Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024 | 19:53

Để sản phẩm nông nghiệp “biết nói”

Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh, việc nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các kênh kết nối thị trường hiệu quả cho người nông dân luôn cần ưu tiên hàng đầu.

“Hãy tin tôi đi”

Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản với chương trình “Hội thảo kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” do Vụ Hợp tác Quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Dự án Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản (ABJD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã bắt đầu bằng một câu chuyện. Bộ trưởng nói rằng: “Hãy tin tôi đi, đó là câu nói mà tôi vẫn hay nói với bà con nông dân, tin tưởng vào sản phẩm của mình. Bất cứ sản phẩm nào, gặp bất cứ ai, thị trường nào, chúng ta cũng có sự tự tin về sản phẩm của mình tạo nên”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki tham quan các gian hàng tại siêu thị Aeon Mall Long Biên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn dẫn chứng: “Trong một lần đi công tác Nhật Bản, tôi có tranh thủ tìm mua robot quét dọn nhà. Sau khi trả tiền tôi định xách robot rời đi thì người bán hàng nhất định giữ tôi lại. Họ nói nhất định phải hướng dẫn tôi tỉ mỉ về cách sử dụng sản phẩm. Tuy đó là hành vi nhỏ nhưng cho thấy cách bán hàng tận tâm của người Nhật. Tôi cũng mong nông dân chúng ta không chỉ bán hàng theo kiểu “tiền trao cháo múc” mà phải bán sản phẩm bằng cả sự tận tâm đó”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ việc chỉ biết trồng rau mang ra chợ bán, đến việc nông dân có thể tự thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm của mình đưa lên kệ hàng của chuỗi siêu thị AEON Mall Topvalu - một trong những chuỗi siêu thị phục vụ khách hàng cao cấp, đó là minh chứng sống động nhất cho giá trị của kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường. Với sự hợp tác của các đối tác Nhật Bản, chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa, đặc biệt là nông dân Việt Nam có đủ tự tin đưa sản phẩm nông sản của mình vào thị trường Nhật Bản cũng như ra thế giới.

Bộ trưởng dẫn dắt từ một cuốn sách gây ấn tượng và theo Bộ trưởng có một câu mang hàm ý triết lý của đất nước Nhật Bản, đó là “Hãy nghĩ cho người khác”, chúng ta sản xuất hãy nghĩ cho người tiêu dùng, chúng ta không chỉ nghĩ tới bán được rau, hoa quả của mình vào siêu thị mà làm gì chúng ta cũng cần nghĩ đang đi cùng một thương hiệu lớn như Topvalu, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu thông qua chất lượng và sự đảm bảo các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, như thế mới đi cùng nhau đường dài được.

“Tôi đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT với các đơn vị Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường”. Hy vọng thông qua hội thảo, hai bên sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong việc cung ứng nông sản của Việt Nam vào chuỗi siêu thị AEON Mall Topvalu nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung; đồng thời tạo cầu nối để các đơn vị kinh doanh nông nghiệp tìm hiểu nhu cầu nông sản của Nhật Bản, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản giữa hai nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Chuỗi giá trị là yếu tố “sống - còn”

“Có thể nói việc xây dựng chuỗi giá trị có ý nghĩa sống còn đối với nông sản Việt Nam nếu chúng ta muốn vươn ra thị trường toàn cầu. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nếu không hình thành được chuỗi giá trị thì tất cả mối quan hệ không thể nào bền vững được, sẽ liên tục bị đứt gãy khi tham gia thị trường thế giới. Hiện nay, chúng ta đã có một số chuỗi giá trị lớn tương đối hoàn thiện, ví dụ như trong ngành cà phê, lúa gạo. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ nên các chuỗi giá trị như vậy chưa nhiều”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho hay.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh bày tỏ mong muốn, nông sản thực sự “biết nói” và chinh phục được khách hàng.

Theo Giám đốc Lê Quốc Thanh, hiện nay, hệ thống khuyến nông đang thực hiện vai trò kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, trên cơ sở lựa chọn những tiêu chí, kế hoạch phù hợp cho từng vùng sinh thái, tập quán canh tác của người nông dân. Nếu chúng ta thiết kế chuỗi giá trị đó chặt chẽ giống như thiết kế một cỗ máy, tất cả các chi tiết cùng lắp ráp với nhau thì cỗ máy đó sẽ vận hành trơn tru.

“Đúng như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn hay nói, chúng ta không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần như trước, mà phải bán cả cách thức làm ra sản phẩm đó, quy trình và thậm chí bán cả uy tín, trách nhiệm của người làm ra sản phẩm. Do đó, chúng tôi mong muốn người nông dân đồng hành cùng các tác nhân tham gia chuỗi, ví dụ như kết nối với cán bộ khuyến nông; kết nối với doanh nghiệp để tạo thành hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó thể hiện trách nhiệm theo cam kết cũng như niềm tin của mình”, ông Lê Quốc Thanh nói.

Sản phẩm “phải biết nói”

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật nói riêng và thị trường thế giới nói chung, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như yếu tố dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, các chứng chỉ theo yêu cầu, nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta rất tốt nhưng chưa hề “biết nói”, chưa biết thể hiện giá trị, chất lượng thông qua ngôn ngữ, hình ảnh trên bao bì...

Bởi vậy, chúng ta cần bàn đến câu chuyện dài về thương hiệu và mẫu mã hàng nông sản. Nông dân, doanh nghiệp phải làm thế nào để chuyển tải được hết giá trị sản phẩm thông qua bao bì, mẫu mã, giúp  khách hàng biết được quy trình làm ra sản phẩm đó, giá trị của sản phẩm và niềm tin về sản phẩm. Người sản xuất không thể cứ đến siêu thị đứng giới thiệu về sản phẩm cho từng khách hàng được, mà cần thể hiện các thông tin đó thông qua hình thức, bao bì để chuyển tải nội dung sản phẩm một cách tốt nhất.

“Do đó, qua việc liên kết tham gia chuỗi giá trị, chúng tôi cũng mong muốn sẽ giúp bà con áp dụng chuyển đổi số, công nghệ hiện đại lên bao bì, để sản phẩm nông sản đó thực sự “biết nói” và chinh phục được khách hàng”, Giám đốc Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

Top