“Tỉnh Quảng Ngãi không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau; không tăng trưởng bằng mọi giá để đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội”- TS. Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Chiều 05/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển Quảng Ngãi bền vững theo hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng”.
Hội thảo là diễn đàn mở quy tụ sự tham gia đông đủ đại diện các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, thảo luận.
Hội thảo nhằm cung cấp các căn cứ và luận cứ mang tính lý luận, tính pháp lý, tính khoa học và thực tiễn về quan điểm, chủ trương, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Quảng Ngãi bền vững trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển đa dạng nhằm góp phần triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 và tham gia đề xuất một số ý tưởng cho Tiểu ban Văn kiện của tỉnh xem xét nghiên cứu trong việc biên soạn Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030.
Xây dựng diễn đàn mở với sự tham gia đông đủ đại diện các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thống nhất nhận thức và hành động.
TS. Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo
Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau; không tăng trưởng bằng mọi giá để đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội. Quảng Ngãi đã, đang chủ động, tích cực và mong muốn tham gia ngày càng hiệu quả vào cuộc thay đổi xanh, tạo ra sự phát triển bền vững mà tất cả chúng ta cùng thụ hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kỷ yếu Hội thảo gồm 18 bài nghiên cứu và tham luận tập trung khai thác dưới những góc nhìn đa chiều các chủ đề lớn của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà doanh nghiệp…
Kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững
GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Nghiên cứu kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), cho rằng: Hiện nay, kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Thực trạng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam đã ghi nhận những thành tựu đáng kể. Tại Quảng Ngãi, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với những giải pháp ưu tiên như: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững...
GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Nghiên cứu kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) tham luận tại Hội thảo
Trong những năm gần đây, trên thế giới, xu hướng kinh tế xanh và phát triển bền vững đã trở nên ngày càng quan trọng với nhiều sáng kiến được triển khai xoay quanh ba trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Một số quốc gia đã thành công trong việc kết nối các mục tiêu kinh tế xanh và phát triển bền vững để giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời bảo vệ khả năng chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo kết quả Báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi có chỉ số PGI đạt 20,12 điểm (năm 2022 là 14,60 điểm), tăng 1,38 điểm so với năm 2022.
Cụ thể, chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp) 5,97 điểm, tăng 1,87 điểm so với năm 2022. Chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu 5,73 điểm, tăng 1,11 điểm so với năm 2022.
Chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường 4,44 điểm, tăng 2,05 điểm so với năm 2022. Chỉ số Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh chỉ đạt 3,98 điểm, giảm 1,04 điểm so với năm 2022.
Định hướng giải pháp phát triển dịch ngành dịch vụ
Theo TS Phạm Hoài Nam, Trường Đại học Tài chính – Kế toán, Quảng Ngãi có nhiều cơ hội phát triển du lịch, logistiscs, dịch vụ phân phối nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, sở hữu nhiều bãi biển đẹp, hệ sinh thái phong phú từ biển đến núi rừng, sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, phát triển ngành du lịch, logistics và dịch vụ phân phối tại tỉnh Quảng Ngãi còn đối mặt với các thách thức. Khả năng cạnh tranh với các điểm du lịch các tỉnh lân cận còn thấp, cần thêm các chiến lược dài hạn về xây dựng thương hiệu du lịch. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chưa đặc thù, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, quảng bá và xúc tiến chưa hiệu mạnh, thiếu liên kết du lịch liên vùng và quốc tế, thiếu các ứng dụng khoa học công nghệ trong quảng bá, xúc tiến và quản lý hoạt động du lịch.
Hạ tầng logistics cần có đầu tư lớn và sự phối hợp đồng bộ từ nhiều bên để thực hiện các dự án hạ tầng và ứng dụng công nghệ. Hạ tầng logistics còn thiếu và chưa hiện đại, thiếu ứng dụng công nghệ trong logistics, thiếu kết nối vùng và quốc tế, đội ngũ lao động còn thiếu thiếu kỹ năng chuyên môn trong ngành logistics.
Mạng lưới phân phối hiện đại vẫn cần thời gian để triển khai đồng bộ, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, phát triển thương mại điện tử chưa mạnh, mạng lưới phân phối chưa phủ rộng bán buôn, bán lẻ tại vùng nông thôn, miền núi, thiếu ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc vào hệ thống phân phối để đảm bảo chất lượng hàng hóa và tăng niềm tin của người tiêu dùng, chưa tận dụng được cơ hội thị trường như xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại để tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Phát triển du lịch tại Quảng Ngãi cần dựa trên nguyên tắc bền vững, chuyên nghiệp và có thương hiệu, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù, phát huy những thế mạnh độc đáo của địa phương. Chú trọng công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu, bảo vệ môi trường và hình ảnh du lịch. Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong phát triển du lịch, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực và kinh nghiệm, tạo ra các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm văn hóa và đời sống của người dân bản địa, phát triển sản phẩm OCOP. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách tham quan và trải nghiệm phong phú. Tập trung vào các mô hình tiêu biểu như du lịch cộng đồng ở Lý Sơn, làng du lịch Gò Cỏ, trải nghiệm văn hóa Hre ở Ba Tơ.
Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, gắn với việc tham quan các di tích lịch sử, văn hóa. Khai thác và bảo tồn các di sản như văn hóa Sa Huỳnh, Trường Lũy Quảng Ngãi, và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội Điện Trường Bà. Tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để tạo sự hấp dẫn và khác biệt cho du lịch Quảng Ngãi.
PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) trao đổi tại Hội thảo
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), những năm qua, Quảng Ngãi đã hình thành các ngành công nghiệp hiện đại, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo như lọc hóa dầu và cơ khí luyện kim, năng lượng…, hình thành các trung tâm công nghiệp lớn lớn, cụm ngành công nghiệp lớn của cả nước. Nhưng tác động liên kết dọc - ngang tới các ngành phía trước và phía sau ở tỉnh còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Tổng thể, Quảng Ngãi hiện đang có vị trí trung bình về quy mô kinh tế so với các tỉnh trong vùng Duyên hải miền Trung, với một vị thế khá vững chắc khi đóng góp 8,13% GRDP cho toàn vùng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghiệp chế biến, dịch vụ và du lịch. Điều này sẽ giúp Quảng Ngãi thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu như Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Đà Nẵng, từ đó nâng cao vị thế và vai trò trong phát triển kinh tế vùng. Quảng Ngãi cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo và du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh.