Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024 | 13:16

Nông dân phấn khởi thu hoạch “lộc trời”

“Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm”, cứ đến hẹn rươi lại về, một sản phẩm được ví như “lộc trời” ban tặng cho người nông dân ở một số địa phương. Con rươi từ nhiều năm qua đã trở thành nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng bãi ven sông ở Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình…

Sau khi làm rạch, rươi được được đóng thành từng hộp 0,5 - 1kg, rươi đóng hộp đến đâu, thương lái lấy đến đó.Sau khi rửa sạch, con rươi sẽ được cho vào túi lưới treo lên cho róc nước. 

Nông dân tất tả thu “lộc trời”

Hải Phòng là một trong số ít những địa phương có loại đặc sản đặc biệt -con rươi. Rươi có nhiều dinh dưỡng, thơm, ngậy và ngon khi được chế biến đúng và đủ vị nên được nhiều người ưa chuộng.

Từ đầu tháng 9 (âm lịch), bà con nông dân bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị chờ từng con nước thủy triều về để thu hoạch. Các đầm được nông dân cải tạo đất tơi xốp, chờ con nước lên để thu hoạch rươi.

Ông Nguyễn Văn Viết, thôn Kim Ngân, xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo - TP. Hải Phòng) thu hoạch rươi trong đầm.

Có mặt tại khu vực cánh đồng thôn Kim Ngân (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo) vào một ngày đầu tháng 10 (âm lịch), đúng thời điểm người dân địa phương đang vào vụ thu hoạch rươi ở con nước thứ 2. Đến đây chúng tôi cảm nhận rõ không khí phấn khởi, tất tả thu hoạch rươi của bà con nơi đây, trên khắp các cánh đồng tấp nập người qua lại, rộn rã tiếng cười nói.

Người dân nơi đây ví con rươi như “lộc trời” ban tặng vì không phải mất tiền mua giống, không mất nhiều công chăm sóc như những con vật khác mà lại cho thu nhập cao.

Theo quy luật, rươi chỉ xuất hiện nhiều vào con nước từ đầu tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, mỗi con nước có 2-3 ngày rươi nổi. Nước lên đến đâu, rươi nổi lên đến đấy. Khi con nước bắt đầu xuống, người dân dùng “săm” - dụng cụ làm bằng lưới mắt rất nhỏ, đem chặn ở các cửa nước chảy để bắt rươi. Khi vào chính con nước, rươi vừa nhiều vừa to con hơn.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Viết (54 tuổi, thôn Kim Ngân, xã Vĩnh An) cho hay: “Năm nay rươi của gia đình có sớm, từ tháng 9 đã được thu hoạch. Mỗi con nước được thu hoạch 2-3 ngày, gia đình tôi bán buôn tại ruộng 200.000 - 300.000 đồng/kg, tùy từng loại và theo ngày. Với 4 sào ruộng rươi (1 sào Bắc Bộ = 360m2), năm 2023 thu được 70kg/sào, cả vụ cũng thu về gần 3 tạ rươi thương phẩm. Năm nay, chất lượng con rươi bé hơn và giá thu mua cũng thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phấn khởi vì so với làm ruộng, nghề rươi vẫn đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần”.

Đang nhanh tay thu hoạch rươi của con nước tháng 10, bà Phạm Thị Min (68 tuổi, xã Vĩnh An) cho biết, trước kia đồng ruộng còn nhấp nhô, chưa được quy hoạch. Mỗi lần đến nước rươi, người làm ruộng hò nhau đi vớt thủ công bằng vợt nhỏ như bàn tay, nhà nào vớt được thì ăn. Lúc đó, rươi cũng chẳng có nhiều như bây giờ, năm có năm không, rất thất thường.

