Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024 | 17:1

HTX Nam Dương góp phần xây dựng nông thôn mới

Bước đến đầu thị trấn Mường Chà (Mường Chà, Điện Biên), biển hiệu Hợp tác xã Nam Dương phía bên tay phải là điểm gây chú ý, thu hút với người từ phương xa, bởi nơi đây có hàng nghìn gốc bí xanh sai trĩu quả.

Mô hình trồng bí xanh đã mang lại hiệu quả trong việc giúp người dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Thu hoạch bí xanh ở Mường Chà.

Anh Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Nam Dương cho biết: “Hợp tác xã Nam Dương được thành lập từ cuối tháng 10/2020 với 7 thành viên. Ban đầu để xác định hướng đi cho hợp tác xã, tôi tìm hiểu và liên kết hợp tác với các công ty để trồng các loại cây trồng mới như họa hồng, bí xanh... Tuy nhiên, khi bắt tay vào trồng, những bất lợi về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các sản phẩm nông sản của hợp tác xã”. Với tinh thần vượt khó, không ngừng học hỏi và kiên trì gây dựng, 2 năm trở lại đây, bí xanh đã đem lại hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân huyện vùng biên Mường Chà”.

Trước đây, khu ruộng này được người dân thị trấn Mường Chà canh tác lúa nước. Thế nhưng, việc cấy lúa hiệu quả kinh tế không cao, năng suất cũng hạn chế nên Hợp tác xã Nam Dương đã phối hợp với một số hộ dân chuyển đổi sang trồng bí xanh. Với diện tích 1,6 ha, HTX Nam Dương đã liên kết với HTX Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh triển khai trồng và chăm sóc bí xanh theo hướng nông nghiệp sạch, đem lại sản phẩm có chất lượng an toàn. Để hạn chế sâu bệnh, hạn chế thoát hơi nước, HTX dùng ni-lông phủ luống bí; đồng thời không sử dụng cây tre, tầm vông hay các loại cây khác làm cọc chống cho bí xanh leo, mà trồng bí xanh treo giàn lưới. Cách làm này không chỉ tiết kiệm kinh phí mà còn giảm thời gian chăm sóc. Nhờ vậy, vụ bí vừa qua cho năng suất khá cao, gấp nhiều lần cấy lúa, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình liên kết trồng bí xanh tại thị trấn Mường Chà.

Anh Trần Xuân Thanh, giám đốc HTX Nam Dương thị trấn Mường Chà là gương điển hình phát kinh tế qua mô hình trồng bí xanh. Huyện Mường Chà hiện có 18,4 ha bí xanh tại các bản: Mường Mươn 1, Huổi Vang, Púng Giắt 1, Púng Giắt 2. HTX Nam Dương đã đứng ra làm đầu mối kết nối với các đơn vị tiêu thụ để bao tiêu sản phẩm; đồng thời liên kết với các tổ hợp tác tại các xã, thị trấn để trồng và sản xuất bí xanh. Trong đó, xã Ma Thì Hồ có 1 tổ hợp tác, thị trấn Mường Chà có 1 tổ hợp tác và xã Mường Mươn có 2 tổ hợp tác. Khi tham gia chuỗi liên kết, người dân sẽ được các đơn vị liên kết đứng ra đảm bảo về đầu ra cũng như hướng dẫn quá trình trồng và chăm sóc cây bí. Hiệu quả bạn đầu từ trồng bí xanh giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đến nay, anh Thanh và hợp tác xã của mình đã thành công với 2 mô hình: Mô hình trồng bí xanh với diện tích 1,5 ha, đã thu hoạch 3 đợt với sản lượng 160 tấn; cùng với đó là mô hình nuôi lợn rừng lai, hàng năm xuất chuồng khoảng 100 con. Các sản phẩm trên được các thương lái, người tiêu dùng ưa chuộng, hầu hết sau mỗi mùa vụ sản xuất ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó. Các mô hình trên đã cho hiệu quả, tạo nguồn thu nhập từ 400-800 triệu đồng/năm cho hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã tiến hành trồng rừng với diện tích 5 ha, để khai thác gỗ, hiện số gỗ trên đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với đó, anh Thanh luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao cây, con giống, hướng dẫn bà con nông dân có nhu cầu học hỏi các mô hình trên.

Với những thành quả đã đạt được, năm 2022, anh Trần Xuân Thanh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngoài ra trong nhiều năm anh còn được Chủ tịch UBND huyện Mường Chà và Chủ tịch UBND thị trấn Mường Chà tặng nhiều Giấy khen.

Minh Huệ
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top