Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024 | 16:23

Để người dân miền núi xứ Thanh sống “khỏe” từ cây dược liệu

Những năm gần đây, phát triển cây dược liệu được xem là hướng đi mới cho người dân miền núi của tỉnh Thanh Hóa, khi loại cây này không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, thách thức. Để người dân có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống từ cây dược liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo, Thanh Hóa cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy tối đa lợi thế này.

Bài 1: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Diện tích rừng lớn, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, đa dạng, phong phú các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao… là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi xứ Thanh. Tuy nhiên, việc trồng, phát triển cây dược liệu ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiềm năng lớn

Thanh Hóa là tỉnh có quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp lớn, trên 890 nghìn ha, phân bố ở nhiều dạng địa hình với nhiều hình thái khí hậu; trong đó với trên 647 nghìn ha đất lâm nghiệp (156 nghìn ha rừng phòng hộ; 411 nghìn ha rừng sản xuất). Nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng với nhiều loài dược liệu quý.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa có gần 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như: Lan Kim tuyến, thiên niên kiện, thổ phục linh, hy thiêm, ngũ gia bì, quế, cà gai leo, kim ngân, ba kích, đinh lăng, mã tiền, nghệ vàng, hòe... tập trung ở các huyện miền núi.

Lan kim tuyến loài cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu đang được phát triển trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa.

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, không chỉ với diện tích rộng mà Thanh Hóa còn hội tụ nhiều dạng địa hình, hệ sinh thái khác nhau như: trung du – miền núi, vùng đồng bằng và miền biển nên có thảm thực vật đa dạng, phong phú. Cùng với đó, các quy định của Nhà nước về lâm nghiệp đang tạo điều kiện rất thuận lợi để Thanh Hóa phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng và giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Cụ thể, tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định rõ, chủ rừng được phép sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Do đó, người dân có thể trồng xen cây dược liệu với cây lâm nghiệp, vừa đảm bảo phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và khai thác, phát triển cây dược liệu ở các khu Bảo tồn thiên nhiên cũng đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện thông qua các đề tài nghiên cứu, các dự án khoa học... Hiện nay, Trung tâm nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai lưu giữ và bảo tồn gần 300 loài cây dược liệu đặc trưng của Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ; đang nghiên cứu giống và phát triển nhiều loài cây thuốc có giá trị.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hùng Tiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ đánh giá, Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu. Qua kết quả điều tra sơ bộ, Thanh Hóa có tới hàng nghìn loại dược liệu quý hiếm, khai thác chưa được nhiều. Những năm gần đây, các công ty sản xuất bào chế thuốc từ dược liệu vào đầu tư khá nhiều, tạo điều kiện cho việc mở rộng vùng nguyên liệu, khai thác và bảo tồn các dược liệu quý hiếm. Đặc biệt, hiện nay có một số dược liệu ở vùng ven biển như cây sa sâm mở hướng phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Nhiều chương trình hỗ trợ

Ngày 24/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi. Tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.500 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh. Trong đó, có 10 đối tượng mô hình dược liệu như: trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, bảy lá 1 hoa, tam thất, lan kim tuyến, màng tang, an xoa, sạ đen, ba kích, sa nhân tím, bách bộ, mạch môn đông, kim ngân hoa, ngải cứu, mạch môn đông, thiên môn đông, xuyên tâm liên…với quy mô dự kiến 394 ha, khái toán kinh phí hơn 96 tỷ đồng từ nguồn ngân sách các cấp và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tại huyện Lang Chánh, để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây thế mạnh của địa phương, trong đó có phát triển cây dược liệu. Ngày 26/7/2021, HĐND huyện Lang Chánh cũng đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Lang Chánh trong 2 năm (2021 – 2022).

Năm 2022, theo dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Lang Chánh, gia đình anh Hà Văn Tuấn, trú tại thôn Hắc, xã Trí Nang đã mạnh dạn đầu tư gần 3ha cây mạch môn đông. Dự toán ban đầu, gia đình anh đã đầu tư khoảng 80 triệu đồng/ha (bao gồm: cây giống, phân bón, nhân công). Tuy nhiên, theo dự án ngoài ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, gia đình anh được Công ty cổ phần Đông Nam Dược Miền Trung hỗ trợ 50% cây giống và huyện Lang Chánh hỗ trợ 25 triệu đồng/ha.

Cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp, HTX chuyển giao Khoa học – kỹ thuật cho người dân.

Tại huyện Quan Sơn, với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả công cuộc giảm nghèo bên vững. Tháng 3/2018, được sự quan tâm của UBND tỉnh Thanh hóa, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu” tại huyện Quan Sơn với quy mô 5 ha, trong đó có 2 ha hà thủ ô đỏ; 2ha thổ phục linh và 1ha cây mã tiền với 30 hộ dân tham gia. Kinh phí thực hiện dự án trên 3,5 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng, số kinh phí còn lại tự huy động các nguồn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn cho biết, sau khi có dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở đó huyện cũng đã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung có chất lượng cao tại Vũng Cộp, quy mô 250 ha. Đồng thời, mời doanh  nghiệp tư nhân sản xuất thuốc Y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nơi đây. Hiện đơn vị này đang thực hiện liên kết, đồng hành cùng người dân phát triển, mở rộng theo nhu cầu cung ứng của đơn vị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có khoảng 10 doanh nghiệp, 47 hợp tác xã (HTX) đầu tư, liên kết sản xuất dược liệu với người dân. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp thu mua dược liệu của người dân trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống thương lái.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa, với nhiều doanh nghiệp, HTX vào đầu tư khẳng định được tiềm năng phát triển của cây dược liệu của Thanh Hóa. Đây cũng là điều kiện để hình thành liên kết các chuỗi giá trị thông qua hợp tác phát triển vùng nguyên liệu của từng đơn vị, bổ trợ cùng nhau phát triển. Với vai trò của Liên minh HTX hiện nay đơn vị cũng đang tuyên truyền vận động các hợp tác tăng cường liên kết phát triển sản xuất, đặc biệt khai thác lợi thế từ cây dược liệu ở vùng miền núi.