“Sau này, khi rươi nhiều hơn, giá cả ổn định, người dân mới bảo nhau làm ruộng để thu hoạch rươi. Nhiều năm trở lại đây, gia đình không cấy lúa nữa mà chỉ dọn cỏ, cày xới cho đất tơi xốp để cuối năm thu rươi. Từ đầu mùa tới nay, với 7 sào ruộng, gia đình thu được gần 1 tạ rươi, bán với giá 240.000 đồng/kg cho thương lái tại ruộng. Đây là thời điểm rươi nhiều và to béo nhất nên rươi vớt tới đâu, thương lái thu mua tới đó. Trước và sau những ngày chính vụ, tôi vẫn thu hoạch được rươi nhưng ít hơn”, bà  Min phấn khởi nói.

Theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, rươi chỉ sống ở môi trường sạch, vùng nước lợ, gần cửa sông, có thủy triều. Người dân sẽ đắp bờ, chia luồng lạch, cải tạo đất làm môi trường cho rươi sinh trưởng.

Đối với diện tích cấy lúa 1 vụ thì quá trình canh tác cứ để cho lúa phát triển tự nhiên, tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nào. Còn không cấy thì cứ để nguyên ruộng, vẫn bón phân gà, trấu cho đất được tơi xốp, màu mỡ.

Rươi sau khi vớt lên sẽ được nhặt hết tạp chất, rửa qua 3-4 lần nước rồi để ráo.

Sau khi rửa sạch, con rươi sẽ được cho vào túi lưới treo lên cho róc nước.

Sau khi làm rạch, rươi được được đóng thành từng hộp 0,5 - 1kg, rươi đóng hộp đến đâu, thương lái lấy đến đó.

Tạo thương hiệu cho rươi

Nhiều năm trở lại đây, rươi không còn là thức ăn bình dân mà trở thành đặc sản với mức giá không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để ăn hàng ngày. Với giá trị kinh tế mà rươi mang lại, nông dân các vùng bãi ven sông của Hải Phòng, Hải Dương đã gắn bó lâu dài với nghề.

Nhà ít canh tác vài sào, nhà nhiều canh tác vài chục mẫu ruộng rươi. Có vụ, nhiều chủ đầm thu hàng chục tấn rươi, mang lại hàng tỷ đồng.

Những ngày này, cảnh thu mua rươi cũng tấp nập không kém. Anh Dương Đức Trung (SN 1988, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết, đã làm nghề nuôi và thu mua rươi hơn 10 năm nay. Gia đình hiện canh tác hơn 7ha ruộng rươi tại hai địa phương Hải Dương và Thái Bình.

Cảnh thu mua rươi tại cơ sở của gia đình anh Dương Đức Trung luôn tấp lập người qua lại.

“Tôi đi lên từ việc làm ruộng rươi, tuy nuôi rươi không cần quá nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng con rươi rất nhạy cảm với hóa chất, môi trường ô nhiễm, do đó, cần đảm bảo nồng độ ôxy, độ mặn, độ PH, nước trong đầm luôn sạch để có hệ sinh thái tốt nhất cho rươi sinh trưởng, phát triển. Khi đã có kinh nghiệm thì tôi dần mở rộng diện tích canh tác. 4 năm trở lại đây, tôi làm thêm cả việc thu mua và tiêu thụ rươi cho người dân địa phương. Chất lượng rươi năm nay không đồng đều, đẹp mã như năm trước, giá thu mua cũng thấp hơn”, anh  Trung cho biết thêm.

Ông Lương Văn Giá, chủ một ruộng rươi tại xã Vĩnh An, cho biết, dù theo nghề rươi hàng chục năm nay, thế nhưng không chủ động được giá đầu ra cho sản phẩm. Thương lái đến thu mua trả giá bao nhiêu, chúng tôi bán bấy nhiêu. Nhiều lúc biết giá thấp nhưng vẫn phải ngậm ngùi giao hàng. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng xem xét có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tìm đầu ra, tạo thương hiệu sản phẩm từ rươi để thị trường tiêu thụ rươi được ổn định, giúp bà con gắn bó lâu dài với nghề.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top