Cùng với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, nông nghiệp cũng đang phát triển theo thị trường... thì vai trò của hợp tác xã (HTX) cần được phát huy mạnh mẽ để hỗ trợ người dân nâng cao đời sống.
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang chú trọng phát huy vai trò HTX trong phát triển nông nghiệp nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
HTX Dược liệu Pù Luông hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu cho người dân.
Tạo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm
Thời gian qua các HTX trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cho các thành viên góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
HTX dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) thành lập năm 1998, hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu như cung cấp dịch vụ thủy lợi; thu gom rác thải; quản lý, khai thác chợ xã Cẩm Tú; liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân... Những năm qua, HTX luôn nỗ lực vượt khó nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như những tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 40 thành viên. Qua đó góp phần quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp giúp người nông dân yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Tú cho biết, khi mới thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, với sự nỗ lực của các thành viên trong hội đồng quản trị và được tập huấn chuyên môn, củng cố nhân sự, nên hoạt động của HTX đi vào ổn định. Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, HTX còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Cẩm Tú.
Hiện nay, huyện Cẩm Thủy có 38 HTX với gần 1.200 thành viên tham gia. Các HTX luôn chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 455 thành viên.
Cán bộ HTX dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ngô.
Là HTX nông nghiệp hình thành và phát triển hàng chục năm qua, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) phải đổi mới phương thức hoạt động. Thay vì phát triển các nhóm dịch vụ công, HTX đã tổ chức tích tụ đất đai để phát triển vùng lúa thương phẩm chất lượng cao, huy động nguồn lực để đầu tư máy móc, đẩy mạnh tỷ lệ cơ giới hóa và các dịch vụ cơ giới tại địa phương.
Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX cho biết, để khẳng định vai trò bà đỡ cho kinh tế nông nghiệp, HTX đã tích tụ hơn 20 ha để chủ động sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, HTX liên kết, tổ chức cho nông dân địa phương phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ, phân phối hiện đại. Từ đó, đứng ra kết nối với các doanh nghiệp, HTX có uy tín nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hàng trăm tấn/năm với Công ty Tập đoàn Thái Bình Seed, chuỗi tiêu thụ rau, củ, quả với một số doanh nghiệp như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Giống cây trồng Việt Nam... nhờ đó người dân địa phương ngày càng tin tưởng, chủ động tham gia làm thành viên HTX nhằm nâng cao trình độ sản xuất và giá trị của sản phẩm.
Hiệu quả liên kết sản xuất
Những năm gần đây, người dân sản xuấn nông nghiệp trong tỉnh không còn phải lo tình trạng cây trồng đến kỳ thu hoạch không có thị trường tiêu thụ, thay vào đó thu hoạch đến đâu doanh nghiệp, HTX thu mua đến đó theo hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Tại xã Trường Xuân (Thọ Xuân), vụ đông năm 2024-2025, người dân đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX dịch vụ nông nghiệp và dưa leo Thọ Xuân, trồng 70ha dưa leo theo hướng tập trung, quy mô lớn. Để cây dưa leo đạt năng suất cao, HTX đã tích cực bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Nhờ đó, cây dưa leo cho năng suất khoảng 42 tấn quả/ha, doanh thu ước đạt khoảng 160 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí người dân đạt lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha.
Người dân thu hoạch dưa leo theo hợp đồng đã ký kết bao tiêu sản phẩm với HTX.
Ông Lê Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết, trong vụ đông, toàn xã gieo trồng khoảng 150ha cây trồng các loại. Để ổn định đầu ra, HTX dịch vụ nông nghiệp và dưa leo Thọ Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với người dân theo phương châm thu hoạch đến đâu, thu mua cho bà con đến đó. Vì vậy, những năm gần đây phong trào sản xuất vụ đông của xã luôn đứng đầu huyện, một số diện tích rau màu cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Trong những năm qua, sản xuất vụ đông được các doanh nghiệp, HTX, người dân quan tâm đầu tư, thông qua việc liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Các hình thức liên kết chủ yếu như: Doanh nghiệp trực tiếp thuê đất, mượn đất thời vụ để tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết với người dân. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã duy trì ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, các doanh nghiệp đã chủ động cung ứng giống, phân bón cho người dân sản xuất. Thông qua liên kết sản xuất, nhiều diện tích sản xuất vụ đông ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương... cho thu nhập từ 200 - 230 triệu đồng/ha.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều doanh nghiệp, HTX xây dựng mối liên kết sản xuất vụ đông bền vững, lâu dài với người dân. Thông qua liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân các sản phẩm cây trồng vụ đông được tiêu thụ hết, không còn tình trạng ùn ứ nông sản, giá các loại cây trồng tương đối ổn định.
Hỗ trợ HTX phát triển
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và phát huy tốt vai trò trong liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép bố trí kinh phí từ nguồn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng kho lạnh, cửa hàng kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, vật tư, cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản nông sản cho hàng chục HTX.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật… tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, mã số vùng trồng trong các HTX và tổ chức nhiều chuyến nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình HTX tiêu biểu tại các tỉnh Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Thông qua công tác hỗ trợ xây dựng mô hình HTX, các HTX nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được trang bị kỹ năng, kiến thức, áp dụng những phương pháp hiệu quả vào sản xuất. Nhất là có thêm cơ hội kết nối, giao lưu và ký kết các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX trong, ngoài tỉnh.
Theo kết quả đánh giá của UBND huyện Cẩm Thủy, có trên 70% HTX hoạt động khá, tốt trở lên. Trong đó, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã thể hiện được vai trò trong tổ chức sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình liên kết trồng rau của người dân với HTX.
Ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2025 có 77% HTX hoạt động đạt loại khá tốt; doanh thu bình quân một HTX đạt 1,23 tỷ đồng/năm… Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của HTX. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ HTX có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý.
Chuyển dịch hoạt động của các HTX nông nghiệp sang hướng dịch vụ tổng hợp. Khuyến khích các HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có tích lũy mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tăng cường mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa các HTX có cùng lĩnh vực, tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô HTX. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa khẳng định, HTX có vai trò quan trọng trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Do đó, thông qua những hoạt động cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các HTX tổ chức tốt các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng cung ứng các dịch vụ mới; hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX tổ chức liên kết chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ nông sản hàng hóa; gắn kết các HTX, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác với nhau nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Đồng thời, hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển chuỗi giá trị nông sản, sản xuất các sản phẩm OCOP và thực hiện chương trình XDNTM ở các địa phương. Cùng với đó, HTX sẽ triển khai các giải pháp giúp các HTX dịch vụ nông nghiệp của tỉnh phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng để phát triển hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững.
Nguồn tổng hợp từ Báo Thanh Hóa
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.