Kết quả chưa tương xứng

Được biết, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha trồng dược liệu ngắn ngày và khoảng hơn 94.000 ha trồng dưới tán rừng, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc... Thế nhưng, hiện nay, với nhiều nguyên nhân khác nhau, một số địa phương cây dược liệu không thể cạnh tranh được với cây trồng khác, vẫn còn ở dạng tiềm năng.

Sau 2 năm trồng cây Bách bộ phát triển chậm, người dân lo lắng về sản lượng thấp.  

Đơn cử tại Xã Trí Nang, huyện Lang Chánh là một trong những xã đi đầu trong phong trào phát triển cây dược liệu của huyện, sau khi Nghị quyết HĐND huyện về phát triển cây dược liệu được ban hành, xã Trí Nang đã phát triển được được 7,5 ha cây dược liệu, nhưng chưa đem lại hiệu quả. Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho biết, thời gian qua, những cây dược liệu đưa vào trồng và cho thu hoạch chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Cùng với đó, một số cây được liệu mới đưa vào trồng chưa đến chu kỳ khai thác như: Bách bộ, mạch môn đông…chưa đánh giá được hiệu quả, trong khi cây sinh trưởng phát triển kém nên người dân chưa thực sự mặn mà, nhiều người dân chủ động chuyển đổi sang cây trồng có giá trị hơn.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, sau khi HĐND huyện ban hành Nghị quyết về phát triển cây dược liệu, toàn huyện đã phát triển được hơn 40ha. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng dược liệu chỉ còn lại hơn 10ha. Theo ông Tiến, nguyên nhân là do trên địa bàn huyện năng lực của doanh nghiệp liên kết còn yếu, kém, không đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, kỹ thuật canh tác của người dân còn nhiều hạn chế khiến cho năng suất, chất lượng sản phẩm thấp kéo theo đó thu nhập không đảm bảo nên người dân chuyển sang cây trồng khác.

Hiện nay, một số HTX đang liên kết với người dân các huyện miền núi Thanh Hóa để mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng đủ dược liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến trên cả nước. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn hỗ trợ ban đầu cho người dân nên vùng nguyên liệu phát triển “èo uột”, không đáp ứng đủ dược liệu, HTX đang phải liên kết, thu mua thêm dược liệu của một số đơn vị tỉnh ngoài như: Hòa Bình, Ninh Bình….

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông chia sẻ, HTX đang ký kết với một số công ty dược ở Hà Nội và TP HCM cung ứng khoảng 5 nghìn tấn dược liệu khô/năm. Hiện nay, HTX đang thực hiện liên kết với hàng trăm hộ dân của hai huyện Bá Thước và Cẩm Thủy để phát triển mô hình trồng dược liệu, với tổng diện tích hơn 55 ha, tuy nhiên sản lượng hàng năm mới chỉ đáp ứng được 1,5 nghìn tấn khô. Để đáp ứng nhu cầu, HTX đang tiếp tục liên kết mở rộng vùng trồng tại huyện Bá Thước và một số huyện lân cận, nhưng đang gặp nhiều khó khăn do chi phí hỗ trợ ban đầu cho người dân khá lớn.

Củ của cây bách bộ phát triển chậm so với dự kiến ban đầu.

Đáng nói, nhu cầu cần hỗ trợ là vậy, trong khi đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 24/11/2022. Trong đó, cây dược liệu có 10 đối tượng được phát triển ở một số huyện miền núi có tiềm năng lợi thế, với quy mô dự kiến 394 ha nhưng không có bất kỳ đơn vị nào đăng ký tham gia.

Ông Lê Đăng Ninh, Trưởng phòng KH&TH – Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi đề án được phê duyệt, thì cây trồng chỉ có duy nhất mô hình lúa nếp hạt cau được 2 đơn vị đăng ký phát triển là huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy, không có bất kỳ đơn vị nào đăng ký phát triển mô hình cây dược liệu.

Theo ông Ninh, nguyên nhân là do đất đai chưa tích tụ để quy hoạch được vùng trồng dược liệu tập trung; chưa có đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm; cơ chế hỗ trợ cây trồng, tập huấn khoa học kỹ thuật thấp… nên các đơn vị chủ trì liên kết không đăng ký tham gia.

Bài 2: Mô hình hiệu quả, cách làm hay

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • Hà Tĩnh: Gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ

    Hà Tĩnh: Gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ

    Hà Tĩnh có gần 100 ha cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ còn hiệu lực với các sản phẩm thế mạnh như: lúa, bưởi, cam,… góp phần tạo ra những giá trị mới trong sản xuất.

  • Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành Nông nghiệp

    Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành Nông nghiệp

    “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì chuyển đổi số, số hóa trong ngành Nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành Nông nghiệp tỉnh nhà” – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường nhấn mạnh.

  • Cơ hội mới cho ngành dừa

    Cơ hội mới cho ngành dừa

    Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm cho ngành dừa nhằm nâng cao chất lượng để xuất khẩu là mục tiêu mà nhiều địa phương đang hướng tới.

Top