quỹ đầu tư với mục tiêu đầu tư vào các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây mới và cải tiến. Tập trung hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy sớm hoàn thiện Trung tâm Sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đưa vào vận hành để hình thành mạng lưới sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
Khuyến khích, các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất hiện có nâng cấp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng nguồn giống, cơ sở sản xuất giống có quy mô lớn, cung ứng giống ổn định, lâu dài theo yêu cầu chuỗi sản phẩm, sản xuất và cung cấp giống năng suất chất lượng và thích ứng biến đổi khí hậu...
Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong phát triển gỗ nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững
Cùng với sự quan tâm với những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của các Ban, Ngành cấp tỉnh, Ngành lâm nghiệp Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 58%, công tác phát triển tài nguyên rừng đã tạo công ăn việc làm cho người dân Miền núi. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản trên địa bàn tỉnh tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 145,084 triệu USD, năm 2021 đạt 184,800 triệu USD; năm 2022 đạt 344 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2020-2022 đạt 702 triệu USD đạt 70% chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025.
Theo số liệu từ Chi Cục Kiểm lâm Nghệ An, tính đến hết năm 2023, Công tác quản lý rừng bền vững tại Nghệ An đã xây dựng hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022- 2030 cho 22 tổ chức với tổng diện tích rừng được quản lý bền vững là 592.187,01 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24.691,91 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và FSC (Trong đó, rừng trồng 21.783,72 ha; rừng tự nhiên 2.908,106 ha).
Ngoài ra, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần gỗ BVN Thanh Chương đã và đang hỗ trợ phát triển tổ chức nhóm chứng chỉ rừng với việc thực hiện duy trì chứng chỉ hàng năm và mử rộng trên các địa bàn Xã/BQL Rừng phòng hộ của huyện Thanh Chương. Hiện tại nhóm đã hoàn thành hồ so đánh giá, có chứng chỉ rừng cho 6.298,71 ha và tính đến hết Quý III năm 2024 đã đánh giá được 4.200 ha. Dự kiến giai đoạn 2024-2026, nhóm sẽ phát triển gia tăng số lượng thành viên đến 5.000 hộ gia đình và diện tích rừng khoảng 17.000 ha tại huyện Thanh Chương sau đó tiến hành mở rộng sang địa bàn các huyện lân cận.
Công ty cổ phần gỗ BVN Thanh Chương đã và đang hỗ trợ phát triển tổ chức nhóm chứng chỉ rừng với việc thực hiện duy trì chứng chỉ hàng năm.
Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu tại tỉnh Nghệ An vơi 28.800 ha rừng trồng tại 5 huyện. Hiện tại đã hỗ trợ xây dựng mô hình liết kết cấp chứng chỉ cho nhóm hộ thông qua các hoạt động giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực cho các chủ rừng, hợp tác cộng đồng và những quy định, tiêu chuẩn Quốc gia và Quốc Tế; hỗ trợ cây giống chất lượng cao, điều chỉnh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu mua và cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân.
Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thông qua các cơ quan truyền thông, hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng gắn với các tiêu chí quản lý rừng bền vững. Đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy tư duy kinh doanh bền vững, trong đó bảo vệ môi trường và duy trì quyền lợi kinh doanh.
Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến lâm sản. Tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ và đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy thị trường gỗ có chứng chỉ phát triển mạnh mẽ.
Quy hoạch vùng và hoàn thiện các phương án trồng rừng nguyên liệu. Đẩy mạnh việc trồng rừng thâm canh nguyên liệu gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường, hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung, ổn định để đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu
Rà soát, hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ gắn với mục tiêu trồng rừng thâm canh chất lượng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp; Các địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, lồng ghép các chương trình hỗ trợ và gắn chỉ tiêu phát triển rừng bền vững với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.